Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Gió Mùa ñông B¡c (14)
trannguonphieu2
Những đoản văn của BS Trần Nguơn Phiêu đã đăng trên Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y:

1- Quân Y Hải Quân
2- Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười
3- Lê Quang Vinh: loạn tướng hay anh hùng
4- Những nhân chứng cuối cùng

Bản tin về:
Lễ Vinh Danh BS Trần Nguơn Phiêu


Gió Mùa Đông Bắc:
-Lời Nói Đầu - Chương 1
-Chương 2 - Tuổi Thơ
-Chương 3 - Thời Trung Học
-Chương 4 - Một thời sôi động trước Nam Bộ Kháng Chiến
-Chương 5 - Phong Trào Thanh Niên
-Chương 6 - Về quê Cao Lãnh - Trở lại Sài Gòn trước cơn khói lửa
-Chương 7 - Cách Mạng Mùa Thu
-Chương 8 - Những Ngày Đầu Nam Bộ Khánh Chiến
-Chương 9 - Lần Đầu Chạm Địch
-Chương 10 - Những Ngày Tản Cư
-Chương 11 - Hồi Cư về Sài Gòn (1)
-Chương 11 - Hồi Cư về Sài Gòn (2)
-Chương 12 - Gặp lại Nàng Thơ
-Chương 13 - Vướng Vòng Lao Lý
TrÀn NguÖn Phiêu
Chương 14

Rèn cán, Chỉnh quân


Phong trào thanh niên tham gia các hoạt động kháng chiến chống Pháp ở thành cũng như liên lạc ra bưng đang ở độ phát triển thuận lợi bỗng đột nhiên như có chiều khựng lại ở miền Nam khi ở Bắc khởi sự có các quyết định “rèn cán, chỉnh quân”. Thời kỳ này khởi sự từ khi Hồng quân Mao Trạch Ðông bắt đầu thắng thế và quân đội quốc gia Tưởng Giới Thạch bị đánh bật ra khỏi Hoa Nam.

Các bộ đội kháng chiến ở Bắc đã khởi sự được gởi qua biên giới để được huấn luyện và trang bị hoàn hảo hơn. Ðảng Lao Ðộng ở Bắc đã thấy thời cơ được nối vòng tay với đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ trước, những người cầm đầu tổ chức kháng chiến có chân trong Ðảng cố che giấu chủ trương cách mạng Cộng sản để mở rộng cửa đón nhận sự đồng tâm nhất trí của toàn dân cương quyết hợp tác chống thực dân Pháp. Giờ đây với những biến chuyển mới thuận lợi do sự thành công của Hồng quân Trung Quốc và cũng có thể do những thành phần thân chủ nghĩa Mao nay có được thế mạnh, cuộc lột xác từ thế liên hiệp quốc dân đến việc bắt đầu thanh lọc hàng ngũ, để dành ưu thế trong mọi lãnh vực cho người của tổ chức đảng Cộng sản đã được quyết định. Chủ trương rèn cán chỉnh quân cốt lõi là việc bắt đầu loại các phần tử không thân thiện với chủ trương đường lối của đảng ra khỏi các trách nhiệm chỉ huy. Những người tham gia kháng chiến, mặc dầu đã dấn thân vì lòng nồng nàn yêu nước nhưng thuộc các giới giàu sang, địa chủ, học giả, trí thức, tiểu tư sản đã phải trải qua những thời kỳ phê bình, tự phê bình để phải cuối cùng nếu chịu chấp nhận đầu hàng giai cấp vô sản mới còn có chỗ đứng trong tổ chức kháng chiến!

Ở Nam bộ, trong hàng ngũ thanh niên kháng chiến ở bưng biền, một không khí bất ổn, ngột ngạt đã được lan truyền ra đến các cán bộ thành. Trước kia, các thành phần thanh niên các đoàn thể Cứu Quốc, Dân Chủ, Nam Thanh hoặc không đảng phái đã sinh hoạt trong tinh thần cộng tác thoải mái. Nay lại xảy ra các tiếng bàn tán cho biết bên Cứu Quốc đã ra mặt chiêu dụ các thành phần tài giỏi, đảm đang của các đoàn thể khác, xúi bẩy họ gia nhập Cứu Quốc để có tương lai, thế đứng vững chắc hơn. Việc phân phối công tác, nhất là những công tác hiểm nguy thường được chỉ định không được công bằng cho các phần tử mà bên Cứu Quốc không thích.

