Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
phuquy
ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (8)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
QUA VÙNG XÔI ĐẬU KHÁM BỆNH

Sáng hôm nay trời quang đãng, vừa chuẩn bị ra xe để lên Quân Y Viện thì có người đàn ông trung niên đến nhờ tôi đi khám bệnh cho đứa nhỏ đang lên cơn sốt nặng: Nghe vậy tôi chở anh ta đi dẫn đường,“Dạ đây là sông Cà Ty, nhà em ở bên kia sông thưa bác sĩ.” 

Vừa xuống xe anh ta đã nhanh nhẹn xắn hai ống quần lên cao khỏi gối, tôi cũng khoá xe và cúi xuống định tháo đôi giày nhà binh ra thì người đàn ông cản lại: “Bác sĩ cứ để giày, bên kia sẽ có người qua đón. ” Anh dẫn tôi đi lần xuống bãi cát dưới lòng sông… Quả nhiên trong nhóm người đứng lố nhố bên kia sông có một thanh niên lực lưỡng lội qua rồi cõng tôi nhẹ nhàng trở về bên kia bờ, liền đó có một ông tách ra khỏi đám đông đến chào và dẫn tôi men theo bờ đê để đến một căn nhà lá nhỏ nằm sâu trong xóm giữa những rặng dừa, thấy cả giàn mướp hương đầy trái xanh tươi thòng xuống hồ cá sau hè. Một bé trai độ 8-9 tuổi đang nằm co trên chiếc giường tre kê ở giữa nhà với tấm mền mỏng trùm kín cổ, bà mẹ ngồi kế bên vừa đút cháo vừa xuýt xoa: “Thằng nhỏ bệnh hoài, nóng ho liên tục nó nói rát cổ họng không ăn uống được, gia tài có đứa con trai mà cứ đau lên đau xuống, lo coi chừng nó đâu có làm lụng gì được.”

Tôi khám bệnh cho em, đo nhiệt độ thấy sốt cao, nghe tim phổi cũng bình thường, bụng mềm, khi em há miệng ra soi đèn bấm thấy trong cổ họng hai hạch sưng to, nằm sát nhau đầy mũ li ti, nên mỗi lần động đậy là em cảm thấy muốn ói và ho rũ rượi, tôi chỉ nhanh cho người nhà xem và chẩn đoán em bị viêm cuống họng. Sau đó tôi chích cho em một mũi trụ sinh, một mũi hạ nhiệt và cho lấy khăn thấm nước lạnh trong lu nước mưa kê ở góc nhà chườm lên trán, lên ngực…

Canh chừng em khoảng 1giờ thấy tình trạng có vẻ khá hơn, em bớt nóng ho, tôi dặn người nhà pha nước muối ấm cho em súc miệng, cấp thêm thuốc Penicilline trong 1 tuần, dặn kỷ cách xử dụng và khuyên cha mẹ nên chở em đến nhà thương để thử nghiệm và mổ lấy hạch nếu cần để trị dứt bệnh luôn. Tôi nhớ lúc còn ở ngoài Đà Nẳng, tôi cũng đã giúp bệnh viện Dân y mổ cho các trẻ em bị viêm hạch cổ như vậy, nếu không có thuốc uống đều đặn, để lâu ngày bệnh có thể tái phát trở đi trở lại làm em mất sức vì không ăn uống được. Sau khi dặn dò mọi việc tôi chào ra về, mặc dù gia chủ có ý mời tôi ở lại dùng cơm, nước sông vẫn còn thấp nhưng đã có người đợi sẵn để cõng tôi qua lại bờ bên kia.

Về đến nhà tôi kể lại chuyện đi chữa bệnh cho bác An Vinh chủ nhà nghe, bác ấy cau mày và khuyên tôi nên cẩn thận vì tôi là người chưa quen với địa thế ở đây, khu vực bên kia sông Cà Ty là vùng xôi đậu mất an ninh, bác nhấn mạnh là từ đây về sau, muốn đi đâu nên cẩn thận và cho bác biết trước, dù sao bác cũng ở đây lâu rồi, biết rành nhơn tình và đường xá địa phương. Bác An Vinh là mẹ của bác sĩ Nguyễn Minh Ân một bạn đồng nghiệp rất thân tuy học sau tôi hai lớp, bác xem tôi như người thân trong nhà mới ân cần nhắc nhở như vậy, nên sau nầy tôi làm gì cũng hay hỏi ý bác cho yên tâm. Tuy nhiên tôi vẫn quan niệm là người thầy thuốc phải có lương tâm và trách nhiệm của mình, nếu thấy người bệnh thì phải chăm sóc, thấy người sắp chết phải tận tình cứu chữa, trường hợp em bé nghèo khổ bên kia sông bệnh nặng như vậy, gia đình chạy tới nhờ mình cứu giúp thì khó mà từ chối, rủi ro qua đó mà Việt Cộng mò về dí súng vô đầu thì cũng phải chấp nhận thôi.

