Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Từ sau tháng Tư Đen năm 1975, công dân Việt Nam Cọng Hòa trốn chạy khỏi Chế độ Cọng Sản Hà Nội bằng mọi cách và mọi giá để tìm lại tự do và nhân phẩm. Đa số những người may mắn sống sót đã đến tỵ nạn và định cư tại các thuộc địa cũ của Đế Quốc Anh như Mỹ, Úc và Gia Nã Đại. Một số không ít cũng tái định (lập) cư tại các nước Tây Âu, nhiều nhất là ở Pháp và sau đó là Anh, Đức, Hòa Lan, Na Uy, v.v.. Sau hơn 40 năm và hơn hai thế hệ, đại đa số gia đình các người tỵ nạn gốc Việt đã an cư lạc nghiệp góp phần xây dựng vào xã hội mới và tận hưởng quyền công dân của các nước tự do.
Kỹ thuật internet trong 20 năm qua giúp người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới liên lạc gần gũi với nhau, thăm hỏi, trao đổi tin tức và phát biểu ý kiến cùng tranh luận về mọi vấn đề. Các cụ cao niên về hưu rảnh rỗi thích gia nhập các nhóm điện thư (e-mails) của đồng môn, đồng nghiệp, ái hữu để tiêu khiển cùng mở mang trí tuệ, thêm bạn tri âm là những hoạt động tốt cho bộ óc về già. Thỉnh thoảng có vài mâu thuẫn xảy ra nhưng tựu trung trong các nhóm e-mails của Y giới (Y, Nha và Dược Sĩ ) thì anh chị em tranh luận đúng đắn và giữ hòa khí của người trí thức VNCH.
Một vấn đề xảy ra gần đây gây chút va chạm giữa các cụ ở Mỹ và các cụ ở Tây Âu là Chính sách Xã hội và Chủ nghĩa Xã hội. Là người tỵ nạn Cọng Sản (CS), ai nấy đều ghét Chủ nghĩa Xã hội (CNXH). Việt Cộng (VC) không muốn bị kêu là CS mà cố tinh lạm dụng chữ CNXH cho có vẻ nhẹ nhàng hơn trong tai người nghe vì CS luôn luôn là một chế độ độc tài nhưng CNXH không nhất thiết phải là độc tài.
Tại các xứ tự do Âu châu từ sau Thế Chiến thứ Hai đến nay, chính phủ thường có khuynh hướng Dân Chủ Xã Hội. Gần đây tại Mỹ, Đảng Dân Chủ (DC) cũng có nhóm cấp tiến thiên tả tự xưng là Dân Chủ Xã Hội (DCXH). Họ lập tức bị bôi nhọ và đồng hoá với XHCN nhập nhằng với CS không những bởi Đảng Cọng Hòa Mỹ mà còn bởi các thành phần bảo thủ trong Đảng DC của họ nữa. Nhập nhằng DCXH với XHCN và CS khiến các cụ tỵ nạn tại Tây Âu nghe riết trở thành khó chịu và dễ bị đụng chạm.
Thật ra chỉ vì người Việt tỵ nạn trên hai lục địa ở các xứ tự do với chính trị và kinh tế căn bản khác nhau do các nguyên do sau đây:
1- Tây Âu: Âu châu từ cuối thời Đế Quốc La Mã đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi Thiên Chúa giáo. Qua đến các thời Phục Hưng về sau thì Giáo lý Công Giáo La Mã là văn hóa chính ảnh hưởng bởi các lời dạy của Chúa Ky-Tô Giê-Su được chép lại trong Thánh Kinh Tân Ước. Giê-Su dạy rất nhiều về công lý và xã hội. Giáo Hội La Mã tổ chức như một vương triều phong kiến với Giáo Hoàng trị vì từ Vatican cùng các Hồng Y như là các Hoàng Tử vương giả. Tập thể con chiên là đàn cừu được chăn dắt bởi giới tu sĩ phải tuyệt đối vâng lời Vatican.
Sau này, vì sự sa đọa của Vatican nên vào thế kỷ thứ 16, tu sĩ Martin Luther viết bài “hạch tội” Vatican vì thiếu trong sạch rồi dịch Kinh Thánh từ tiếng La Tinh sang tiếng Đức để người đọc biết rằng hồng ân của họ đến trực tiếp từ Chúa Trời chớ không phải từ giới phong kiến ở Vatican. Từ đó phái Thệ Phản (Protestanism) của đạo Thiên Chúa ra đời (khi đạo này truyền đến Việt Nam vào thập niên 1950 thì giới cầm quyền lúc ấy là tín đồ Thiên Chúa La Mã nên họ dịch ra tiếng Việt là Tin Lành (Evangelism) thay vì Phản Kháng).
Mặc dù nhờ ảnh hưởng Tin Lành mà Âu châu về sau có các tư tưởng về nhân quyền bình đẳng, v. v., văn hóa Thiên Chúa La Mã vẫn tiếp tục có ảnh hưởng mạnh trên lục địa Âu châu. Khuynh hướng Xã hội của Thiên Chúa La Mã có lẽ bắt đầu từ tác phẩm Utopia (Thiên Đàng Bình Đẳng) của Thomas Moore vào Thế Kỷ 16 , một nhân sĩ và chính trị gia cũng là tín đồ Thiên Chúa. Vì sợ bị Vatican và vua Anh khiển phạt, ông phải nói là ông chỉ viết đùa mà thôi.
