Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
PHƯỚC LONG - BÀ RÁ
VÙNG TÂY BÁ LỢI Á
RỪNG THIÊNG NƯỚC ĐỘC CỦA MIỀN NAM VN
Sau Tết Mậu Thân 68, tôi thu xếp mọi việc để lên đường nhận nhiệm sở mới với chức vụ Trưởng ty Y tế kiêm Giám Đốc bệnh viện Phước Long. Phước Long, dưới thời Pháp thuộc có tên là Bà Rá, Quân đội Hoa Kỳ gọi vùng đất này là Tây Bá Lợi Á của miền Nam VN (đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao lại gọi như vậy!)
Đoạn đường Sàigòn- Phước Long dài 120km, lúc đầu tôi định đi đường bộ, ngồi xe đò để có dịp nhìn ngắm lại phong cảnh quen thuộc hai bên đường dọc theo quốc lộ 13-14. Ngày xưa khi còn là sinh viên Y Khoa, trong dịp hè tôi và anh Lê Thanh Vĩnh thường theo xe vận tải Citroen T45 của chị tôi làm phụ lơ, chuyên chở xăng dầu, hàng hóa nặng trên tuyến đường này. Tuy nhiên do cường độ chiến tranh tăng cao từ sau biến cố Tết Mậu Thân, ảnh hưởng đến giao thông đường bộ, đoạn từ Chơn Thành đến Đồng Xoài, quốc lộ 14 thường bị gián đoạn vì kém an ninh. Để trình diện nhiệm sở đúng ngày giờ, tôi nhờ Bộ Y tế giới thiệu đến cơ quan MAC-V xin đi máy bay.
Sáng sớm gia đình đưa tôi lên sân bay quân sự Biên Hoà ngồi bên ngoài phòng chờ đợi. Trước kia còn độc thân, mỗi lần đi xa nhận nhiệm sở mới tôi thấy cũng bình thường vì biết mình làm người lính thời chiến, công tác chỗ nào cũng là nghề nghiệp cần thiết, nhưng bây giờ đã có một mái ấm gia đình ở hậu phương nên sự ra đi khiến mình phân vân lưu luyến hơn, nhất là thấy gương mặt lo lắng của người vợ trẻ khi nhìn hai con nhỏ hồn nhiên cười giởn trong buổi tiễn chồng ra mặt trận mới, lòng tôi chợt nao nao, se thắt.
Chiến tranh quả thật đáng ghét và tàn nhẫn. Nó chia cắt mọi thứ trên con đường nó đi qua, tình cảm gia đình, giữa cái sống và cái chết, sự điêu tàn tang tóc, nỗi hận thù giữa con người với nhau…Tự dưng tôi thấy bịn rịn trong lần chia tay này, nhưng tôi cố gắng làm ra vẽ tự nhiên vui đùa, Ba tôi chắc còn nhớ câu nói thương ngày nào “Cái thằng bé Sáu thành Bác sĩ rồi mà như con khỉ. . ” khi tôi đu lên xe lửa lên Kon Tum, bây giờ ông không tiễn tôi nữa mà ngồi nhà trầm ngâm hiu hắt như ngọn đèn dầu mù u.
Sự chờ đợi càng lâu càng thêm nặng lòng người đi kẻ ở. Tôi ôm vợ con hôn vội rồi chạy nhanh ra phi đạo, một chiếc máy bay Cessna nhỏ sơn màu trắng do một viên phi công dân sự Hoa Kỳ lái sẽ đưa tôi đến vùng đất nỗi tiếng ngục tù thời Pháp thuộc: Bà Rá.
Nền trời trong xanh, chỉ có vài đám mây trôi bềnh bồng như sương khói xa xa, chiếc phi cơ bay cao hơn để tôi nhìn rõ dòng sông Đồng nai uốn khúc quanh co, với những cù lao nhỏ rải rác và những ô ruộng lốm đốm chổ vàng chổ xanh như những tấm vá trên chiếc áo đất mẹ bạc màu. . Cánh đồng lùi dần để hiện ra những vườn cao su bát ngát, rồi thác nước nhìn từ trên cao giống như miếng vải trắng nổi bật giữa rừng già, chen lẫn với những trảng lớn trống trải, mênh mông. Bỗng nhiên người phi công gợi sự chú ý của tôi khi chỉ tay về phía trước và nói “Bà Rá”.
