Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Chương 18
Những ngày ở Socoa
Trời chiều tháng Năm ở Bordeaux đến mãi tám giờ vẫn còn thấy sáng chói, khác với lúc mùa Ðông, khoảng năm giờ đã tối mịt. Có cơ hội sống ở những xứ có bốn mùa mới hiểu được những đổi thay của trời đất. Ðặc biệt vùng Bordeaux, vì sát biển Ðại Tây Dương nên mùa Ðông thường ngày bị sương mù bao phủ. Suốt các tháng mùa Ðông, từ sáng cho đến tối, lúc nào cũng thấy ánh sáng mờ mờ. Không khí ẩm ướt lúc nào như cũng muốn len vào cổ áo dẫu có mặc áo ấm cẩn thận. Có sống ở miền thiếu ánh sáng vào mùa Ðông mới hiểu được sự vui mừng của dân chúng khi nhìn được ánh sáng mặt trời khi mùa xuân trở lại. Những ngày đầu Xuân, đi quanh các phố, hình ảnh các người già thoát ra từ nhà rủ nhau ngồi phơi nắng trước cửa là hình ảnh quen thuộc nhất. Dân chúng thường kháo với nhau: “Ðầu mùa Xuân, các cụ già mừng được thấy mặt trời cũng giống các rắn mối từ trong hang lên mặt đất tắm nắng”.
Ðặc biệt trong quân ngũ Hải quân, vào một giờ qui định mỗi năm, sắc phục trắng mùa hè khởi đầu thay thế cho quân phục xanh mùa Ðông. Không khí trong trại cũng thấy nhẹ nhàng vui nhộn so với những ngày Ðông rét ướt. Sân trường vắng bóng lúc trước, chiều chiều nay luôn luôn rộn rịp vì các trận đánh bóng chuyền, các cuộc chọi banh bằng kim khí... Ðây là loại giải trí riêng của người Pháp, được gọi là “boules gauloises”. Người Anh hoặc Mỹ thích có thời giờ nghỉ để đi đánh golf. Người Pháp thì mơ ước về già hưu trí sẽ có dịp đi chọi banh!
Hồ bơi lộ thiên của trường nay cũng đã được lau rửa để chứa đầy nước. Mặc dầu đang lúc phải lo học để thi cuối năm, nhưng khi nhìn các bạn Pháp tung tăng bơi lội, Triệu đã không nhịn được thèm nên cuối cùng cũng thay đồ để xuống sân tắm. Vì những người đã chọn quân chủng Hải Quân sẽ là những quân nhân suốt đời phải sống với biển cả nên suốt mùa Ðông, sáng sớm nào trường cũng bắt sinh viên phải đến hồ tắm Ðô thành thực tập bơi lội. Hồ tắm nơi đây có sưởi và có nước ấm nhưng là loại nhỏ, bề dài chỉ có hai mươi lăm thước. Hồ tắm lộ thiên của trường lớn hơn nhưng chỉ được sử dụng vào mùa hè.
Nhìn thấy nước xanh trong vắt, Triệu không thể không nhớ đến dòng nước sông Ðồng Nai, nhớ cảm giác êm dịu khi nước mơn trớn chảy dọc bên mình trong lúc bơi lội. Từ trên bục cao, Triệu phóng mình xuống nước, lội nhanh một hơi đến cuối hồ và hấp tấp lên khỏi nước, phóng nhanh về phòng vì Triệu không ngờ là nước hồ còn quá lạnh đối với Triệu! Các bạn Pháp là dân đã sống nhiều đời ở xứ lạnh nên họ đã quen với khí hậu. Nước ấm với họ lại là nước còn quá lạnh đối với Triệu, người dân miền nhiệt đới.