Đã có biết bao đồng đội tôi ngã gục ngoài chiến trường vì lương tâm nghề nghiệp như bác sĩ Đoàn Mạnh Hoạch, Bác sĩ Đỗ Vinh, Bác sĩ Trương Bá Hân, bác sĩ Bửu Trí… Tôi tin số mạng mỗi người đều do Trời Đất an bài, sống chết chưa chắc ai đã tính toán trước mà được như ý.

ĐI SANH CHO MỘT SẢN PHỤ TRÊN ĐỒI CÁT

Ngoài trời tối om, tôi đang ăn cơm bên ngọn đèn dầu leo lét thì thấy một anh lính khúm núm từ ngoài cửa bước vô, hai tay cầm một dĩa đựng tiền đặt trên bàn:

“Thưa bác sĩ, vợ em đang chuyển bụng, cứ nằm rên la lăn lộn làm em lo quá, nhờ bác sĩ vui lòng đến giúp vợ em.

Tôi vội buông đũa đứng dậy, vói tay lấy túi xách dụng cụ thuốc men, kêu anh dắt xe đạp cất trong nhà bác An Vinh, để cùng tôi lên xe Jeep chỉ đường cho tiện, xe chạy vòng quanh ngang qua những đoạn đường vắng vẻ không đèn, tới ấp Bình Hưng, Vĩnh Phú rất gần biển vì nghe tiếng sóng lao xao đập vào bờ. Anh Thượng Sĩ nhảy xuống chỉ chỗ cho tôi đậu xe, rồi đi trước bấm đèn dẫn đường lên một đồi cát, trên đỉnh đồi trơ trọi một ánh đèn nhấp nháy từ túp lều tranh. Đến nơi mới thấy căn nhà hay đúng hơn là cái chòi trống trải với ba tấm phên vây quanh, cái chỏng tre đặt ở giữa, cạnh bên là bàn nhỏ với hai cái ghế đẩu, một nồi nước đang sôi trên bếp lửa trong góc nhà, có lẽ ánh sáng hắt ra từ đây. Sản phụ trong tình trạng khỏe mạnh vì tim phổi, huyết áp cũng bình thường, chân không bị phù nhưng vì gần sanh nên mạch hơi nhanh, thai nằm thuận, khi anh chạy đi tìm tôi thì đầu đứa nhỏ đã nhô ra ngoài. Sẳn có chậu nước pha âm ấm và đồ nghề tôi mang theo đầy đủ nên việc giúp sản phụ sanh khá dễ dàng. Người mẹ nhìn đứa con trai mới sanh bằng ánh mắt trìu mến, vừa nắm chặt tay chồng và cười nhẹ nhàng cám ơn bác sĩ.