Máy bay càng đến gần mới thấy dãy đất như cái rọ với con sông bao quanh, xa xa về phía bên phải dưới chân đồi có cây cầu sắt nhỏ nối liền bán đảo với bờ bên kia, thấp thoáng trong lùm cây, một cụm khói đen đang lan tỏa lên cao, có thể đám cháy nào đó chưa kịp tắt. Viên phi công bay lượn vài vòng quan sát rồi đáp nhanh xuống con đường lớn nhất trong thành phố theo hướng Nam Bắc từ chân núi Bà Rá đến toà nhà hành chánh tỉnh có nóc nhọn, đến gần cuối đường bay, chân đạp thắng, tay chỉ về hướng cửa gương mặt khẩn trương, viên phi công nói như ra lệnh “good luck”, hiểu ý tôi vội nhảy xuống đất vẫy tay cám ơn ông ta, dường như chỉ đợi có vậy chiếc máy bay rồ máy mạnh hơn và bay lên cao, trong phút chốc đã khuất khỏi núi và biến mất trong mây.
Trời nắng đẹp nhưng quang cảnh chung quanh vắng lặng đến nặng nề, tôi đứng giữa nền xi măng tròn viền gạch tàu chung quanh, có sơn chữ H màu đỏ dùng làm bãi đáp trực thăng, nhìn về hướng núi và quan sát chung quanh, sau lưng tôi là một tòa nhà hành chánh rộng lớn với lối kiến trúc nóc nhọn cao nhất vùng, cách tôi chừng mười thước về bên trái là một hầm trú ẩn kiên cố nóc bằngvới một lỗ châu mai đen ngòm của Ty Cảnh Sát. Đối diện với hầm trú ẩn bên kia đường sân bay là một mương cạn chạy dài theo mặt lộ, được rào bằng dây kẽm gai phân chia lằn ranh của một bãi đáp khá rộng, có lẽ dành cho những loại trực thăng cở lớn. Xa xa về bên trái là ngôi nhà thờ nhỏ, vách ván lợp tole có cột thánh giá trên cao.
Trên chốn thâm sơn Bà Rá này tôi nghe kể nhiều giai thoại hay về hoà hợp tôn giáo giữa Chúa và Phật mà cảm động không cùng. Khi tỉnh Sông Bé bị Việt Cộng tấn công, chùa Huệ Quang bị đốt cháy, linh mục chánh xứ trong bộ lễ phục đen đã lái chiếc xe Wolkwagen cũ của ông đến tiếp cứu chùa, đồng thời chở Thượng tọa trụ trì mặc áo nâu sòng chạy khắp nơi để lo việc chung sự cho phật tử và giáo dân. Thế mới biết trong lúc nguy nan, tình cảm con người xích lại gần nhau hơn trong tấm lòng từ bi bác ái mở rộng, không phân biệt tỵ hiềm.
Khi tôi đang chăm chú nhìn những viên gạch sứt mẻ dưới chân, mấy vết đạn loang lỗ trên tấm tole dựng trước toà hành chánh trong khung cảnh im lìm của một tỉnh nhỏ đìu hiu ngoài sự tưởng tượng của tôi, mọi thứ đều vắng ngắt như Chùa Bà Đanh, không một tiếng động, không một bóng người, chỉ có vài cánh hoa bìm bịp màu tím mọc dại bên đường rung rinh trong gió nhẹ, chợt thấy từ xa một chiếc xe màu trắng mang dấu hiệu Hồng thập tự chạy vụt đến, trong bụi đỏ mịt mù vì thắng gấp, một gương mặt ló ra căng thẳng, tiếng miền Trung nặng nề khô khan của anh tài xế
“ Mời bác sĩ lên xe nhanh”.
