Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
 
 
 
Lê Væn Thu Lê Kh¡c Bình và Nh»ng Tình Khúc DÍ ThÜÖng

Là một nghệ sĩ, tác phẩm của họ thường phải mang dấu ấn của những đổ vỡ, đau khổ hoặc tang thương thì nó mới dễ làm xúc động lòng người. Tỉ như  "Mùa Thu Không Trở Lại" của Phạm Trọng Cầu, như "Biệt Ly" của Doãn Mẫn, hoặc như "Bài Không Tên Cuối Cùng" của Vũ Thành An. Thế nhưng, với Nhạc Sĩ Lê Khắc Bình, các nhạc phẩm của anh mặc dù cũng chất chứa  các rung động của những lần gặp gỡ, của những giây phút suy tư trầm lắng, hay của những hoài niệm, có nghĩa cũng là những tình khúc, nhưng nhẹ nhàng hơn, để thành những tình khúc dễ thương!

Ngay từ lúc còn là một sinh viên y khoa trẻ tuổi của thập niên '60, anh đã viết bản nhạc đầu đời đầy tính lãng mạn:

Đưa em về chiều qua phố mưa,
Mưa ngoài ngàn còn vương tóc đùa.
Môi ngọc ngà tình trong mắt mơ,
Giấc mộng nào mong chi lần nữa!

Tưởng rằng tình là tình thiên thu, nhưng nào ngờ:

Đưa em về chiều xưa đã xa,
Mưa lạnh lùng chiều đem gió lùa.
Ôm vào lòng mùi hương xác xơ,
Hương nhạt nhòa hương bay tàn tã!

Để rồi bâng khuâng trong nỗi cô đơn khi bước một mình giữa Phố ngày Xưa:

Ôi đường về đường xa quá xa
Anh một mình rồi cũng thế mà
Mong tìm lại ngày tháng đã qua
Anh một mình giữa phố ngày xưa!

Khi nghĩ đến người mẹ đã 80 tuổi của mình, và chợt liên tưởng đến những bà mẹ đồng cảnh ngộ đã từng sống qua những day dứt đứt ruột tiễn con ra đi vào nơi sóng gió nguy hiểm cho một ngày mai mù mịt và không biết bao giờ mới gặp lại, Lê Khắc Bình đã có những lời thống thiết về các bà mẹ:

Mẹ nhọc nhằn trăm mối,
Mẹ nước mắt đầy vơi!
...
Mẹ từng ngày trăn trở
Đời sao lắm nhiễu nhương
Mẹ từng đêm héo hon
Thuyền con ra biển lớn

và đau đớn vì:

Khóc cho đời trớ trêu
Mẹ tiễn con biệt xứ
Đớn đau và xót xa từng đứa con tạ từ

Nhưng chỉ cần nghĩ về mẹ, nhớ về mẹ, những người con cũng đã cảm thấy lòng thêm ấm êm trong tình yêu Mẹ Hiền:

Mẹ vòng tay ấm áp
Mẹ trăng sáng ngàn đêm
Mẹ bình minh ấm êm
Thuở nào con khôn lớn
....
Mẹ nụ cười âu yếm
Mẹ đôi mắt từ bi
Mẹ bài ca thiết tha
Mẹ lời thơ không dứt

Và cảm thấy hạnh phúc biết bao khi được gặp lại và sống bên Mẹ Hiền:

Chứa chan niềm sướng vui còn đây bông hồng thắm,
Đã bao mùa nắng mưa Mẹ vẫn đây MẸ HIỀN.

Âm hưởng nhẹ nhàng của dòng nhạc quyện với tiếng hát thiết tha của tác giả đã thấm sâu vào tâm khảm của người nghe, nhất là cho những người đã không còn mẹ trên cõi đời này. So với bài Lòng Mẹ của Y Vân, hay bài Mẹ Tôi của Nhị Hà, bài Mẹ Hiền của Lê Khắc Bình mang tính thời đại nhiều hơn.

