Loading
Site map
Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Tài LiŒu Vi‰t vŠ Táo Quân ViŒt Nam

              Hôm nay ngày 23 tháng chạp âm lịch, nhiều gia đình VN có người lớn tuổi vẫn còn theo phong tục làm lễ cúng, tiễn đưa ông Táo về Trời.Táo quân sẽ cưỡi Cá Chép bay về Trời trước 12 giờ trưa, đem theo tờ Sớ dài ghi chép đầy chữ để trình báo với Ngọc Hoàng mọi việc xảy ra trong gia đình, kể cả những lỗi lầm từ nhỏ đến lớn của từng người trong nhà để Ngài trừng phạt bằng cách giảm thời gian sống trên đời. Cho đến trước giờ giao thừa, Táo Quân phải trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Bàn thờ ông Táo thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Vì Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu trong nhà, cho nên người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng khá trang trọng, trước là để cảm ơn Táo quân đã phù trợ cho gia đình êm ấm trong suốt năm qua; sau là để “hối lộ” bằng những phẩm vật ngon lành mong Táo chỉ trình với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp. Trên mâm cúng thường dâng hai mũ cánh chuồn cho hai Táo ông, một mũ cho Táo Bà không có cánh chuồn; thức ăn thì bánh trái, thêm vàng mã để đốt và nhất là phải có cá Chép [sống hay chết cũng được] để làm phương tiện Táo quân cưỡi cá chép lên trời. Càng tiến dần vào trong Nam thì tục cúng ông Táo về trời có một chút thay đổi, và lễ tiễn Táo Quân ở miền Bắc với một nghi lễ không thể thiếu là Cá Chép là mang tính nguyên thủy hơn cả.

                Chúng ta tuổi đời đã trên 60 tuổi, đã sống ở mọi nơi và đã qua  những ngày tháng cũ mà cha mẹ hay làng xóm còn giữ tục lệ dễ thương là đến ngày 23 A.L đưa Táo quân về trời. Không riêng gì chúng ta, mà rất nhiều người VN cho rằng tục lệ cúng ông Táo ngày 23 tháng chạp là do người Hán du nhập vào VN. Ngược lại, theo tác giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh thuộc T.T Nghiên cứu Lý học Đông phương và những nhà nghiên cứu khác chứng minh là người Việt cổ có một nền văn hiến lâu đời và sáng chói, trãi gần 5000 năm ở phía Nam lưu vực sông Dương Tử. Khi những bộ tộc phía Bắc chinh phục và thu nhập những nét văn hóa của ta vào văn hóa của họ và qua mấy nghìn năm Bắc thuộc, nhiều sự việc văn hóa, chúng ta tưởng chừng như của họ nhưng thực chất là của tổ tiên ta, ngay cả phong tục đưa Táo vể Trời. Cả hai nước đều có lễ tục dân gian này vào ngày 23 tháng chạp A.L, nhưng truyền thuyết mỗi nước một khác. Theo Wikipedia thì Táo quân hay Táo Vương  là vị thần coi việc bếp núc trong mổi nhà. Danh từ Táo có nghĩa là BẾP. Bếp là biểu tượng của ngôi nhà khi người nguyên thủy biết làm nơi ẩn trú và làm ra lửa và xây bếp dựa trên nền đất [ngày xưa nấu bếp ngồi dưới đất].

                 Trung Hoa có 4 truyền thuyết chính về nguồn gốc Táo quân: sách của Lã thị Xuân Thu cho Táo quân là Chúc Dung được Viêm Đế [Vua Thần Nông] phong làm thần Lửa; Ngũ Kinh Dị Nghĩa thì cho rằng Táo quân là Tô Cát Lợi; còn theo Du Dương Tạp Trở thì Táo quân là một cô gái đẹp tên Tử Quách thường hay lên trời vào những đêm không trăng để tâu trình Ngọc Hoàng những người có lỗi và cuối cùng theo truyện của Hoài Nam Tử nói Táo quân chính là Viêm Đế [vua Thần Nông] mang lửa đến cho dân. Tất cả các truyền thuyết trên đều nhắc đến một cá nhân, lo việc bếp núc gọi là thần bếp, mang tính cách phong tục, tín ngưỡng thuần túy mà không có tình nhân văn và triết lý sâu sắc, tình tiết éo le, cảm động như chuyện Táo quân VN. Nội dung truyền thuyết của VN liên hệ chặt chẻ, hợp lý với nội dung quẻ Ly trong kinh Dịch [mà nhiều học giả nghiên cứu cho rằng cũng xuất phát từ nền văn minh phía Nam sông Dương Tử của người Việt cổ]. Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ nhưng được dân gian hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà," gồm vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo do kết quả của thuyết “Tam vị nhất thể” (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo.

