Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
4c7a953c4dc033b56702614b01dfd810
 
Truyện ngắn 3 kỳ
 
NguyÍn Ng†c ƒn Cái ñói Trong Tù (2)
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020
Con cá của Hợp tác xã: Người ta thường nói, chim trời cá nước, theo lý luận bình thường, con chim trên trời hay con cá dưới nước là không thuộc quyền sở hữu của ai cả nhưng đối với anh CS miền Bắc thì không phải vậy, tất cả cái gì nằm trong không phận hải phận của miền Bắc đều là của “nhân dân” cả và nhân dân đây, dĩ nhiên không bao gồm mấy thằng tù binh miền Nam chúng tôi.

Sau khi hiệp định Paris ký ngày 27/1/73 thì chúng tôi, những tù binh đang ở trại chính ở ngả ba sông Kỳ cùng được chính thức thông báo là chúng tôi sẽ được trao trả về miền Nam. Điều đó khỏi phải nói, là một niềm phấn khởi, chết đi sống lại trong lòng mỗi anh em tù binh. Sau khi ăn cái Tết con trâu trong tù, trại chính được coi như giải tán. Anh em tù binh khăn gói quả mướp ra xếp hàng dài ở trước cổng trại. (Lúc nầy con đường đi từ đường số 5 Lạng sơn - Cao bằng vào tới cổng trại đã được anh em tù binh hoàn tất từ lâu dưới sự chỉ huy của anh trung tá Khiết (?) - không biết tôi có nhớ đúng tên không - nguyên chỉ huy Công binh của SĐ22BB, tù binh bị bắt ở trận Tân cảnh năm 72) Thế là một buổi sáng đẹp trời, anh em tù binh chia thành từng nhóm, leo lên Molotova bắt đầu lên đường trở về. Nhưng sự thật thì không phải vậy, chỉ một đoạn đường ngắn ngủi độ nửa ngày là chúng ta chợt nhận ra mấy chiếc xe chở tù binh Hạ Lào đã quẹo đi ngã khác tự hồi nào...

Việc đó sau nầy bọn cán bộ giải thích với chúng tôi là mấy anh em Hạ Lào không nằm trong danh sách của hiệp định Paris ở điều khoản trao trả nhân viên quân dân sự của các phe lâm chiến vì họ không hề bị Cách mạng bắt mà chính là do các đồng chí Pathet Lào anh em bắt và gởi Cách mạng giữ dùm nên Cách mạng không có quyền thả về cũng như không có trách nhiệm trao trả họ về Nam (phần gạch dưới là văn của ngoài đó không phải của tác giả) Chúng tôi ai cũng bùi ngùi lo lắng thầm cho số phận của mấy anh em Hạ Lào không biết sẽ ra sao đây nhưng có làm được gì nên ai cũng đành lặng thinh. Cái vui sắp được trả về cũng bớt đi phần nào.

Thế rồi đoàn xe chở chúng tôi cứ hướng nam mà chạy nhưng họ cố tránh những con đường lớn khi có thể để sau cùng thì dừng lại ở một cái làng dân hoang vắng mà lúc đó, chúng tôi không ai biết là ở đâu cả. Cái làng nầy tôi viết là hoang vắng vì sau khi đổ đám tù xuống thì đoàn xe tiếp tục chạy đi mất, còn trong làng thì hoàn toàn không một bóng người, người lớn cũng không, trẻ con cũng không thậm chí cả con chó con gà cũng không thấy.

Chỉ còn lại chúng tôi và một số bộ đội, quản giáo mà gương mặt trở thành quen thuộc qua thời gian sống ở trại chính đang đứng ở trên con đường đất đỏ thẳng tắp xuyên qua làng. Sau đó cán bộ mới cho chúng tôi biết đây là huyện Bất bạt, tỉnh Sơn tây. Lúc nầy họ nói chuyện và đối đãi với chúng tôi giọng bình thường, không còn cái hống hách, xấc xược như hôm nào. Chúng tôi được chia thành từng nhóm để vào ở trong những căn nhà trong làng tùy theo nhà lớn nhỏ mà số tù nhiều hay ít.

