Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
img-5145-large
ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (12)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
- Qua vùng xôi đậu khám bệnh
- Phước Long Bà Rá
- Ấp Thượng Bunard
- Chỉnh trang lại Bệnh Viện
 
 
 
 
ẤP SÔNG BÉ- MƯA ĐÊM DÔNG BÃO TRÊN PHỐ NÚI ĐÌU HIU

Mấy ngày qua mưa rơi tầm tã, nên sáng nay thấy trời quang đảng, thời tiết tốt tôi chuẩn bị đi thăm ấp Sông Bé, đồng thời cũng kiểm tra sức khỏe một sản phụ lớn tuổi mới sanh lần đầu, được tôi áp dụng phương pháp sanh bằng kềm cách đây vài hôm.  Thành công cách sanh này khiến tôi phấn chấn lắm vì thấy mình đã làm được một việc ngoài khả năng chuyên môn.

Ấp Sông Bé với khoảng vài chục căn nhà tole vách ván của đồng bào Kinh, nằm sâu dưới chân đồi sau lưng tòa Tỉnh Trưởng về hướng Bắc, bên kia bờ sông Bé bắt nguồn từ cao nguyên M’nông hợp thành sông Đồng Nai chảy về Biên hòa- Sàigòn rồi ra biển.  Bề ngang con sông không rộng nhưng lòng sông rất sâu, mùa mưa lũ, nước chảy xiết.  Tôi đã có dịp qua đây nhiều lần để khám bệnh và phát thuốc sốt rét, giúp đồng bào cải thiện đời sống vệ sinh, lập hệ thống cầu tiêu riêng cho gia đình và nơi công cộng.

Trên vùng đất xa xôi này, bác sĩ điều trị duy nhất cho toàn Tỉnh chỉ có mình tôi.  Chung quanh không có Thầy có bạn, mọi việc cần giải quyết lại phải cố gắng hết sức nếu không thuộc phạm vi chuyên môn của mình, trong khi sở trường của tôi là chuyên khoa giải phẫu, nhưng nhờ lúc còn đi học tôi may mắn làm ngoại trú rồi nội trú ngoại khoa các nhà thương Bình Dân, Chợ Rẫy được làm việc chung với quý Thầy Đào Đức Hoành, Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm, Đặng văn Chiếu, Trần quang Đệ….  Biết được tay nghề còn yếu của mình trong các khoa khác, nên khi tốt nghiệp ra trường đổi đến các đơn vị xa, tôi đều mang theo vài ba quyển sách chuyên đề về Nội khoa, Nhi khoa, Sản phụ khoa của Pháp để khi cần mở ra tham khảo học hỏi thêm.  Và mới đây nhận được quyển Atlas nói về phương pháp giải phẫu các chứng bệnh của Zollinger/Zollinger do Bác sĩ Di Bartholomeo tặng khiến tôi hết sức vui mừng và quý nó như quyển sách gối đầu giường.

Vì là ngày nghĩ lễ, gặp lúc trời tạnh ráo tôi cho chú tài xế ở nhà và đích thân lái xe đi, vợ tôi thấy vậy cũng mang đồ nghề thuốc men theo phụ giúp tôi, phải nói thỉnh thoảng nàng cũng là một trợ tá đắc lực cho tôi khi cùng đi công tác xa. 

Nhớ lại trước đây vào năm 1966, khi tôi công tác trên đảo Phú Quý xa xôi ngoài khơi Phan Thiết, phải nhờ đến phương tiện vận chuyển tàu bệnh viện cũ kỷ Hàn giang 401 của Hải Quân, vợ tôi cũng không quản ngại thời tiết song gió nguy hiểm để theo tôi phụ giúp chăm sóc sức khỏe Y Tế cho đồng bào ngư phủ.

Xe chạy chậm chậm xuống dốc, theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo có nhiều rảnh dài nứt nẻ, đến chân đồi còn phải lái thêm một đoạn ngắn len lỏi giữa những rặng lau thưa mới đến bờ sông, có người bên kia sông sẽ bơi xuồng qua đón chúng tôi, gặp lúc sông êm, xuồng qua lại cũng khá dễ dàng và cặp sát một tảng đá đen to lớn nhô ra từ bờ, để chúng tôi leo lên. .

Nếp sống của đồng bào Kinh có phần khác biệt so với dân Thượng, nhà nhỏ vách ván lợp tole nhưng sáng sủa riêng biệt bởi cái hàng rào và khoảng sân rộng đủ để trồng hoa màu cây trái.  Đất Sông Bé rất phì nhiêu màu mở, thích hợp với loại trái cây nhiệt đới như chôm chôm, mít tố nữ, sầu riêng, măng cụt. . Chỉ cần bỏ hạt giống xuống là qua mùa, cây cối mọc lên xanh tươi không cần phân hóa học.  Nếu không có những khu rừng rậm đầy sự đe dọa ẩn núp của nòng đạn 81 ly, những hố bom lâu năm ứ đọng nước mưa để chứa chấp loài muỗi vằn gây bệnh sốt rét ác tính, thì khách phương xa có thể thong thả nhàn du trong khu vườn cây ăn trái trĩu quả quanh năm, nghe hương cau hương bưởi thơm ngát đêm hè.