Nhiều anh em đã nhận thức được các biến đổi mới, cái không khí ngột ngạt trong đoàn thể và đã phải gạt nước mắt, chọn đường trở về thành! Triệu còn nhớ, thời kỳ đó là thời kỳ khởi sự cái “mode Trung Quốc”. Lúc khởi đầu kháng chiến, làm việc gì thành công tốt đẹp nhưng ít tốn kém, anh em thường đùa với nhau với câu “thực tế Mỹ mà!”. Nay thì lại bắt đầu thích dùng các danh từ Trung Hoa mới cho đúng thời trang, ca khúc nào cũng phưởng phất âm điệu người láng giềng phương Bắc. Từ ngoài Bắc đã đưa vào các điệu nhảy múa sol đố mì. Sau lần xuất quân thành công của bộ đội Việt Minh được Hồng quân Trung Quốc huấn luyện ở chiến dịch Ðường số 4 biên giới, bài nhảy “Vào Ðông Khê, đầu tiên trong chiến dịch Biên Giới...” được vài anh em bất mãn về sau bảo nhau: đây là bài đánh dấu việc “nhảy về thành” !

Trong hàng ngũ học sinh, sinh viên ở thành vào thời này lại xảy ra hiện tượng mới: thanh niên tìm phương tiện xuất dương du học. Lúc ban đầu phần đông các giới trẻ được cơ hội qua Pháp để tiếp tục học, thuộc thành phần thượng lưu, khá giả, có khả năng và phương tiện cho con cháu đáp tàu sang Pháp. Lần lần về sau, nhờ vào việc thuận lợi khi chuyển tiền Phật lăng Pháp ra tiền Ðông Dương, nhờ vào việc kinh tế Pháp còn đang gặp khó khăn ngay sau Ðệ nhị Thế chiến nên nhiều gia đình công chức hạng trung bình, nếu biết xoay trở cũng có thể cho con xuất ngoại. Số thanh niên đi được ra nước ngoài vì thế càng lúc càng đông. Khi dân chúng Pháp vẫn còn sử dụng tem phiếu phân phối thực phẩm, du học sinh Việt Nam nếu được gia đình gởi cho gạo tiếp tế trong những bao nhỏ 3 kílô, chuyển theo đường bưu điện để đem bán lại bên Pháp đã có thể có ngân khoản sinh sống hằng tháng.

Do đó, càng lúc Triệu càng thấy hàng ngũ bạn bè mỗi tháng mỗi thu hẹp lại. Mở đầu là các anh như Ðỗ Cao Minh, chủ tịch Liên đoàn Sinh viên-Học sinh Sài Gòn Chợ Lớn, được sang Bordeaux học Nha khoa, chị Phạm Thị Hồng Quế được học bổng sang Louvain, Bỉ học Y, Jacqueline Trịnh Ðình Thảo qua Pháp tiếp tục học... Kể như tháng nào Triệu cũng ra bến tàu tiễn bạn đi Tây. Ðặc biệt là trường hợp Nguyễn Văn Bông, một học sinh nghèo từ làng nhỏ Kiểng Phước, Gò Công đã xin làm lao công ban ngày cho trường Huỳnh Cẩm Chương để đi học ban đêm. Thế mà Bông cũng dành dụm tiền để vận động sang Pháp học. Ở Paris, Bông đi làm bồi bàn ở quán Table du Mandarin và làm phu khuân vác ở Les Halles để sau này tốt nghiệp Thạc sĩ Luật!

Sự giao thông giữa Việt Nam và Pháp vào thời khoảng đó thường được thực hiện theo đường biển. Các tàu viễn dương thời ấy thuộc công ty Messageries Maritimes của Pháp, cặp bến thương cảng Nhà Rồng ở Khánh Hội. Mới, anh bạn thân của Triệu đã từng có lúc đi chung vào mật khu, nay cũng được gia đình vận động cho sang Pháp tiếp tục học, có lẽ sợ rằng ở lại Việt Nam chắc có ngày phải dang dở vì bị bắt? Lần tiễn đưa này, Mới được đi trên tàu Pasteur, một tàu chuyên chở cỡ lớn nên không vào thương cảng Sài Gòn được, phải bỏ neo ngoài Vũng Tàu. Triệu ra bến tiễn Mới, thấy bạn phải lên một chiếc sà lan nhỏ, được tàu dòng ra đến Cap.