Tôi xin phép tả một chút về cái làng không biết tên nầy. Đó là một tập họp chừng 50 nóc gia, toàn nhà tranh vách đất, mỗi căn nhà có miếng đất nhỏ bao quanh trồng cây trái và lúc chúng tôi đến đó thì không thấy trái gì cả. Làng chắc giống như trong sách tôi hay đọc hồi học tiểu học là có lũy tre bao quanh rất rậm như một cái hàng rào chắc chắn, và một con đường đất chạy xuyên qua làng. Có điều khác với sách tôi đọc hồi nhỏ là cái làng nầy còn có một đường giao thông hào ngay bên trong lũy tre mà mấy bộ đội giải thích để chuẩn bị phòng thủ khi Ngụy nhảy dù xuống tấn công!

Dân làng vừa mới di tản mấy ngày nay vì chính phủ mượn cơ sở cho chúng tôi tới ở. Căn nhà tôi ở là một căn nhà nghèo, chắc cũng nghèo như đại đa số dân trong làng, gồm một căn phía trước chiếm hết bề ngang bề dọc căn nhà với cái bếp nhỏ xíu che thêm ra phía sau. Vách lá trống trước hở sau, cả nhà chỉ có một chiếc chỏng tre, thiệt tôi không biết nhà nầy có mấy người và ai ngủ trên cái chỏng tre còn ai ngủ dưới đất nữa.

Nhà không có bàn thờ, nói cho tội, không có cả cái bàn để ngồi ăn hay vài chiếc ghế coi nó ra làm sao. Bếp núc thiệt thấy mà tội, những nồi chảo bỏ lại dơ dáy, đen sì chỏng trơ trên cái bếp luộm thuộm với ông lò nứt nẻ. Tôi bước ra sau vườn là bộ đội từ đâu bổng xuất hiện liền lập tức, này, không được hái bất cứ cái gì trong vườn của nhân dân đấy nhá. Tôi nói, chỉ ra kiếm chỗ đi tiểu thôi bộ đội mà thực tình, trong khi tiểu, tôi quan sát cảnh vật trong vườn.

Thật không giống gì cái vườn ở nhà quê trong Nam chút nào, sao mà khô cằn, èo uột làm sao... Điều đáng chú ý nhất  là tôi không thấy cầu tiêu chỗ nào cả. Để chuyện đó nói sau vì bài nầy chỉ nói cái ăn chớ không nói tới cái ị. Chúng tôi ở Bất bạt tính ra cũng hơn nửa tháng và khác hẳn từ ngày ở tù là chúng tôi không phải đi lao động gì cả, ngày ngày thơ thẩn trong làng, chỉ không được hái bất cứ trái cây hay hái rau cỏ gì để ăn thêm và không được ra khỏi làng trừ phi để đi vệ sinh vì làng có cái cầu công cộng dùng cho cả làng ở bên ngoài lũy tre độ vài trăm mét. Mỗi buổi chiều, khi mặt trời đã xế bóng thì bộ đội sẽ đưa tất cả chúng tôi đi tắm sông cách làng chừng vài trăm mét ngược hướng với cái cầu tiêu công cộng. Có anh bạn tù người Bắc lớn tuổi, cho chúng tôi biết tên con sông nầy là sông Nhuệ (tôi không dám có ý kiến vì không biết có đúng không nữa!)

Thức ăn hàng ngày là cơm (lúc nầy là mì độn gạo, tỉ lệ khoảng 80:20) ăn chung với thịt ba rọi kho của Bulgary như đã nói ở phần trước nay xin phép nói thêm một chút. Cái thịt nầy ngon dở bửa đầu chưa ai biết, phát ra cho 1 carré 4 thằng được 1 hộp, cái hộp thì nhỏ thôi, chắc dung tích cũng cở 1 lon sửa bò nhưng có hình dẹp giống như hộp “ham” của Mỹ và ly kỳ nhất là họ không phát cái gì để khui hết. Anh em tưởng tượng dùm, nếu ở hoàn cảnh có 1 lon gì đó mà không có đồ khui thì làm sao? Anh em chúng tôi đầu tiên không biết trong lon có cái gì, bên ngoài thì đề chữ lung tung loại chữ cyrillic nên anh em cũng ngọng, chỉ lắc thử nghe có nước bên trong với cái gì đó chớ không phải đặc cứng, mà mở hộp thì mở không được! Cũng may ở trong sân có mấy tảng đá nửa chìm nửa nổi trong đất, thế là chúng tôi lấy cái hộp ra sân và mài trên cục đá.(chắc anh em cũng biết là nếu mình mài cái đầu trên của cái lon Coke thì mình sẽ mở được cái nắp trên phải không?)

