Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
bgm
ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (10)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
-Qua vùng xôi đậu khám bệnh

-Phước Long Bà Rá
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
 
 
ẤP THƯỢNG BUNARD

Quốc lộ 14 từ Phước Long đi Đồng Xoài không được an ninh, cách đây vài hôm một quân nhân thuộc cơ quan MACV trên đường công tác dân sự vụ đã bị tử thương khi chiếc xe Jeep của ông bị phục kích gần tỉnh lỵ. Đoạn đường này rất xấu đầy hang ổ do đắp mô, có nơi cỏ tranh, lồ ô mọc de ra đường um tùm che khuất tầm nhìn phía trước, cùng đi chung với chúng tôi là xe Landrover của tổ Diệt trừ sốt rét chở đầy thuốc DTT. Xe chạy chậm hết lên đồi rồi xuống dốc, phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới đến ấp Thượng Bunard nghèo nàn nhất tỉnh, nằm bên trái con đường gồm ba dãy nhà sàn dài thấp lụp xụp, hai mái chụm vào nhau, vách ráp nối bằng những tấm phên lồ ô xiêu vẹo, cửa chánh trổ bên hông, ban ngày mà trong nhà tối om không có lò lửa riêng, không đèn đuốc, không cửa sổ, chỉ có vài tia nắng lọt qua mái rách trên nóc nhà.

Vừa bước vào tôi phải vội vàng thối lui vì vạt áo blouse trắng bu đầy những con bù chét nhỏ li ti như hột mè đen, anh tá viên điều dưỡng la hoảng lên “ ghê rợn quá bác sĩ ơi” trong khi anh cán sự tổ Diệt trừ sốt rét tỏ ra tay nghề có nhiều kinh nghiệm, mặc đồ bảo hộ lao động vào, tay mang găng dầy, đội nón bịt mũi cẩn thận, anh bình tỉnh xịt thuốc D DT vào khắp ngóc kẹt trong nhà cũng như khu vực chung quanh các dãy nhà sàn. Ấp Bunard nằm sát bờ rừng có nhiều sóc chuột, đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh dịch tai họa này. 

Ngoại trừ những người đang ở ngoài rừng làm rẫy, số dân còn lại trong ấp được tập trung ngồi chờ khám bệnh, hầu hết đều mệt mỏi gương mặt lờ đờ, có người đang sốt cao nhức đầu, ớn lạnh, mạch nhanh áp huyết thấp, khám bên háng nổi lên một khối u tròn to bằng trái chanh đỏ ửng, có người lên cơn ho khò khè khó thở, không có phương tiện thử máu hay làm sinh thiết hạch, tôi chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và những con bù chét đen để chẩn đoán bệnh và cho thuốc điều trị. 

Trên vùng này bệnh đã phát ra hơn 10 ngày nay, công điện thượng khẩn gởi tới mà không ai biết, may mà tôi lên kịp để giải quyết chứ kéo dài hơn có thể lây lan nguyên cả làng. Nhờ chuẩn bị thuốc men đầy đủ nên chúng tôi tiêm cho mỗi người một mũi Streptomycine 1gm, uống thêm Tetracycline và Sulfadiazine, những người chưa nhiễm bệnh thì uống ngừa Tetra. Vì đường xa chúng tôi không thể đến tái khám mỗi ngày để theo dõi bệnh, đành gói thuốc cho mọi người dùng trong một tuần và cẩn thận dặn dò người phiên dịch cách thức uống cho đúng đủ liều lượng. Chúng tôi cũng thông báo cho chi y tế quận chỉ vẽ cách thức chẩn đoán, điều trị bệnh và nhờ họ theo dõi chú ý tình trạng bệnh nhân trong ấp, riêng có một bệnh nặng kiệt sức được chở về tỉnh để điều trị. Bệnh nhân được nằm trong một nhà riêng biệt phía sau bờ rừng dành cho trường hợp bệnh nhiểm. 