https://www.youtube.com/watch?v=nAiManxpcuY <about:blank>

Được sinh ra và lớn lên từ Huế, một xứ đầy thơ mộng và cũng đầy dấu xưa tích cũ, Bình tưởng có thể đã phải rơi lệ mừng vui khi được trở về thăm lại quê hương sau nhiều năm lưu lạc. Quả thật, Bình cũng rơi lệ khi về lại Huế, nhìn thấy Huế của mình tiêu điều dưới những cơn mưa dai dẳng, nhưng xót xa thay, đó là những giọt lệ của kẻ thấy mình bơ vơ lạc lõng trên chính chốn xưa của mình, vì .... người xưa ấy đã biệt tăm, và cảnh xưa ấy đã đổi thay. Trong Huế Mưa Hoài, Bình viết:

Lặng nghe tiếng hò Vân Lâu, sầu ai giữa giòng sông sâu.
Thuyền ơi ghé về đâu, vẳng đưa câu hò, chạnh lòng ai mối sầu lữ thứ.
Chiều nay có về Nam Giao, tìm đâu bóng hình năm nao.
Người đi đã từ lâu, gió mưa u hoài gợi thương nhớ nhớ thương về đâu?

và nghe xót xa bơ vơ:

Người về tìm lại hương xưa trên giòng sông tuổi nào ngây thơ, sao lòng nghe xót xa bơ vơ.
Người về tình nào khôn nguôi, bao niềm thương giờ đã xa xôi.
Còn mưa mưa mãi mưa hoài cho lòng nhớ thương ai một trời.

https://www.youtube.com/watch?v=8n3IPQNKNIU <about:blank>

Cũng trong cùng một rung động khi trở về Sài Gòn, nơi mà Bình đã trải qua những năm dài học hành tại mái trường Y Khoa thân thương, Bình đã lạc lõng dưới cơn mưa lũ, đã ngập ngừng từng bước trong giòng nước lụt của đường phố, và đã ngỡ ngàng với những thổ âm lạ du nhập từ một địa phương nào đó xa xôi. Trong Sài Gòn Thuở Đó Làm Sao Quên, Bình viết:

Chợt một chiều tìm về trên phố cũ
Thấy mưa tuôn dâng ngập lối Sài Gòn
Lòng bồi hồi ngập tràn bao thương mến
Sao ngại ngùng, sao muộn phiền, Sài Gòn giữa sóng chiều ... không tên.

và cảm thấy lạ lẫm:

Sài Gòn là đây sao em?
Đường không còn lối người chen chân.
Sài Gòn là đây sao em?
Lạ sao giọng nói người không quen.

để rồi băn khoăn:

Biết mấy tâm sự, đành lãng quên.
Xôn xao kỷ niệm, lạc lối tìm.

và ngỡ ngàng xen lẫn xót xa:

Người trở về ngỡ ngàng trên quê cũ,
Bước cô đơn giữa lòng phố đầy người.
Gửi tình về bạn bè bao năm cũ,
Nắng Sài Gòn, mưa Sài Gòn, Sài Gòn thuở đó làm sao quên!

Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người rời xa quê hương nay trở về thăm chốn cũ để thấy mình lạc lõng và cô đơn trên chính quê hương của mình. Không những thế, nó cũng có thể là tâm trạng của một số người còn ở lại.

https://jacklelynn.wordpress.com/2014/06/30/sai-gon-thuo-do-lam-sao-quen/ <about:blank>

Ở Sài Gòn thuở đó, các cậu học sinh thường lang thang ở các trường nữ như Gia Long, Trưng Vương và Lê Văn Duyệt để chiêm ngưỡng những tà áo trắng học trò, để như Đỗ Trung Quân "là bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về". Là một cựu học sinh Võ Trường Toản, cũng từng có những kỷ niệm khó quên, những xôn xao rung động khi nhìn qua trường con gái bên kia bờ tường, và qua ý thơ của Vũ Uyên Giang và Thanh Huyền, Bình đã viết Trưng Vương Một Thời Kỷ Niệm:

Trưng Vương ngày xưa đó thuở nào ươm tuổi mộng
Ngày ngày áo trắng tung bay hàng me bên đường đưa đón
còn ai đứng chờ ngập ngừng góc phố me bay.

và hoài niệm:

Bao năm qua rồi vẫn còn nhớ vẫn còn nhớ
Trưng Vương năm nào bao mộng ước chưa kịp nói
Có biết chăng ai tình ngày đó chưa hề phai
Tình xưa ơi còn thương còn nhớ còn tương tư
Người xưa ơi còn vương tà áo mầu ngây thơ.