Mài là nghề của tù vì chúng tôi ở trong tù, ai cũng có dịp mài lia lịa, mài từ chiếc đủa ăn cơm cho láng và thẳng để dễ ăn, mài tới miếng tre đã chuốt để làm thành quân bài domino để giải trí, mài tới mấy cục đá ngồ ngộ để làm kỷ niệm, có anh lượm được cái sừng trâu (con trâu già Quốc khánh) đem về mài lên đen bóng làm cái dọc tẩu đáng giá ngàn vàng! Bởi vậy, khi một thằng mài cái đít lon trên cục đá là 3 thằng chỏng khu ngó lom lom, chỉ lo tới mức mà chưa ngừng kịp thì cái nước gì đó trong lon sẽ chảy ra đất hết. Bởi vậy, cái cảnh thiệt tức cười, đầu trên xóm dưới, cả làng (tù binh) thành bao nhiêu nhóm ngoài sân, đứng chung từng 4 người, một ngồi dưới đất, 3 đứng lom xom để mài cái lon “bí mật”.

Phải công nhận cái carré của tôi, thằng Văn (thiếu úy TQLC)nó khéo tay thiệt, miệng vừa nói tới rồi là tay đã ngừng và lật cái lon lên thật nhanh, giỏi lắm chỉ có một hai giọt gì đó văng ra là cùng. Rồi nó trịnh trọng mở cái nắp lon mới thành hình trong khi ba thằng còn lại của chúng tôi nhìn không chớp mắt. À, thì ra có mấy miếng thịt ba rọi thoạt ẩn thoạt hiện trong cái lon nước màu giống như nước kho thịt của mình. Cứ tưởng tượng chỉ có một muỗng cà phê nước mắm ở K5 đã làm bửa ăn thành nhớ đời thì bây giờ, cái lon nhỏ nầy với nước thịt và một hai miếng thịt ba rọi lỏng bỏng trong đó có thể coi là vàng son lắm rồi. Theo tiêu chuẩn trong tù thì những bửa ăn nầy được coi là thịnh soạn vô cùng. Kể từ bửa đó thằng Văn (nó trẻ nhất trong carré chúng tôi và chúng tôi đứa nào cũng là anh nó) lảnh nhiệm vụ mài lon thịt hộp. Mấy bửa ăn đầu thỉnh thoảng chúng tôi cũng nghe tiếng Đan mạch vang lên bên hàng xóm khi thằng thợ mài đã mài quá đà làm nước thịt văng ra tung toé (làm anh em tiếc hùi hụi nên văng tiếng Đan mạch) nhưng càng về sau, mấy thằng thợ mài càng trở nên nhà nghề, như thằng Văn thì không hề rớt ra ngoài một giọt nước thịt và nó lảnh cái job đó luôn vì không ai muốn tập để lỡ làm đổ bớt nước thịt sao? Những ngày đầu ăn thịt kho Bulgary ngon quá chừng, lại được cơm là gạo nhiều nữa chớ nên anh em đứa nào đứa nấy ăn no phè luôn. Nhưng cái gì ngon mà ăn hoài cũng ngán (ăn dở thì không ngán, chỉ có sợ thôi) cải thiện bằng rau cỏ trong mấy khoanh vườn thì bị cấm, tuy lén nhổ vẫn có thể được nhưng mấy cái nhà dân miền Bắc nầy thiệt tệ, họ không biết trồng cả một cây ớt, vài cọng rau làm thuốc! Chúng tôi (ở chung trong căn nhà) đành ngọng. Dĩ nhiên lối xóm cũng có anh may mắn tìm được cái gì đó để chấm nước thịt cũng đỡ tủi. Cho đến một buổi chiều...

Chiều hôm đó, cả lũ tù đang tắm dưới sông, anh nầy bơi mấy vòng cho dãn gân cốt, anh kia thì không biết bơi, chỉ đứng gần bờ tắm rửa kỳ cọ (bộ đội có phát xà bông “đá” cho chúng tôi) hay giặt giũ quần áo. Mấy chú bộ đội thì cũng lười vì thiệt ra có gì mà trông chừng, chúng tôi đâu có bơi được ra biển để về Nam đâu nhất là đã biết sắp được trao trả thì có lo gì anh nào vượt ngục, trốn trại? Bổng có anh tri hô, Ê, bà con ơi, ở đây cá nhiều quá xá nè, nó nổi lên rỉa bọt xà bông tưng bừng nè... Mấy tù ở gần xúm lại và thấy quả là cá nổi lên gần mặt nước để rỉa lia lịa vào đám bọt xà bông mà anh bạn đang giặt quần áo. Loại cá gì không ai biết nhưng ở tù, cá tươi là món mà anh em đã quên trong tự điển từ hồi nào rồi, bây giờ, thấy đám cá đói (không đói sao rỉa cả bọt xà bông? Ngoài Bắc đói thấy bà thì con cá làm sao no được?) anh em ai cũng lao xao tính kế...