Buồn nhất cho Triệu là khi Duy Thảo cuối cùng cũng được gia đình cố gắng tìm cách cho qua Pháp. Biết rằng Duy Thảo đi sẽ là một mất mát lớn trong việc tranh đấu ở thành, nhưng Duy Thảo vốn sức khỏe kém, ốm yếu, ho hen khi trời trở gió, nếu không may phải mắc vòng lao lý, e sẽ không cam chịu nổi, nên nếu Duy Thảo xa được Sài Gòn cũng là việc tốt. Tuy biết vậy nhưng lòng Triệu cảm thấy bao nỗi xốn xang. Hôm ra bến tàu tiễn Duy Thảo, nhìn người em thân thương đứng trên boong tàu Champolion từ từ xa bến mà lòng Triệu thấy hụt hẫng, bùi ngùi, không biết rồi đây sẽ còn gặp lại nhau không?

Ðể tránh những ý nghĩ đau buồn Triệu lăn xả vào việc viết lách, phát hành các tập san Nam Thanh, các tài liệu huấn luyện. Có bao nhiêu giờ rảnh rỗi ngoài việc học, Triệu ngấu nghiến đọc kể như hầu hết các sách của nhà sách Édition Sociale của đảng Cộng Sản Pháp được các bạn gởi về tặng. Triệu đã ra công đọc quyển Tư Bản Luận của Marx được dịch ra tiếng Việt, đến hơn cả ba lần nhưng vẫn chưa thấu hiểu, cho đến khi đọc được bản tiếng Pháp mới nắm biết lý thuyết của Marx. Ðến tận ngày nay, Triệu vẫn chưa nhận thức được việc u mê này đã xảy ra vì người dịch không giỏi hay là vì tiếng Việt thiếu uyển chuyển để truyền đạt triết lý Marx? Ðể tìm hiểu thêm việc khác biệt giữa chủ trương Ðệ Tam - Ðệ Tứ ở Việt Nam, việc đã đưa đến sự thanh toán các bực đàn anh nhóm Tranh Ðấu mà Triệu đã từng được biết và khâm phục trước kia, Triệu đã nhờ Mới gởi từ Pháp về tạp chí Vérité cũng như nhờ đến các trụ sở Ðệ Tứ ở Pháp mua sách. Nhờ vậy Triệu đã có cơ hội thông hiểu chủ trương căn bản của những người theo xu hướng Trotsky qua các tác phẩm « Cách Mạng Thường Trực », « Văn Học và Cách Mạng », « Ðời Tôi », « Cuộc Cách Mạng bị Phản bội »... của Leon Trotsky. Mới đã có lần than với Triệu: “Anh bảo tôi đi tìm các trụ sở Ðệ Tứ nhưng trụ sở gì mà nghèo nàn quá, ở những xóm tối tăm như đường La Poissonnière!”. Thơ từ Triệu nhận được từ những người bạn lao động mới này thường là những bao thơ cũ được tháo lộn ngược ra để dùng lại! Thật là những chứng cớ nghèo túng của giới vô sản Pháp, trái với những lời lăng mạ của những người stalinien, luôn luôn gọi nhóm Ðệ Tứ toàn là “bọn chó săn, mật thám, tay sai lãnh tiền phát xít, tư bản để phá hoại...”. Các chủ trương Triệu được đọc trên các báo Ðệ Tứ chỉ toàn có tánh cách đấu tranh tư tưởng với những người Cộng sản trung thành với đường lối Stalin. Không hề thấy những lời chửi bới thô tục, vô căn cứ với đối phương. Kiểm điểm lại quá khứ ở Việt Nam, trong khi nhóm Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, tuân theo chỉ thị của Hồ Chí Minh và Trường Chinh, đã giết hại bao nhiêu nhà ái quốc ở miền Nam, coi sinh mạng người như cỏ rác thì chưa hề có trường hợp một anh em nào trong nhóm Ðệ Tứ miền Nam đã ra tay giết hại một người nào trong nhóm Ðệ Tam đối phương. Ðối với cả đồng chí với nhau người Cộng sản Ðệ Tam đã được huấn luyện sắt máu để có thể sát hại nhau như trong trường hợp vụ án đường Barbier ngày 8 tháng 12 năm 1928. Tôn Ðức Thắng đã đứng ra chủ trì kết án tử hình một đồng chí chỉ vì một chuyện lăng nhăng tình ái giữa hai đảng viên. Vụ án vô lý này đã đưa đến « bể đảng » phá tan tổ chức, đưa một số đông bị đày Côn Lôn trong đó có Phạm Văn Ðồng, Trần Huy Liệu!

