Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
|
Y Sĩ trưng tập thụ huấn quân sự tại trường bộ binh Thủ ĐỨc |
|
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2010
Tôn Thất Sang
Vào năm 1970, có thể nói chúng tôi, các sinh viên Y Khoa, đều trở thành Y Sĩ Trung Úy trừ bị ngay từ khi nhận được giấy trưng tập của cục Quân Y qua bưu điện. Sau khi nhận được thư, tất cả các Y Nha Dược Sĩ toàn miền Nam, vào cục Quân Y trình diện, nhận quân phục, với huy hiệu cục Quân Y đỏ chói trên vai trái, mua thêm cặp lon trung úy tự gắn lên hai cầu vai, ra hàng bán huy chương quân đội mua thêm huy hiệu con rắn quấn chiếc gậy màu vàng, gim lên nắp túi áo bên phải và tất cả bỗng nhiên trở thành viên Y Sĩ Trung Úy mới toanh!
Người ta thường nói đi lính thì lo, nhưng sao trong tôi không hề lo lắng điều gì về những bất trắc có thể xảy ra trong đời quân ngủ, mà tự nhiên lòng cảm thấy vui, thỏa được mộng tang bồng hồ thỉ, nói theo kiểu chuyện tàu là “nam nhi chí tại bốn phương,” lại có tí máu giang hồ vặt nên cảm thấy thấy ở quân đội rất là “oai” và có nhiều quyến rũ.
Vài ngày sau, tất cả tập trung tại trường Quân Y (hay Cục Quân Y?) và tất cả các viên Y Nha Dược Sĩ mới toanh với lon trung úy trên vai, được nhiều chiếc GMC nhắm hướng liên trường võ khoa Thủ Đức trực chỉ. Trên xe, chúng tôi nhìn nhau cười nói vui vẻ vì thấy tay nào cũng đột nhiên trở thành trung úy mà tóc tai còn để dài, thậm chí còn có tên còn chơi hàm râu con kiến, hoặc quai nón nữa mới ác!
Đến quân trường, khi đi ngang qua cổng, hai sinh viên sĩ đứng gác, bồng súng chào và có lẽ hai anh rất ngạc nhiên khi thấy một đoàn “con voi” chở đầy các trung úy mới toanh lạ thường với tóc tai rậm rạp! Chúng tôi xuống xe, được phân thành đội ngũ với tiếng ra lệnh dõng dạc của các cán bộ huấn luyện viên trong trường. Chúng tôi từng toán, khoảng 20-30 người thành một đội, với đồ đạc lỉnh kỉnh, tiến về phía các dãy nhà Giám Sát Các Lớp, vào từng phòng có nhiều giường đôi, một trên, một dưới. Có đều kỳ lạ là chúng tôi không bị lột lon trung úy khi ở quân trường, mà thụ huấn với lon trung úy trên vai cho đến hết khóa học!
Sau một hai ngày nghỉ ngơi, làm quen với nơi ăn chốn ở, chúng tôi thật sự bước vào học trình với những bài vừa lý thuyết vừa thực hành về căn bản quân sự như tập lắp ráp và tác xạ súng carbin, M16, trung liên bar, đại liên M30, M60, súng phóng lựu và nhất là hỏa tiển chống tank M72 hay còn gọi là Hỏa Tiễn 3.5; ngoài ra chúng tôi còn học cách ném lựu đạn MK3, M6, và ngay cả lựu đạn chày của VC nữa. Buổi tập bắn hỏa tiển M72 thật là lý thú và hồi hộp vì tiếng nổ lớn và sức phụt hậu rất mạnh đến 25 m; mục tiêu là những chiếc xe GMC hư nằm cách xa khoảng 50m. Mỗi khi sắp bóp cò, huấn luyện viên đập nhẹ lên vai mình nhắc nhở để lấy can đảm, quả nhiên khi siết cò, tiếng nỗ rất lớn, nhưng sức giật rất êm, và mục tiêu xa xa bị nỗ tung lên với sức công phá thật là ghê gớm!