Tôi vừa ngồi xuống chưa kịp đóng cửa thì anh ta đã hấp tấp quay đầu xe y như viên phi công ban nãy, chạy hết tốc lực trên phi đạo rộng rải như bị ma đuổi, không có lời thăm hỏi xã giao ban đầu, anh ta vừa lái vừa chỉ về phía trước
“Việt Cộng mới pháo vô nhà thương”
Tôi nhìn theo hướng anh ta chỉ mà đâu thấy cổng hay bảng tên nhà thương nào đâu, chiếc xe rẽ trái chạy chậm vào hai hàng đá ong rồi ngừng lại trong sân đất, trước hai dãy nhà trệt tường gạch lợp ngói nối liền nhau bằng một hành lang thấp có nóc. Bây giờ chú tài xế mới bước xuống đất đi vòng qua đầu xe lịch sự mở cửa cho tôi, một phụ nữ trung niên dáng thấp nhỏ đứng chờ gần đó, mộc mạc trong áo bà ba trắng quần đen, trên môi còn bập bập điếu thuốc rê, chạy đến lễ phép chào tôi bằng một giọng Huế nhỏ nhẹ, chưa đợi tôi trả lời bà đã nắm tay tôi kéo đi và than phiền:
“Việt Cộng ác ôn thiệt, cứ nhè nhà thương mà pháo kích vô hoài, có vài bệnh nhân và nhân viên đang bị thương, may mà bác sĩ tới kịp. ”
Tôi theo bà đến góc nhà, thấy người ngồi kẻ nằm ngổn ngang, áo quần ai cũng bê bết máu đang chờ đợi săn sóc. Tôi cởi áo veste, cà vạt ra (đây là đồ vía tôi mua trong lúc đi du học năm 62 tại San Francisco, Mỹ) đưa cho bà và khoác vội cái áo blouse của nhà thương, rửa tay sát trùng, tiến hành băng bó các vết thương cũng như chích thuốc trụ sinh, thuốc ngừa phong đòn gánh. . Cũng may là các vết thương chỉ gây chảy máu, cầm lại được không có gì nguy hiểm đến tánh mạng.
“ Thôi trưa rồi, tạm nghĩ một chút để bác sĩ “thời cơm” đã rồi làm việc tiếp. ”
Bà Y công Thiết nói như ra lệnh, bà mời tôi vô phòng bên cạnh giới thiệu “cơ ngơi” mới của tôi. Căn phòng chừng ba thước vuông, cửa cái ngó ra sân với hai cửa sổ hướng về núi Bà Rá và sân bay. Phòng bày trí đơn giản với bàn làm việc và hai cái ghế bằng gỗ tạp, không có tới một tấm lịch hay bức tranh treo tường.
Trên bàn dọn sẳn một mâm gồm thố cơm trắng, tô canh mít nổi lều bều vài tép mở và một dĩa chỏng trơ mấy con cá khô bằng ngón tay út. Không đợi tôi hỏi han câu nào, bà Y công phân trần:
“ở đây thức ăn khan hiếm, lâu lâu mới có mở đường cho xe tiếp tế lương thực từ Sàigòn lên, nên bữa nay bác sĩ ăn tạm khẩu phần của bệnh nhân, để mai em dặn nhà thầu làm món riêng có cá thịt cho bác sĩ. ”
Tôi khoát tay “Thôi khỏi nấu riêng, bệnh nhân ăn sao thì tôi vậy cũng được. ” Phần trời đã quá trưa, phần đói bụng từ sáng đến giờ nên tôi ăn hết sạch mâm cơm một cách ngon lành, không có bánh trái gì tráng miệng, bà Thiết mang ra một tô nước trà đậm, tôi uống chầm chậm để cảm nhận cái đắng nghét của ngày đầu tiên đến nhận việc tại một thành phố nhỏ hoang vắng hiểm hóc nhiều bất trắc nầy.