Anh Thượng Sĩ nầy gốc Tàu, trước đây thuộc Binh đoàn Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch qua Việt Nam cùng với Quân đội Anh để giải giới quân đội Nhật thua trận, sau đó anh tình nguyện ở lại gia nhập vào Quân Lực Quốc Gia Việt Nam. Anh từng phục vụ trong đơn vị 22 Quân Y ở Kon Tum. Làm việc dưới quyền tôi, anh đã cùng tôi tham gia trận tái chiếm Dakrotah vào năm 1960. Anh là một quân nhân hiền lành gương mẫu, phụ trách về tiếp liệu, vũ khí và quân xa, rất chăm chỉ và có tinh thần trách nhiệm cao, anh đã giúp đơn vị ba lần được ban khen, chỉ một lần nữa thì được dây biểu dương, ai dè lần sau cùng nầy ông sĩ quan thanh tra lấy ngón tay quẹt vào trong nòng súng thấy dính đầy cát bụi, còn lườn xe cứu thương thì bê bết bùn sình, đơn vị bị chê trách nặng nề, anh Thượng Sĩ lo lắng chờ đợi sự trừng phạt. Ban đầu tôi cũng ngạc nhiên về sự chểnh mãng nầy, nhưng sau khi tìm hiểu lý do thì được biết gia đình anh có chuyện bất hòa, vợ anh giận bỏ về Sàigòn khiến anh lo buồn bối rối. Sư Đoàn đang cấm trại 100% nên anh không dám bỏ nhiệm sở đi đâu. Tôi đắn đo suy nghĩ, thay vì kỷ luật anh, tôi lại ký phép đặc biệt cho anh về Sàigòn tìm vợ. Sau một tuần lễ giải quyết mọi việc tốt đẹp gia đình êm ấm, anh trở lại đơn vị vui tươi ra mặt. Đêm nào tôi cũng thấy anh thức khuya tận tụy cần mẫn trong trách nhiệm của mình hơn cả trước kia.

Khi thấy tình trạng mẹ con được vuông tròn, tôi chở anh về nhà tôi lấy xe đạp, thấy 2000 đồng còn nằm nguyên trên cái dĩa, tôi cầm lấy nhét vào túi anh và vỗ vai căn dặn anh ngày mai ở nhà, tôi sẽ đến đón cả hai vợ chồng đưa lên Quân Y Viện, cung cấp thuốc men, thăm khám theo dõi sức khỏe hai mẹ con và cấp phép cho anh ở nhà một tuần lễ để chăm sóc gia đình. Với cấp bậc hạ sĩ quan của anh, lương hướng không có bao nhiêu, tôi nghĩ số tiền lớn lao kia anh đã tìm đâu ra để nhờ bác sĩ nếu không phải là tiền vay mượn? Nhớ tới cái chòi tranh cheo leo trên đồi cát của vợ chồng anh mà thương, tôi nghĩ có lẽ mai mốt lãnh lương, tôi nên nhín chút tiền mua quà cho đứa nhỏ, dù sao nó cũng là một thành viên mới gia nhập trong gia đình quân đội của tôi.

ĐẢO PHÚ QUÝ

Đảo Phú Quý đã có tên từ lâu qua sử sách như Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù lao Khoai Sứ, Cù lao Thu. Là một hòn đào nhỏ với diện tích 16 km2, nằm trên biển Đông, thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 100km về hướng Đông nam, cách Trường Sa 540km về hướng Tây bắc, cách Vũng Tàu 200km về hướng Đông, cách Côn đảo 330km về hướng Đông Bắc. Dân địa phương còn gọi một cách đơn giản là Hòn.

Trước khi vô trường Thuốc, tôi từng lái tàu qua lại vùng nầy, chỉ để ý đến một chấm đen trên bản đồ đi biển và biết có một hòn đảo nhỏ nằm biệt lập ngoài khơi. Tôi chưa bao giờ có cơ hội dừng chân thăm viếng đảo, tình cờ đọc một bài viết ngắn rất dễ thương của nữ văn sĩ Thu Nhi ở ấp Bình Hưng mô tả cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng của đảo nầy, tôi rất thích, nên khi có dịp thuận tiện tàu Hải quân ra công tác dân sự vụ tại các hải đảo xa xôi, tôi liền tháp tùng đi theo vừa tổ chức khám bệnh cho đồng bào ngoài đảo, vừa thăm cảnh đẹp của hòn đất nằm giữa bốn bề trùng dương sóng vỗ. Hải quân có hai tàu đổ bộ hạng trung LMS, tên là Hát Giang 400 và Hàn Giang 401. Tàu được biến cải thành bệnh viện hạm, có đầy đủ tiện nghi máy lạnh cho các phòng chuyên khoa.

Chúng tôi theo chiếc Hàn Giang 401 ra khơi vào một buổi sáng tinh sương, nhằm mùa gió Nồm trời êm biển lặng nắng trong veo, tàu lướt sóng nhẹ nhàng như đi trên lớp bọt nước mềm mại. Đứng trên boong tàu nhìn ra xa tôi thả hồn về vùng quê xa vắng của mình thời xa xưa với hình ảnh cô thôn nữ đẩy mái chèo đong đưa trên con sông nhỏ trong làn sương mờ đục. Biển thiệt mênh mông, con tàu bỗng trở nên nhỏ bé, như cái chấm đen trên bản đồ của hòn đảo mà tôi sắp ghé vào.