Mùa hè cũng là mùa thi cuối năm của sinh viên. Ai ai cũng náo nức mong qua được cuộc thi để bắt đầu đi nghỉ hè. Ở Pháp, quyền lợi an sinh xã hội cho những người làm việc được hưởng mỗi năm một tháng nghỉ hè có lương nên mùa hè thật vui nhộn. Các sinh viên Ðại học thường được nghỉ ba tháng, từ giữa tháng Sáu đến cuối tháng Chín. Triệu vì phải theo chế độ quân nhân nên chỉ được nghỉ một tháng hè. Hai tháng kia là hai tháng được chỉ định theo thực tập ở các quân y viện hay các đơn vị Hải quân hoặc trên các chiến hạm. Riêng hai tháng hè năm thứ nhất, Triệu và các bạn đồng khóa được gởi đi huấn luyện thuyền buồm. Mặc dầu Hải quân ngày nay gồm toàn những chiến đỉnh vận chuyển bằng máy móc, không còn loại thuyền buồm của quá khứ nhưng sức gió và sóng biển là những sức mạnh thiên nhiên mà người đi biển phải nắm vững.
Triệu phải lấy xe lửa đến Trung tâm Huấn luyện Thuyền buồm ở Socoa, một vùng ở cuối vịnh Gascogne, miền nam bờ Ðại Tây Dương. Socoa là một thành phố cổ nhỏ, nằm ở phía Nam bãi biển Saint Jean de Luz gần biên giới Tây Ban Nha. Thành được xây vững chắc bằng đá để canh chừng và giữ cửa biển. Chỉ huy trưởng Trung tâm là một cựu sĩ quan Hải quân đã về hưu, một loại sói biển cả đời đã sống trên sóng nước khắp năm châu. Người vợ đã lớn tuổi của ông cũng là người lo việc ẩm thực cho khóa sinh. Cả hai ông bà coi khóa sinh như con cái trong gia đình và hai tháng thực tập, tuy cũng khá vất vả nhưng là hai tháng mà Triệu vẫn nhớ mãi về sau.
Thức ăn so với thực đơn của Trường không thể sánh bằng được nhưng vì gần biển nên các món có cá tươi thì hương vị rất đậm đà. Vì kiến trúc Socoa là một thành đá xây theo hình tròn nên chỗ ngủ của khóa sinh đều là những võng như võng trên các thuyền ngày xưa, được móc chung quanh một trụ chánh rất lớn, trung tâm của thành. Ban ngày, võng được xếp cất để có chỗ sinh hoạt, giống như việc xếp đặt trên các thuyền chật hẹp ngày trước. Tuy gọi là võng nhưng đây là loại võng ngủ của thủy thủ, bề ngang rất rộng, có đệm dầy, nằm rất êm và thoải mái. Có việc buồn cười là trong số bạn bè của Triệu, có anh D.H.M. lúc nằm võng, khi võng lắc lư lại thấy bị say sóng. Vì vậy anh là người duy nhất tháo võng đặt xuống nền đá mới ngủ được.
Mỗi sáng, sau buổi điểm tâm, có một giờ học lý thuyết về thời tiết, sóng gió và các loại thuyền buồm. Triệu cảm thấy rất hãnh diện khi huấn luyện viên cho biết ở Việt Nam, hơn bốn ngàn năm về trước, hình ảnh trên các trống đồng tìm được đã thấy có khắc các thuyền buồm với bánh lái ngầm bên cạnh giúp thuyền buồm có thể nương sức gió để đi ngược gió! Các thuyền ngày nay cũng có các bánh lái ngầm nhưng đã biến cải đặt ngay dưới thân thuyền buồm. Sau phần lý thuyết là đến những giờ thực tập thật hào hứng trong vịnh. Học viên, hai người trên một chiếc, phải lèo lái thuyền theo những lộ trình đã định bằng vị trí các phao nổi, neo trong vịnh. Huấn luyện viên thường đứng trên lô cốt cao để theo dõi cách sử dụng buồm và sự an toàn của học viên. Một chiếc ca nô lúc nào cũng được đặt trong tư thế sẵn sàng để tiếp cứu nếu có việc bất thường xảy đến với sinh viên.