Biết được tâm trạng của Triệu, Lý đã thiết tha gặp Triệu thường xuyên hơn. Trong nỗi tuyệt vọng vì thân phận cô thế, làm gì có được cơ hội sang Pháp với Duy Thảo, Triệu đã có những giây phút, những ngày đầm ấm cạnh Lý nhưng lòng lúc nào cũng vẫn thấy phân vân, mất định hướng, không biết rồi đây tương lai sẽ ra sao. Dù vậy may mắn cho Triệu, là việc học hành vẫn có kết quả tốt. Trước ngày thi Tú Tài, ở trường có tổ chức cuộc thi thử để tập dợt thí sinh cho quen khung cảnh ngày thi. Triệu không quên được cảnh bà giáo sư Ch. khi bà mừng rỡ gọi Triệu giữa sân trường để cho biết là bài luận Pháp văn của Triệu do một giáo sư khác chấm đã được điểm rất cao. Bà nói: “Mầy cứ vững tâm học đi. Việc này chứng tỏ mầy đã có điểm tốt với tao không phải vì tao có thiện cảm với mầy. Nay mầy có thể tin như vậy”. Ðược thầy nhận thức như thế quả đã giúp cho Triệu thêm được lòng tự tin để quyết tâm đeo đuổi việc học.

Vào thời Pháp thuộc trước kia, các Ðại học đều chỉ được mở ở Hà Nội. Sau Ðệ nhị Thế chiến, một vài Ðại học mới bắt đầu được thành lập ở Sài Gòn. Triệu thấy có được cơ hội tiến thân nên đã hân hoan xin ghi vào Ðại học Khoa học để chuẩn bị học Y khoa. Lớp Lý Hóa Sinh (P.C.B.) sơ khởi được mở ở mặt sau Nhà thương Ðô Thành Sài Gòn. Trường mang danh là Ðại học nhưng không có giảng đường lớn vì sinh viên Việt, Pháp, Miên , Lào chỉ vào độ không trên ba mươi người. Các phòng thí nghiệm, các lớp học chỉ là những phòng nhỏ, bàn ghế đơn sơ. Tuy nhiên, phương thức học ở Ðại học khác hẳn với lối học ở Trung học vì nay, ngoài những giờ lý thuyết, sinh viên được thực sự bắt tay vào các thử nghiệm thực tiễn nên mọi sinh viên đều náo nức. Một chân trời mới như lần lần được thấy mở rộng trước mắt của đám thanh niên say mê học tập.

Lên cấp Ðại học, Triệu vui mừng gặp lại nhiều bạn cũ ở trường Petrus Ký cũng như vài bạn đã theo học ở các trường Trung học tư. Giới bạn trẻ trí thức miền Nam nay như đã được kết tụ lại ở cấp Ðại học. Những kỷ niệm, những kinh nghiệm vui buồn, những kiểm điểm kẻ còn người mất trong các ngày khói lửa chiến tranh đã bao phen được anh chị em đem ra bàn luận. Một nhận thức chung đã bắt đầu nhen nhúm được thành hình. Ðó là việc giới trẻ đã cảm thấy cái nhiệt huyết ban đầu toàn dân tham gia kháng chiến đã lần lần biến chuyển khi thấy một số người đã âm mưu cố giành đoạt chánh quyền cho đảng phái mình, tàn nhẫn sát hại những bạn đồng hành có khả năng nắm được vận mệnh đưa đất nước vào một chiều hướng dân chủ khác. Những thắc mắc về tương lai dân tộc đã đưa giới trẻ đến những cuộc tranh luận gay go.