                 Truyền thuyết này hiện nay vẫn còn lưu truyền trong văn hóa Việt, như sau:

                 Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ quá nặng tay. Thị Nhi giận hờn bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Một ngày nọ Trọng Cao đến ăn xin đúng vào  nhà vợ cũ là Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi thương cảm, tha thứ và tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Ngay lúc đó, người chồng gá nghĩa Phạm Lang đột nhiên trở về nhà. Sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, và sinh ra ghen tuông nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà, liền ra sau vườn đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt vô tình của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ nhảy vào lữa không biết vì sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để cứu và chết theo vợ. Hồn ba người kéo nhau lên Thiên đình nhờ Ngọc Hoàng phân xử. Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), vì tình mà chết trong lửa nóng của họ. Ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bằng cách phong Thần và cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp. Từ đó, ba người được phong chức Táo Quân trông nom nhà cửa, giữ lửa bếp cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ xem chừng mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người để báo cho Ngọc Hoàng biết. Thật khôn khéo, ngài cho mỗi người một phần hành riêng “không dẩm chân lên nhau” mà lại hồ trợ nhau chặt chẽ:

                   *Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp.
                   *Trọng Cao làm Thần trông coi việc nhà cửa.
                   *Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa.

                   Qua câu chuyện truyền thuyết của dân gian Việt Nam ta thấy tính nhân văn sâu sắc: một người phụ nữ VN nặng tình thương với người chồng mới, nhưng cũng nặng nghĩa cảm thông và tha thứ cho người chồng cũ, nên mới rơi vào cảnh oái ăm, đau thương là chịu chết cháy cả ba người. Điều an ủi là cả ba được sum họp cùng sống chung trong một nhà, hòa thuận. Chúng ta thấy rằng hình ảnh hai ông một bà - tức một Âm hai Dương, trùng khớp với quẻ Ly trong Kinh Dịch và tương hợp với thuyết ba ngôi trong tôn giáo.

                    Trong ký ức của những người quá già trên 80 tuổi, nhất là ở nông thôn miền Bắc vẫn còn nhớ bếp của người Việt cổ ngày xưa, chỉ có ba miếng đất gọi là: “Ba ông đầu rau.” Nét độc đáo là khi tạo bếp bằng đất sét,  người thợ nặn lấy ngón tay ấn nhẹ vào giữa một trong ba miếng đất này, tạo thành một vết lõm tròn. Ý nghĩa của vết lõm này mà tiếng Việt cổ gọi là "Cái,' hiểu nghĩa trong truyện là Táo bà, nên tính Âm mới bao trùm lên tất cả. Bởi thế tính Âm mới làm cái, làm chủ bếp, “làm xếp” hai ông Táo kia là vậy! Trong bức tranh dân gian làng Đông Hồ cũng có Táo Bà ngồi giữa hai Táo Ông. Quẻ Ly cũng thuộc Hỏa và biểu tượng cái bếp đất trong truyện dân gian là "cả ba người cùng chui trong đống lửa." Một hình ảnh nữa gắn liến với lễ đưa ông Táo chính là con cá Chép. Tại sao về Trời mà Táo quân cưỡi cá Chép mà không cưỡi Chim. Con cá Chép thuộc về hành Thủy, hình tượng của“thiên nhất sinh thũy- Địa lục thành chi.” Táo quân cưỡi cá chép, chính là biểu tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế theo kinh Dịch.

.                   Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì Ông Táo về Trời đúng ngày 23 tháng chạp mà không phải ngày khác vì đó là ngày của sao Ngũ Hoàng nhập trung theo chu kỳ cửu cung. "Vạn vật qui ư thổ" hay  theo thuyết Âm Dương Ngũ hành thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của ngũ hành vào tháng cuối cùng trong năm. Kết thúc chu kỳ Ngũ hành vào ngày 23, đồng thời cũng kết thúc một chu kỳ 64 quẻ Dịch. Biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hóa trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn còn tiếp tục để sang một năm mới tốt lành. Hành Thổ thuộc trung cung thuộc ngôi Hoàng cực chi phối Ngũ Hành. Táo quân là vua gọi là Táo Vương nên những ngày mồng 5, 14, 23 âm lịch là những ngày nguyệt kỵ theo lý Đông phương, còn theo dân gian đó là những ngày vua di hành, dân không được đi ra ngoài, [vì gặp đoàn tùy tùng của Vua, dân phải quỳ mọp có khi cả ngày trời, không dám ngẩng mặt lên, làm sao mà đi chơi, làm ăn buôn bán gì được]. Những bức tranh dân gian như tranh làng Đông Hồ có vẽ đàn lợn với một lợn mẹ và năm lợn con, và tranh một cá Chép mẹ với năm con cá con.Vào những ngày này hiện nay vẫn còn có những người quá mê tín dị đoan cho là ngày xấu không đi xa, buôn bán làm ăn… qua câu ca dao
                          
                                              Mồng năm, mười bốn, hăm ba
                                              Đi chơi cũng lỗ, lọ là đi buôn
.