Tàu không có bến cập nên phải thả neo ngoài xa, chúng tôi dùng xuồng máy vô bờ, leo theo con đường dốc gập ghềnh bãi đá để vào làng. Đảo Phú Quý có 3 xã, Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải. Dân chúng hiền hoà mộc mạc, sống bằng nghề đánh cá, trồng rau, khoai bắp ở đây là thành phần chánh thay thế lúa gạo trong bữa ăn hằng ngày. Sân nhà có nhiều cây lựu nặng trĩu quả, nhánh quằn sát đất với những trái màu xanh đỏ. Nhà cửa theo lối kiến trúc xưa, giống như ở Hội An, thấp hẹp và dài từ nhà trước ra nhà sau, ngăn giữa là cái sân lộ thiên lót gạch Tàu, chất đầy những cái lu tròn chứa bắp khô như người trong đất liền chứa gạo.

Trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 16, nhiều ngư dân thuộc các tỉnh miền duyên hải Trung Phần chạy giặc, đã ra đảo sinh sống. Vào thế kỷ 17 bên Tàu, tàn quân nhà Minh chống nhà Thanh nhưng thất bại đã lánh nạn xuôi về phương Nam, một số chọn nơi đây dừng chân lập nghiệp. Người Chàm cũng có mặt trên đảo từ lâu, theo sự tích có một công chúa xinh đẹp, vì không tuân lệnh của vua cha nên bị đày ra hoang đảo nầy. Nàng kết hôn với người trên đảo, sinh con đàn cháu đống theo thời gian nên bây giờ phụ nữ trên đảo hầu hết phảng phất những gương mặt đẹp não nùng, huyền bí của dân tộc Chàm. Tôi có dịp gặp một bệnh nhân còn rất trẻ đã 4 con nhưng vẫn còn đẹp mặn mà, chị hiền lành kể:

“Thời con gái, tôi còn được ăn cơm ngày hai bữa, nhưng từ ngày có chồng có con, tôi chỉ được ăn bắp còn cơm thì phải nhường cho mấy đứa nhỏ... ”

Giọng chị kể thiệt bình thường, không có ý gì ao ước hay than phiền về hoàn cảnh của mình nhưng tôi nghe trong đó có vẽ gì xót xa cho thân phận người dân trên đảo, thiếu thốn, khó khăn, cực nhọc...

Trên đảo cũng có bệnh xá, nói là bệnh xá cho oai chứ thật ra chỉ là một căn nhà nhỏ tường xi măng, lợp ngói đỏ, nằm cheo leo yên tịnh trong một góc đảo sát bờ biển, giữa những hòn đá to trước mặt và bãi cát trắng sau lưng với rất nhiều hòn đá cuội và vỏ sa cừ nhiều màu sắc óng ánh dưới nắng. Khung cảnh thật thơ mộng và lý tưởng cho những ai muốn tỉnh tâm, dưỡng sức sau cơn bệnh nặng khi lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ và gió thổi rì rào qua hàng dương xanh rì .
Đảo cũng có một ngôi chùa cổ kính xây cất đã trên 200 năm, nằm trên một đỉnh đồi cao khoảng hai trăm thước, ngọn đồi có nhiều lớp đá thiên nhiên tạo thành. Từng tảng đá to lớn chồng chất lên nhau một cách tài tình mỹ thuật đứng vững theo thời gian. Thấy cảnh Chùa thanh tịnh, tôi đặt linh vị Mẹ tôi trên bàn thờ Phật, tôi nghĩ chắc hương vong Bà sẽ toại nguyện nơi này.

Có một con đường nhỏ lát đá ong như những nấc thang cao dần lên chót đỉnh. Trẻ em thả bò dê đi lang thang dưới chân đồi, còn các em ngồi núp trong hốc đá, nhìn ngắm lơ đãng trời mây, đứa nào cũng còm nhom đen nhẻm vì nắng gió vùng biển mặn.