Thế là chiều hôm sau, khi tắm sông, chúng tôi chia thành từng tổ 5 người, một anh đứng giặt đồ, còn 4 anh thì nắm 4 góc chân mùng để ngược và căng ra. Quên nói là ở Bất bạt, chúng tôi được phát cả mùng (loại mùng nhà binh cá nhân giống của mình trong Nam), nhờ vậy mà sáng kiến của mấy thằng tù đói là biến cái mùng ngủ thành tấm lưới cá rất đắc dụng.

Quả nhiên, chỉ một buổi chiều đầu tiên, chúng tôi bắt được hàng bao nhiêu cá. Nội cái nhóm ở chung nhà với tôi đã bắt được 3, 4 chục con cá dài độ bằng bàn tay (cũng vẫn không biết là cá gì?) đem về bẻ ra từng khúc (vì không có dao để cắt hay làm cá gì cả) bỏ vô cái lon thịt hộp Bulgaria để nấu lên thành canh cá, nêm mặn lên một chút bằng cái nước thịt hộp nầy... Tuyệt trần! Ngon hết biết!

Anh em bàn là chiều mai mình tìm cách “chiên” nó, thằng Văn là số một về sáng kiến, hắn đề nghị tìm cách đập một cái lon để thành một miếng kim loại mở ra giống như cái chảo và dùng chút xíu mở trong miếng thịt ba rọi trong hộp thịt để chiên. Ý kiến sau đó được phổ biến khắp làng cho anh em cố gắng thực hiện, trước là để dành miếng mở của lon thịt chiều nay và trưa mai, kế nữa là việc chế tạo cái chảo. Đêm đó, nằm trên sàn nhà đất nện mà anh em thấy lòng vô cùng phấn khởi, nghĩ tới món cá chiên chiều mai!

Nhưng Trời phụ lòng người! Chiều hôm sau, khi anh em tù xuống tắm sông thì coi như ai cũng ở trong tình trạng sẳn sàng. Luôn cả những anh em nào mất dịp bắt cá hôm qua hôm nay cũng đem theo quần áo để giặt và xà bông cũng như mùng, cứ từng toán mang theo và bộ đội canh gác tới lúc đó vẫn không nói gì. Rồi buổi thu hoạch cá hôm nay phải nói là “thành công vĩ đại” phần do anh em chuẩn bị đàng hoàng, phần do kinh nghiệm đã có. Số cá anh em chúng tôi mang lên bờ tuy không có cái gì để cân đo nhưng theo tôi thì nhiều hơn hôm qua nhiều. Ai nấy mặt mày hớn hở nghĩ tới bửa ăn ngon chiều nay. Nhưng, cái chữ nhưng quái ác, trên đường về khi tới cổng làng thì anh cán bộ trưởng đoàn cùng vài chú bộ đội đã đứng chờ sẳn với gương mặt hầm hè. Họ bắt chúng tôi dừng lại để khám xét và sau đó là tịch thu tất cả “chiến lợi phẩm”, họ mang theo những cái xô để bỏ cá của chúng tôi bắt được vào đó tổng cộng cũng hơn 3 xô đầy. Họ bắt chúng tôi mở mấy cái mùng ra vì chúng tôi có người vẫn bỏ cá trong mùng như cái lưới đựng cá để mang về, có người gói cá trong quần áo mang theo giặt và vì bất ngờ, gần như tất cả cá đều bị tịch thu. Tên cán bộ chỉ huy gằn giọng nói với chúng tôi: Cá ở dưới sông là của nhân dân, của hợp tác xã. Dân ở đây chỉ bắt cá ở ngày giờ định trước rồi tất cả hợp tác xã đều ra bắt cá. Các anh bắt cá như thế là ăn cắp của nhân dân. Từ hôm nay trở đây, tuyệt đối không được bắt cá như thế nữa.