Đây là lần đầu tiên trong đời y nghiệp, tôi có thêm kinh nghiệm về bệnh dịch hạch nơi đồng bào Thượng. Vì tình trạng chiến tranh, Y tế phòng dịch không thường xuyên đến được những vùng xa xôi hẻo lánh nên chẳng biết đã có bao nhiêu đồng bào sắc tộc thiểu số đã thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm này. Kém văn hóa, thiếu thuốc men, thiếu hiểu biết về vệ sinh an toàn, cũng như những phương cách phòng ngừa và nhất là do đói kém suy dinh dưỡng nên sức đề kháng yếu tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập, có người dân đi làm rẩy xa, bổng nhiên ngã gục chết bên bờ suối hay ven rừng,dân làng cứ mê tín là do ma quỷ hay đấng huyền bí nào đó trừng phạt mà không biết nguyên nhân cái chết là do bệnh tật. Trên buôn Thượng, ngoài bệnh sốt rét rừng, lao phổi, sán lãi còn có Nấm ngoài da, những chứng bệnh không chết ngay nhưng dây dưa làm suy kiệt cơ thể. 

Sau chuyến thăm ấp Bunard trên đường về tôi ghé qua đơn vị LLĐB đóng quân ở gần đó, hầm chiến đấu được xây dựng kiên cố dưới mặt đất có nhiều lớp kẽm gai và mìn bao bọc chung quanh, hỏi thăm về tình hình an ninh cũng như sức khỏe anh em xong, tôi tiếp tục đi thăm Chi Y tế quận Đồng xoài, cách Biên hòa 55 dặm đường chim bay. Nơi đây trước kia là một giao điểm trù phú giữa hai trục lộ huyết mạch 13 và 14, những đoàn xe vận tải chở hàng hoá từ Sàigòn lên, nối đuôi nhau đậu dọc hai bên đường nghĩ ngơi ăn uống, có nhiều gian hàng tiệm quán mọc lên bán buôn sầm uất, tôi nhớ kỹ niệm đi theo xe chở hàng của chị tôi ghé ngang đây ăn món cơm nếp đặc biệt nấu trong ống nứa lồ ô ăn với thịt gà rừng nướng sả ớt, để rồi sau đó đoàn xe rẽ hai hướng, có xe lên Ban Mê Thuột, Kon Tum, có xe về Chơn Thành đến đồn điền cao su Michelin đi Lộc Ninh qua biên giới Kampuchia, đi Snoul,Pnompenh, Stungtreng, Paksé.

Nhưng hôm nay thì khác hẳn, quang cảnh trông thật điêu tàn xơ xác như người bệnh vừa trải qua cơn đau trầm trọng, bồn nước ba chân vẫn còn đó, thân chi chít lỗ đạn, góc rừng cao su Thuận Lợi bị cày quét cháy nám đen nám đỏ, sân bay, sân banh bị hư hại nặng với nhiều hang lỗ, cỏ dại mọc đầy. Nhà thờ vách ván lợp tole bị pháo kích đổ sập gác chuông vẫn chưa trùng tu được, nhìn quanh dân cư thưa thớt có thể đã di tản đến vùng an ninh hơn. Chi Y tế quận chỉ còn là gian nhà nát trong một dãy phố trệt tan hoang. Một cái miếu nhỏ được dân chúng địa phương dựng bên lề đường để tưởng niệm những người quá vãng trong những trận đánh ác liệt xảy ra ở đây suốt mấy năm qua, số tổn thất về nhân mạng của dân chúng, quân đội hai phe Quốc Gia và Việt Cộng không biết bao nhiêu mà kể, xác chết nằm rải rác khắp nơi từ ngoài quận vô đến tận đồn điền cao su. Chỉ mới mấy năm mà vật đổi sao dời đến độ tôi ngậm ngùi khi đi qua đây.