Đa số dân trên đảo Phú Quý theo đạo Phật, đảo có 3 xã, 9 thôn mà có đến 7 kiểng chùa. Mỗi xã có tập tục thờ cúng cá Ông mà dân biển tôn kính gọi là Ông Nam Hải. Mỗi thôn lại có miếu thờ Thần Hoàng và Thổ Địa, người dân ở đây có niềm tin tuyệt đối vào hai vị Thần linh : Thầy và Chúa đã phổ độ cho dân trên đảo nhỏ mọi sự bình yên an lành giữa biển cả xa xôi, sóng nước muôn trùng, vì vậy bản tánh họ rất hồn nhiên giản dị trong cuộc sống êm đềm, khác xa với dân chợ búa trên bờ thành thị, lúc nào cũng ồn ào nhộn nhịp và lọc lừa thủ đoạn để mưu sinh.

Mượn được chiếc xe Honda cũ, tôi chạy vòng quanh các xã để thăm viếng, khám bệnh, xem nếp sinh hoạt của từng địa phương, giọng nói từng vùng trên đảo không khác nhau, có thể do sự hoà nhập lâu ngày của dân chúng người Kinh, Chàm, Trung Quốc qua nhiều thế kỷ. Trong chợ bày bán những hải sản địa phương như cá thu, cá mú, cua Huỳnh đế màu đỏ hồng mai vuông càng ngắn, nghêu sò ốc mực, thỉnh thoảng cũng có những loài cá lạ câu trong hải phận Mã lai, Phi luật tân.

Tôi nhớ có đọc một bài viết về một chiếc xe chở hàng cũ kỹ trên đảo, tôi cố tìm xem nhưng không thấy nên thắc mắc hoài, đảo không có bến cho tàu cập, không có sân bay để đáp xuống, vậy chiếc xe được đem lên đảo bằng cách nào, hay chỉ là huyền thoại như sự đặt điều của người dân trên đảo khi mơ ước được nghe tiếng máy nổ gầm rú của một phương tiện giao thông bình thường như trong đất liền. Khi hỏi các cụ già, họ quả quyết là xưa kia từng có một chiếc xe nhưng lâu đời rồi, hư hỏng không phụ tùng sửa chửa nên bị bỏ phế đâu đó, bây giờ chắc rã mục tan tành và người ta đã đem vứt xuống biển đống sắt vụn đó tự bao giờ, không thể tìm ra vết tích gì của nó nữa.

Có thể nhờ nếp sống thanh đạm giữa cảnh trời thiên nhiên trong sạch nên hầu hết sức khỏe của người dân trên đảo rất khả quan, ít bệnh tật. Trai tráng ai cũng vạm vỡ mạnh mẽ như chàng Vọi trong truyện Trống Mái, thiếu nữ thì mặn mòi với làn da rám nắng, tuy không đẹp sắc sảo nhưng có duyên ngầm với giọng nói ríu rít lạ tai dễ thương của dân xứ đảo.

MẬU THÂN 1968 CHIẾN TRẬN BÙNG NỔ
TRONG THÀNH PHỐ

Đã hơn 7 năm qua, kể từ ngày ra trường khoác áo chiến binh tôi đã qua nhiều đơn vị chiến đấu, từ vùng Cao nguyên khói lửa Kon Tum, Dakto, Daksut tới miền duyên hải trung phần Đà nẳng rồi xuống biển Phan Thiết… Trong sắc phục lính Quân Y thì nơi nào cũng là phục vụ cho đồng đội đồng bào, nghĩ mình tuổi đời còn trẻ, còn hăng say lý tưởng nên tôi luôn xung trận vào những nơi nguy hiểm khó khăn để thử sức đường dài. Mùa Xuân 1968 tôi mới có dịp hưởng một cái Tết tại Sài gòn cùng gia đình êm ấm, nên đêm Giao Thừa tôi thức khuya để đốt những phong pháo dài cả thước cho không khí rôm rả để đón mừng năm mới, bù lại những cái Tết chèo queo nơi tiền đồn heo hút.

Trong đêm thanh vắng, khi tiếng pháo lách tách vẫn còn văng vẳng xa xa thì tôi ngạc nhiên nghe chen lẫn có những tràng tiểu liên, trung liên nổi lên dồn dập về hướng Tân Cảng. Chưa biết chuyện gì thì thấy một nhóm người chạy rần rật vào con hẻm nhà tôi, xôn xao bàn tán
Việt cộng đã về tới Ngã Tư Hành Xanh và cầu Xa lộ”.