Ngoài ra, những bài học vượt sông, leo dây tử thần, định phương hướng bằng la bàn, phân bố trận liệt, cách tìm phương hướng lúc bị lạc trong rừng v.v.., di chuyển đội hình hàng ngang, hàng dọc, đội hình quả trám v.v..Chúng tôi thường được học lý thuyết dưới bóng mát ở bãi Cây Đa, cách hàng rào sau trại khoảng 1000m. Nghe nói có lần VC gài lựu đạn ở vùng bóng cây đa râm mát và đã có một số sinh viên sĩ quan tử thương trong những khóa học trước! Vào buổi trưa có xe đem cơm ra tận bãi, mặc dù cơm và thực phẩm đạm bạc, nhưng các bạn vì tập luyện đói bụng nên cũng ăn ào ào, chiều về trại lại tà tà xuống quán Chiều Tím hoặc các quán giải khát trong trại, kêu đồ ăn nhậu tiếp, uống cafe nghe nhạc, nhìn người đẹp cashier lượn lờ cũng làm qua mau những ngày ở quân trường...
Nhiều buổi thực tập địa hình, di hành dã trại, chúng tôi phải đi ra khỏi trại hằng mấy cây số, qua những trại gà công nghiệp hằng vạn con, băng ngang những xóm làng hiu quạnh, những ngọn đồi trọc heo hút. Khi trở về, trên nguyên tắc phải theo la bàn mà định vị, tuy nhiên trời đã tối dễ lạc lối, lại có những bà bán chè “Xương Xâm” gánh hàng bán giải khát theo đoàn quân từ nảy giờ, thấy chúng tôi loay hoay tìm đường về trại, bà vọt miệng:
-Thôi, mấy Trung Úy cứ theo tôi mà về cho nhanh!
Thế là bà gánh chè Xương Xâm đi trước, cả toán lật đật theo sau; đúng là tình quân dân như cá với nước. Khi ra đến đường cái, bà từ giã vào nhà ở gần đó. Trên đoạn đường còn lại, chúng tôi cá xem người nào về trại đầu tiên (có lợi điểm là được tắm trước, nước chảy từ vòi mạnh và sạch), cả toán đi như chạy, tuy nhiên có điều đặc biệt là dù làm cách nào thì người đầu đến tiên thường là anh Trần Văn Hoa, tuy nhỏ con mà nhanh như sóc; khi vào phòng tắm đã thấy anh ở truồng thoải mái dưới vòi sen từ bao giờ.
Có bữa anh em đang trần truồng tắm, chợt thấy ánh flash nháng lên một cái, tất cả vội vàng hai tay bụm lại phía dưới, chưởi thề um lên, tuy nhiên vẫn chậm hơn tốc độ ánh sáng, dĩ nhiên mấy “bộ đồ nghề” đã bị ghi trong ảnh rồi. Rồi thấy một tay mang máy ảnh, cũng ở truồng, vừa cười vừa chậy, anh em đuổi theo rần rần.
Cuộc sống tập thể ở quân trường thật là sinh động và thấy thời gian trôi nhanh. Tôi nhớ thủa ấy bản nhạc Vũng Lầy Của Chúng Ta của Lê Uyên Phương đang rất hot, buổi tối, ở trong phòng, anh Hoàng Thế Định vừa đệm guitar vừa hát, tôi phụ họa bè hai nghe cũng thấy đã lắm! Melody thì du dương dìu dặt, phần lyric cũng rất dễ thương:
Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say.
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau.
Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay.
Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say. Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn.
Qua đi, qua đi dứt cơn mê. Tình buồn chồng chất lê thê.
Nhìn các bạn chung quanh ngồi nghe, đôi mắt mở lớn chăm chú (có người miệng lại há hốc!), Định và tôi nhìn nhau mĩm cười, biết là hai thằng hát cũng không đến nỗi tệ lắm nên lòng rất hứng khởi. Có lần, nghe phòng bên, các bạn Y Saigon, có tiếng ai đang tập clarinette, tiếng the thé như ngỗng kêu, mọi người cười lớn gọi:
-Tắt máy cho với!
Nhưng bỗng nhiên có tiếng violon dìu dặt, cũng từ phòng bên vọng lại “Come Back To Soriento” và mọi người bỗng lên cơn nhớ nhà.
Đến bữa thực tập bò hỏa lực, hiện trường là một bãi đất trống lớn bằng nữa sân đá bóng, có cỏ và nước lấp xấp, được thiết kế với hai làn đạn đại liên 30 bắn tréo liên tục, mìn hơi được gài khắp nơi, các khóa sinh phải bò dưới làn đạn, tiến lên phía trước xâm chiếm mục tiêu với thế đâm lưỡi lê kết liểu tên địch là những bù nhìn bằng rơm đang đứng bên bờ ruộng đối diện. Khi đang bò, nghe tiếng đạn réo trên đầu, đang lom khom ghì súng tiến tới thì mìn nổ bất chợt bên hông, cảm giác rờn rợn như đang lâm chiến thật sự, nếu đứng thẳng người thì sợ làn dạn đại liên làm bể “gáo,” chết như chơi! Sợ thì có sợ, nhưng thật sự rất "exciting" và thống khoái!