Các huấn luyện viên là những thủy thủ đã nhiều năm lăn lộn trong nghề. Lúc nào họ cũng ân cần nhắc nhở: biển cả ngày thường trông hiền hòa như thế nhưng lúc nào cũng phải nằm lòng các chỉ dẫn để giữ an toàn cho bản thân người đi biển. Những gì họ truyền bảo, học viên phải luôn ghi nhớ tuân hành. Triệu đã học được việc này ngay cả ngày đầu thực tập. Sau buổi ăn sáng, huấn luyện viên ân cần dặn sinh viên phải thức ăn và nước uống theo trên thuyền. Triệu nghĩ bụng là buổi thực tập sẽ chấm dứt trước 12 giờ trưa, đâu có gì phải sợ đói, chỉ đem theo nước uống là đủ. Triệu có ngờ đâu chỉ sau hơn một giờ phải chống chỏi với sóng gió, lèo lái thay đổi vị trí buồm tùy theo hướng gió, Triệu cảm thấy đói lả người! Nếu hôm đó không có người bạn đồng thuyền là Trần Hiệp Cương đã cẩn thận mang theo thức ăn dư thừa chia xẻ cho Triệu thì có lẽ Triệu phải bỏ cuộc lái thuyền để trở về bến!
Trong suốt hai tháng học tập, học viên luôn luôn được nhắc nhở là các chỉ thị, các luật lệ về hải hành phải được tuân thủ để tránh các tai nạn trên biển cả. Vào một dịp thi đua lái thuyền cuối tuần, Triệu và các đồng môn được chỉ vẽ trước lộ trình phải theo trong cuộc đua. Việc chánh là phải lái thuyền theo lộ trình được minh định bằng các phao nổi có số nhưng phải tránh không được đụng vào các phao.
Triệu có một bạn đồng hành để cùng điều khiển thuyền. Từ điểm khởi hành đến chiếc phao chót để quay trở về, hai anh em đã lái thuyền đúng với quy củ đã được chỉ định. Khi đến nơi phải xoay quanh chiếc phao cuối cùng để trở về, Triệu nhận thấy khoảng cách từ phao về đến bến thật xa tít mù, mà thuyền của Triệu lại là thuyền đã vượt đến phao nầy trước tiên, chung quanh phao lúc ấy không có một thuyền nào đã đến gần Triệu. Ðể cướp thời gian, Triệu bàn với anh bạn đồng hành là thay vì phải cho thuyền lên trên thêm một khoản xa để bọc gió trở về xoay quanh phao, Triệu cho thuyền quay nhanh để bọc phao trở về đoạt giải. Triệu đã về đến bến trong khi các thuyền khác còn phải lật bật với sóng gió trên vịnh Socoa. Việc hí hửng của Triệu đã bị dập tắt ngay khi huấn luyện viên cho biết thuyền của Triệu đã bị loại vì đã đụng phao chót khi trở về!
Khi lên chòi canh ngồi cạnh huấn luyện viên theo dõi cuộc thi đua, Triệu mới vỡ lẽ là với loại ống nhòm nhìn xa rất tốt của Hải quân, chiếc phao chót tưởng là cách bờ xa tít lại được trông thấy rõ mồn một như ở trước mắt. Việc cố ý lầm lỗi của Triệu đã được huấn luyện viên phát giác dễ dàng!