Buổi chiều bà Y công dẫn tôi đi một vòng thăm nhà thương, trong hai phòng bệnh, tôi đếm được 40 giường, nhưng cái nào cũng trống trơn, bệnh nhân đâu không thấy, chỉ có chiếu màn lộn xộn, gối mền văng bừa bãi dưới đất, vài dây chuyền nước biển còn treo lủng lẳng trên cọc giăng mùng, bà Thiết giải thích:
“ Mỗi lần nhà thương bị pháo kích là bệnh nhân hoảng sợ túa ra sân tìm chỗ núp trốn tùm lum, có khi về nhà mấy ngày sau thấy êm êm mới lục tục trở lại, thành thử bác sĩ thấy phòng bệnh không có ai là vậy. ”
Chúng tôi tìm thấy trong hầm trú ẩn của nhà thương một em bé người Thượng đang nằm trên tay mẹ mà dây chuyền nước biển bị nghẹt từ hồi nào, chúng tôi cũng gặp hai bệnh nhân nhảy xuống hố sâu bên hông nhà tránh đạn đang cố leo lên nhưng không được họ gọi chúng tôi kéo giúp, trời sẩm tối nhân viên còn tìm thêm một bệnh nhân bị thương nằm ở bìa rừng, anh ta trúng đạn ở đùi vết thương khá sâu máu ra ướt đẩm, phải dùng cán khiêng vào phòng cấp cứu, tôi rửa vết thương băng bó và chuyền nước biển, sẳn có bộ dụng cụ tiểu phẩu của phái đoàn Milphap Hoa Kỳ đã được khử trùng nhưng chưa dùng tới, chúng tôi lấy ra mổ cho bệnh nhân.
Nhưng khi ngọn đèn măng song vừa thắp lên thì hàng đàn con thiêu thân từ bìa rừng bay túa vào, bà Thiết suy tính nghĩ ra kế “điệu hổ ly sơn” xách cái đèn ra sân để dụ mấy con thiêu thân bay ra ngoài, nhưng thấy không xong vì phòng mổ tối thui làm sao được, cuối cùng bà nghĩ ra cách giăng cái mùng phủ kín bàn mổ trước rồi xách đèn dụ “địch” ra sân. Khi thấy êm mới đem đèn trở vào mùng vậy là yên chuyện.
Lần đầu tiên trong đời tôi đã “mổ trong mùng”, tuy có hơi tù túng chật chội và khó chịu vì mùi hôi hám ngột ngạt nhưng trong thời chiến gặp khó khăn phải chấp nhận hoàn cảnh mà tùy cơ ứng biến, chỉ cần chú ý đến vấn đề vệ sinh tổng quát ngay vết thương để tránh cho bệnh nhân không bị nhiễm trùng nguy hiểm là tốt rồi, tôi thấy tạm an lòng trong cách giải quyết linh động này để mọi việc trở nên tương đối ổn định.
Tôi có đọc nhiều sách nói về cách tổ chức phòng mổ, cũng như được huấn luyện kỹ về giải phẫu tại các bệnh viện trong nước và ngoại quốc. Vì vậy tôi nảy ra ý muốn thực hiện một phòng mổ ngay trong vùng hỏa tuyến này, chắc chắn không thể hiện đại như những phòng mổ của các nước tân tiến Âu châu với những trang thiết bị tối tân nhưng cũng tạm xử dụng được. Ngay từ bây giờ tôi sẽ nuôi ý định này, chỉ còn là vấn đề thời gian và phương tiện thôi.