                    Về giới tính thì Táo quân phải là người đàn bà vì việc bếp núc, nấu ăn, điều tra phân xử mọi việc trong nhà là người đàn bà :”tề gia nội trợ.” Bức tranh dân gian Việt hiện nay vẽ ba vị Táo Quân áo quần nghiêm chỉnh mà  theo các nhà nghiên cứu nội dung được sáng tác kể từ hàng ngàn năm sau khi nền văn minh Văn Lang sụp đổ ở miến Nam sông Dương Tử. Bởi vì, trong phong tục còn giữ lại được đến ngày nay trong dân gian Việt thì Táo Quân không mặc quần. Chính chiếc mũ Ông Công, Ông Táo được bán đầy ở khắp thôn quê ngày xưa lại được cách điệu bằng giấy của chiếc mũ trên chiếc trống đồng mà các vua Hùng đội.

                     Tóm lại phong tục thờ ông Táo hiện nay vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình VN, nhất là ở nông thôn. Một số gia đình có người lớn tuổi ở thành thị cũng còn thờ Táo quân trong nhà bếp. Mặc dù không còn nấu ăn bằng bếp đất sét “ba đầu rau,” mà thay bằng bếp than, dầu, khí đốt, điện hay microwave… nhưng họ vẫn còn bàn thờ ông Táo như ông Thần coi sóc việc nhà, giữ gìn sức khỏe cho trẻ nhỏ. Mỗi khi dọn về nhà mới, các bà nội trợ thường coi ngày tốt, dọn vào cái bếp trước, đốt lửa nầu nước rồi sau đó muốn dọn nhà vào ngày nào cũng được. Còn trong sinh hoạt thường ngày các bà hay đốt nhang khấn vái Ông Táo che chở gia đạo đươc êm ấm. Mỗi khi trong gia đình có chuyện buồn, lo lắng thì đốt nhang cầu nguyện, thậm chí khi mất chùm chìa khóa, mất tiền hay con cháu bị bệnh… cũng nhờ Ông Táo có linh thiêng cứu giúp và chỉ giùm với lời hứa sẽ cúng chè, xôi khi được như ý. Cũng thật vui và trùng hợp nhiều khi lại tìm ra ngay sau đó không lâu, nên óc mê tín lại càng nặng thêm. Nếu giải thích theo Y khoa có lẽ do tâm lý ổn định khi cầu xin, tin tưởng được sự giúp đở của Thần nên tinh thần sáng suốt, nhớ lại mọi chuyện. Trong các làng quê xưa của VN, dưới gốc cây đa cổ thụ, người ta hay đem những bếp lò bằng đất sét hư, bể mà không dám vứt bừa bãi vì sợ mang tội với Ông Táo.

                      Tục lệ thờ cúng Táo quân chắc trong tương vài mươi năm nữa sẽ không còn tồn tại vì cuộc sống càng ngày với những tiện nghi và khoa học soi rọi vào tận những sinh hoạt của giới trẻ Việt Nam. Thật ra phong tục này cũng là một nét văn hóa đẹp, nếu xét về mặt tích cực. Có một niềm tin vào Ông Táo trong nhà, khi làm việc gì xấu ta sợ sẽ bị Thần Táo biết và bẩm báo với Ngọc Hoàng trừng trị hạ bớt tuổi thọ của chúng ta  nên cũng là một cách tu tâm dưỡng tánh. Có điều tâm lý con người hay mê tín, quá lo sợ nên việc thờ cúng Ông Táo có những cái xấu tiêu cực như bài vị phải có chữ Nho mới linh, hay đốt quá nhiều nhang, vàng bạc, hình nộm làm tốn kém, ô nhiễm. Cúng tiễn ngày Ông Táo về Trời lại quá rình rang tốn kém giống như là hình thức hối lộ cho Ông để Ông về Trời bẩm báo tốt cho mình.

                      Cuối cùng nếu các nhà nghiên cứu văn hóa VN có nhiều dữ liệu chính xác, có cơ sở tài liệu chứng minh bằng các phương pháp lý luận biện chứng, khoa học  thì ta có quyền  hãnh diện dân tộc Việt có một nền văn hóa cổ xưa sáng chói ở phía Nam lưu vực sông Dương Tử bên Trung quốc. Hiễn nhiên đó cũng là một buồn nhục, đau đớn của một dân tộc nhược tiểu không có duyên may và tài trí để gìn giữ được nền văn hiến một thởi rực rỡ này.Tôi chỉ muốn dùng chữ văn hiến chứ không dùng chữ văn minh, vì từ xưa đến nay VN chưa bao giờ được xếp vào loại văn minh bao giờ.
                                                  

Vy Kính [ ngày giáp Tết Tân Mão 2011]
images
20110116223936
157842-images13075_Taodocso[1]
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010