Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Chương 17
Miền Nam nước Pháp
Như thường lệ từ nhiều tháng qua, Triệu lấy xe điện để đến nhà ga Saint Jean cho kịp chuyến xe lửa chiều thứ Sáu từ Bordeaux đi Toulouse. Chuyến cuối tuần này là loại dành riêng cho những người làm việc xa có thể trở về sum họp với gia đình. Triệu có thói quen thường đến ga rất sớm để tránh việc lỡ chuyến. Ðây là chuyến tốc hành, chỉ dừng lại ở các ga chánh và thường rất đông khách. Chiều nay Triệu đã phải hấp tấp vì buổi học cuối tuần ở Ðại học Y thuộc loại thực tập giải phẫu trên xác ướp tuần này đã kéo quá dài. Triệu được chỉ định phải để công mổ, nhận diện và trình bày cho huấn luyện viên hệ thần kinh thứ Bảy. Ðây là dây thần kinh có nhiều nhánh rắc rối, điều khiển phần lớn các cơ trên mặt. Giải phẫu mà làm hư hỏng có thể làm bịnh nhân bị méo mặt hay bị xệ mí mắt. Buổi thực tập đã chiếm nhiều thời gian và Triệu đã lo lắng e ngại sẽ ra ga quá trễ.
Triệu ghé qua quán bán báo, mua nhanh một tờ nhật báo Le Monde và hai tuần báo: Paris Match và tờ châm biếm “Con vịt bị buộc” Canard Enchainé. Ðó là cái lệ: mỗi khi lấy xe cuối tuần qua thăm Duy Thảo, Triệu cũng mua ba tờ báo này vì đến lúc đọc xong thì thường cũng vừa vặn khi xe lửa đến ga Matabiau của Toulouse.
Chuyến chiều thứ Sáu cuối tuần hôm nay cũng đông khách như thường lệ. Ngoài một vài người có lẽ là nhân viên văn phòng ăn mặc tươm tất, phần đông thường là các công nhân hoặc những người làm nghề thương mại. Triệu ngồi vào toa, gật đầu chào hai anh công nhân quen thuộc vì thường hay gặp cùng đi trên chuyến cuối tuần này. Ðây là hai anh làm nghề khuân vác ở bến tàu Quai des Chartrons. Hai anh cho biết họ có gia đình ở nông trại vùng ngoại ô Toulouse nhưng công việc đồng áng không đem lại nhiều lợi tức so sánh với công việc giở bốc hàng ở thương cảng nên họ phải nhận đi làm xa. Tuy nhiên vì là gốc nhà nông, họ thích trở về sống với gia đình giữa đồi núi mỗi cuối tuần để xa lánh không khí ngột ngạt của thành phố. Chiều nay trong toa còn có một thiếu phụ, có lẽ là người ở vùng quê, ăn mặc toàn đồ đen, chân mang guốc cây được đẽo như giày, loại thường được thấy trong các tranh ảnh xứ Hòa Lan. Hình như bà từ xa đến, phải đổi xe lửa ở Bordeaux để đi tiếp. Mở một bọc vải, bà bày các thức ăn đã được gói kỹ như bánh mì gối của các nhà nông, xúc xích khô, phó mát... Bàn tay nhăn nheo nhưng gân guốc của bà đã thoăn thoắt cắt khéo léo từng lát xúc xích thật đều đặn để nhét vào bánh mì, chứng tỏ bà là một người từng quen công việc lao động.
Vì xe chưa tới giờ di chuyển khởi hành, không khí trong toa hơi nóng bức, Triệu ngỏ lời xin bà cho phép Triệu cởi bỏ áo khoác ngoài. Bà vội vàng trả lời: “Xin ông cứ tự nhiên. Người Á đông các ông thật lễ phép. Tôi thật xấu hổ vì đã lỡ cầm chai rượu uống trước mặt ông!” (Trái với việc thường thấy ngày nay, vào thời trước, cầm chai tu rượu hay nước là việc thất lễ).
