Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Tiếng nói của Sinh Viên Y Khoa
Gửi Nghiêm Sỹ Tuấn
và các Bạn Nhóm Tình Thương
VẬY MÀ ĐÃ 46 NĂM RỒI
Thời gian ở trường Y khoa, đó thực sự là những năm xanh của một đời người. Không phải chỉ có học, chúng tôi còn có những bận rộn ngoài chuyên môn y khoa như hoạt động sinh viên và cùng với các bạn trông nom tờ báo Tình Thương. Tờ báo ấy ra đời trong một hoàn cảnh và thời điểm đặc biệt ngay sau biến động tháng 11 năm 1963. Ý kiến ra báo có lẽ là từ nhiều người, như các anh Trần Xuân Ninh, Phạm Đình Vy, Phạm Văn Lương… Với manchette báo mang tên Tình Thương, ban đầu do Phạm Đình Vy đứng tên Chủ nhiệm, Nguyễn Vĩnh Đức Chủ Bút, Trần Xuân Dũng Tổng Thư ký, Nghiêm Sỹ Tuấn Thư ký và Vũ Thiện Đạm là Thủ quỹ. Với đường lối được ghi dưới tên báo: cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của sinh viên Y khoa.
Khởi đầu với danh sách một ban biên tập khá hùng hậu; phải nói là có nhiều khuynh hướng trong tòa soạn ngay từ những ngày đầu cho tới khi báo bị đình bản [tháng 08 năm 1967]. Có thể điểm qua những khuynh hướng ấy:
_ Khuynh hướng đại học/ academic phải kể tới Nghiêm Sỹ Tuấn (y sĩ Nhảy Dù sau ngày ra trường đã tử trận ở Khe Sanh 1968), Đặng Vũ Vương [Mỹ], Bùi Thế Hoành [Mỹ, đã mất], Hà Ngọc Thuần [Úc], Nguyễn Vĩnh Đức còn có thêm bút hiệu Tô Tam Kiệt dùng cho các bài viết văn nghệ [Canada, đã mất]. Đặng Vũ Vương được biết tới rất sớm qua những bài viết sắc sảo về Y khoa Nhân Bản và Tinh Thần Đại Học ngay từ những số đầu của Tình Thương. Riêng Bùi Thế [bút hiệu của Bùi Thế Hoành] với những bài khảo luận “ngược dòng” như Thử tìm hiểu đám đông, Tính dục trong sinh hoạt tôn giáo thì luôn luôn “gây sốc” và cả dư luận chống đối.
_ Sinh hoạt văn nghệ : với Lê Văn Châu [Trang Châu, Canada] phụ trách trang thơ, sau này ra trường với tập bút ký Y Sĩ Tiền Tuyến mà các chương đầu tiên đã được đăng trên Tình Thương; Đỗ Nghê [Đỗ Hồng Ngọc, Việt Nam] với các bài thơ nổi tiếng từ Tình Thương như Thư cho bé sơ sinh, Cổ tích về ngôn ngữ, Lời Ru…Hằng Hà Sa [Tôn Thất Chiểu, Mỹ] với thơ và tùy bút Khói Bay Mây Bay. Đặng Đức [Đặng Đức Nghiêm, Mỹ] với Thế Giới Trường Thuốc. Trần Đoàn [Mỹ] với “Thằng Cu hay Cái Bướm, trai hay gái theo ý muốn” bài đăng nhiều kỳ. Phạm Đình Vy với bút hiệu Phạm Hồng cũng rất văn nghệ qua Những Lá Thư Viết Từ Bệnh Viện.
_ Riêng trang phiếm luận “Ngang Dạ” với logo là một biếm họa qua nét vẽ tài hoa của Hoàng Thiện Căn trên mỗi số báo là một tiết mục vui tươi được nhiều người đọc, do các cây viết như Trần Xuân Dũng [Úc], Trần Đông A [Việt Nam], Nguyễn Thanh Bình [Canada], Trần Mộng Lâm [Canada, còn là trưởng ban truyện ngắn]. Trang “Thế Giới Chúng Tôi” do Đỗ Hữu Tước [Đỗ Trần, Mỹ] phụ trách, là tạp ghi những mẩu chuyện liên quan tới thế giới những người Áo Trắng. Ra hải ngoại, Trần Xuân Dũng thì vẫn sắc sảo như độ nào với các bài phiếm luận trên Tập San Y Sĩ .