Tôi không biết những hàng xóm của tôi thì sao chớ riêng cái căn nhà xiêu vẹo của chúng tôi, nhờ thằng Văn (cũng thằng Văn quỷ sứ) nó lanh tay dấu hồi nào không biết được 4 con cá trong quần đùi của nó, cái quần đùi tắm sông ướt nhem dính sát vào người mà nó qua mặt được bộ đội với 4 con cá trong đó quả là một kỳ công. Và cả nhà chúng tôi cũng chia nhau được 4 con cá đó nhưng không dám chiên xào gì hết vì sợ lộ mà chỉ luộc cá với nước mà thôi... Và quả thật, sau hôm đó, không có ai bắt được và được bắt con cá nào nữa hết ...

Ăn cắp: Kể ra ở tù VC mà ai nói từ đầu tới đuôi không bao giờ ăn cắp cái gì hết để ăn thì tôi sẽ nói là người đó dở ẹt. Phải nói là cái đói làm cho chúng tôi lúc nào cũng ra sức mắt láo liên tìm bất cứ cái gì để bỏ vô bụng.Ở đây tôi xin kể vài pha ăn cắp tương đối ly kỳ cho anh em thưởng lãm.

Ăn cắp khoai mì: Anh em thử tưởng tượng, một đoàn tù xếp hàng một đi trên con đường mòn tới chỗ để làm nô lệ, bụng đói cồn cào (ở tù không bao giờ có cái gọi là điểm tâm cả) nghĩ tới chút nữa phải cưa, phải vác, phải khiêng, phải gánh mà ai cũng cố sống còn bằng cách tìm cái gì bỏ vô cái bao tử lúc nào cũng kêu gào phản đối.

Chúng tôi hay đi ngang một cái rẩy trồng khoai mì của dân (dân ở gần chỗ trại chính giam tù là một hợp tác xã người Tày) Nhìn thấy luống khoai mì là ai cũng ham nhưng việc nhổ một cây khoai mì lên để lấy củ là mình sẽ làm đoàn người đang đi bổng khựng lại làm thằng bộ đội nhí đi theo canh biết liền. Bởi vậy, cái carré của tôi, cũng tôi là đứa ba trợn, sau nhiều đêm suy nghĩ đã đẻ ra một kế hoạch để ăn cắp khoai mì rồi phân công cho anh em. Sáng hôm sau, khi đi ngang rẩy khoai mì, cái toán nào đi xa cái thằng bộ đội đi theo là cái toán hành động.

Anh tù thứ nhất nhổ cây khoai mì lên rồi đưa cho anh đi kế, anh nầy bẻ củ khoai mì rồi đưa cái cây khoai mì hết củ cho anh thứ ba, sau đó là diếm ngay củ khoai vào trong áo, anh thứ ba thì cắm mạnh cái cây khoai mì hết củ nầy xuống đất và anh thứ tư đi tới khỏa khỏa đất bằng chân cho đất chung quanh cây khoai mì có vẽ bình thường. Làm như thế mà thiệt ăn khớp với nhau thì đoàn người đi không hề chậm một bước nào cả nên thằng nhóc tì bộ đội đi theo không bao giờ biết được. Hể có cơ hội là làm liền và bất cứ toán nào cũng làm, tối đem về lán nấu rồi chia nhau ăn. Thiệt vui và thiệt là ấm lòng chiến hữu...

Nhờ cái kế hoạch ăn khớp của tôi mà anh em tối lại, (xin lỗi nói chuyện có thật, đừng ai bắt lỗi là dơ dáy mất vệ sinh) có cái lót bụng buổi tối trước khi đi ngủ. Nhưng làm sao để nấu khoai mì? Nếu là bình thường thì nói làm gì, cứ bỏ khoai mì vô nước nấu lên hoài rồi hể chín là ăn được thôi nhưng chúng tôi ở tù, đâu có củi lửa hay nồi niêu soong chảo gì thì nấu làm sao? Mỗi lán chúng tôi có 2 cái bô để anh em ban đêm muốn đi tiểu hay chột bụng có chỗ xả vào.

Mỗi đêm trước khi đóng cửa chuồng, kể từ khi có kế hoạch ăn cắp cái gì đó về nấu ban đêm, chúng tôi chỉ được phép (đó là anh em với nhau ra lệnh cho nhau) ban đêm có chơi chỉ chơi vào một cái bô mà thôi, còn cái bô kia thì dành riêng cho việc nấu nướng, chúng tôi bao giờ cũng phải viện cớ nầy khác để mang mấy cái bô xuống bờ giếng để rửa (nếu chỉ rửa một cái bô để dành cho tối nấu ăn thì dễ bị nghi ngờ nên bao giờ chúng tôi cũng rửa cả 2 cái và lán nào cũng làm thế nên mấy thằng coi tù không nghi ngờ vào đâu) Rồi nấu ở đâu?