Ðến tháng cuối cùng, gần đến ngày thi mãn khóa, một buổi sáng khi vào trường, cô thơ ký đưa cho Triệu một bức thơ ngắn của bà giáo sư Ch., nhắn Triệu đến gặp bà trong thời hạn ngắn nhất. Triệu lo âu, không biết có chuyện gì không may liên can đến Triệu chăng nên đã đến gặp bà ngay buổi trưa hôm ấy. Bà Ch. cho Triệu biết hiện bà vừa biết được một tin quan trọng. Một người bạn của bà là Ðại tá Quân y Pagès cho hay ông đang phụ trách một chương trình mới. Ðó là việc giúp yểm trợ Quân y cho quân lực Việt Nam sắp thành hình. Ðề nghị huấn luyện các y sĩ hiện dịch quân y Việt đã được chấp nhận và ông đang tuyển sinh viên tình nguyện vào ngành này. Bà Ch. và chồng khuyên Triệu nên nắm lấy cơ hội xin xuất dương du học. Trong thời gian sáu năm sắp tới Triệu sẽ có thêm những dữ kiện mới để nhìn thấy rõ hơn và tương lai sẽ dẫn dắt Triệu đến những chân trời khác lạ. Ra khỏi xứ, nhìn trở lại, Triệu có thể sẽ có những nhận định khác với các suy diễn hiện nay?

Việc xảy đến đột ngột quá nên Triệu xin được có thời giờ suy nghĩ lại. Ðạp xe đi lang thang trong thành phố nhộn nhịp, Triệu cảm thấy tâm hồn không thể lắng dịu để tập trung tư tưởng. Cuối cùng, Triệu lấy quyết định trở về Biên Hòa để có dịp an nghỉ và cũng để thỉnh ý của ông Ngoại. Kinh nghiệm trong quá khứ đã nhiều lần cho thấy là ngồi nhìn dòng sông Ðồng Nai chảy êm xuôi bên bờ Rạch Cát đã bao phen giúp Triệu có được những phút thư thả để suy ngẫm về những sự việc khó khăn cần phải quyết định.

Cuộc chiến đang tiếp diễn trên đất nước. Nhiều biến chuyển đã bắt đầu thấy xuất hiện. Sự đoàn kết liên hiệp chống ngoại xâm nồng nhiệt lúc ban đầu nay lại thấy manh nha xuất hiện những xu hướng nhằm củng cố cho đảng nhiều hơn là cùng cộng tác chân thành để lo liệu việc chung. Nhưng nếu vì thấy vậy mà tách ra đi thì sẽ mang tiếng là bỏ cuộc! Triệu đem các ý nghĩ của mình ra trình bày với ông ngoại. Ngoại ôn tồn nhắc lại việc những ngày đầu ngoại và Triệu đã lén nhìn quân đội Anh-Ấn hành quân tiến chiếm Biên Hòa cũng như hôm cùng đi xem một quân xa Pháp bị phục kích phá hủy ở dốc 47 trên quốc lộ 1: Xe có vẽ cờ Pháp nhưng khi bị cháy sém, nhìn kỹ lại thấy lồ lộ hẳn lớp sơn dưới là rõ ràng cờ của quân đội Anh. Khi về đến nhà, ngoại đã bảo Triệu: “Rõ ràng là người Anh đã giúp Pháp trở lại Ðông Dương. Cuộc chiến sẽ vô cùng khó khăn và sẽ có thể còn tùy thuộc vào những cuộc sắp xếp của Ðồng Minh đã chiến thắng”. Ngoại nhắc lại hôm đó Triệu đã hăng say cãi lại ngoại, cho rằng ngoại chưa chi đã sợ Pháp, ngoại không tin là với ý chí toàn dân chống ngoại xâm, Pháp sẽ không có hi vọng gì trở lại Việt Nam đâu. Ngoại cho hay hôm đó thấy Triệu quá hăng say với tuổi trẻ nên ngoại không cãi lại làm gì. Có thể thời gian mai sau sẽ cho Triệu thấy những gì sẽ chờ đợi ở tương lai. Nay ngoại cho biết ý ngoại là cuộc tranh đấu sẽ còn dai dẳng nhiều năm tháng. Ngày nay thì tình hình thấy như vậy nhưng có thể có những biến chuyển trong tương lai. Nếu Triệu thấy cần phải tự mình chuẩn bị để có thể góp sức có hiệu quả để mong giúp nước nhà thì đây là một dịp tốt phải nắm lấy. Khi biết được ý ngoại là người đã từng có nhiều ưu tư về thời cuộc, nhiều kinh nghiệm về các cuộc đấu tranh giành độc lập của nhiều phong trào trong quá khứ, Triệu lấy quyết định chọn hướng đi mới. Vả lại, bạn bè thân thiết của Triệu nay phần đông đã xuất ngoại cả rồi. Triệu đang còn hoạt động nhưng đã cảm thấy sự đơn độc, không còn những bạn thật sự tâm giao để luận bàn khi có những thắc mắc.