Viên sói già, da mặt nhăn nheo, cổ đỏ sạm nắng của bao đại dương ôn tồn bảo Triệu: “Mầy không phải là thằng thứ nhất đã định ăn gian để đoạt giải. Trước mầy đã có bao nhiêu thằng bạn mầy đã định làm như thế nhưng đã không qua khỏi mắt tao. Sở dĩ tụi bây phải nghe theo các lời giảng dạy vì phải nhớ là nếu bây là thuyền trưởng, bao nhiêu sinh mạng đều được phó thác trong tay tụi bây. Nếu thuyền va vào vách đá hay vướng trên san hô, trách nhiệm đó là của thuyền trưởng phải gánh chịu. Nghe đồn mầy là dân Việt phải không? Tao đã từng bao phen đi dọc bờ biển Việt Nam, từ Phú Quốc đến vịnh Hạ Long. Mầy đã đến thực tập ở Brest chưa? Sóng biển ở Brest nếu không phải dân gốc Breton thì bị nôn mửa là chuyện thường tình nhưng so với biển ở Việt Nam vào lúc gió mùa Ðông-Bắc thì không ăn nhằm gì. Sóng gió ở Brest tuy dữ dội nhưng chỉ ở một vùng nhỏ, ráng chịu đựng một chập rồi sẽ qua khỏi. Ở Việt Nam vào lúc gió mùa Ðông-Bắc, phải đi từ Nam ra Bắc thì bị sóng dập vùi không phải một vài giờ mà là từ ngày này sang ngày khác. Thủy thủ nhà nghề phải mửa mật xanh, mật vàng là chuyện thường tình. Tao đã từng tham dự di chuyển quân dụng khẩn cấp từ Nam ra Bắc vào mùa gió chướng nên đã phải bao phen khổ sở vì gió mùa Nọt Ðê (Nord-East) nhưng khi có lịnh thì phải thi hành, không thể chờ đến lúc trời lặng sóng êm”.
Hai tháng thực tập thuyền buồm đã giúp Triệu quen dần với nếp sống Hải quân. Triệu có được cơ hội sống gần và đã cảm mến những người đã cả cuộc đời sống trên bao đại dương, xa gia đình, xa quê hương quen thuộc. Triệu cũng thấy nhiều thích thú khi mỗi chiều ra các bến xem các thuyền đánh cá thu trở về. Vùng biển này rất nhiều cá thu, loại “cá người” rất to. Các thuyền được trang bị loại cần câu lớn, dài hai bên thân tàu. Mồi phải là loại cá mòi sống được nuôi trong khoang thuyền. Ðây là một nghề rất vất vả, nhất là về mùa Ðông biển lạnh. Dân vùng này thuộc sắc dân người basque. Ở miền Tây- Nam nước Pháp, cũng như bên kia biên giới Pháp- Y Pha Nho, người basque là một sắc dân đặc biệt, tóc đen huyền, không quăn. Tên họ và tiếng nói của họ nghe phảng phất như tiếng người Á đông Polynésien. Ðây là một bí ẩn lịch sử khởi tích của bao nhiêu sưu tầm của các nhà thông thái, tìm hiểu vì sao một sắc dân có thể từ Á châu lại đến sanh sống ở vùng này? Ngoài tánh cần cù làm việc, một số người basque lại là những đầu bếp danh tiếng. Nhiều nhà hàng sang trọng ở Nữu Ước, Mỹ đều được người basque làm bếp chánh.
Một bạn học cùng khóa với Triệu, người dân biển gốc breton đã tình cờ kiếm được một quán ăn có món súp cá rất ngon. Anh ta là dân biển nên khi anh khen một món ăn đồ biển thì ắt là phải đặc biệt. Triệu đã theo anh đến cái quán nhỏ, chỉ dọn đơn thuần có một món là súp cá nấu với cà tô mát mà thôi. Quán ăn là một quán bình dân nhưng quả thật quán có món súp cá biển thật tuyệt vời. Về sau này Triệu chưa bao giờ được thưởng thức ở đâu một món súp cá ngon như thế, kể cả món súp cá danh tiếng ở Quartier des Halles của Paris. Saint Jean de Luz là một bãi biển tuy nhỏ nhưng đặc biệt là một bãi biển có cát mịn, không như các bãi biển khác ở Pháp, thường toàn nhiều đá cuội. Ở các bãi biển có đá cuội loại này, cát đã phải được mang đến trải thêm để du khách có thể thấy êm chân đi dạo hoặc nằm phơi nắng. Sau này Triệu thường đưa Duy Thảo về đây cắm trại lúc mùa hè. Cứ mỗi bận về đây, Triệu lúc nào cũng đưa Duy Thảo đến quán để thưởng thức món súp cá biển. Duy Thảo cho biết là các gia vị để nấu hình như cũng là các gia vị mọi người thường dùng nhưng vì tay đầu bếp nơi đây có tài nghệ nêm nếm nên súp mới đặc biệt như vậy.