_ Thiên về chính trị Phạm Văn Lương [Việt Nam, đã mất trong tù cải tạo sau 1975], Trần Xuân Ninh [Mỹ], Phạm Đình Vy [Pháp], Hà Xuân Quỳnh [Cát Quỳnh, Canada], Đường Thiện Đồng [Mỹ, đồng thời làm cho báo US & News Report], Trương Thìn [Lê Trương, Việt Nam].
_ Những cây viết khác mà tôi còn nhớ được như Lê Sỹ Quang [Mỹ, đã mất], Nguyễn Tường Giang [Mỹ], Vũ Văn Dzi [Mỹ], Dương Hồng Huy [Canada], Ngô Thế Quý, Phạm Bá Lương, Phan Giang Sang, và giai đoạn sau có thêm Vương Ngọc Lâm [Pháp], Vương Ngọc Phát [Pháp, đã mất]… Về trang sinh hoạt sinh viên, thời sự, phóng sự do Ngô Thế Vinh và Phạm Đình Vy. Phụ trách Hộp Thơ và trả lời thư tín do Trang Châu.
_ Các Bạn đồng môn như Nghiêm Đạo Đại [Mỹ], Trần Công Phát [Pháp], Trần Nguyên Tường [Việt Nam, đã mất], Phạm Văn Hanh [Mỹ], Đỗ Thị Văn [Việt Nam, Ủy viên hoạt động xã hội ] Đặng Ngọc Cương [Mỹ, Đoàn Cấp Cứu Thường Trực Y khoa 1964] và những anh chị khác nữa đã cùng góp sức với sinh hoạt Tình Thương mà nay không thể nhớ hết… và cũng không thể không kể tới số bài viết từ những phân khoa khác như Bùi Khiết bên Dược khoa, và cả các cây viết bên ngoài như thơ Lữ Quỳnh, Ninh Chữ, Từ Kế Tường, Nguyễn Đắc Xuân…
_ Về trình bày và biếm họa cho tờ báo chủ yếu là hai họa sĩ cây nhà lá vườn rất tài hoa là Liza Lê Thành Ý [Canada], Kathy Bùi Thế Khải [Pháp], có thêm cả Hoàng Thiện Căn [Mỹ, đã mất] và không thể không nhắc tới một tài năng của hội Họa Sĩ Trẻ là Nghiêu Đề [Mỹ, đã mất] cũng đóng góp những mẫu bìa rất đẹp cho các số báo Xuân lúc đó như Bách Khoa và Tình Thương.
Tuy là báo sinh viên nhưng cũng có các bài viết khá thường xuyên của các Giáo sư Y khoa. Như GS Trần Ngọc Ninh [Mỹ] viết về các vấn đề Giáo Dục và Tinh Thần Đại Học, hai Giáo Sư Nguyễn Đình Cát [Canada, đã mất] và Bằng Vân Trần Văn Bảng [Pháp, đã mất] viết về các đề tài Văn chương và Y khoa, GS Ngô Gia Hy [Việt Nam, đã mất] viết về phân tích chính trị thời sự, Bác sĩ Vũ Thị Thoa [Pháp] từ BV Nhi Đồng cũng viết bài đăng tải trên Tình Thương…
Giáo sư Khoa Trưởng Phạm Biểu Tâm [Mỹ, đã mất] đã tỏ ra tâm đắc với manchette mang tên Tình Thương mà thầy cho rằng ý nghĩa rất phù hợp với chức năng của những người Áo Trắng và thầy Tâm có viết một bài Editorial để giới thiệu tờ báo. Không nhiều biểu lộ nhưng báo Tình Thương luôn luôn được sự hỗ trợ tinh thần của Giáo sư Khoa Trưởng. GS Trần Ngọc Ninh thì nhận định về báo Tình Thương như sau: “ Các sinh viên Y khoa chủ trương một tờ nguyệt san lấy tên Tình Thương từ 1963, tư tưởng hướng về nhân bản theo cái nghĩa đương thời thuở ấy và một xã hội lý tưởng không chủ nghĩa bắt đầu hình thành từ đó” [trích Tựa cho ấn bản tiếng Anh Vòng Đai Xanh/ The Green Belt 2003].