Khi xe đi đến Marmande, độ ba mươi cây số trước khi đến Toulouse thì Triệu cũng vừa đọc xong các báo mang theo. Như thường lệ, Triệu nhìn qua cửa kiếng, trông chờ lúc xe vượt qua một vườn nho ở Moissac. Trong nhiều năm đi ngang qua đó, Triệu luôn luôn thấy ở một mảnh vườn, cạnh một giếng nhỏ, có một chiếc bơm nước sơn màu đỏ. Thông thường đây là loại sơn lót cho sắt không bị rỉ sét, để rồi sẽ được sơn chồng lên với lớp sơn khác nhưng trong bao năm tháng, Triệu thấy chủ vườn vẫn để y như thế, không sơn thêm màu gì cả. Chiếc bơm đỏ đó thường làm tim Triệu đập nhanh, náo nức vì trong chốc lát, Triệu sẽ gặp lại Duy Thảo đón ở sân ga sau những tuần xa cách! Vì Toulouse ở đầu sông Garonne trong khi Bordeaux là thành phố ở hạ nguồn, Duy Thảo và Triệu thường đùa nhau, nhại lời thơ cổ:
“Thiếp tại Garonne đầu
Quân tại Garonne vĩ
Tương tư bất tương kiến
Ðồng ẩm Garonne thủy”
Khi xe vào sân ga, Triệu đã nhận thấy dáng người nhỏ thó của Duy Thảo đang đứng chờ. Theo thường lệ, Duy Thảo biết Triệu hay chọn lên toa cuối của chuyến xe nên đã lựa đúng chỗ ngừng để Triệu gặp ngay khi xuống bến.
Ðón chuyến buýt số 2 để về nhà nhưng Duy Thảo và Triệu rủ nhau đi đến con đường Rue de Rome, một con đường nhỏ nhưng náo nhiệt vì có nhiều cửa hàng nhỏ bán thực phẩm và các gia dụng. Duy Thảo biết ý Triệu thích mua cá về nướng để ăn cơm với nước mắm, chanh ớt, một món mà Triệu không thể có trong thực đơn ở nhà trường. Mỗi lần đến tiệm bán cá, hai đứa thường hay hỏi mua loại cá mòi tươi, một món cá rất rẻ, tuy có nhiều xương nhưng rất ngọt thịt. Người Pháp thường chỉ mua loại cá này để cho mèo ăn vì giá rẻ. Bà bán cá chắc đã tưởng lầm là hai sinh viên này nuôi nhiều mèo ở nhà!
Tuy nhiên, Duy Thảo cho hay là chiều nay không có thì giờ để nấu ăn vì có buổi hội của sinh viên để tổ chức “Ngày chống xăm lăng thuộc địa”(Journée anticolonialisme). Hằng năm, các sinh viên xuất thân từ các thuộc địa của Pháp, nhất là ở Phi Châu thường tổ chức ngày này để gây dư luận trong dân chúng Pháp ủng hộ phong trào giải phóng các thuộc địa. Khi Duy Thảo và Triệu đến quán ăn sinh viên thì không khí chiều nay rất náo nhiệt. Thông thường thì sinh viên đến quán rất đông vào buổi cơm trưa vì phải ăn nhanh để đi học tiếp. Ðến buổi chiều thì một số thích hẹn nhau đi ăn ở các quán hoặc về phòng tự nấu lấy thức ăn. Chiều nay đặc biệt đông vì có các sinh viên đi ăn sớm đã thông tin cho nhau biết là trong thực đơn hôm nay có gà chiên, một món chỉ thỉnh thoảng mới có được trong thực đơn hằng tuần và là loại nhiều người ưa thích.