Trong các ngày được nghỉ cuối tuần, Triệu thường mướn xe đạp để du ngoạn, từ Nam đến Bắc bờ biển cho đến tận thành phố Biarritz, nơi mà chánh phủ Pháp đã để Hồ Chí Minh cư ngụ trên cả tháng khi lần đầu tiên ông đến Pháp nhân có hội đàm Fontainebleau. Ðây là một vùng bằng phẳng với nhiều đồi thông, người Pháp gọi là landes, rất nổi tiếng với paté gan ngỗng, một món ăn đã làm danh tiếng cho các thực đơn Pháp. Ngoài ra còn một món ăn cũng rất nổi danh là ức vịt ướp mỡ ngỗng (magret de canard, canard confit), hương vị còn tuyệt vời hơn là bít tết thịt bò. Trên thương trường, có loại xúc xích khô danh tiếng mang tên xúc xích Bayonne là tên của địa phương vùng Landes.
Triệu thích lên các đồi thông ngồi nhìn ra đại dương nghe tiếng sóng vỗ, nhìn về hướng Tây để tưởng nhớ quê nhà.
Cuộc sống đầu hè đang diễn ra êm đềm bỗng nhiên Triệu nhận được tin nhà cho hay ông ngoại Triệu đã từ trần vì bịnh già. Em gái Triệu cho hay ông đã cố gắng chống trả với cơn bịnh nhưng vì lúc sinh thời phải lặn lội suối rừng trong nghề họa đồ nên đã mang nhiều bịnh khiến ông sớm suy liệt. Ông vẫn nói với người nhà là ông chưa chết đâu vì ông còn chờ cháu ông, tức là Triệu đi học trở về!
Từ ngày sớm mồ côi mẹ, được ông bà ngoại đem về nuôi dưỡng, Triệu đã được ông ngoại lúc nào cũng chăm lo, uốn nắn trong việc học hành và xử thế. Trừ những khi ông phải vắng nhà vì công tác đo đạc đất đai, chiều tối nào sau buổi cơm ông cũng xét xem bài vở của Triệu trong ngày để theo dõi sự học hỏi của Triệu. Tình thương của ông dành cho Triệu, Triệu luôn luôn cảm nhận mặc dầu tánh ông cũng rất nghiêm khắc, dạy Triệu bao nhiêu điều thiện phải làm. Như khi về sống ở Biên Hòa, một hôm đi học về, băng ngang qua một ruộng trồng đậu phọng, Triệu quơ tay nhổ nguyên một bụi đậu có nhiều trái, đem về luộc để ăn tối. Khi biết được việc, ông đã la rầy Triệu về việc ăn cắp vặt của thiên hạ và mặc dầu đang đêm tối, ông cũng thắp đèn-bão đưa Triệu đến nhà chủ ruộng để trả đậu đã nấu và xin bồi thường. Lẽ tất nhiên là ông chủ ruộng đã xin bỏ qua chuyện ăn cắp vặt nhưng từ đó về sau, Triệu không bao giờ dám tái phạm những chuyện làm phi pháp.