MỘT TÒA SOẠN TÌNH THƯƠNG
Rất sớm, ngay từ đầu báo Tình Thương có được sự độc lập về tài chánh, tờ báo sống nhờ quảng cáo từ các viện bào chế như Roussel, Tenamyd, OPV, Phạm Doãn Điềm, Trang Hai… và với số tiền báo bán được trong giới sinh viên Y khoa. Cách phát hành “self service” báo Tình Thương mỗi đầu tháng trong khuôn viên trường Y Khoa [28 Trần Quý Cáp, Sài Gòn] là một nét sinh hoạt đáng ghi lại: chồng báo mới khoảng 50 số còn thơm mùi giấy mực đem về từ nhà in Trường Sơn, được bầy trên một chiếc bàn gỗ dài nơi hành lang trước giảng đường. Không có ai đứng bán báo mà chỉ có một hộp giấy nhỏ bên chồng báo; thường số lượng báo tiêu thụ hết trong ngày và số tiền bán báo cuối ngày được thu về đầy đủ.
Cũng không lâu sau đó, số độc giả Tình Thương ngày một tăng thêm, không phải chỉ trong giới sinh viên mà cả ngoài dân chúng nữa, qua hệ thống phát hành báo chí tới các sạp báo và nhà sách về tới các tỉnh, ra xa tới tận miền Trung .
Khoảng tháng Sáu năm 1964, Tình Thương đã có đủ phương tiện để thuê một tòa soạn khang trang có cả thư ký, ở địa chỉ: 103 Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn, chỉ cách nhà Vũ Thiện Đạm một căn và không xa đài Phát Thanh Sài Gòn, đầu đường Phan Đình Phùng, cũng là mục tiêu rất sớm phải chiếm lãnh của các phe đảo chánh lúc đó. Tòa soạn cũng là nơi phải chứng kiến những cuộc biểu tình dắt dây đi qua các đường phố với giáo mác gậy gộc và mục tiêu nào sẽ bị tấn công cũng rất là bất trắc. [Hình 1]
Đến Tình Thương Số 9, thành phần Tòa Soạn được bầu lại với sắp xếp như sau: Chủ nhiệm Phạm Đình Vy, Chủ bút Nguyễn Vĩnh Đức, Tổng thư ký Ngô Thế Vinh, Thư ký Nghiêm Sỹ Tuấn, Thủ quỹ Vũ Thiện Đạm, Quản lý Trương Thìn. Cùng với các trưởng ban: Quan Điểm Đặng Vũ Vương, Khảo Luận Hồ Tấn Phước, Truyện Ngắn Trần Mộng Lâm, Thơ Trang Châu, Sinh Hoạt Y Khoa Đặng Ngọc Cương, Bàn Tay Nắm Lấy Bàn tay Ngô Thế Quý / Lê Sỹ Quang, Thế Giới Chúng Tôi Đỗ Trần, Sinh Viên và Đại Học Nghiêm Đạo Đại. [trang 1, TT 09/ 1964]
Tòa báo Tình Thương trước hết là nơi sinh hoạt hội họp của ban biên tập, cũng là địa điểm thăm viếng của các bạn y khoa và các phân khoa khác, có cả các phái đoàn sinh viên quốc tế như WUS / World University Service và các nhà báo ngoại quốc tại Việt nam thời bấy giờ như một người Nhật mà tôi còn nhớ tên là Takashi Oka phóng viên của báo Christian Science Monitor & New York Times, Jean-Claude Pomonti ký giả báo Le Monde và cả Phạm Xuân Ẩn làm cho hãng thông tấn Reuters, báo Times trong chiến tranh Việt Nam… [ mãi tới sau 1975, mới được biết Phạm Xuân Ẩn là tình báo chiến lược của Hà Nội, nhưng rồi bị thất sủng vì bị xem là “hủ hóa” trong thời gian hoạt động ở Miền Nam, và đã mất năm 2006].