Có nhiều anh em lạnh cẳng, xin miễn bò hỏa lực, cán bộ phụ trách cũng OK cho miễn, vì nghe đâu có một lần hai làn đạn va vào nhau tóe lửa, chệch hướng làm tử thương một khóa sinh(?).
Chợt Nguyễn Hữu Hiên nói:
-Tay nào không bò là dại, ví dụ anh là tỷ phú, tiền bạc cái gì anh cũng có, nhưng mua được những cảm giác exciting như thế nầy thì no way! Tôi thấy sau câu nói đó, thêm một vài anh chịu lom khom xuống ruộng bò.
Ban Giám Sát Các Lớp thuộc quyền hai ông thiếu tá: Thiếu tá Thuận và Thiếu tá Dương. Ông Dương hiền lành, ông cứ cởi chiếc xe Suziki màu đỏ đi giám sát đoàn quân, không la rầy ai bao giờ và rất nể trọng anh em, có lẽ ông nghĩ rằng tất cả đều là chức sắc, đi tập huấn chỉ là tạm thời, còn nghề chính của họ là thuộc lãnh vực y tế cao cấp. Anh em cũng rất mến ông và có giúp đở ông... Trái lại Thiếu tá Thuận, trưởng khối Giám Sát Các Lớp là người thủ đoạn, khó khăn trong việc cho đi phép, hay la rầy, ông ta lại rất mê mà chược nên có nhiều anh em ma lanh, tìm
cơ hội chơi với ông ta, nên những bài học khó khăn, hơi nguy hiểm, ông ta thường cho xe jeep ra tận bãi tập đón mấy cậu về chơi cùng, không hiểu đó là một hình thức cúng tiền hay không?
Các hàng rong trong quân trường, thường do gia đình các quân nhân thường trú trong quân trường đảm trách. Có những buổi sáng, chúng tôi chưa thức dậy, đã thấy các bà bán hàng vào tận phòng rao lớn:
-Ai ăn bánh giò, bún bò giò heo không?
Tôi thầm nghĩ, nếu các bà là VC, đem vào vài quả lựu đạn, thì chắc cả phòng chết hết!
Đánh răng súc miệng, rữa mặt vừa xong, bước ra trước hiên là đã thấy một hàng quà buổi sáng ngồi ngay trước sân, khói thơm bay nghi ngút, nào bún bò Huế, nào hàng xôi bắp, hàng bánh giò, hàng cháo gà.., đủ mọi thứ trên đời. Thứ hàng được mọi người chiếu cố nhất, vẫn là nồi bún bò thơm ngát.
Ở quân trường, kỷ luật đối với các khóa sinh thuần túy rất là nghiêm minh, chúng tôi thấy khóa đàn anh phạt khóa đàn em mà lạnh mình, giữa trưa, mặt trời như đổ lửa, ở trong phòng, nghe ở ngoài có tiếng hét như trời gầm:
-Ma giáo xỉu há, ma giáo xỉu há, làm thêm 50 cái hít đất trong 30 giây nữa coi! Nhìn qua cửa sổ thấy một anh khóa sinh, trên mình đầy đủ súng trường Garant M1 nặng như thanh cũi tạ, áo trận, nón sắc, balo mang đầy đủ cuốc xẻng, bình đông.., chắc vừa bị phạt dã chiến, mình đầy mồ hôi, thở không ra hơi, nằm bò giữa sân chang chang như đổ lửa đang cố gắng hít dất. Anh khóa sinh đàn anh đang bậm môi trợn mắt đếm dõng dạc:
-Bốn, năm...thì anh kia nằm mềm như sợi bún, không nhúc nhích; Anh kia lại nạt lớn:
-Ma giáo xỉu phải không, ba gai há, hảy uống hết bi đông nước trong thời gian 10 giây cho tôi!