Được cái là bọn đầu xỏ ở Hà nội đã tuyên truyền nheo nhéo là giặc Mỹ có thể đánh bom (chữ của bọn chúng!) trại tù tuy là chúng tôi ở tận Lạng sơn, Cao bằng gần biên giới Trung cộng nhưng lệnh là lệnh, để phòng ngừa bỏ bom,bọn chỉ huy trại ra lệnh cho chúng tôi đào hai cái hầm dài ngay bên dưới hai dãy sạp ngủ nằm dọc theo chiều dài của cái lán. Nhưng hai cái hào nầy không liên tục vì còn vướng mấy cái chân của cái sạp bên trên nên chúng tôi đào từng khúc hào một, mỗi cái bề ngang chừng hơn 1 mét, bề dài độ 2 hay 3 mét tùy theo vị trí của cái chân sạp. Còn đi lao động ban ngày thì mỗi người phải góp phần đem về vài cây củi (ở trong rừng thì thiếu gì) Nước thì tha hồ, chúng tôi chỉ việc mỗi người chứa đầy nước trong cái ống tre rồi tối lại, khi cần nấu là nước bao giờ cũng có đủ. Rồi khi nấu, chúng tôi chỉ nấu ở những cái hầm ở giữa lán để từ ngoài hai đầu lán nhìn vào qua khe cửa, bọn lính gác không thể thấy được.

Thế là chúng tôi có món khoai mì để ăn dậm ban đêm trước khi ngủ. Nhưng ăn khoai mì luộc mãi cũng ngán nên nhiều anh có tài chế biến đã nấu chè khoai mì (không đường!!) khoai mì chà bông (không dừa!!) súp khoai mì (không muối!!) thôi thì đủ thứ món khoai mì dựa trên tinh thần sáng tạo và chế biến của mấy anh tù đói...

Và cái gì xảy ra nhiều lần rồi cũng bị bể ổ (có thể do dân trong hợp tác xã tới ngày thu hoạch khoai mì chợt thấy rằng khoai mì của họ chỉ có cây mà không có củ nên họ đã mắng vốn ban chỉ huy trại tù không chừng, chính chúng t ôi nhiều lúc nhổ trộm lên gặp cây chính bạn mình đã cắm xuống nên không có củ, chúng tôi đã phát lên cười ỏm tỏi làm thằng nhóc bộ đội đi theo nghe tiếng cười mà không hiểu vì cái gì) thế là ban chỉ huy trại đã ra sức lục soát rồi sau cùng là một số tù bị bắt giam (bậc 2, ở tù của ở tù) trong đó có tôi vì chính sách bọn cai tù đưa ra là nếu không anh nào chịu nhận thì chúng sẽ phạt cả lán. Thế là mỗi lán có một hai con vịt đẹt tình nguyện làm con vật hy sinh. Đã ở tù rồi thì còn cần đ. gì mà sợ nữa...

Ăn cắp vịt: Có thể nói mà không ngượng miệng, đây là trường hợp duy nhất trong trại tù chúng tôi ở Lạng sơn, Cao bằng mà một con vịt đã bị chúng tôi ăn cắp và đã không để lại chút dấu vết... Và thủ phạm không ai khác hơn là thằng Văn của chúng tôi!!

Mỗi buổi chiều sau khi đi lao động về tới trại, chúng tôi đi thẳng xuống sông Kỳ cùng để tắm. Trại chúng tôi nằm ngay ngả ba sông, chỉ cách chừng vài trăm mét. Đứng trong trại, ở gò đất cao có thể nhìn thấy con sông uốn khúc phía dưới xa xa bên kia đám ruộng của hợp tác xã.

Sông Kỳ cùng ở chỗ khác thì sao tôi không biết, chỉ biết ở ngay chỗ ngả ba thật giống sông Tiền giang ở Châu đốc hết sức làm tôi nhớ nhà kể gì. Mùa nắng, nước thấp, mực nước ở tít phía dưới xa cách bờ đất khoảng mấy mét, nước trôi lờ đờ như không có sinh khí, trên bờ có cây sung thật to, cái thằng nhóc bộ đội chuyên môn dẫn chúng tôi đi lao động là làm biếng hết sức, cứ ra tới bờ sông là nằm phưỡn ra gốc cây sung trên mấy cái rể xù xì và đánh một giấc ngắn mặc cho chúng tôi tắm giặt làm gì làm ở dưới sông (có trốn được đi đâu mà lo).