Báo Tình Thương còn có khả năng - dĩ nhiên bằng phương thức nghèo, gửi phóng viên như tôi lên Cao nguyên, ra miền Trung, để làm những phóng sự đặc biệt tại chỗ. Vài kỷ niệm mà tôi còn nhớ từ những chuyến đi đó: những lần lên Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột để theo dõi các vụ bạo loạn của người Thượng thuộc phong trào Fulro [Front Unifié de Libération des Races Opprimées] khởi xuất từ các trại Lực Lượng Đặc Biệt do người Mỹ thiết lập. Tới một Quảng Ngãi trắng khăn tang sau vụ lũ lụt lớn nhất Miền Trung [1964] với các đoàn sinh viên từ Sài Gòn ra cứu lụt. Chứng kiến đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Lệ Mỹ/ nước mắt người Mỹ [03/1965] ở Đà Nẵng - khởi đầu cho giai đoạn Mỹ hóa cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ghi nhận sinh hoạt cố đô Huế khi nhóm Sinh viên Tranh đấu chiếm đài phát thanh… Những chương sách đầu tiên của tiểu thuyết Vòng Đai Xanh được hình thành trong giai đoạn này.
Cùng với Nguyệt San Tình Thương Y khoa, hình như trong giai đoạn đó không có phân khoa đại học nào mà không có ra báo như Đất Sống của Dược khoa, các báo của Văn Khoa, Luật khoa, rồi báo của Tổng hội Sinh viên…
Theo tôi sự bền bỉ sống còn của tờ báo Tình Thương là điểm thành công đầu tiên, cho dù không thiếu sóng gió trong sinh hoạt nội bộ của tòa soạn và có cả áp lực từ bên ngoài muốn ảnh hưởng chi phối tờ báo. Tờ báo có một cơ chế hoàn toàn độc lập đối với các Ban Đại Diện Sinh viên Y khoa luôn luôn biến động của thời bấy giờ.
Mới ra được 9 số báo, vấn đề nhuận bút tinh thần Tình Thương cũng được đem ra thảo luận: ngoài báo biếu tác giả bài viết, nhuận bút có thể là một “phiếu mua sách” tương đương chứ không phải là hiện kim.
Và cho dù đã có một tòa soạn trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Nhưng việc tòa soạn nằm ngoài phạm vi trường Y khoa chỉ là tạm thời tuy cần thiết cho sinh hoạt,. Một dự án xây cất trụ sở báo Tình Thương bằng vật liệu nhẹ trong sân trường Y khoa 28 Trần Quý Cáp đã được hoạch định - để gây không khí sinh hoạt đông đảo và cũng là vấn đề ‘tự vệ’ của tòa báo. Một ủy ban xây cất và ban bảo trợ được thành lập với phần họa đồ do kiến trúc sư Lê Quý Phong đảm trách” [trang Sinh hoạt Y khoa, Tình Thương 09/1964].
Đây phải kể là một “tầm nhìn xa” của sinh viên Y khoa trong nhóm Tình Thương nhưng do những xáo trộn thời cuộc liên tiếp và rồi tới giai đoạn Đại học Y khoa di chuyển sang trường sở mới trên đường Hồng Bàng Chợ Lớn, nên kế hoạch xây cất trụ sở Tình Thương phải bỏ dở dang và cho đến nay cũng rất ít ai còn nhớ.