Sau này trong Thế Kỷ 19, triết gia Karl Marx cũng dựa theo tư tưởng tương tự để phát huy thuyết Cọng Sản là Thiên Đàng Xã Hội cho giới công nhân khốn khổ vì bị chủ nhân các nhà máy bóc lột trong bước đầu của cuộc Cách mạng Kỹ Nghệ. Người Âu từ các ảnh hưởng của Giáo Hội Vatican rồi lý thuyết của Marx nên không xa lạ với các chính sách thiên tập thể (collectivism) xã hội. Đầu Thế Kỷ 20 thì cuộc Thế Chiến thứ Nhất bùng nổ gây nhiều tàn phá trên lục địa Âu khiến chính sách xã hội trở thành phổ biến trong thời hậu chiến vì dân chúng nghèo đói.
Tại Đức xuất hiện thể chế độc tài cực hữu Quốc Gia Xã Hội ( Quốc Xã Nazi) trong khi Nga Sô Viết lọt vào thể chế độc tài đảng trị cực tả vô thần của đảng CS. Thế Chiến thứ Hai mang lại nhiều tàn phá ở Âu châu hơn cả Thế Chiến thứ Nhất nhưng nhờ đồng minh với Mỹ mà các xứ Tây Âu dành lại tự do cùng tái thiết và phát triển kinh tế. Trong các cuộc bầu cử dân chủ thời hậu chiến, đa số người dân Âu chọn phái Xã Hội để giúp tập thể sống tương đối đầy đủ trong thể chế tự do. Người Việt tỵ nạn tại Âu châu thích hợp và sống thoải mái trong các xứ Tây Âu với nhiều an sinh phúc lợi.
2- Mỹ: Là một nước rộng lớn, hoang dã, với nhiều tài nguyên thiên nhiên. Vốn là cựu thuộc địa của Anh, họ dành được độc lập vào cuối Thế Kỷ thứ 18 rồi lập nước Hoa Kỳ với 13 tiểu bang nguyên thủy và hiện nay lên tới 50 tiểu bang. Đại đa số cư dân tại các tiểu bang là người di dân từ Âu châu theo đạo Tin Lành sang khai phá đất mới nên họ có tinh thần tự lập, tự trị và thiên về cá nhân thay vì tập thể như người Âu theo Thiên Chúa La Mã Vatican. Họ tích cực tham gia cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ của Thế Kỷ thứ 19 và sáng lập hệ thống kinh tế tư bản với thị trường chứng khoán khiến nhiều người Mỹ trở thành giàu có. Kỹ nghệ phát triển nhanh, tài nguyên dồi dào, kinh tế tư bản tạo nhiều cơ hội tiến thân nên Mỹ thu hút các nhân tài khắp nơi.
Cá nhân chủ nghĩa khiến Mỹ giàu mạnh cho đến khi kinh tế lâm vào chu kỳ suy thoái suy sụp nặng vào tiền bán Thế Kỷ 20 giữa hai Thế Chiến khiến nhiều người Mỹ lâm cảnh cùng túng. Lúc ấy họ mới miễn cưỡng chấp nhận một vài cải cách xã hội cho đến khi kinh tế phục hồi. Nước Mỹ do thắng trận Thế Chiến và lục địa không hề bị tàn phá nên đã trở thành rất giàu có nhưng hố sâu giàu nghèo cùng bài học đói khổ của các năm kinh tế suy thoái trong thập niên 1930 khiến họ thêm một lần nữa miễn cưỡng chấp nhận các chinh sách An Sinh Xã Hội và Chống Nghèo trong thập niên 1960s.
Cho đến nay, đa số người Mỹ vẫn chuộng kinh tế tư bản, thiên cá nhân với nhiều cơ hội cho ai nấy làm giàu nên họ không mấy thích các chủ trương xã hội tập thể (social collectivism) phổ biến ở Tây Âu. Người Việt tỵ nạn ở Mỹ thích hợp tốt với đời sống tự do trong kinh tế tư bản và rất nhiều đồng bào đã trở nên giàu có ở Mỹ.
Tóm lại, người Việt tỵ nạn CS tại các xứ tự do dân chủ như Tây Âu và Mỹ đều dễ thích hợp với hoàn cảnh và hài lòng trong cuộc sống. Nhiều an sinh lợi ích tập thể ở Tây Âu hay nhiều cơ hội để làm giầu trong hệ thống tư bản của Mỹ không phải là chuyện thiết yếu cho hạnh phúc của họ. Thoát khỏi nanh vuốt của Việt Cọng cùng tìm lại được tự do trong các quốc gia dân chủ ở Tây Âu, Mỹ và Úc … là điều quan trọng nhất mang lại ý nghĩa tốt cho đời sống người Việt tỵ nạn khắp nơi. An sinh xã hội nhiều hay ít cùng cơ hội làm giàu cho cá nhân chỉ là thứ yếu và không đáng cho người Việt tỵ nạn CS quan tâm!
Phạm Hiếu Liêm
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2020