Nay ngoại đã mất, Triệu không thể không hồi tưởng đến hình ảnh hai ông cháu lúc nào cũng đi bên nhau khi có việc phải di chuyển ra khỏi nhà, ông thì đầu đội cái cát kết nỉ đã mua từ Pháp trước ngày về hưu, tay luôn luôn chống bằng chiếc gậy mây Triệu đã mua cho ông khi Triệu đi nghỉ hè ở Ðà Lạt. Theo học Y khoa, Triệu vẫn mơ ước là một ngày nào đó sau khi tốt nghiệp, Triệu sẽ có xe để đưa ngoại du ngoạn nhiều nơi, bỏ cái thời hai ông cháu phải cuốc bộ hay đáp xe lửa mỗi lúc phải đi xa.
Còn đang trăn trở tiếc thương ông ngoại đã quá vãng, độ một tuần sau em của Triệu lại cho thêm một tin buồn bất ngờ mới là việc bà ngoại của Triệu, vốn được biết từng có bịnh yếu tim từ trước, đã đột ngột từ trần khi đang nằm nghỉ trưa trên võng! Có lẽ ngoại đã quá đau buồn vì ông đã ra đi? Hai cái hung tin chỉ cách nhau không đến mười hôm đã làm Triệu sững sờ đau xót. Bao nhiêu suy tính thầm ước được có ngày trở về xứ đền đáp phần nào công ơn dưỡng dục của ông bà ngoại đã giúp Triệu đi đến được cửa Ðại học để lập danh nay đã phút chốc tan tành, không còn cách nào để mong thực hiện được. Người thân không có ai bên cạnh để chia sớt nỗi buồn. Triệu chỉ biết ngoài giờ thực tập, đi ra tận cùng của đập đá chận sóng biển, ngồi nhìn các đợt sóng vỗ vào vách đá, hoặc tàu thuyền ra vào cửa biển, hay các hải âu bay lượn tìm mồi trên mặt nước. Các thức ăn lạ miệng được học viên ưa thích do đầu bếp của Trung tâm thực hiện nay không còn có gì là hấp dẫn đối với Triệu. Các ngày trước, vì phải đương đầu với sóng gió, Triệu lúc nào cũng mong mau đến giờ ăn vì thấy đói. Nay thì tuy cảm thấy thân thể thật mệt mỏi nhưng cơn đói hình như đã biến mất. Sự thay đổi tánh tình của Triệu đã được các bạn học để ý và khi biết được việc Triệu đã phải chịu trong một lúc hai cái tang lớn nên đã thông cảm để Triệu êm lặng tư lự. Mỗi khi thấy Triệu muốn tìm sự tĩnh lặng lúc ra ngồi ở tận chót đập đá nhô ra biển thì các bạn đã cố ý không theo ra đó như họ vẫn thường làm để cùng ngắm tàu bè vượt ra biển.
Ðối với ông ngoại, Triệu có bao nhiêu kỷ niệm thương kính. Riêng đối với bà ngoại, Triệu không thể quên được hình ảnh thân yêu của người đã cố ý lấy tình yêu bà cháu thay thế phần nào cho tình yêu mẹ con. Ðặc biệt khi về sống ở Biên Hòa, Triệu cũng như nhiều dân chúng ở đây thường bị bịnh sốt rét. Mỗi lần bị cơn sốt hành hạ, bà luôn luôn ở bên cạnh Triệu, ngày như đêm để canh chừng chăm sóc: phủ mền khi Triệu run rẩy vì cơn lạnh, đắp khăn lạnh khi cơn nóng với loại đau đầu kinh khủng nối tiếp sau cơn rét! Bà vốn người vùng Tân Châu, Châu Ðốc đã lớn lên trong vùng sản xuất tơ lụa nên khi về Biên Hòa, gặp thời Ðệ nhị Thế chiến, vải sồ không được nhập cảng dồi dào như trước nên bà đã trồng dâu nuôi tằm để sản xuất thêm chỉ tơ bán cho các nhà dệt lụa. Triệu đã được bà dạy bảo bao điều mới lạ trong việc nuôi tằm từ lúc nở trứng đến ngày lớn thành những con tầm vàng óng kéo kén. Bà lại cũng rất khéo léo chân tay vì bà vốn thuộc một gia đình nhiều đời làm nghề thợ bạc. Bà thường hãnh diện cho Triệu biết vào thời đó ở Tân Châu là một quận nhỏ nhưng có đến năm tiệm vàng. Cả năm tiệm đều thuộc bà con trong gia đình! Sau này khi Triệu tốt nghiệp về Việt Nam phục vụ trong quân chủng Hải Quân, nhân một chuyến hành quân, chiến hạm ủi bãi ở Tân Châu vào chiều tối, Triệu xin được phép lên bờ thăm bà con. Mặc dầu không biết được địa chỉ của người thân thích nào ở Tân Châu, nhưng nhớ những câu chuyện trước kia ngoại đã kể, Triệu cứ đi tìm gõ cửa một tiệm kim hoàn thì y như rằng Triệu đã tìm được nơi có họ hàng của ngoại!