NỘI DUNG BÁO TÌNH THƯƠNG
Về nội dung tờ báo, nay có dịp nhìn lại, ngoài những mục thường xuyên có tính thời sự đáp ứng nhu cầu chính trị xã hội và văn hóa của giai đoạn ấy, cũng có một số công trình có giá trị dài hạn được đăng tải liên tục trong suốt những số báo, nhưng rồi cũng dở dang do báo bị đình bản, vào khoảng tháng 8 năm 67. Tôi còn nhớ tên một vài công trình ấy như: Lịch sử Y khoa của Hà Hợp Nghiêm [ do Hà Ngọc Thuần và Nghiêm Sỹ Tuấn cùng biên soạn], Dưới Mắt Thượng Đế tập truyện của Hans Killian dịch rất hay từ nguyên bản tiếng Đức của Nghiêm Sỹ Tuấn, Nguyễn Vĩnh Đức [mất ở Canada], Nuôi Sẹo tiểu thuyết xã hội của nhà văn Triều Sơn mà bản di cảo duy nhất do GS Trần Ngọc Ninh [Mỹ] còn giữ được từ những năm 50, thì nay cũng thất lạc. Một số công trình báo chí , có các cuộc phỏng vấn như với Bộ Trưởng Thanh Niên BS Nguyễn Tấn Hồng Sài Gòn, PV Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi Đà Nẵng, PV 96 phút với Thượng Tọa Thích Trí Quang ngoài Huế…Về phân tích thời sự như với biến cố Tổng Nổi Dậy của người Thượng tại khắp các tỉnh ở Cao Nguyên [12/1965] với bài viết của Phạm Đình Vy “Miền Thượng: Một Cỗ Xe với Ba Tên Xà ích”, cỗ xe ấy là vùng địa bàn chiến lược Tây Nguyên và ba tên xà ích là người Mỹ, Cộng sản Hà Nội và Chính phủ Sài Gòn; bài viết về sinh hoạt thanh niên hướng về nông thôn như Chương Trình Hè / Summer Program…
Ngoài những số báo Tình Thương định kỳ ra mỗi đầu tháng, còn phải kể tới những số Tình Thương Phụ Bản ra mỗi tuần [khi cần] để kịp đáp ứng những biến cố thời sự diễn ra dồn dập trong giai đoạn đó. Điển hình như tờ Tình Thương Phụ Bản Số 2, ra ngày 25 tháng 11 năm 1964, nhằm yểm trợ Phong Trào Cứu Lụt Miền Trung, được coi là một thiên tai với mức độ tàn phá lớn nhất lịch sử. Lúc đó, các phân khoa Đại học, các trường Cao đẳng đều tự động hăng say tổ chức lạc quyên, lập các đoàn cứu trợ, nổi bật nhất là Đoàn Cấp Cứu Thường Trực của trường Y Khoa. Tranh Không Lời của Liza Lê Thành Ý trên trang nhất số Tình Thương Phụ Bản này đã ghi lại hoạt cảnh các sinh viên Y khoa ăn trực nằm chờ ngoài phi trường với đầy phẩm vật cứu trợ và thuốc men vì không có phương tiện di chuyển, trong khi số máy bay hiếm hoi có được thì dành cho các phái đoàn quan chức chính phủ chỉ để đi quan sát hay thăm viếng… [số Tình Thương Phụ Bản này là một tài liệu hiếm còn lưu trữ được trong cuộn microfilm của Thư viện Đại học Cornell, Ithaca New York] [Hình 2]
TRIỀU SƠN VÀ DỞ DANG NUÔI SẸO
Ngay từ mấy số báo đầu tiên, Tình Thương đã cho khởi đăng cuốn tiểu thuyết xã hội của nhà văn Triều Sơn. Triều Sơn là bút hiệu của Bùi Văn Sinh, bạn đồng môn của GS Ninh từ trung học lên tới đại học Khoa học. Khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ 1946, mọi người phân tán. Trần Ngọc Ninh đổi hướng theo học Y khoa, Triều Sơn thì dấn thân đi làm thợ mỏ than Hòn Gai một thời gian trước khi vào Sài Gòn làm báo và viết sách. “Con Đường Văn Nghệ Mới” là một cuốn sách biên khảo do Minh Tân Paris xuất bản. Nhà xuất bản Minh Tân do một nhóm trí thức Việt Nam dân Pháp như Nguyễn Ngọc Bích Kỹ sư Cầu Cống [Polytechnique], Vũ Văn Thái [École Centrale] sáng lập tại Paris trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt lúc đó. Tuy hoạt động không lâu, nhưng sách do Minh Tân Paris xuất bản đều là những tác phẩm giá trị như hai bộ Tự Điển Pháp Việt và Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Danh Từ Khoa Học, La Sơn Phu Tử và Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn… Có lẽ ít ai biết tới công lao của một người lính thợ Việt Nam sống ở Pháp đã yêu và học tiếng Việt cũng như học kỹ thuật “Linotype” để hoàn tất những tác phẩm của nhà xuất bản Minh Tân với trình độ ấn loát cao như vậy ở thập niên 50, từ một nơi cách quê nhà đến hơn nửa vòng trái đất.