VÔ Ở TRONG DINH TỈNH TRƯỞNG

Tôi về đây công tác khá lâu, một buổi chiều tan sở ông Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Dương Huy đến nhà thương thăm tôi. Thật ra chúng tôi đã gặp nhau tại nhà Đại tá Đàm văn Quý (nguyên dân biểu QHLH bạn đồng viện của tôi) tại nhà riêng của anh ở gần nhà thờ Ba Chuông đường Trương Minh Giảng Sàigòn cách đây không lâu. Lúc đó Nha Quân Y có ý muốn chuyển tôi về Hậu giang, Cần thơ để phụ trách QYV Phan Thanh Giản trong khi tôi còn đang lưỡng lự thì gặp ông Tỉnh trưởng Phước Long này, ông tâm tình bằng tấm lòng tha thiết thương dân rằng Tỉnh của ông chưa bao giờ có một bác sĩ, ông ao ước tôi về đó giúp đở ông về mặt Y tế. Trong cuộc sống tôi vẫn thường tâm niệm rằng “Sẽ sẳn lòng đem hết sở trường, kinh nghiệm trong nghề nghiệp của mình để giúp cho bất cứ ai khi họ cần đến mà không ngại khó khăn gian khổ” Nên trong thời gian chờ đợi bổ nhiệm về đơn vị mới, tôi liền gặp Bác sĩ Trần Lữ Y Tổng trưởng Y tế trình bày ý muốn xin lên Phước Long công tác, ông suy nghĩ đắn đo nhưng thấy tôi cương quyết quá ông đành chấp thuận theo yêu cầu.

Thế là sau Tết Mậu Thân, tôi nhận SVL lên đây, một tỉnh nhỏ nhất và cũng nhiều nguy hiểm nhất trong miền Nam, nổi tiếng là rừng thiêng nước độc với những bệnh ngặt nghèo như Sốt rét ác tính Falciparum vivax, Falciparum Malaria, dịch hạch. Dân chúng nghèo khổ cơ cực, đất đai khô cằn nên nông nghiệp không phát triển, chỉ có rừng cao su bạt ngàn nên công nhân cạo mũ chỉ sống lây lất, chưa kể là vùng đất giáp ranh biên giới bằng đường bộ nên VC thâm nhập qua lại dễ dàng, Trung tâm Tỉnh là nơi bị VC pháo kích liên miên bất kể đêm ngày. Với tình hình bất an như vậy nên khó có một ai tình nguyện lên đây.

Âu cũng là duyên tiền định trong cuộc đời tôi, còn nhớ lúc nhỏ tôi chỉ ham chơi, tối ngày chạy nhảy ngoài đồng đi câu, bắt cá lia thia, bắt dế, đá gà. Thấy vậy Ba tôi về chở tôi lên nhà Ông Nội ở Mỹ tho, cách làng Mỹ đức Đông chừng 30 cây số để tôi đi học. Nội tôi là một nhà mô phạm nghiêm khắc, Ba hy vọng tôi “gần đèn thì sáng” Nhưng tánh nào tật nấy, tôi vẫn ham chơi hơn ham học, trong cặp tôi lúc nào cũng có trái banh tennis cũ mòn hết lốp, hể có dịp là ra sân chơi với mấy đứa cùng lứa, còn ở nhà thì trốn dưới gầm giường đọc truyện kiếm hiệp, chỉ có lúc gặp còi báo động tránh máy bay oanh tạc là chui xuống hầm trú ẩn ngồi yên với ông bà cô chú nhìn mấy con ếch nhái nhảy lao xao.

Trong lớp môn học nào tôi cũng dở đứng toàn hạng chót, chỉ trừ môn thủ công. Mỗi lần có môn này là tôi được dịp lội qua sông sau chùa Vĩnh Tràng để cắt rể bần to bằng bắp đùi, hay vô làng mạc xa xa tìm bứng nguyên cây bông trang đẹp, đốn những cây nứa to dài suông đuột đúng theo đề tài của Thầy đưa ra là được điểm cao mà thôi.