Anh kia xiêu vẹo đứng lên, thi hành lệnh, đưa bình đông lên cao rót nhanh vào miệng, cục yết hầu lên xuống thật nhanh cố nuốt trong 10 giây, nhưng chỉ vài giây sau, anh bị nất cụt, ngột thở, té xuống ngất đi.
Anh kia còn nạt vớt một câu:
-Ma giáo xỉu há! Và vội vàng kêu một khóa sinh đàn em khác cõng người bị ngất đi cấp cứu.
Mỗi cuối tuần, chúng tôi thường được đi phép về thăm nhà. Sau một thời gian tập luyện, phơi nắng ở quân trường, chúng tôi trông có vẻ đen và rắn chắc ra. Về đi bát phố ở Saigon với bộ quân phục, có lon trung úy trên vai, nếu đi với người thương, cũng đâm ra tự tin hơn chàng thư sinh ngày trước. Có nhiều bạn mặc quân phục kể lại rằng, khi vào những động để giải tõa “refoulement”, bất ngờ gặp các SVSQ ở quân trường vừa mới được cho đi phép buổi đầu tiên sau thời gian huấn nhục rất gian truân; vừa thấy các bạn bận quân phục đi vào, các anh đứng bật dậy thế nghiêm chào; có lẽ sự tập luyện đã tạo nên quán tính và các cung phản xạ có điều kiện ở các anh!
Lật bật thì ngày mãn khóa căn bản quân sự cũng đến, ban tổ chức kết hợp với Giám Sát Các Lớp, lên kế hoặc chương trình giải trí đêm bế mạc có rất nhiều mục rất hấp dẫn và thú vị. Trong đêm đó, ban tổ chức có mời Trung Tướng Phạm Quốc Thuần - chỉ huy trưởng trường Bộ Binh Thủ Đức - chủ tọa buổi lễ.
Giờ khai mạc hôm đó phải chậm lại vì đợi một hồi lâu, không thấy Trung Tướng đến (có lẽ ông không bằng lòng khóa 12 Y Nha Dược trưng tập nầy, vì anh em quá lè phè, quậy hết chỗ nói, tóc tai không hớt theo tiêu chuẩn, vẫn mang lon trung úy trong suốt khóa học, đi ngang tư dinh Trung Tướng không chào kính, có nhiều anh em vi phạm kỹ luật bị nhốt ở Đại Đội 301 Quân Cảnh của trường..) cuối cùng ban tổ chức cho bắt đầu buổi lễ.
Cái đinh của buổi văn nghệ là màn vũ sexy, nghe đâu thiếu tá Thuận chỉ cho vũ Sexy 50% mà thôi. Cô thoát y trẻ đẹp từ Saigon lên (Thu Thủy?) đang uốn éo thân mình nẩy lửa theo tiếng hắc tiêu du dương trầm bổng đầy ma lực của tay kèn, lão luyện lôi cuốn như ông thầy rắn đang thu phục con hổ mang trần truồng trơn láng. Mọi con mắt đổ dồn vào thân hình bốc lửa của người nữ nghệ sĩ, cô cởi bỏ dần những mảnh vải nhỏ che thân; cả hội trường chợt reo lên một tiếng cùng lúc tiếng hắc tiêu vút lên thảm não, có một mảnh gì đó từ cô vũ nữ vứt tung ra sân khấu, ánh đèn chuyển từ màu đỏ tango ra màu hồng nhạt và cả thân trên của người vũ nữ hiện ra lồ lộ nuột nà. Tiếng vỗ tay vang dậy, tiếng hắc tiêu bỗng dồn dập trở lại, thân mình con hỗ mang trơn láng di động nhanh, lắc lư, quay cuồng như sóng dập, có triệu chứng như cô muốn vất nốt mãnh vải nhỏ xíu còn lại...Thiếu tá Thuận có vẻ hoảng hốt, ông tiến dần đến sân khấu, muốn khoát tay ra hiệu cho ban nhạc ngưng; bỗng nhiên ánh sáng cả phòng vụt tắc, chỉ trừ vùng sân khấu, và...tiếng hắc tiêu lại vút cao hào sản, một vật gì đó lại được vất tung lên và trên sân khấu bỗng hiển hiện một thần vệ nữ kiều diễm nỏn nà, không mãnh vải che thân! Hội trường tràn ngập từng tràn pháo tay cùng nhiều tiếng húyt sáo vang dội khắp nơi, thiếu tá Thuận ngẩn ngơ!...Sau nầy mới hay có một số anh em biết ban tổ chức chỉ cho thoát y 50% nên đã canh me Thiếu Tá Thuận, khi ông tiến tới định ra lịnh cho ban nhạc ngưng thì họ cúp điện để người đẹp có thể tiếp tục “phấn khởi” thoát y 100%!