Để cuối cùng, hờn trách nhẹ nhàng:

Trưng Vương ngày xưa đó hỏi rằng ta nhớ người mà người có nhớ ta không?
Hàng me có còn lưu luyến? Còn chăng kỷ niệm, hỡi người yêu dấu năm xưa!

Ý thơ nhẹ nhàng và tha thiết, giọng hát ngọt ngào và da diết đã là những yếu tố khiến bài này trở thành một hiện tượng, không những cho riêng các chị Trưng Vương, mà còn cho cả các cậu trai Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Võ Trường Toản thuở nào!

https://www.youtube.com/watch?v=9PIFqLgNV7c <about:blank>

Đã chồng chất tuổi đời mà lòng vẫn chưa hết rung động khi suy nghiệm về tình yêu đôi lứa vốn là một bản tính cố hữu của người nghệ sĩ. Ở đây, Lê Khắc Bình khác với các nghệ sĩ khác, như Phạm Duy với những ca khúc viết vào cuối đời ca tụng những mối tình dung tục, như Cung Trầm Tưởng ca tụng mối tình rất lãng mạn nhưng ngắn ngủi của "người em gác trọ" trong "Mùa Thu Paris", Bình xúc động khi thấy các cặp vợ chồng vẫn còn chung thủy với nhau sau bao gian truân và khổ luỵ của cuộc đời, qua bao biến đổi tang thương của đất nước. Bình chợt nhớ đến ý thơ của VT, một cố nhân, có cùng một giao cảm, và đặt nhạc cho những lời thơ ấy, để ca tụng sự son sắt của tình yêu: 

Ngày xưa thì:

Ôi con đường nào đưa em bước qua,
Gót chân son mềm, tà áo thướt tha,
Ôi tóc nào nồng hong trong giấc mơ nắng,
Tháng năm qua rồi, sao vẫn còn mơ?


Và ngày nay, tình yêu đã thăng hoa dù qua bao năm tháng nhọc nhằn:

Ôi bao mùa qua, ta vẫn với ta,
Dáng xuân yêu kiều, tình vẫn như hoa.
Bao nhiêu hạ buồn, bao nhiêu đông giá,
Đếm bao thu sầu, tình vẫn như là...

Trong cuộc sống nổi trôi nơi xứ người, rải rác đó đây, từ khung trời Âu, từ vùng Bắc Mỹ, có bao giờ lũ bạn Y Saigon '73 mong có ngày gặp lại nhau, đặc biệt là với lũ bạn còn ở quê nhà? Có chăng, chỉ là trong mơ! Có chăng, chỉ là trong thư từ, qua điện thoại! Thế mà Hội Ngộ Saigonmed73 tại Anaheim, California, vào tháng 7 năm 2006, đã là một hiện thực quá bất ngờ và là một kỷ niệm không thể quên. Bình viết:

Bao năm dài còn miệt mài theo cơn bể dâu
Nơi xa vời tưởng chừng như không mong thấy nhau!
.....
Bao nhiêu người còn nổi trôi nơi đâu, chốn nào?
Bao nhiêu tình còn đậm đà trong tim khát khao!
Sài Gòn đó giờ về đâu?
Nhìn lại mình giờ mái tóc đã bạc mầu
Ai ra đi không luyến nhớ một ngày về?
Nơi xa xôi vương vấn mãi lời hẹn thề.

Để rồi khi gặp lại nhau thì môi cười rạng rỡ niềm vui, để thấy Sài Gòn ở ngay Cali, Sài Gòn ở ngay trong mỗi đứa bạn:

Hôm nay đây trên đất mới tình nồng nàn
Biết nói sao cho vừa nỗi vui
Nhắc đến bao kỷ niệm nhớ hoài
Ai đâu ngờ gặp lại nhau nơi đây, chốn này
Ta bây giờ nụ cười vui quên bao tháng ngày
SÀI GÒN đó GIỜ LÀ ĐÂY
Dù một lần thì xin giữ mãi tình này!
....
Một lần thôi thì xin ĐỂ NHỚ MỘT ĐỜI!