Ngồi nhìn sóng biển dạt dào từ đại dương đưa vào đập vô bờ đá, Triệu mơ hồ như thấy hình dáng của bà đã từng bao lâu in mãi dấu vết trong tâm tư của Triệu. Ðó là vào một buổi chiều, Triệu ra trước cửa nhà để chờ ngoại đã vắng nhà nhiều ngày. Thời ấy là thời gia đình phải qua một phen thiếu thốn. Ông ngoại phải trở lại hành nghề đo đạc bằng cách lãnh mối chia lại của các đồng nghiệp có các cơ sở tư. Vì vậy nên ông thường vắng nhà rất lâu để thỉnh thoảng mới lãnh được tiền công đem về nhà. Gia đình không đủ gạo ăn, phải nấu cháo ăn cầm hơi. Bao nhiêu khoai sắn ở vườn hầu như đã được đào gần hết. Triệu chiều hôm đó bỗng thấy ngoại thấp thoáng từ lộ lớn từ từ về nhà, bên hông cập một cái rổ lớn. Triệu mừng rỡ chạy ra ôm mừng ngoại. Mắt Triệu sáng rỡ ra vì ngoại lại còn mang về cả một rổ lớn đầy gạo trắng! Hôm đó cả nhà có được một bữa ăn chiều với cơm trắng đã vắng mặt nhiều ngày trên bàn. Món ăn chỉ có đu đủ hườm hườm hái vội ngoài vườn cắt mỏng xào với ít mỡ để nấu canh nhưng thật là một buổi ăn ngon thường được nhắc nhở. Sau này Triệu vẫn nhủ lòng là khi lớn lên có gia đình, Triệu sẽ cố gắng giữ hũ gạo trong nhà lúc nào cũng không được vơi cạn.
Nay hai người thân thương nhất của Triệu đã không còn nữa. Thâm tâm Triệu thấy có một cái gì hụt hẫng, trống không. Ăn đã không còn thấy cần vì không thấy đói nhưng giấc ngủ thì thật khó mà có được một đêm an giấc. Sức khỏe sa sút của Triệu đã làm cho các anh em đồng môn lo lắng. Một anh bạn người Huế tên Nguyễn Sanh Nghĩa đã tận tình tìm cách an ủi giải khuây. Anh là người am tường Phật Pháp vì đã từng theo mẹ đến các cổ tự ở Huế nghe Pháp. Anh cũng đã từng tham gia tổ chức gia đình Phật tử từ lúc còn bé. Nghĩa đã đem các giảng dạy của Phật về lẽ vô thường, về sanh lão bịnh tử để giúp Triệu lấy lại quân bình trong tâm tư. Khi nghe Triệu thổ lộ về việc đã lỡ cơ hội báo đền công ơn dưỡng dục của ngoại, Nghĩa đã giải thích cho Triệu biết khi Triệu đã thật sự phát tâm thì đó mới là chuyện chánh yếu. Ông bà tuy đã mất nhưng còn bao hình thức để báo đáp ơn dưỡng dục qua những cách thực thi hạnh bố thí, hồi hướng công đức mà Phật giáo đã giải thích. Nghĩa đã giúp Triệu cùng làm lễ cầu siêu cho ông bà ngoại theo cách hướng dẫn của quyển Kinh Nhật Tụng nhỏ của anh.