Sau buổi ăn, Duy Thảo đưa Triệu đến tham dự hội, được tổ chức trong một căn phòng rộng nằm trong trụ sở của Liên đoàn Lao Ðộng Thợ Thuyền. Buổi hội của sinh viên trẻ bao giờ cũng rất ồn ào, vui nhộn, ngay cả những khi bàn cãi về những vấn đề nghiêm chỉnh. Cá tính của mỗi sắc dân cũng rất dễ nhận thấy trong các buổi hội. Những anh thuộc châu Phi bao giờ cũng to tiếng, huyên náo, tranh giành phát biểu ý kiến. Các bạn người Madagascar tuy thuộc da màu sậm như Phi châu nhưng tánh tình lại thường giống người Á đông: nói năng chậm rãi, từ tốn, chững chạc hơn các bạn Bắc Phi... Trong buổi hội, Duy Thảo được phân công nhận phân phối và dán các áp phích trên một số đường lớn quanh khu các đại học. Một số các sinh viên người Sénégalais vóc dáng cao lớn, vạm vỡ đã tình nguyện tham dự vào toán của Duy Thảo để lo giữ an ninh, đề phòng bị các sinh viên con cháu nhóm thực dân Pháp tấn công, quấy phá.
Ðể có thể gây sự chú ý của dư luận dân chúng Pháp về chế độ thuộc địa, ngày chống chế độ hằng năm vẫn có thêm chương trình hội họp ngoài trời, thường được tổ chức vào ngày Chủ Nhật trong tuần. Sinh viên các nước thuộc địa thuộc nhiều sắc dân, chẳng riêng gì của các thuộc địa Pháp mà phải kể đến các nước thuộc địa của Anh, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha... đều nhân ngày này đem giới thiệu các đặc thù văn hóa của xứ sở mình. Ngoài việc tổ chức các quán để bán các thức ăn đặc biệt của mỗi xứ, sinh viên cũng cố công trình bày các y phục riêng biệt của xứ mình, các bản nhạc, lời ca, văn nghệ trình diễn của các sắc dân.
Chủ Nhật cuối tuần đó, Duy Thảo và Triệu đạp xe ra ngoại ô, vùng La Croix Falgarde để dự lễ. Từ xa, tuy chưa đến tận nơi nhưng khi nhìn thấy dáng các áo dài thướt tha, trang điểm thêm các chiếc nón lá, Triệu đã biết ngay là nơi gian hàng Việt Nam. Lúc đi gần đến nơi, mùi chả giò chiên, mùi thịt nướng và nước mắm tỏi ớt... phảng phất trong không khí đã tạo nên một góc trời Việt Nam riêng biệt. Các gian hàng thường được xây dựng rất chắc chắn và khéo léo vì được sự góp tay ủng hộ của các anh em công nhân lính thợ. Vùng Nam nước Pháp vào thời Ðệ nhị Thế chiến là nơi có nhiều trại lính thợ Việt Nam do Pháp tuyển đem làm công nhân. Sau khi chiến tranh chấm dứt, một số lớn đã được đưa trở về nước. Tuy nhiên vẫn có một số anh em tìm được cách để ở lại sinh sống trên đất Pháp. Một số lớn khi Pháp gom từ Việt Nam qua là những người dân quê, văn hóa kém, thậm chí có người không biết đọc, biết viết. Nhờ được những chương trình huấn luyện do các công nhân có ý thức và nhiệt tình nâng đỡ, phần đông nay đã có được vốn liếng văn hóa và nhờ vậy đã có được các giác ngộ chánh trị hữu ích. Ðây là một công lao của một số đông các trí thức trong tổ chức lính thợ đã quyết tâm tranh đấu để đời sống công binh được cải thiện về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Khi họ mới được đưa đến đất Pháp, phần đông đã phải sống những ngày vất vả, khốn khổ vô ngàn vì sự đối xử khinh khi của những người có phận sự cai quản.
Sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, các tổ chức lính thợ Việt Nam đã ý thức được sự đổi đời cần tranh thủ Việt Nam độc lập, tự do nên đã phát động những yêu sách yểm trợ cuộc tranh đấu đang diễn ra ở bên nhà. Nhà cầm quyền Pháp đã rất lo ngại về các hoạt động chánh trị này ngay trên đất Pháp nên đã ồ ạt tìm cách đưa các toán lính thợ trở về Việt Nam. Một số các anh em, nhất là những người đã thành lập gia đình hoặc những anh em đã bị Pháp chú ý vì các hoạt động chánh trị v.v...đã tìm được cách trốn tránh hồi hương để tiếp tục sống tại Pháp. Nay tuy anh em đã có công ăn việc làm để tự túc ở xứ người nhưng anh em vẫn có mặc cảm vì văn hóa kém nên thường không được dân chúng Pháp coi trọng. Nay thấy các sinh viên Việt càng ngày càng đông, nhiều người đã đỗ đạt, thành tài nên anh em lính thợ được hãnh diện lây, không còn thấy cảnh người Pháp khinh khi dân thuộc địa như trước kia. Tình thân ái giữa sinh viên và các anh em lính thợ vì thế đã được thể hiện trong các buổi sinh hoạt chung của những người xa xứ.
Những công việc nặng nhọc hoặc cần có tay nghề góp sức bao giờ cũng được các anh em tình nguyện tham dự. Dàn dựng gian hàng trong các buổi lễ hay trong các ngày hội lớn là việc các anh hoàn thành rất chu đáo. Giác ngộ chánh trị của anh em cựu công nhân chiến đấu phần lớn đều rất chín chắn. Khi ông Hồ Chí Minh cùng phái đoàn phó hội ở với Pháp ở Fontainebleau không đạt được kết quả thiết thực, khiến ông Hồ Chí minh đã phải nửa đêm đến gõ cửa, gặp Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet xin ký Thỏa hiệp Án (Modus Vivendi) ngày 14-9-1946 Phái bộ của Việt Minh còn lưu lại Pháp do Trần Ngọc Danh đại diện đã phải bao phen điên đầu vì các chất vấn phê phán của anh em công binh.
Anh em công binh nhận thấy Thỏa hiệp Án gồm 11 điều khoản này còn nhượng bộ Pháp nhiều hơn cả Hiệp định Sơ bộ ngày 6 -3-1946. Hiệp định và Thỏa hiệp Án này sẽ để thực dân Pháp có thêm điều kiện để lấn áp Việt Nam. Trên đường xuống Marseille để đáp chiến hạm Trouville trở về nước, ông Hồ Chí Minh đã có một cuộc họp giải thích Thỏa hiệp Modus Vivendi cho các anh em công binh. Ông tuyên bố: Hội đàm Fontainebleau mặc dầu không thành công nhưng là một thắng lợi của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông đưa ra lời khuyên: “Việc chính trị để cho những người chuyên môn giải quyết. Kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một nghề chuyên môn để kiến thiết quốc gia... Có phải thế không? Kiều bào hiểu chưa?” Có lẽ đây là lần đầu tiên, trước đám đông quần chúng, ông Hồ Chí Minh đã phải hứng một gáo nước lạnh: anh em đã im phăng phắc mặc dầu ông đã hỏi lại thêm lần thứ hai! Sau cùng chỉ có một tiếng đáp lớn: « H...iểu rồi! »
Duy Thảo và Triệu đã có được nhiều dịp đến thăm viếng nơi các anh em sinh sống và hòa nhập được vào nếp sống thanh bần của cộng đồng nhỏ này. Sau khi giải ngũ, các anh đã hiệp nhau tạo lập được một xưởng làm các loại ve chai có nút sành để cung cấp cho các nhà sản xuất nước uống có ép hơi nên đời sống của anh em đã rất thoải mái. Vì sống nơi tương đối riêng biệt các anh đã có sáng kiến tự sản xuất các loại thực phẩm đặc biệt như nước mắm hay các loại mắm cá, khó có thể tìm mua trên thị trường vào thuở đó.