Trải qua chuỗi dài những tháng ngày vật lộn với cuộc sống, đụng chạm với thực tế, giao tiếp với người đời, tác giả đã tìm ra những kinh nghiệm quí báu:

Có những tiếng nói làm ấm thêm cuộc sống
Có những tiếng hát làm khổ đau trầm lắng

hoặc:

Có những ánh mắt còn ấm hơn lời nói
Có những gắn bó còn thiết tha hơn lời hát

để nhắc nhở:

thì em yêu hỡi
bao khó khăn ngàn nỗi còn với nhau những tình ngọt bùi

hay:

thì em yêu hỡi
trong giấc mơ hạnh phúc mình có nhau đến tận cuộc đời

để đạt đến một triết lý sống:

Hãy cho nhau nồng ấm để giữ Cho Đời (Một) Chút Dễ Thương

Trong cuộc sống có nhiều bất trắc, nhiều đổi thay, nhiều gian dối như ngày nay thì có lẽ chỉ một chút đối xử chân thành, một lời nói thân tình, hay một ánh mắt thương yêu cũng đã là những yếu tố giúp cho đời thêm chút dễ thương. Với ý đó, bài hát này đã gây xao xuyến lòng người, không những ở quốc ngoại mà còn ở cả những vùng xa xôi nơi quê nhà!

https://www.youtube.com/watch?v=-lsaT5oLPmI <about:blank>

Rồi đến một tác phẩm mà những cảm xúc, những rung động đã đưa người nghệ sĩ đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật viết và thưởng thức âm nhạc. Lời và nhạc cũng như giọng hát đã quyện với nhau làm nên một bản nhạc tuy mang âm hưởng nhạc mới Pop Ballad, nhưng chứa đầy tính lãng mạn cổ điển, cổ điển ngay từ câu đầu của bản nhạc:

Tìm lại dấu xưa, ta một mình lang thang trên con đường vắng.
Nghe tiếng chiều rơi, bâng khuâng về một thuở nào xa xôi.
Giọt lệ nào ấm mãi trên môi.
Giọng cười nào chất ngất mây trời.
Từng cơn sóng, từng cơn sóng cuốn trôi ta vào mù khơi.

Nghệ sĩ ngỡ ngàng:

Ai ngờ Đường Trần càng đi càng xa, Bụi Trần càng vương càng xoá
Thì người ơi đành nhạt phai Tình Trần thuở đó
Tháng năm phai mầu mà biết còn kiếp sau?

rồi tìm về dĩ vãng:

Tìm về chốn xưa, ai đâu ngờ nơi đây phai hương mùa cũ
Đôi mắt biệt ly vẫn u hoài từng bước chân ai

để vương vấn:

Cuộc tình nào đã xa khơi
Kỷ niệm nào vút bên trời...
Mà lòng vẫn còn vương vấn mãi nét môi ai cười say đắm tuyệt vời.

Dòng nhạc như chưa muốn dứt ở câu cuối này. Dứt làm sao được khi mà lòng người nghệ sĩ vẫn còn vương vấn tình xưa! Dứt làm sao được khi nét môi ai cười vẫn tuyệt vời để đủ làm say đắm lòng anh!

Chín bản nhạc là 9 dòng tư tưởng, là 9 truyện tình, là 9 dấu ấn trong cuộc sống của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ đã say đắm trong lối viết lời, đã công phu trong lối chọn từ, chọn ý, sao cho khít khao với âm hưởng, với nhịp điệu, để khi nghe, người thưởng ngoạn có thể tự đặt mình vào vị trí của nhân vật trong bài hát, hay đúng hơn, là vị trí của chính tác giả, vì chính tác giả là nhân vật, và ngược lại.

Với giọng hát trầm và thật truyền cảm, Lê Khắc Bình đã đưa được dòng nhạc của mình vào lòng người thưởng ngoạn!


(Viết lần đầu: Nhân Mùa Lễ Tạ Ơn November 2010; sửa chữa và thêm các phần youtubes: 7/31/2015)

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020