Trở lại Sài Gòn, Triệu cùng ba bạn khác vừa thi đậu khóa Lý-Hóa-Sinh tình nguyện xin gia nhập ngành Quân Y của quân đội vừa đang chuẩn bị thành lập. Sau khi được gởi đi nhiều nơi để hoàn tất việc khám sức khỏe, chuẩn bị giấy tờ xuất ngoại, may mặc y phục để sống ở xứ lạnh, Triệu cuối cùng đã đến ngày phải từ giã Sài Gòn để bắt đầu một đoạn đời sống mới.

Triệu được đưa đến trình diện ông Bộ trưởng Quốc Phòng, Trần Quang Vinh. Triệu đã có dịp được biết ông lần đầu tiên vào hôm có cuộc biểu tình lớn ở sân Vận động Vườn Tao Ðàn, một tuần sau ngày lịch sử 9 tháng 3 năm 1945, ngày quân đội Nhật đảo chánh Pháp ở Ðông Dương. Trần Quang Vinh, một nhân sĩ cao cấp Cao Ðài, là người trong tổ chức của Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể, lo liệu thành lập nhóm công nhân đóng tàu ở Khánh Hội. Ðây là một nhóm, ngoài mặt được biết như công nhân nhưng thật sự là một đoàn thể được huấn luyện quân sự để trở thành bộ phận võ trang của Cao Ðài. Tổ chức có tên gọi Heiho này đã tham gia cùng quân Nhật đảo chánh chánh quyền Pháp ở miền Nam. Hôm có cuộc biểu tình công khai ở Sài Gòn đó, Trần Quang Vinh cũng như Hồ Văn Ngà đã hùng hồn kêu gọi nhân dân cùng đứng lên đoàn kết xây dựng một Việt Nam vừa thoát được sự đô hộ của thực dân Pháp. Sau ngày mở màn cuộc Kháng chiến Nam Bộ, trong mưu đồ triệt tiêu các thành phần yêu nước nhưng không thuộc phe Cộng Sản, Trần Văn Giàu đã cho thủ hạ bắt Trần Quang Vinh. May mắn là khi bị giam ở Rạch Giá, tướng Cao Ðài Nguyễn Thành Phương và Vũ Tam Anh đã tổ chức phá khám để cứu thoát ông; nếu không thì ông cũng đã bị Trần Văn Giàu giết như đã giết ông Hồ Văn Ngà lúc ấy cũng bị giam cùng với ông. Hồ Văn Ngà hôm đó được người gác khám là một học trò cũ mời về nhà đãi cơm nên đã phải ngộ nạn! Ông Trần Quang Vinh nay giữ chức Bộ trưởng nhưng ông đã tiếp Triệu một cách thân mật, coi Triệu như một thành phần trẻ mà ông đặt nhiều kỳ vọng trong tương lai. Những lời nhắn nhủ rất cảm động của ông đã bao lần giúp Triệu phải tự hứa là bao giờ cũng phải có bổn phận trở về nước sau khi học xong ở ngoại quốc.

Những ngày bận rộn sửa soạn xa xứ trôi qua nhanh chóng. Triệu trở lại Biên Hòa từ giã Ông và Bà Ngoại, hi vọng ngày nào học xong, trở lại quê chắc sẽ có được cơ hội giúp đỡ lại phần nào sự dưỡng dục của ngoại đã thương yêu chắt chiu đứa cháu sớm mất mẹ.

Triệu cũng đã đạp xe vào Chợ Lớn từ giã Lý, không biết có còn gặp lại không sau sáu năm học. Không may là hôm đó Lý đang bận thi cuối năm ở trường trung học Trí Dũng gần chợ An Ðông vì Lý đã đổi trường, không còn học ở Nghĩa An cạnh chợ Khổng Tử như trước. Cả hai đứa chỉ có được dịp cùng đạp xe song song nhiều lần trên đường Charles Thompson tràn đầy bóng mát trước khi chia tay.

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2014
Loading