Khi thấy Triệu đến thăm gian hàng Việt, một anh công nhân tên Khiết đã vồn vã cho biết Triệu cần đến gặp ngay một sinh viên Phi châu vì anh này đã đến đây tìm Triệu suốt buổi. Triệu chưa kịp lên tiếng hỏi thì Alex, người bạn gốc Camaroun đã đến vỗ lưng Triệu:
“Tôi chờ anh suốt buổi, đến bây giờ mới gặp. Tôi lãnh phần nhạc đệm cho buổi lễ sáng nay nhưng chưa thấy mấy thằng trong ban nhạc xuất hiện. Một mình tôi với cây guitare không thể làm gì được. Anh có bỏ túi theo cây harmonica như thường ngày hay không? Nhờ anh thổi giúp tôi cho vui nhộn một chút”.
Triệu vốn thích Alex từ trước. Anh là một thanh niên Cameroun nhưng nói tiếng Pháp rất giỏi, phản ứng rất mau lẹ khi bàn cãi đối chọi với các bạn Pháp. Triệu phục Alex nhất khi có lần anh đã hỏi một bạn Pháp: “Mầy có thấy là cả trong vấn đề tôn giáo, dân da trắng vẫn có óc kỳ thị. Hễ tạc tượng Jesus hay các ông thánh thì tạc toàn là người da trắng. Còn tượng Satan thì bao giờ cũng da đen, môi dầy!”
Như phần đông các sinh viên da màu gốc Phi châu, Alex rất có khiếu về âm nhạc, đặc biệt là nhạc jazz. Khi Triệu hỏi: theo lệ thường, chỉ có người da đen ở Mỹ mới giỏi về nhạc jazz, cớ sao Alex cũng biết jazz giỏi như vậy thì Alex cười đùa, cho hay là người da đen ở Mỹ cũng vốn là dân châu Phi nên ở cả hai bên bờ Ðại dương, người da màu gốc Phi đã tiêm nhiễm các điệu nhạc từ trong bụng mẹ. Hễ nghe được tiếng nhạc rập rình là chân họ tự động nhún nhảy lúc nào không hay biết!
Alex biết Triệu thường đem theo trong áo chiếc khẩu cầm Hohner nên đã kéo Triệu lên sân khấu để hai anh em đi từ bản nhạc này đến bản nhạc khác, chờ cho đến khi các bạn nhạc công khác lần lượt đến góp sức hòa âm.
Một ngày vui nhộn tuổi trẻ rồi cũng đến lúc phải chấm dứt như những ngày nghỉ lễ. Triệu lại phải chia tay với Duy Thảo để trở lại vùng Bordeaux đầy sa mù vào các buổi sáng, vùi đầu vào sách vở y khoa. Các buổi thực tập ở các bịnh viện, nhờ vào chương trình phải luân chuyển từ Nội khoa sang Ngoại khoa hoặc Sản khoa nên cũng rất lý thú, không nhàm chán như những giờ phải ngồi im lặng đọc sách ở các thư viện.
Bịnh nhân ở các nhà thương thuộc nhiều thành phần trong xã hội nhưng vùng này có đặc điểm là phần lớn các căn bịnh đều do xơ gan. Bordeaux là nơi sản xuất rượu đỏ chẳng những có tiếng trên đất Pháp mà còn của cả thế giới. Dân chúng nhà nhà đều dùng rượu đỏ hay trắng trong các buổi ăn. Ở bàn ăn của Triệu ở trường, lúc nào cũng có bình rượu cùng lúc với bình nước, nhưng nước chỉ để dùng pha loãng rượu cho những người muốn hạn chế rượu. Lần đầu tiên khi thấy Triệu chỉ rót nước vào ly để uống, các bạn ngồi cùng bàn đã khuyên: “Ðừng có uống chỉ nước lạnh mà thôi. Uống như vậy sẽ bị bịnh đó. Ở vùng này chỉ có vịt mới uống nước lạnh mà thôi!”. Rất nhiều lúc, Triệu có cái thú hay ra các bến xem sinh hoạt của các tàu viễn dương cập bến. Các công nhân phụ trách bốc dỡ hàng, vì phải làm việc nặng nhọc giữa trưa nắng nên khi giải khát, họ thường dốc cả chai rượu vang đỏ lên và tu một hơi đến cạn ve! Chẳng trách được khi về già, vài công nhân sau khi chết ở bịnh viện, lúc khám nghiệm tử thi, Triệu thường đã thấy những gan chai cứng như đá!