Một buổi sáng, chú Mười Một chở tôi trên xe xích lô đạp tới trạm cảnh sát đô thành Mỹ tho gần rạp Thầy Năm Tú, người lính mã tà Pháp biết chút ít tiếng Việt đã hăm dọa tôi “ trẻ con không chịu học hành thì bị đưa đi Ông Yệm Bà Rá”, Nghe vậy hay vậy chớ tôi đâu biết xứ đó ở đâu, giống như con nít bị nhát “ông kẹ” thì cũng hơi ngán, lần đó về tôi cố gắng học hành tử tế hơn. Và thời gian trôi qua êm đềm trong tuổi thơ hồn nhiên, tôi chẳng bận tâm tìm hiểu xem vùng Bà Rá này ghê gớm ra sao. Mãi cho đến ngày hôm nay, tốt nghiệp ra trường làm Bác sĩ rày đây mai đó, không ngờ tôi lại tình nguyện lên đúng cái vùng Bà Rá hiểm hóc này để chăm nom sức khỏe cho dân chúng. Duyên hay Họa cũng là ý trời, mặc dù sự lựa chọn của tôi có đôi phần ngẫu nhiên của định số. 

Trở lại chuyện ông Tỉnh trưởng ghé thăm tôi, qua vài lời hỏi han ông thấy hoàn cảnh sống của tôi quá đạm bạc, thiếu điện thiếu nước, thiếu tiện nghi đủ thứ, ngày nào cũng ăn cơm theo tiêu chuẩn của bệnh nhân với tô canh mít nổi lềnh bềnh vài miếng tép mở và mấy con cá khô nhỏ bằng ngón tay út, tối nằm ngủ co ro dưới đất như kẻ không nhà. . Ông Trung tá liền ngõ ý mời tôi vô dinh Tỉnh trưởng ở với ông. 

Trong dinh, ông đã dành sẳn cho tôi một phòng ngủ rộng rải khang trang như thượng khách, với đầy đủ tiện nghi điện nước, có buồng tắm riêng và giường nệm lớn. Sáng sớm tôi thức dậy điểm tâm xong là tà tà lái xe đến bệnh viện, trưa về dinh ăn uống nghĩ ngơi độ nửa giờ rồi đi làm việc tiếp. Tan sở về tắm rửa rồi dùng cơm tối với ông Tỉnh trưởng. Thức ăn thì đủ món ngon do đầu bếp nấu riêng, sơn hào hải vị thỉnh thoảng được mang lên từ SG theo chuyến bay của Hàng Không dân sự, ông thì khoái nhâm nhi Martel VSOP, còn tôi chỉ quen uống nước lạnh. Cơm xong thì nghe tin tức hay xem TV hoặc ra sân ngắm hoa, ngắm cảnh núi đồi trùng điệp gió mát trăng thanh. Thiệt là những giây phút thú vị để quên đi chiến tranh đang ở sát bên mình. 

Có hôm ông Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Tư lệnh Quân đoàn 3 lên kinh lý Phước Long, được ông Tỉnh trưởng mời cơm, tôi cũng về tham dự. Tôi biết ông từ khi ông còn là Thiếu tá Tham mưu trưởng Sư đoàn 22BB, lúc đó tôi làm y sĩ trưởng Sư đoàn kiêm Đại đội trưởng ĐĐ22 QY. Lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng, vừa ăn vừa kể chuyện xưa, tôi nhắc lại vụ Sư đoàn cấm trại 100%, tôi có cấp phép cho một Dược Sĩ vì có chuyện gia đình khẩn cấp phải bay về SG mà không qua ý kiến của Sư Đoàn, nên nhân dịp này tôi cũng xin lỗi ông.

Trung Tướng cười khề khà nói “Huynh đệ chi binh mà, nhắc gì chuyện đó. ” và trong buổi tiệc vui tôi có uống chút rượu, mặt đỏ bừng vì tửu lượng kém nên sau bữa cơm trưa, tôi ngã lăn ra đánh một giấc dài. Khi giật mình thức dậy thì trời đã xế, tôi lật đật lái xe vô bệnh viện như thường lệ, khi đậu xe vào sát cửa sổ văn phòng thì bà Y công Thiết chạy hớt hãi ra, lấy tay chỉ vào một lỗ to dưới đất ngay chổ đậu xe và nói:

Thiệt là may cho bác sĩ, VC vừa pháo vô đây chừng nửa giờ, trúng ngay chổ bác sĩ thường đậu xe, nếu bác sĩ đến sớm như mọi hôm thì lãnh đủ rồi”.