Riêng tiểu thuyết Nuôi Sẹo thì còn ở dạng bản thảo, báo Tình Thương đăng chưa hết thì bị đình bản và bản thảo duy nhất viết tay ấy thì nay đã bị thất lạc. Triều Sơn chết rất trẻ ở cái tuổi 33 [1921- 1954]. Hy vọng qua số báo chủ đề của Tập San Y Sĩ, với những số báo Tình Thương còn tìm thấy, từng trang sách tiểu thuyết Nuôi Sẹo sẽ được nối kết lại - cho dù chỉ còn là một tác phẩm dở dang nhưng đó vẫn là một mảng văn học độc nhất vô nhị của một thời kỳ biến động nhất của đất nước.
[ Hình 3 ]
MỘT NHÀ IN CÓ TÊN TRƯỜNG SƠN
_ Nhà in Trường Sơn, trên đường Nguyễn An Ninh Sài Gòn là của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, lúc đó ở tuổi 40 nhưng bà đã nổi tiếng từ những thập niên 50-60 với các tác phẩm Hai Chị Em, Thương Yêu, Xóm Nghèo, bà cũng là chủ bút tạp chí Tân Phong; nhưng người trực tiếp điều hành nhà in Trường Sơn là anh Trương Cam Vĩnh. Nguyệt San Tình Thương và Đất Sống của Dược Khoa được đem đến in tại đây.
Tuy là một nhà in lớn nhưng kỹ thuật ấn loát còn ở giai đoạn typo, trang báo được sắp với những mẫu tự bằng chì, thợ sắp chữ đa số gốc người Hoa từ Chợ Lớn không rành chữ Việt nhưng quen thuộc với các bát chữ nên sắp rất nhanh để có những bản vỗ / morasse tương đối ít lỗi. Mùi giấy, mùi mực từ giai đoạn sửa bản vỗ, rồi ký “bon à tirer” cho in tới khi số báo hoàn tất, phải nói là những cảm xúc của một thời kỳ khó quên. Vì bìa báo Tình Thương in 4 màu nên phải qua 4 giai đoạn in từng màu chồng lên nhau, sao cho không bị so lệch cũng lại cần tới một “chef typo”nhiều kinh nghiệm và cả đức kiên nhẫn.
LÀM BÁO SINH VIÊN GIỮA THỜI CHIẾN
Bốn mươi lăm năm sau [1964-2009], khi hồi tưởng lại một giai đoạn làm báo Tình Thương, anh Vũ Thiện Đạm vẫn còn nhớ và kể lại với cảm xúc như mới hôm qua. Đó là một buổi chiều yên tĩnh năm 1964, không phải là ngày họp định kỳ của ban Biên tập, chỉ có hai người có mặt trong tòa soạn Tình Thương lúc đó là Nguyễn Vĩnh Đức chủ bút rất ít viết về chính trị mà thiên về hoạt động văn nghệ và Vũ Thiện Đạm thủ quỹ. Bất chợt một chiếc xe Jeep mang số ẩn tế leo lề, đậu ngay trước cửa tòa soạn. Hai người lạ, mặc thường phục ngang nhiên bước vào, kêu đích danh Vũ Thiện Đạm và Nguyễn Vĩnh Đức ra xe và cả hai được đưa về Cục An Ninh Quân Đội. Và không phải không có tiền lệ, trước đó, tổng thư ký của Tình Thương cũng đã nhận trát gọi lên An Ninh Quân Đội với lý do cho biết sau. Từng bước, từ phòng chờ với khoảng thời gian dài đẵng cho tới khi được đưa vào gặp ông Tướng An Ninh, tất cả mang đủ tính chất của một trận đòn cân não với súng ngắn, đô la xanh và cả những lời hăm dọa. Rồi những ngày sau đó, chủ nhiệm, chủ bút thay phiên nhau lên Bộ Thông Tin để trả lời, giải thích một số bài viết bị coi là vi phạm kiểm duyệt và cả lưu ý về chức năng báo chí cần phản ánh cái “chính diện” chứ không phải “phản diện” của xã hội đương thời, quan điểm của Tình Thương là cố gắng tạo sự cân bằng cả hai… Chủ bút Phạm Đình Vy, bao nhiêu năm sau vẫn còn nhớ phản ứng giận dữ của Tướng Loan, khi ông cho biết là “Tình Thương rất được Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lưu tâm và tất cả các số báo TT đều được lưu trữ ở Cục R”. Thực sự thì không phải chỉ có báo Tình Thương mà tất cả sinh hoạt báo chí Miền Nam lúc ấy đều là đối tượng theo dõi và điều nghiên của Mặt Trận.