Đúng thật là nhất quỉ, nhì ma, “thứ ba Quân Y!”
Sau nầy những khóa Y Nha Dược kế tiếp nghe đâu không được trường Thủ Đức cho mượn trường học nữa mà phải đi tập huấn căn bản quân sự ở những trường bộ binh khác, không được mang lon trung úy lè phè trong thời gian học và dĩ nhiên các anh em ấy được huấn nhục rất gian truân. Thật đúng là “anh ăn mặn mà em khát nước,” tình đời trớ trêu!
Sau khi thụ huấn khóa căn bản quân sự ở quân trường Thủ Đức; các Y Sĩ Trung úy khóa 12 trưng tập chúng tôi, phải về lại trường Quân Y để được hướng dẫn về hành chánh, về cương vị của người quân y sĩ, về nguyên tắc và kỷ luật hành xử khi đáo nhậm các đơn vị mới trong quân đội.
Khi về trường Quân Y, điều tức cười là chúng tôi phải hớt tóc ngắn đúng tiêu chuẩn, thực hành đúng quân phong quân kỹ đàng hoàng mà đúng ra chúng tôi phải thi hành nghiêm chỉnh ở trường bộ binh Thủ Đức mới đúng! Chúng tôi phải thay huy hiệu cục Quân Y ở bờ vai trái thành huy hiệu trường Quân Y, cũng màu đỏ với hình chữ thập có con rắn và cây gậy ở giữa.
Anh liên đội trưởng khóa 12 Y Nha Dược Sĩ trưng tập chúng tôi là Y Sĩ Trung Úy Trần Minh Tòng, bên phía Quân Y hiện dịch là Y Sĩ Trung Úy Tô Phạm Liệu- sau nầy là Y Sĩ trưởng tiểu đoàn 11 nhảy dù- Cả hai anh đều rất cao và to con. Anh Tô Phạm Liệu có tửu lượng rất cao trong giới giang hồ và nghe đâu anh đã qua đời mấy năm về trước.
Thời đó Y Sĩ Trung Tá Phạm Vận vừa lên thay thế Y Sĩ Trung Tá Trần Minh Tùng (được thăng chức Tổng Trưởng Y Tế?) làm giám đốc trường. Trong bữa học đầu tiên tôi còn nhớ câu của Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân (y sĩ trưởng Lục Quân?) Khi ông vừa bước vào lớp với bộ đồ
dù thẳng nếp, tay cầm gậy chỉ huy, dáng người oai vệ. Chúng tôi đứng thẳng chào, ông chào lại, liếc quanh một vòng, thấy có một vài bạn râu còn lún phún, ông nói:
-Chúng ta là người trí thức, người trí thức buổi sáng mà chưa cạo sạch râu, thì chưa nói chuyện được với quí bà.
Cả lớp cười vui vẽ. Sau đó ông giảng về quân phong, quân kỷ. Ngoài ra chúng tôi được học về nguyên tắc hành chánh, về tiếp liệu y dược từ tổng kho cho đến tiểu đoàn và những bài học bổ ích khác do các giảng viên khác hướng dẩn. Ngoài nhiệm vụ của người BS, chúng tôi còn là sĩ quan tham mưu của liên đoàn. Chúng tôi được hướng dẫn thăm viếng các trung tâm Quân Y Lục Quân, Hải Quân, Không Quân.
Rồi ngày mãn khóa Hành Chánh Quân Y cũng đến, buổi lễ diễn ra ở sân trường Quân Y rất trang nghiêm và thân mật với sự tham dự của các phu nhân hoặc người yêu của các khóa sinh. Chúng tôi mặc đại lễ màu trắng như các Sĩ Quan trường Võ Bị Dalat và chính thức mang lon trung úy trong buổi lễ!