Tôi giật mình khi nghĩ đến sự xếp đặt của Thượng Đế, nếu không có giấc ngủ trễ trưa nay thì chuyện gì xảy ra cho tôi? Đúng là số tôi luôn may mắn vì có Ơn Trên gia hộ độ trì.

Ở trong dinh Tỉnh trưởng được hơn hai tuần lễ cuộc sống thật thoải mái dễ chịu, làm việc ăn ngũ có giờ có giấc “sáng vác ô đi tối vác về” lại được ở nơi an toàn vì dưới mặt đất chỗ phòng tôi có một đường hầm kiên cố, sát bên dinh là đơn vị Quân sự Hoa Kỳ đồn trú. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy áy náy trong lòng, toàn tỉnh chỉ có mình tôi là bác sĩ, đêm hôm dân chúng đau ốm lấy ai chăm sóc cho họ? cổng dinh có lính gác ngày đêm, vì vấn đề an ninh người lạ không ra vào dễ dàng được. Nếu mình ở đây thì sẽ không làm tròn trách nhiệm của người Thầy thuốc, nghĩ vậy tôi xin phép ông Tỉnh trưởng cho tôi trở về nhà thương như cũ và cũng xin cám ơn lòng tốt của ông dành cho tôi trong thời gian qua. 

Công việc của một Giám đốc bệnh viện kiêm nhiệm Trưởng ty Y tế thì làm suốt ngày không xuể. Sáng sớm khoảng 5 giờ đã thức dậy, Bà Thiết cho tôi một khúc bánh mì nhỏ, ăn chưa hết thì đã có bệnh nhân gọi, đi thăm khám một vòng các bệnh trong phòng rồi sang nhà Hộ sinh khám cho sản phụ và trẻ em, cuối cùng là khám cho dân chúng, có người từ các vùng xa đến, họ phải vất vả khó khăn khi băng đèo lội suối tới bệnh viện sớm để còn quay ngược trở về kịp trong ngày… khiến tôi không thể ngưng tay, chuyện làm lắc nhắt thường khi kéo dài đến tối, có hôm quá khuya mới xong. Nhiều lần tôi đi công tác dân sự vụ về trể phải nhờ đến trực thăng Hoa Kỳ, thay vì đưa chúng tôi về ngay trong Tỉnh, trực thăng lại về căn cứ của họ ở ngoài sân bay Phước Bình, cho tạm trú trong một góc nhà thờ, khuya đói bụng gậm đở khúc bánh mì còn sót lại trong túi xách, uống một ly nước lạnh tìm chỗ tạm nằm ngũ chờ đến sáng nhờ đơn vị bạn gọi xe bệnh viện đến đón về.

Tôi thường gặp trở ngại trong vấn đề đi thăm các Chi Y tế Quận đồn trú ở xa, đường bộ đi không được vì mất an ninh, ngoại trừ Quận Phước Bình gần châu thành, có thể lái xe nhà thương đi thăm các xã ấp chung quanh tương đối dễ dàng, còn các nơi khác như Đồng Xoài, Bố Đức, Đức Phong thì phải chờ xin phương tiện trực thăng trên Tỉnh, hay chờ các Quận trưởng lên Tỉnh họp, khi họ trở về thì tháp tùng theo, những lần như vậy phải dự trù thời gian bị kẹt ở lại đôi ngày, dự trù luôn có thể ngủ đêm dưới hầm dưới hố mà chuẩn bị đồ đạc đủ ấm.

CHI Y T Ế QUẬN BỐ ĐỨC CÒN GỌI LÀ BÙ ĐỐP

Sáng hôm nay sau buổi họp trên Tỉnh, toán Y tế chúng tôi tháp tùng theo trực thăng chở Đại úy Quận trưởng Lưu Yểm về thăm đồng bào quận Bố Đức, một quận nằm về phía Bắc của Tỉnh Phước Long. Được thành lập dưới thời Pháp thuộc từ năm 1915 do quyết định của Thống Đốc Nam Kỳ, quận có tên là Bù Đốp, đến năm 1961 tên quận được đổi thành Bố Đức với 5 tổng, 5 xã và 22 ấp. Quốc lộ 14 vẫn chạy ngang qua Quận nhưng sự giao thông không xử dụng được vì vấn đề an ninh. Quận Bố Đức nằm trong vùng đất chiến lược quan trọng sát biên giới Campuchia, đất đai phì nhiêu trù phú hơn các nơi khác. 