Còn mùa mưa, nước lũ dâng cao tới tận sát bờ đất nghĩa là con sông lúc nầy sâu ít ra cũng 4, 5 mét với độ nước chảy rất khủng khiếp. Mùa mưa nầy trời cũng trở lạnh nhất là chúng tôi ở trên cao nguyên nên chúng tôi không tắm, chỉ có đứng trên bờ giặt đồ và nhúng nước lau mình thật nhanh mà thôi.

Câu chuyện ăn cắp vịt xảy ra dĩ nhiên vào mùa nắng khi mực nước sông còn rất thấp chớ vào mùa mưa thì vô phương,không ai dám xuống sông để tắm cả chớ đừng nói có cái hấp dẫn của con vịt...Câu chuyện bắt đầu từ một hôm tắm sông vào buổi chiều tối, chúng tôi thấy có một đàn vịt bơi lội nhởn nhơ đúng ngay chỗ tắm của mình, anh em đang bị bệnh thiếu thịt trầm trọng nên người nào cũng nhìn đàn vịt sởn sơ dưới sông mà... thèm.

Không biết có anh nào đó nói: Đm, cở có con vịt nầy mà đá thì chết cũng sướng!! Từ hôm đó, nhiều buổi tối, anh em nằm trên giường mơ tới con vịt trên sông Kỳ cùng và trằn trọc khó ngủ. Không biết anh em ở lán khác thì sao chớ ở lán chúng tôi, Văn đã có kế hoạch và hắn đã “trình bày” với chúng tôi là việc đó có thể thực hiện được mà không cần chuẩn bị gì cả. Được thì có thịt vịt ăn, còn không được thì đói cũng hoàn đói, coi như huề!! Ngay chiều hôm sau khi ra tới bờ sông thì đàn vịt đang nhởn nhơ bơi lội ở chỗ thường ngày chúng tôi vẫn tắm.

Nhìn quanh quất chúng tôi chỉ thấy có 2 thằng bé giờ nầy cũng đang nằm khoèo trên bờ cách chúng tôi chừng vài mươi thước (chắc là mấy đứa nhỏ có nhiệm vụ chăn vịt cho hợp tác xã), còn thằng nhóc bộ đội thì như thường lệ đi thẳng tới gốc cây sung rồi sửa soạn chỗ nằm cho thoả mái. Chúng tôi dặn nhau là không ai xuống nước trước thằng Văn cả.

Thế là mọi người đủng đỉnh kẻ sửa soạn xà bông, người lo cởi cái áo tù ra và thằng Văn bất thần nhảy từ trên bờ xuống sông một cái đùng (như đã nói cao gần 4 mét) nước bắn tung toé rồi nó bình tỉnh đứng ở mực nước chỉ quá bụng để bắt đầu giặt đồ. Dĩ nhiên đàn vịt kêu cạp cạp um trời rồi chạy đi tứ tán cả. Đám tù cũng bắt đầu, kẻ đi từ từ thì cũng đã xuống tới nước, còn hầu như đám “đồng lõa” chúng tôi cũng đã nhảy theo thằng Văn xuống nước ầm ầm. Hai đứa nhỏ chăn vịt nhỏm dậy nhìn xuống sông một cái rồi bình tỉnh ngủ tiếp. Chú bộ đội nhí cũng nhìn và không hề có phản ứng gì cả.

Tôi bì bỏm gần bên thằng Văn để hỏi nó bằng mắt và nó cũng gật đầu, miệng chúm chím cười. Có điều tôi thấy Văn không hề nhúc nhích mà chỉ đứng yên một chỗ để giặt đồ, không bơi vòng vòng như mọi ngày. Khi tên bộ đội nhìn đồng hồ và quát lên lệnh ra về là chúng tôi lục đục ở dưới nước, túm đồ đã giặt đi lần lên cái dốc từ mực nước để trở lên bờ đất. Ai cũng túm trong tay cái bó đồ mới giặt, có điều tôi quan sát thì thấy cái bó quần áo mới giặt của Văn sao mập một cách khác thường (mình có để ý mới thấy chớ thực ra, đa số anh em cùng lán mãi về tới lán mới biết là thằng Văn đã bắt được một con vịt và bó trong đám quần áo mới giặt.