Đó là phía chính quyền, bên này chiến tuyến và cho dù có khó khăn gì đi nữa thì chúng tôi vẫn còn một không gian để sinh hoạt.
Nhưng phía bên kia là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, với Đoàn công tác Thanh niên Sinh viên Sài Gòn Gia Định rất tích cực hoạt động nhưng dấu mặt hoặc lộ diện thì dấu đi căn cước của họ, được trực tiếp chỉ đạo từ cấp Bí Thư Đảng Ủy, lại có thêm hỗ trợ của “bạo lực” nên sự đối đầu rất bất định và nguy hiểm hơn nhiều. Từ thư nặc danh đe dọa gửi tới tòa soạn, tới giai đoạn rải truyền đơn lên án tử hình một số sinh viên trong đó có sinh viên Y khoa, tiến thêm bước nữa là giai đoạn “khủng bố trắng” với súng đạn, có án mạng và đổ máu.
Cũng nên ghi lại một số sự kiện nay đã thuộc về lịch sử: chỉ riêng với trường Y Khoa, đã có hai giáo sư bị sát hại [Gs Trần Anh, Cơ Thể học và Gs Lê Minh Trí chuyên khoa Tai Mũi Họng], rồi đến sinh viên Y khoa II Trần Quốc Chương [con của Thẩm phán Trần Thúc Linh] có một giai đoạn vào bưng, sau trở về học lại thì bị trói tay bịt miệng ném từ lầu ba xuống đất ngay trong vòng thành trường Y Khoa trên đường Hồng Bàng, một cái chết rất thảm khốc. Sinh viên Luật khoa Lê Khắc Sinh Nhật cũng bị bắn chết. Hai sinh viên khác bênVăn Khoa cũng bị nhóm Biệt Động Thành bắn trọng thương nhưng may mắn sống sót là Ngô Vương Toại, Bùi Hồng Sĩ, hai anh ấy hiện đang sống ở Mỹ.
Rõ ràng có một cái giá phải trả của giới làm báo kể cả làm báo sinh viên trong suốt giai đoạn đó [nói tới sinh hoạt báo chí của Miền Nam 1954- 1975, không thể không nhắc tới sự hy sinh của các nhà báo như Từ Chung ký giả nhật báo Chính Luận [1965], một nạn nhân nổi tiếng khác bị ám sát nhưng thoát chết là nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống [1966]…
TÌNH THƯƠNG VỚI CÁC PHONG TRÀO SINH VIÊN
Do những động lực trong sáng, dù ở đâu và bao giờ thì các phong trào thanh niên sinh viên cũng rất dễ có quần chúng và vai trò của họ lúc nào cũng như một chất men làm thăng hoa xã hội. Họ chưa là một lực lượng chính trị đúng nghĩa nhưng là sức mạnh áp lực thúc đẩy tiến trình dân chủ. Có thể kể một vài trong rất nhiều những phong trào sinh viên thanh niên lúc đó: Tổng hội Sinh viên, Hội đồng Đại diện Liên khoa, Summer Program hay Chương trình Hè, Đoàn Thanh niên Thiện chí, Phong trào Thanh niên Sinh viên Hướng về Nông thôn, Phong trào Thanh niên Trừ gian, Đoàn Văn nghệ Gió khơi, Đoàn Văn nghệ Nguồn sống, Phong trào Du ca… Không kể những tổ chức thanh niên sinh viên hoạt động nội thành của MTGPMN.
Mọi phương thức hoạt động đều được đưa ra thử nghiệm, tuy hiệu quả tác động trên xã hội lúc đó cũng hạn chế nhưng lại có khía cạnh tích cực là những người trẻ tuổi ấy đã được thử thách, và không ngạc nhiên khi thấy những năm rất xa sau này, kể cả ra hải ngoại họ vẫn dễ dàng xáp lại để cùng làm việc với nhau như thuở nào.