Một hôm ở phòng nội khoa, có một thiếu nữ bịnh nhân độ chừng hai mươi tuổi nhập viện. Cô người có gương mặt thanh nhã, hai má ửng hồng, tóc vàng óng ả, ăn nói rất lễ phép. Khi khám nghiệm tim ngực, mặc dầu theo lương tâm y nghiệp, người khám bịnh phải chú tâm tìm các triệu chứng nhưng riêng với bịnh nhân này các sinh viên đều phải thú thật với nhau là cô có một bộ ngực trắng no tròn, núm nhọn màu hồng rất hấp dẫn, khiến nhiều anh sinh viên trẻ đã như bị thu mất hồn, lúng túng mất chủ tâm! Nhiều chàng trai trẻ đã bắt đầu trồng cây si, tìm cơ hội lân la người đẹp. Ðộ vài ngày sau, hồ sơ các thử nghiệm lần lượt được đưa về. Kết quả cho thấy cô bịnh nhân trẻ này đã bị tất cả các bịnh phong tình, từ lậu mủ, giang mai, hột xoài... đến cả bịnh thứ 5 thường được gọi là Nicolas Fabre. Từ ngày có các kết quả đó cho đến ngày cô xuất viện, các chàng sinh viên si tình trước kia đã phải một phen cao bay, xa chạy, tránh xa người đẹp.
Ðời sống sinh viên ở Pháp có những đặc điểm mà Triệu chưa được thấy khi còn ở Việt Nam, một phần có lẽ vì các đại học ở Pháp đã được thành lập từ nhiều thế kỷ trước. Sự hình thành với lịch sử lâu dài đã đem đến cho các thế hệ sinh viên nhiều truyền thống được sinh viên tiếp tục nuôi dưỡng.
Ngày khai trường, sinh viên ở Bordeaux có lệ kéo nhau từng đoàn vui ca lượn qua các phố, được gọi là các “monôme”, chọc phá dân chúng, các quán rượu, quán ăn, nhưng tránh không gây thiệt hại vật chất. Ðặc biệt các sinh viên trường Mỹ thuật hay có thói quen bắt các sinh viên nam nữ mới nhập học năm thứ nhất phải đứng trên các bục cao ở trường, toàn thân tô phấn platre trắng, đứng im giữ tư thế như những bức tượng đá khỏa thân!
Vào chiều mùa Ðông, trời tối rất sớm. Ðộ năm giờ thì màn đêm đã xuống. Có những chiều đang ngồi học ở Ðại giảng đường, điện lại bị cúp. Giáo sư phải tạm ngưng dạy. Lợi dụng bóng tối, thanh niên nam nữ cùng nhau đồng ca những bản tục ca đã được lưu truyền trong giới sinh viên từ nhiều thế hệ. Ðặc biệt các bài hát của sinh viên Y khoa, được gọi là loại bài hát của các phiên trực “chanson de garde” thì tục không thể tả! Triệu cũng say mê hát phụ họa với tất cả nhiệt thành của tuổi trẻ. Ðến khi đèn phựt sáng trở lại, lúc ấy mới thấy ngượng ngùng, không dám liếc nhìn các cô bạn đang ngồi bên cạnh!