Đúng là kỷ thuật cao! Lúc ở trên bờ, Văn đã “chấm tọa độ” sẳn con vịt nào trong tầm nhảy rồi nhảy ào xuống ngay trên con vịt đó và kẹp nó ở giữa hai chân trong khi vẫn giả dạng kỳ cọ, giặt đồ như thiệt. Con vịt tuy lội giỏi nhưng bị kẹp ở dưới nước nên chỉ lát sau là chết ngộp, tới lúc lên bờ để trở về trại thì Văn chỉ thả lỏng chân là con vịt nổi lên ngay cái áo hắn đã trải ra sẳn trên mặt nước để hắn tóm và gói gọn “chiến lợi phẩm” một cách dễ dàng và mang về) Về tới lán, anh em lo phơi đồ ướt lên chung quanh lán, con vịt thì đã được đem dấu vào bên trong.

Tới bửa cơm chiều, Văn dặn truyền miệng anh em trong lán là ai cũng phải chừa lại nửa chén “cơm” để tối ăn món cháo vịt! Nói ăn bớt nửa chén cơm chớ biểu nhịn đói để tối ăn cháo vịt thì anh em đứa nào cũng hoan hô hai tay hai chân! Rồi Văn giao “công tác” cho anh em ráng thu hoạch trữ nước thật nhiều cho đêm nay và một anh xuống liên lạc với nhà bếp để mượn cho được một con dao với một tấm thớt sẽ dùng để chặt thịt vịt và maymắn trong đám anh em trong lán chúng tôi, có một anh ngày xưa đã từng có ân oán giang hồ chi đó với một “anh nuôi” nên việc đó rồi cũng làm xong trước khi chúng tôi phải vô chuồng cho quản giáo khóa cửa lại.

Chuồng đã khóa cửa nhưng trời bên ngoài chưa tối hẳn nên anh em còn sinh hoạt bình thường trong khi trong bụng người nào cũng háo hức cho bửa ăn cháo vịt sắp tới. Khi đêm đã xuống hẳn là cái bô dùng để nấu ăn đã được bắc lên lò là 3 cục đá rừng chụm lại nấu nước sôi để luộc và vặt lông vịt. Bao nhiêu đêm cũng nấu lén nấu lút dưới cái hầm chống bom mà sao đêm nay ai cũng thấy lòng rộn rực khác thường. Khi nước đã sôi ùng ục, mấy anh em phụ trách làm vịt mới vớt con vịt ra để vặt lông.

Cái đám lông vịt nầy sau đó sẽ bị thủ tiêu bằng cách chôn ở dưới đất trong một cái hầm khác. Kế đó là con vịt được chặt ra từng miếng nhỏ và anh em bàn mình sẽ chặt ra làm 33 miếng nhưng có người cãi lại là còn lòng vịt thì sao? Ai có đủ khả năng chia ra chính xác 33 miếng chặt thịt vịt? Có người cho rằng, con vịt là của thằng Văn, nó muốn chia cho ai thì chia đâu có ai bắt buộc được nó mà nói phải chia đồng đều 33 miếng thịt vịt? (Miếng ăn là miếng tồi tàn, nhất là ở trong tù)

Sau cùng thì tay thợ chặt (tên gì tôi cũng không nhớ) đã chặt vụn vằn nguyên hết con vịt thành từng miếng nhỏ xíu xong thả trở vào cái bô nước mới hiện đang sôi (trong thời gian lặt lông vịt và cãi nhau) rồi anh em thả hết vào đó bao nhiêu chén “cơm” mình đã chừa lại hồi chiều rồi đổ hết cái thớt thịt vịt bằm vào, khuấy cho đều lên. Nói không biết có ai tin được không nhưng phải nói là lúc đó, ai cũng “rên siết” là mùi vịt thơm muốn “bể lổ mủi”!!

Cho tới ngày hôm nay, đã gần 50 năm qua nhưng cá nhân tôi dám đoan quyết là tôi không bao giờ ăn được một tô cháo vịt nào ngon bằng con vịt thằng Văn đã bắt được ở Lạng sơn năm đó. Con vịt bị mất không bao giờ bị tri hô lên, chúng tôi không hề bị truy lùng hay điều tra gì hết về nó, có lẽ mấy thằng nhỏ chăn vịt cũng chỉ “nghi ngờ” mấy thằng tù đã vớt con vịt của chúng bằng cách nào đó nhưng không thể đoán ra được, có điều chúng lùa đàn vịt đi sang chỗ khác, không còn ở gần bãi tắm của tù bao giờ nữa hết.
Kỳ 1