Tuy nhiên ở bất cứ thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào, cũng không phải là không có lẫn vào một số “tuổi trẻ cơ hội”, tuy rất ít - hoặc bị lợi dụng hoặc có ý thức chủ động, nhưng chính thiểu số này lại là nguyên nhân gây phân hóa mạnh mẽ và làm mất niềm tin của quần chúng trong giai đoạn ấy. Có lẽ cũng cần sớm rút ra những bài học từ các phong trào thanh niên sinh viên sau 1963, là những năm xáo trộn với rất nhiều giận dữ ồn ào nhưng đã kết thúc như một cơn mộng lỡ.
NHỮNG THÀNH TỰU VÀ DỞ DANG
Thế mà đã hơn 40 năm kể từ ngày báo Tình Thương bị đình bản. Là một tờ báo sinh viên định kỳ ra rất đều đặn mỗi tháng, với những số chủ đề đáp ứng kịp những biến động trong sinh hoạt đại học và ngoài xã hội.
Nếu tờ báo Tình Thương đã tạo được tiếng vang và một số thành quả nào thì đó là cái thành công chung của cả một tập thể sinh viên Y khoa chứ không do từ một vài cá nhân nào. Kinh nghiệm quý giá nhất mà chúng tôi học được trong thời gian ấy là sinh hoạt dân chủ và đoàn kết trong tinh thần tự trị đại học của tập thể sinh viên Y khoa.
Ngay trong nội bộ tòa soạn, mặc dầu có nhiều khuynh hướng rất khác nhau đôi khi cả đối nghịch nữa, đưa tới những cuộc tranh luận gay gắt kể cả bút chiến công khai tưởng như có thể gây đổ vỡ nhưng do nơi ý thức trách nhiệm đối với sự sống còn của tờ báo, biểu tượng cho sinh hoạt dân chủ nên cuối cùng thì chúng tôi vẫn đi tới được sự dung hợp với một mẫu số chung rộng rãi: tờ báo luôn luôn như một “open forum/ diễn đàn tự do” của những quan điểm khác nhau về mọi vấn đề chính trị giáo dục và xã hội.
Tôi còn nhớ sau 1963 giữa những năm cực kỳ xáo trộn, với những cuộc biểu tình dắt dây ngoài đường phố. Ngay trong vòng thành trường Y khoa cũng là cái nôi của thứ sinh hoạt quá độ ấy. Điển hình là cuộc bút chiến, mà tôi còn nhớ rõ giữa hai anh, đều trong ban biên tập báo Tình Thương: Bùi Thế Hoành chủ trương sự ổn định và Tôn Thất Chiểu nghiêng về các phong trào tranh đấu, cả hai đều có những luận cứ sắc bén. Cuộc bút chiến ấy lan cả ra báo chí bên ngoài, như trên tờ báo Sống của nhà văn Chu Tử, và cũng không ai thắng ai, mỗi người kéo theo được một đám đông. Và theo tôi đó mới thực sự là sinh hoạt dân chủ. Sau 1975, thì cả hai anh ấy sang sống ở Mỹ, và hình như họ xích gần lại với nhau hơn ở quan điểm nhận định về tình hình đất nước. Anh Bùi Thế Hoành thì nay không còn nữa.
Có thể khái quát mà nói rằng, cho dù giữa những năm chiến tranh, báo Tình Thương đã thể hiện được một tinh thần tự trị đại học, trong sinh hoạt tương đối có tự do, có tinh thần dân chủ, tôn trọng khác biệt, trong một mẫu số chung rộng rãi và đoàn kết cùng hướng tới một xã hội nhân bản. Viết về lịch sử trường Đại học Y Khoa Sài Gòn, có lẽ không nên lãng quên tờ báo Tình Thương. Điều đáng tiếc là Tình Thương đã không tồn tại lâu dài để trở thành một truyền thống và như một nhịp cầu giữa vòng thành Y khoa ra bên ngoài Xã hội.
NGÔ THẾ VINH
Sài Gòn 1963 - California 2009
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010