Ngày quan trọng nhất là ngày chọn đơn vị. Thời điểm đó là thời chiến tranh xảy ra với cường độ tăng dần trên khắp miền Nam; bọn CS ra sức tấn công Quân Lực VNCH. Cục Quân Y trước thời gian trước đó đã nhiều tiếng tăm không được tốt nhiều lãnh vực, kể cả việc việc bổ nhiệm các Bác Sĩ quân y về các đơn vị trong quân đội. Kết quả đã đưa tới vụ Bác Sĩ Hà Thúc Nhơn ở Quân Y Viện Nguyễn Huệ Nha Trang vì chống tập đoàn tham nhủng, đã chiếm đóng quân y viện, xảy ra vụ chạm súng làm nhiều người thiệt mang, kể cả BS. Nhơn. Tiếp theo Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương cầm lựu đạn ngồi ở thềm hạ viện, yêu cầu cất chức một số người ở cục Quân Y có cả cấp tướng, vì phe phái tham nhủng. Vì vậy khóa 12 trưng tập Y Nha Dược Sĩ chúng tôi, trong việc chọn đơn vị có thể nói là khá khách quan, ưu tiên theo thứ tự đậu cao thấp mà lần lược lên chọn đơn vị, công khai trước mắt mọi người. Thông thường những người đậu cao chọn các Tổng Y Viện, các Quân Y Viện, các bệnh xá Hải, Lục, Không quân...Quân Y các liên đoàn, các tiểu đoàn v.v..Tuy nhiên có một ít các bạn, mặc dù đậu cao nhưng họ hô lớn chọn các tiểu đoàn nhảy dù thì anh em vỗ tay hoan hô rất nồng nhiệt. Tám tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến còn lại thì tám anh chưa chọn được đơn vị nào nhận lãnh! Thời gian đó Quân Y sĩ đi theo tiểu đoàn, có thể nói TQLC là nguy hiểm nhất, anh em hy sinh rất nhiều.
Sau khi chọn đơn vị, chúng tôi, những người bạn thân, được tham dự một “surprise party” do người bạn tổ chức để hát hò nhảy múa suốt đêm ở ngôi biệt thự đường Phùng Khắc Khoan với biết bao kỹ niệm, và ngày mai, chúng tôi mỗi người một phương như những cánh chim phiêu lãng khắp nơi.
Sau khi ra trường, chúng tôi mỗi người nằm mỗi tiểu đoàn khác nhau, cuốn hút vào những trận đánh ác liệt khắp mọi miền. Bên cạnh những tiểu đoàn, liên đoàn, trung đoàn chính qui thiện chiến của QLVNCH đều có sự hiện diện của Quân Y Sĩ trong bổn phận cấp cứu, chữa và tản thương các chiến sĩ ngoài mặt trận. Hiểm nguy không từ bỏ một ai.
Chợt nghe tin người bạn, anh Nguyễn Bội Giang được tuyên dương ở mặt trận An Lộc khi anh nằm lại tử thủ với tiểu đoàn.
Bạn Đổ Mỹ Ánh (Y Saigon) - Y Sĩ Thủy Quân Lục Chiến - bị hư một mắt trong khi đụng trận.
Bạn Nguyễn Hữu Hiên-Y Sĩ Thiết Giáp-được gắn Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu ở Phú Văn Lâu sau Lam Sơn 719 Hạ Lào...và nhiều bạn, nhiều bạn nữa mà tôi chưa được biết.
Phải kể thêm tên một người bạn nữa, trên tôi một lớp, người lên cấp bậc nhanh nhất của Đại Học Y Khoa Huế, đó là Y Sĩ Thiếu Tá Bùi Hữu Út, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn I Quân Y.
Tôi nhớ khi nhận được văn thư, một tháng trước khi Đà Nẵng mất, đại ý: Xin các vị Quân Y Sĩ, từ nay liên lạc với TD I QY thì xin liên lạc với Y Si Thiếu tá Bùi Hửu Út, thay thế Thiếu tá y sĩ Hoàng Trọng Tuấn đã đáo nhậm đơn vị mới.
Riêng tôi, đã chọn Liên Đoàn 10 Công Binh Chiến Đấu trú đóng tại Đà nẳng với chức vụ Y Sĩ Trưởng. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, thời Đại Tá Võ Thành Phú làm Liên Đoàn Trưởng, tôi đã được hân hạnh đi theo Liên Đoàn đóng quân ở Khe Sanh trong suốt những ngày hành quân sôi động. Liên Đoàn 10 CBCD đã cùng tôi gắn bó trong suốt thời gian binh nghiệp với biết bao kỷ niệm, mãi cho đến ngày 29 tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng mất, cuộc đời mới bồng bềnh theo vận nước nỗi trôi.
Xuân 2009