Tôi lật đật vặn radio, nghe tin tức mới biết Việt Cộng lợi dụng mọi người đang đón Tết nên tổ chức tấn công, từ nhiều hướng khác nhau đã xâm nhập vào Sàigòn - Chợ lớn. Một sự bội ước trắng trợn về lệnh ngưng bắn giữa hai bên. Tổng trưởng Trần lữ Y kêu gọi các bác sĩ giải phẫu tăng cường cho bệnh viện Chợ Rẫy... Thành phố còn đang trong giờ giới nghiêm, bên ngoài trời chưa sáng hẳn.

Tôi đã mãn nhiệm kỳ Quốc Hội Lập Hiến, nhưng vẫn còn trong quân ngũ, tình trạng đang nghĩ phép để chờ đợi lệnh thuyên chuyển. Tưởng ở nhà ăn một cái Tết bình yên cùng gia đình, nào ngờ binh biến lại xảy ra ngay trong vùng đô thị nầy. Bệnh viện dân sự đang cần chuyên môn giải phẩu khẩn cấp, nghĩ mình có khả năng đóng góp được trong hoàn cảnh này, nên tôi bàn bạc với cả nhà để vào ngay Chợ Rẫy, mọi người không cản khi tôi quyết định nhưng lo ngại vì thấy Việt Cộng về gần quá...

Mặc vội cái quần kaki vàng của Quân Y, tròng chiếc áo sơ mi trắng bên ngoài, còn cái áo nhà binh có ba bông mai vàng trên cổ thì nhét vào túi xách, tôi chạy Honda ra đường Hùng Vương, hướng về Chợ Rẫy. Đường xá vắng tanh trước sau không có một chiếc xe hay bóng người lai vãng, tôi bình tỉnh nghe ngóng tình hình chung quanh, đến nhà thờ Thị Nghè, tôi tấp vô cây xăng góc đường, mặc thêm áo lính có huy hiệu Hồng Thập Tự bên cánh tay, lấy ra sẳn cái khăn lông trắng chạy chậm chậm lên cầu vừa đi vừa phất, một toán binh sĩ mặc quân phục tác chiến đang đứng giữa cầu, quay súng về phía tôi hô to “Đứng lại”. Tôi dừng xe, tự giới thiệu và trình thẻ Quân Y ra, may mắn là có một anh Trung Sĩ thuộc đoàn Tâm lý chiến đang đứng canh cầu nhận ra tôi, sau khi nghe tôi trình bày lý do đi trong giờ giới nghiêm, anh em khuyên tôi nên mặc đồ dân sự và lái xe cẩn thận vì Việt Cộng còn lẩn quẩn trong khu vực.

Nghe vậy tôi cởi áo ka ki nhét trở lại túi xách, tiếp tục đi thẳng theo đường Hồng Thập Tự, quẹo Lý Thái Tổ, tới Ngã bảy quẹo trái trước cổng “Cơ thể học viện” thì thấy một nhóm người đứng lố nhố trước hãng BGI, kế đó một tràng tiểu liên bắn ngược lại hướng tôi, một chiếc Vespa chạy trước trúng đạn tông vô lề, nẹt lửa văng trở ra nằm giữa đường, xe đang chạy nhanh tôi không dám thắng gấp nên quẹo vội vô Triệu Đà, vòng trước sân sận động đi ngang nhà Cô dượng tôi là bác sĩ Phan văn Đệ, thấy cánh cổng sắt cột sợi dây lòi tói bự chảng, tôi nhìn vô nhà gọi to mà không có ai trả lời, trên vách bếp lốm đốm đầy lổ đạn khiến tôi thêm lo lắng, chợt thấy trên hành lang dãy phố lầu bên kia đường, một toán người đang lom khom cầm súng chạy tới chạy lui không phân biệt được là ta hay địch, tôi nhớ lại cảnh đạn bắn khi nảy mà ngán, vội phóng nhanh về hướng đường Thuận Kiều, vừa đến trước cổng nhà thương Chợ Rẫy thì thấy có một nhóm vũ trang nhưng ăn mặc như thường dân vừa đi tới vừa hỏi trỏng “Đường nào lên Tổng Tham Mưu?”