Sau khi giải quyết tạm thời một số công việc của ngày đầu tiên nhận nhiệm sở mới, tôi trở về văn phòng xem lại sổ sách bệnh viện, thấy trong ngăn tủ 3 công điện thượng khẩn màu vàng từ Quận Đồng Xoài đánh đi cho biết có tình trạng bệnh Dịch hạch xảy ra trong ấp Thượng Bunard và yêu cầu Ty Y tế tỉnh khẩn cấp can thiệp. Công điện gởi tới đã khá lâu nhưng lại nằm im trong ngăn tủ, Bà Y công Thiết kiêm thủ kho bệnh viện, tánh lăng xăng linh hoạt khi giải quyết công việc trong bệnh viện, có nhiều sáng kiến hay, ai cũng nghĩ bà là một nhà quản lý thông thạo đầy kinh nghiệm, nhưng đến khi được hỏi về những công điện trên, bà phì phà điếu thuốc rê điệu bộ lúng túng, tôi mới khám phá ra bà không biết chữ, công điện chính tay bà nhận và cất cẩn thận vào ngăn tủ, nhưng không biết nội dung nói những gì trong đó!
Từ trước đến nay chưa có một bác sĩ nào tình nguyện lên vùng rừng thiêng nước độc này, chỉ có một trường hợp dưới thời Ngô Đình Diệm cách đây hơn 5 năm có một bác sĩ bị “đày” lên đây, nhưng ông chỉ ở cho có lệ, đợi cuối tuần là đi máy bay dân sự về Sàigòn nghỉ ngơi đôi ba tuần hay lâu hơn rồi mới trở lên. . Chuyện xảy ra khá lâu nên mọi người trong bệnh viện chẳng còn nhớ tên ông ta nữa, chỉ thấy ngoài bìa rừng một khung màn ba cánh xếp bằng nhôm thường dùng để làm bình phong trong phòng khám bệnh, có thể lúc đầu mới đổi lên đây, ông bác sĩ muốn mở phòng mạch tư nhưng thấy dân chúng nghèo quá, không thuận lợi cho việc làm ăn nên ông nãn lòng đổi ý vứt bỏ luôn đồ nghề.
Tối lại bà Thiết trải một chiếc chiếu mới dưới đất trong góc phòng, giăng cho tôi cái mùng, khi nghe nói tôi sợ lạnh, bà cho thêm cái mền và cười
“bác sĩ ngủ tạm vậy nhe, trên xứ này không có lò sưởi”.
Lạ chỗ tôi không ngủ được, cứ trằn trọc suy nghĩ mông lung. Lên nhận Sự vụ lệnh với tư cách là Trưởng ty Y tế kiêm Giám đốc bệnh viện, nhưng tôi không thấy bác sĩ nào bàn giao công việc hay sổ sách giấy tờ gì quan trọng ngoài ba cái công điện khẩn mà tôi tìm thấy trong ngăn tủ, tình trạng thiếu thốn đủ thứ cho Y tế công cộng, vấn đề điện nước cho khu vực heo hút này, nhà thương tỉnh có đến bốn quận nên không đủ nhân viên chuyên môn, vấn đề của bệnh truyền nhiễm cần ngăn chận an toàn, vấn đề giải quyết khẩn cấp khi có bệnh nặng, không thể di chuyển đường bộ vì quốc lộ thường xuyên bị gài mìn, bị phục kích, còn xin máy bay thì khó trăm bề.
Tôi nhớ gương mặt căng thẳng của viên phi công sáng nay, cứ bay đảo tới đảo lui quan sát thiệt kỷ rồi mới đáp xuống, xong lại lật đật phóng lên cao như sợ có sẳn băng đạn nào đó bắn trúng thương. . Một ngày mới bắt đầu với quá nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi nghĩ mình sẽ vượt qua được bằng sự cố gắng. Trời càng về khuya càng thêm lạnh, sương xuống mờ mịt che khuất ngọn núi Bà Rá, tôi nằm lăn trở nghe tiếng lá cây xào xạc ngoài sân, hoà lẫn với tiếng gió rít luồn qua khe cửa, bây giờ chắc gia đình tôi đã ngủ yên, nhớ ánh mắt buồn buồn của vợ lúc tiễn tôi đi, thấy thương nàng hết sức, nhưng tôi cố làm ra vẽ bình thản, trêu chọc để nàng yên tâm “ Lính mà em!”chớ thật ra tôi cũng não nuột trong lòng.