Khi trực thăng đáp xuống một khoảng đồng trống ven đồi, chúng tôi phải lội bộ theo con đường dốc ngoằn ngoèo một đổi xa, ngang qua những vườn tiêu xanh tươi, những vườn điều mơn mởn. Loa phóng thanh loan báo cho đồng bào biết có cơ quan Y tế Tỉnh về khám bệnh. Như được chuẩn bị trước, khi chúng tôi tới nơi thì dân chúng đã tụ tập ngoài sân, ngồi sắp hàng thứ tự để chờ đợi, một đại đội Nhân dân tự vệ lập một vành đai an ninh xa xa, không đủ chổ ngồi, người đến sau đứng rải rác dưới mái hiên hay chung quanh những tán cây. Một bàn khám bệnh dài được đặt dưới gốc cổ thụ xum xuê, chi Y tế Bù đốp nghèo nàn trong căn nhà nhỏ lợp tole vách ván, vừa đủ chổ để kê cái bàn làm việc với hai ghế bằng gỗ, một kệ tủ đựng thuốc và cái giường cho bệnh nhân khi cần thiết. Bệnh xá không có bảng hiệu.

Bệnh nhân từ các ấp xa lũ lượt kéo tới, những người đi làm rẫy cũng bỏ cuốc xẻng về sớm. Để tranh thủ thời gian giúp đở cho đồng bào, chúng tôi làm việc liên tục từ sáng tới chiều, thay phiên nhau dùng cơm gói mang theo. Một em bé tiêu chảy nặng được để nằm trong trạm y tế và chuyền nước biển có cha mẹ trông nom. Mặt trời vừa lặn, công tác Y tế bận rộn cả ngày cũng vừa xong, mọi người tản mác hết, em bé cũng ổn định sức khỏe và cho về nhà. Nhưng dưới sự hướng dẫn của ông Quận trưởng, chúng tôi tiếp tục đến tận nhà hỏi han chăm sóc một số bệnh nhân lớn tuổi đau thấp khớp không đi được.

Mọi việc tạm ổn thì trăng non đã chênh chếch đầu hè, ông Quận trưởng mời chúng tôi về văn phòng của ông để nghĩ ngơi. Căn cứ Bố Đức là một pháo đài nhỏ, được che chở vững chắc chung quanh bằng hai lớp bê tông cao, ở giữa chất đầy bao cát, xa bên ngoài là nhiều lớp kẽm gai chen lẫn những cuộn Concertina chằng chịt, cỏ tranh bị thuốc khai quang Dioxin làm chảy rạp xuống vàng khè, đèn pha trong quận tỏa ra bốn phía sáng trưng. Một bữa cơm tươm tất được dọn ra, chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện, nghe tin tức trong radio. Trà nước xong, ông Quận trưởng đưa chúng tôi xuống một địa đạo lòng vòng đào sâu khoảng 4 thước dưới mặt đất, đã có sẳn vài cái ghế bố xếp nhà binh, một cái bàn nhỏ để nước uống và cây đèn bấm, ông cười nói khôi hài:

ở dưới này có hơi tù túng thiếu tiện nghi không bằng khách sạn 5 sao ở ngoại quốc, nhưng bảo đảm là an toàn hơn trên mặt đất. Vị trí của quận nằm sát biên giới nên VC có thể phá giấc ngủ của quí vị bằng những cuộc tấn công pháo kích bất thần. ”

Quả nhiên quá nửa đêm đang ngủ ngon, mọi người đều giật mình thức dậy vì bom nổ từng chập làm rung chuyển cả núi rừng, địch quân pháo kích dữ dội vào chi khu suốt cho tới sáng. 