Tôi chưa kịp trả lời thì may quá anh gác cổng nhớ mặt tôi, liền hé cánh cửa nói như hét “Ông nội, vô mau đi, bên ngoài nguy hiểm lắm” tôi lách xe vào là anh đóng sầm ngay rồi phóng nhanh tới phòng trực (tiếng lóng “ông nội” thường được các ông gác cổng dùng để gọi sinh viên “nội trú” của bệnh viện, chắc anh này tưởng tôi còn làm nội trú)

Bệnh viện Chợ Rẫy có hai khu Giải phẫu, một của trường Y khoa, một của Bộ Y tế. Đã quen đường trong nhà thương, tôi chạy vòng ra phía sau thẳng đến khu Giải phẫu, gặp bác sĩ Đệ đang đứng một mình lựa bệnh ngoài sân, thấy tôi ông khoát tay:

“Con vô phòng mổ phụ với bác sĩ Tài đi, đang có nhiều người bị thương trong đó”.

Nghe vậy tôi lật đật dựng xe, đi rửa tay sát trùng trước khi bước vào phòng mổ. Bệnh nhân khá đông, đa số bị trúng đạn vô bụng, tôi phụ ông mổ tới trưa mới tạm ngưng ăn cơm. Nhà bếp hôm nay không đi chợ được nên thức ăn đạm bạc, không có trà hay trái cây, chúng tôi phải uống nước trong vòi phông tên, xong nằm vật bên ngoài phòng mổ nghĩ ngơi một chút cho tỉnh táo, trong khi chờ đợi y tá chuẩn bị bệnh nhân mới.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tài chuyên khoa giải phẫu tốt nghiệp bên Pháp về, bạn thân của dượng tôi là bác sĩ Đệ. Ông vừa là bác sĩ vừa là võ sư, chủ tịch Hàn Bái Đường, dáng người quắc thước, mổ rất nhanh và chính xác. Tôi nhớ một hôm trực đêm, gặp trường hợp bệnh đau ruột dư cấp tính. Khi mổ đúng sách vở theo đường Mac Burney vô xoang bụng, tôi khám thấy một đoạn ruột sưng to hơn ngón tay cái dài hơn một gang tay, kích thước bất thường so với những ca sưng ruột trước đây khiến tôi ngập ngừng sợ chẩn đoán sai, bèn cho mời bác sĩ Tài. Nhà ông ở bên kia đường Trần Hoàng Quân nên ông đến rất nhanh, khoác áo mổ, mang mask, mang găng xong, ông thọc ngón tay trỏ vô bụng bệnh nhân ngoáy một cái, lôi khúc ruột dư ra kẹp sát gốc cắt ngang cột lại, thoa thuốc sát trùng, ông còn cẩn thận chôn vùi đầu ruột dư đã cắt vô thành ruột già may thắt túm lại.

Động tác ông rất nhanh khiến tôi đứng xem vô cùng thán phục, đúng là sư phụ. Tuy nhiên vốn tánh khiêm nhường, ông chỉ nói “Bác sĩ Cung chẩn đoán đúng, đây là sưng ruột dư cấp tính. ” rồi giao công việc lại cho tôi tiếp tục làm... Có lẽ lúc đó tôi mới ra trường chưa có kinh nghiệm nhiều nên còn nhát tay, bây giờ có dịp gặp lại ông trong lúc này, cùng ông phụ mổ cấp cứu. Tôi thấy yên tâm hơn.

Bên ngoài vẫn còn đang đánh nhau, trực thăng vũ trang bắn hỏa tiễn xuống các khu phố vùng Chợ lớn đang bị địch quân xâm nhập, tiếng đạn nổ vang rền. Một cái Tết đầy tang tóc đau thương ngay trong lòng đô thị do Việt Cộng gây nên, chắc hẳn mọi người không ai quên được biến cố đáng nguyền rủa này, đêm đó tôi ở lại trong phòng mổ làm việc cho tới sáng. Có một anh sinh viên Quân Y đi ngoài đường bị Việt Cộng bắt được ở gần đó, thừa lúc người gát lơ là, anh trốn thoát chạy thẳng vô bệnh viện phụ mổ giúp các thầy.
Loading