Triệu ngày trước cũng đã có những lần theo bà ngoại lên chùa vào các dịp lễ lớn. Thời Kháng chiến đã có nhiều lúc Triệu và các bạn tá túc ở các chùa và được nhà chùa chia xẻ thức ăn. Triệu đã từng nghe nhiều thuyết giảng nhưng đó là những bài thuyết pháp có khi rất uyên bác nhưng là những bài thuyết pháp rời rạc. Nay tuy Nghĩa không có nhiều thì giờ giải thích nhưng nhờ những buổi nói chuyện liên tục nên Triệu đã có được ý niệm rõ ràng hơn về những lời Phật dạy. Những chuyện rời rạc trên thế gian nay được đóng vào một khung duyên khởi nên Triệu đã như tìm được chân lý cho những thắc mắc của chính mình. Triệu trước kia, sau khi đậu bằng Thành chung, đã có một lúc theo học Tú tài ở trường đạo Thiên Chúa giáo. Các giáo lý học được rất thâm thúy nhưng Triệu thấy sự việc chỉ đề cập chánh yếu đến con người. Còn vạn vật chung quanh thì sao? Phật giáo nay đã đem đến lời giải thích cho Triệu và khiến Triệu có được đức tin mà Triệu đã không tìm được trước kia.
Một sáng Chủ nhật, Triệu đã thức sớm, lấy xe đạp đi xa lên phía Bắc. Không khí trong lành, mát rượi buổi sáng đã đưa Triệu đến đỉnh đồi vùng Guétary lúc nào không hay. Ngồi trên đồi này có thể nhìn xa về hướng Tây để thấy các lượn sóng từ đại dương dào dạt cuốn đập vào bờ.
Trong cảnh mặt trời ửng hồng từ từ nhô lên buổi sáng, tĩnh tọa nhìn về phương Tây, để tâm hồn lắng dịu, vượt qua các đại dương, Triệu chú lòng làm lễ Cầu Siêu cho ông và bà ngoại. Mặc dầu đã được dạy rằng trong các lễ cầu nguyện nên cần có tha lực của nhiều người cùng chú nguyện, nhưng cho đến nay, Triệu vẫn tin rằng lần cầu nguyện đơn côi ấy là lần Triệu thực sự được cảm thông trực tiếp với ông bà ngoại của Triệu.
Sau buổi cầu nguyện, Triệu tiếp tục ngồi lặng yên, tận hưởng những giây phút hiện tại đang được sống giữa cây cỏ, núi đồi, ánh sáng trong suốt buổi ban mai. Triệu lắng nghe tiếng chim hót, Triệu nhìn những con dế hút nước sương trên các cọng cỏ, lá cây ... Triệu chợt thức tỉnh, nghĩ đến những lời dạy của Ðức Phật về Luân Hồi, về Duyên Khởi. Những cảnh vật quanh Triệu, từ ánh sáng ban mai đến cơn gió lạnh từ đại dương thổi vào, từ côn trùng đến chim chóc, từ hơi thở đến nhịp tim đang đập mạnh trong Triệu... tất cả đều như hòa hợp duyên khởi nhịp nhàng. Triệu cảm thấy hình ảnh của ông bà ngoại Triệu vẫn còn tiếp tục sống trong Triệu cũng như huyết mạch của ông bà nhiều tiền kiếp vẫn luân lưu trong thân thể Triệu.
Buổi sáng tinh sương trên đỉnh đồi Guétary hôm đó đã đưa Triệu đến con đường vào ánh sáng đạo Phật và kể từ đó, đã giúp Triệu có được một cuộc sống an lạc trong thân tâm.