Gần trưa quận nhận được điện tín của tỉnh cho biết có bệnh nhân trong bệnh viện cần giải phẫu khẩn cấp, chi khu không có trực thăng nhưng nhờ Quận liên lạc với cơ quan MACV cho chiếc máy bay nhỏ qua đón, đợi cường độ pháo kích giảm bớt, canh đúng giờ hẹn, ông Quận trưởng đích thân chở chúng tôi ra nhanh bãi đáp trực thăng.

Máy bay lượn trên cao, nhìn xuống chỉ thấy sương mờ dày đặc che khuất núi rừng, thỉnh thoảng có vài tia sáng lóe lên, có lẽ trúng pháo của Việt Cộng ở đâu đó hoặc súng phản công của một trại biệt kích trú phòng biên cương Bù Gia Mập có nhiệm vụ ngăn chận đường xâm nhập của quân đội chánh quy Bắc Việt dọc theo đường mòn Trường Sơn từ ngã hạ Lào sang.

CHI Y TẾ QUẬN BÙ ĐĂNG

Chi Y tế Quận Bù Đăng nằm trên trục lộ 14 đường đi Ban MêThuột. Thời sinh viên tôi cùng anh bạn thân cùng lớp Lê thanh Vĩnh thỉnh thoảng được theo xe tải của chị tôi chở hàng hóa đi ngang qua vùng này, lúc đó đường sá an ninh, xe cộ chạy thong thả suốt ngày đêm… Còn bây giờ đây là trục lộ nguy hiểm nhất vì có thể bị phục kích không biết lúc nào, mọi phương tiện vận chuyển chỉ trông chờ vào trực thăng, vì không có bãi đậu an ninh nên trực thăng đáp ngay giữa lộ gần trung tâm quận, xong việc rồi vội vã bay mất, không kịp vẫy tay chào.

Đồng bào Kinh sống rải rác chung quanh, ngoại trừ vài căn phố trệt gần mặt lộ xây cất khang trang, còn lại là những căn nhà lụp xụp mái tole vách đất. Cách trung tâm quận không xa là cánh rừng già với những ngọn đồi san sát. Ông Quận trưởng phải mượn đở phần trước của một căn phố để làm nơi khám bệnh. Trong khi Y tá bày biện thuốc men ra bàn và bộ phận thông tin đi vòng quanh loan báo cho đồng bào biết đến khám bệnh, tôi rảo bộ đến thăm Chi Y Tế cách đây chừng hơn trăm thước.

Đó là một ngôi nhà cao ráo rộng rải với mái ngói đỏ tường gạch, bên trong sắp xếp ngăn nắp có kho thuốc, có phòng y tá làm việc, có chỗ bệnh nhân nằm,  tuy nhiên vẫn chưa hoạt động vì thiếu điện nước(!) So với các Chi Y tế khác trong Tỉnh thì ở đây xây dựng tốt nhưng lại rất thiếu nhân viên, toàn quận chỉ có một cô nữ hộ sinh, khi cần kiêm nhiệm luôn nghề Y tá, cô làm việc thấy chăm chỉ nhưng có lẽ trong lòng chỉ muốn được đổi đi nơi khác vì ở đây xa tỉnh thành và tình trạng an ninh quá kém.  Có lần theo lệnh của ông Chánh án Bình Dương, tôi tháp tùng toán Tư Pháp lên đây khai quật tử thi của một người tù vừa mới qua đời để tìm nguyên nhân cái chết là do tự ý thắt cổ hay do án mạng gây ra.

Thật tình không ai muốn chọn lựa lên nơi này trừ phi là người địa phương có bạn bè, thân thuộc.  Chi Y tế bỏ trống lâu ngày đã trở thành một địa điểm tốt cho các em chăn bò dùng làm nơi tụ tập chơi đùa trong khi thả đàn gia súc đi lang thang trong sân cỏ. Tôi thật sự không thấy vui khi nhìn cảnh này, thời buổi chiến tranh phá hoại, việc xây cất cơ sở quá lớn mà không xử dụng là một lãng phí vô cùng, cũng giống như trạm Y Tế xã Phước Bình, kiến trúc phòng ốc đúng tiêu chuẩn, lại có thêm một bồn nước lớn dư thừa đặt trên cao trong khi ống dẫn nước thì chưa có, dây điện chưa mắc vào, trạm xá chỉ có mấy con bò vô nằm tránh nắng hè oi ả. Thiệt là khó chịu!