Ðời sống sinh viên của Triệu trong những năm đầu phải sống trong doanh trại với những giờ giấc khắt khe trong quân ngũ chỉ có được những phút thoải mái khi ra ngoài trong các giờ đến đại học với các sinh viên dân sự. Ðời sống sinh viên thật ra rất vui nhộn từ sáng đến tối. Lúc học thì mọi người đều cố gắng chú tâm nhưng gặp lúc nào có cơ hội cần được thư giãn thì sức sống của tuổi trẻ được thấy phát hiện ngay. Trước cửa trường Ðại học có các quán nước đã hiện diện từ bao nhiêu thập niên trước. Ở một vài quán, nhân viên dọn bàn là những người đã làm việc ở đấy trên bốn năm chục năm! Vì vậy họ đã quen biết cả các vị giáo sư khi họ còn là sinh viên đại học. Ở một quán như “Chez August” trước mặt Ðại học Y khoa, nhiều vị giáo sư già đã về hưu vẫn thích đến đây để ngồi nhâm nhi bên cốc rượu, thăm hỏi thân tình với các sinh viên, thậm chí có khi ngồi vào bàn, cùng đánh bài belote hay bridge với các bạn trẻ như để tìm cách sống lại phần nào cái không khí thời còn son.
Riêng Triệu thì ngoài những lúc ngồi quán với các bạn, được có lúc nhàn rỗi, nhất là những khi trở về trường vào các buổi tối trời lạnh mùa Ðông, Triệu thích chọn một quán nhỏ của người Y pha nho, trên đường Cours de la Marne gần trường. Quán có bảng hiệu đèn néon màu tím “Sol Y Sombra”( Mặt trời và Bóng mát), biểu hiệu của các hội trường đấu bò của người Y pha nho với giá đắt bên có che mát so với bên giá bình dân ngoài trời. Anh dọn bàn ở đây đã biết Triệu thích món cà phê “quỷ sứ” (café diable) của quán nên mỗi lần đem tách cà phê ra, anh gọi ngay cô ngồi quày tính tiền phải vặn hạ ánh sáng đèn điện thành mờ mờ trong khi anh đổ nhẹ cognac vào tách cà phê và châm lửa đốt rượu, ánh sáng lập lòe. Những khách khác ngồi uống rượu, thường là rượu cognac, cũng rất thích cái không khí huyền ảo của ánh sáng lửa bập bùng khi có khách gọi “cà phê quỷ sứ”.
Các người sành điệu ở quán đều gọi cách uống cà phê nầy là “cà phê quỷ sứ” nhưng riêng Triệu thì gọi đây là “cà phê âm phủ” (café de l’enfer) để nhớ đến loại “cơm âm phủ” của thành phố Huế, nên sau cùng nhiều khách quen cũng đồng ý với Triệu và sửa đổi tên thành “cà phê âm phủ”. Ở Pháp, rượu cognac được rót ra trong những ly đứng nhỏ hoặc trong các ly bầu dục lớn mà người uống dùng tay bụm lại để hơi ấm của bàn tay làm rượu bốc hơi. Cognac, theo cách uống của những người sành điệu này, phải được uống từng ngụm nhỏ mới thưởng thức trọn vẹn hương nồng của rượu. Có lần, một ông khách già đã nói với Triệu “Rượu cognac phải được trữ lâu trong thùng trên mười năm mới có được màu sắc và hương vị rượu quý. Một vật quý trên mười năm mới thành hình, nên không thể uống vội vàng trong chốc lát”.
Câu này thường làm Triệu liên tưởng đến các bợm rượu bên nhà, những khi họ thách đố cạn ly, thường tu cognac chỉ một hơi là cạn. Ðối với dân sành điệu, đây là một hình thức “hiếp dâm” rượu quý!
Nhiều lúc cuối tuần, đi xem hát bóng suất chót, phải vào quán chờ các rạp khác chiếu xong suất hát để đáp các xe buýt cuối cùng rời bến đưa khách, Triệu ngồi uống cognac với các bạn, mới hiểu được cái thích thú nghe hơi ấm của rượu từ từ đưa vào cơ thể khi uống từng ngụm nhỏ để thưởng thức.