MỘT BUỔI HỌP BẤT THƯỜNG
Đến bệnh viện được một ngày, tôi chưa biết mặt hết mọi người nên sáng nay tôi cho mời hết nhân viên vào họp ở phòng BS Giám Đốc, căn phòng nhỏ không đủ chỗ, nên ai cũng đứng chen nhau từ trong phòng ra đến ngoài hành lang, 40 nhân viên mà chỉ có vài người khoác áo trắng của bệnh viện, mang bảng tên trước ngực, còn lại ăn mặc giản dị bình thường, riêng cô thư ký mặc áo dài màu xanh da trời, đặt lên bàn tôi chồng hồ sơ nhân viên.
Trong bầu không khí sơ khởi, mọi người được yêu cầu tự giới thiệu về mình. Tôi xem qua hồ sơ và hỏi thăm sức khỏe, gia đình, đời sống của họ. Hoàn cảnh chung đa phần đều thiếu thốn, người địa phương thì ít mà hầu hết dân từ các nơi xa đổi về đây làm việc. Bà Rá là nơi rừng thiêng nước độc, dưới thời Pháp thuộc, Bà Rá là nhà tù nổi tiếng, nơi lưu đày biệt xứ các nhà cách mạng yêu nước VN, bây giờ đã thành một tỉnh của miền Đông nam bộ, nhưng vì địa thế hẻo lánh lại thêm chiến tranh tàn phá nên khó phát triển khả quan như các nơi khác, nên không ai muốn dấn thân lên vùng đất này, ngoại trừ một số công chức mới ra trường đổi tới, hay bị lỗi lầm chi đó bị chuyển lên đây một thời gian như để thử thách.
Sáng này thức sớm tôi ráng xem qua hồ sơ trước buổi họp, thông thường sổ cá nhân của nhân viên mới ra trường chỉ có vài trang giấy mỏng, nhưng duy nhất có anh chàng y tá trẻ tuổi, người miền Trung đổi về đây đã trên ba năm, hồ sơ anh ta dầy hơn 30 trang, toàn những lời phê bình xấu.
Tôi nói về bổn phận và trách nhiệm của người trong ngành Y, mục đích chính bao giờ cũng là phục vụ bệnh nhân, cùng nhau chung sức làm việc, nâng đỡ nương dựa lẫn nhau, như bàn tay có ngón dài ngón vắn, tập thể có người mạnh người yếu, nhất là trên vùng đất xa xôi hẻo lánh này, công việc đòi hỏi trách nhiệm nặng nề hơn, trên cương vị Bác sĩ trưởng ty Y tế và Giám đốc bệnh viện, tôi như người đàn anh trong nghề, có bổn phận khuyến khích nhân viên làm việc trong tinh thần gia đình, đoàn kết tôn trọng lẫn nhau, mỗi phần việc của nhân viên đều quan trọng, người làm việc ở gần cũng như ở xa, tôi đều quí mến như nhau. Kể từ giờ phút này, tôi không để ý tới những lỗi lầm trong quá khứ của bất cứ ai, chúng ta khởi đầu lại, mọi thiếu sót nếu có sẽ được sửa đổi, tôi hứa đánh giá mọi việc thật công bằng, thưởng phạt công minh. .
Và trước mặt mọi người hiện diện trong phòng, tôi đích thân xé những tờ giấy dầy cộm, ghi chú lý do thọ phạt của nhân viên được chuyển lên đây, tôi cho đó là một việc có phần bất công bè phái. Con người ai cũng có lúc phạm điều lầm lỗi, nhưng bản chất họ luôn lương thiện thì ta nên tìm cách giáo hóa người lầm lỗi bằng tình cảm hơn là sự trừng phạt. Đó là chủ trương của riêng tôi.
Sau buổi họp, mọi người tản ra ai làm việc nấy, không khí bệnh viện có vẻ rộn ràng vui vẻ khiến tôi cũng thấy yên tâm, nghĩ mình đã có hành động thích hợp. Tôi chuẩn bị lên đường thăm viếng ấp Thượng Bunard đang có bệnh dịch hoành hành.