Một hôm khám bệnh xong thấy còn sớm, tôi vòng qua thăm ấp Vĩnh Thiện nằm sâu trong chân núi, dân chúng chuyên sống bằng nghề làm rẩy trồng trọt. Trên đường tôi gặp một ông cụ khoảng 70 nhưng dáng vẽ còn mạnh rắn rõi, dù hàm râu bạc trắng dài tới rún, ông đến gần kéo cặp kiến lão xuống nhìn tôi một chập rồi hỏi với giọng nghi ngờ:

“ có phải cậu là bác sĩ thiệt không? chớ tôi ở đây lâu lắm rồi có biết mặt mũi ông bác sĩ ra sao”.

Nghe ông nói mà tôi xót xa trong lòng, Phước Long là một tỉnh đất rộng nhưng dân cư thưa thớt sống rải rác trong các đồn điền cao su, trong rừng núi thâm u hiểm trở, đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt,thiếu thốn cái ăn cái ở, đưa đến đủ thứ bệnh tật của miền nhiệt đới mà chỉ có một bác sĩ như tôi thì làm sao lo hết được những vấn đề Y tế công cộng, chưa kể sự tác hại do các chất hóa học của quân đội Mỹ rải xuống các vùng sâu vùng xa, mục đích gây tổn thất cho VC như chất Bitrex rải trên kho gạo của VC trên đường Trường sơn làm cho gạo có mùi vị đắng, hay chất Dioxin ( khai quang) để tiêu diệt cây cỏ bụi rậm trong một vùng nào đó khiến VC không có chỗ ẩn nấp.

Thiệt hại về phía VC chưa biết ra sao nhưng trước mắt là gây nguy hiểm cho dân chúng quanh khu vực bị rải bột làm thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng đến sức khỏe khi hít thở không khí ô nhiễm, nhiều bệnh nhân than phiền bị tiểu gắt, đái ra máu. nhưng trong điều kiện thiếu thốn phương tiện để xét nghiệm chẩn đoán bệnh cho chính xác, tôi cũng đành chửa bệnh cầm chừng chớ không có cách nào lấy hết độc tố đã nhiễm trong máu. Đó cũng là hậu quả của chiến tranh VN, nếu càng kéo dài càng gây nhiều hệ lụy khác, mà nạn nhân lại chính là người dân nghèo sống trong vùng quê khó khăn cách trở. 

Màn đêm xuống nhanh trên vùng rừng núi, chờ hoài không thấy trực thăng đón, chúng tôi đành xin tá túc trong doanh trại của một lực lượng đặc biệt HK đồn trú gần đó, nằm ngủ trong một công sự đào sâu dưới đất, trên nóc có nhiều bao đựng cát và hàng rào kẽm gai chằng chịt. Tình trạng an ninh chung của toàn tỉnh Phước Long là vậy, vấn đề Y tế cũng nan giải vì thiếu nhân viên chuyên môn, biết tôi không quản ngại khó khăn, nguy hiểm nên mỗi lần về Tỉnh họp, các ông Quận trưởng đều mời tôi thu xếp để tháp tùng theo trực thăng về quận của các ông để khám bệnh cho đồng bào.

Cũng may là sức khỏe tôi còn tốt, sương gió núi rừng cũng không tránh được cảm ho thông thường nhưng tôi vẫn lướt qua được để chu toàn công việc, có nhiều làng mạc xa xôi hẻo lánh như nơi này, đường đi khó khăn, giao thông gián đoạn, làm khổ cả bệnh nhân và Thầy thuốc trong mỗi lần di chuyển tới lui. Cuộc chiến triền miên, cốt nhục tương tàn chỉ làm cho dân nghèo đã sống trong cảnh lầm than lại càng chịu đựng thêm nhiều đau khổ tang tóc. 
Loading