Gia đình bệnh nhân vồn vã khi thấy chúng tôi đến thăm bất ngờ, hai mẹ con đều khỏe mạnh sau chuyến vượt cạn.  Sau khi đi một vòng ấp xem xét tình hình ăn ở vệ sinh của đồng bào, tôi để lại cho dân trong xóm một số thuốc ngừa bệnh sốt rét và thuốc bổ máu.  Xong việc ra về, nhiều gia đình theo ra tận bờ sông tiễn chúng tôi, họ còn biếu một trái mít thơm lừng, thổ sản đặc biệt của vùng núi rừng Bà Rá. 

Cao nguyên Phước Long nằm ở cuối dãyTrường Sơn, còn đang trong mùa mưa dông gió chướng nên thời tiết thay đổi bất thường.  Nhiều khi trời đang trong sáng bổng tối sầm lại với những đám mây đen kịt từ đâu kéo đến phủ cả một vùng.  Vừa qua được bên này sông thì mưa to đổ trút xuống kèm theo những tia chớp đáng sợ.  Đường về bắt đầu trơn trợt khó đi, lau sậy ngã ngang chận lối, nước mưa từ trên đồi cao tràn mạnh xuống con dốc biến thành dòng suối nhỏ đục ngầu, xe lăn bánh nặng nề chậm chạp vì lún bùn, loại bùn đất sét dẻo quẹo, có lúc không kềm được tay lái, xe xiên qua xiên lại như người say rượu, rồi bánh trước sụp lỗ sâu khiến xe mất thăng bằng nghiêng hẳn một bên muốn lật, tôi phải vội vàng tắt máy, gài thắng bỏ xe lại giữa đường, chúng tôi dìu nhau bò lên dốc cao, cố bám theo lối mòn lầy lội, chiếc áo mưa mỏng manh không ngăn nổi những luồng gió mạnh thổi phần phật, cuốn lên như sắp vuột ra khỏi đầu càng làm chúng tôi ướt sũng lạnh run . .

Trời tối rất nhanh, phải mất gần cả tiếng đồng hồ mới leo lên được đầu dốc, đứng đụt mưa sau một chiếc xe hàng hư máy nằm bên lề đường.  Tôi ôm vợ vào lòng cho đỡ lạnh, thấy thương bà xã vì theo chồng phải lặn lội vào chốn binh đạn hiểm nguy, bữa nay gặp mưa gió trên đường công tác, bỏ dép guốc đi loạng choạng leo dốc trợt tới trợt lui mà xót ruột, hồi nảy xe mà lật xuống đồi thì không biết vợ chồng chúng tôi sẽ ra sao.  Mò về tới nhà thì đã gần nửa đêm, con chó thấy chủ chạy ra vẫy đuôi quấn quýt. .  Một ngày vừa rủi mà vừa may.  Dù sao đi tới nơi về tới chốn an toàn là mừng rồi.  Lại thấy được tận mắt đời sống khó khăn của đồng bào và lòng nhiệt tình của họ đối với ai quan tâm.  Cũng là điều đáng quí.

Thành phố về đêm vắng tanh rờn rợn như một bãi chiến trường với những hàng rào kẽm gai và mìn Claymore bao bọc chung quanh các cơ quan trọng yếu, tuy trời tối không có giới nghiêm nhưng dân chúng vẫn ở trong nhà để tránh nguy hiểm bất thường, trường hợp khẩn cấp lắm mới ra ngoài.  Ánh sáng leo loét hắt ra từ ngọn đèn đường không đủ soi bóng vũng nước mưa còn đọng lại ban chiều, trời vẫn lâm râm chưa dứt, thỉnh thoảng vài tia chớp lóe lên ẩn hiện chập chờn khung cảnh núi rừng Bà Rá càng tăng thêm vẽ thâm u huyền bí…

Về đến nhà chưa kịp ăn uống nghĩ ngơi thì có điện thoại khẩn cấp từ bệnh viện, chiếc xe cứu thương tôi chạy ban sáng còn bị kẹt ở lưng chừng đồi sau toà Tỉnh, chú tài xế phải mượn tạm chiếc xe ọp ẹp thường ngày chở Thuốc diệt trừ sốt rét đến đón tôi, chạy quanh co trên những con đường nhỏ hẹp trong tỉnh, khi đến ngã tẻ ra đại lộ “sân bay” chú tài xế cẩn thận nhìn trên trời ngó kỷ tới lui rồi mới băng nhanh qua đường.  Hỏi tại sao phải nhìn lên trời, anh nói:

“Chỗ này coi vậy mà nguy hiểm lắm, khúc đường này có huông, kể từ ngày thành lập cho đến bây giờ, cứ vài ba năm là có tai nạn khủng khiếp xảy ra.  Bác sĩ nhìn xem con đường đâm thẳng vào chân núi giống như tuyệt lộ vậy.  Nhân viên mình ngày trước có anh y công sáng sớm đi làm ngang qua đây sơ ý không nhìn lên trời, bị trực thăng đáp xuống thình lình đụng chết, bởi vậy đâu có ai dám thề bán mạng “cho máy bay cán chết” đâu.  Cái miếu nhỏ dựng xế xế cổng nhà thương để thờ cúng mấy vụ chết oan này đó bác sĩ, núi Bà linh lắm!”

Mưa càng lúc càng lớn dần kéo theo sấm sét đùng đùng, xe vừa đậu trước sân là có ánh chớp lóe lên, tôi thấy như có vật gì lớn cở mặt bàn đang lấp lóa bay xẹt ngang nóc xe.  Bà Y công Thiết đứng đợi sẳn dưới mái hiên, có vẽ sốt ruột, chạy ào ra bất kể nguy hiểm nắm tay tôi lôi tuột vào trong, mặt hớt hãi:

“Dông lớn quá bác sĩ ơi, gió thổi làm bay mất mấy tấm tole ở phía sau kìa. ”

Trại bệnh C nằm sau phòng mổ, đang xây nửa chừng thì cuồng phong kéo tới làm tole sút đinh bay loảng xoảng, nước mưa đổ xuống đọng vũng trên nền xi măng mới tráng, bệnh nhân còn đi đứng được đã chạy sang nơi khác, chỉ còn người bị thương nặng ở chân không lết được đành nằm chịu trận trên giường run lập cập vì lạnh.  Phòng bệnh trống trơn tối thui, y tá trực xúm dìu những người còn lại sang trại bên, bà y công theo lệnh tôi xuống nhà kho lấy thêm đèn cầy để thắp sáng các nơi, bà cũng không quên lấy thêm quần áo cũ, lương khô và sữa hộp để khuấy cho trẻ em, còn tôi xách cây đèn bảo đi xuống bờ rừng thăm gian nhà dành cho bệnh nhiễm. . Sắp xếp mọi chuyện ổn định cho bệnh nhân có chổ yên ấm qua đêm, tôi chuẩn bị trở về nhà thì gặp xe của Đại tá Lưu Yểm, (Tỉnh Trưởng mới đổi về đây thay cho Trung tá Nguyễn dương Huy) ông đang đi tuần thám thì thấy một thường dân bị trúng đạn pháo kích nên chở thẳng vô phòng mổ, dưới ánh đèn măng xong ông rửa tay, mang găng và phụ tôi mổ lấy mảnh đạn trong đùi cho bệnh nhân.  Ông Đại tá là người theo đạo Phật nên ông có tấm lòng từ tâm rất tốt, ông tin vào luật nhân quả, nên làm điều gì đúng là ông làm, không ngại khó khăn.

ẤP THƯỢNG BÙ NHO

Sáng nay khám bệnh xong sớm, thấy trời tốt tôi tổ chức qua thăm đồng bào Thượng trong ấp Bù Nho nằm trên ngọn đồi cao, đối diện với toà tỉnh về hướng Đông bên kia sông Bé.  Có đường cho xe lên núi nhưng phải chạy một vòng lớn hơi xa nên chúng tôi đi tắt bằng cách lội bộ xuống đồi phía sau nhà thương, ngang vườn ươn cây đến QL14 qua cầu Daklung rồi từ đó theo đường mòn leo dốc lên ấp. Vừa tới đầu làng đã thấy một nhóm con nít trần truồng hồn nhiên chạy giởn, một đứa đang quơ quơ con trùng đất trên đám than hồng rồi bỏ vô miệng nhai ngon lành coi bộ hả hê.  Giờ này đàn ông trong làng đều ra rừng làm rẫy hoặc đi săn.  Thấy chúng tôi tới, bà lão đang ngồi bó củi đứng dậy nói lí nhí gì đó bằng thổ ngữ riêng, chúng tôi chưa hiểu gì thì bà ra dấu cho chúng tôi đi theo về hướng cuối đường.  Làng có ba dãy nhà sàn dài, thấp lè tè lợp tranh, vách nẹp bằng cây lồ ô đập dẹp. 

Đồng bào Thượng trên vùng Cao nguyên đều có nếp sống gần giống nhau, thích ở nhà sàn để tránh thú dữ hay về quấy phá ban đêm, chỉ có tiếng nói thì cách nhau 50 cây số đã thấy khác biệt.  Trên vùng cực Bắc như Dakto Daksut thì nói tiếng Sedang, xuống Kon Tum lại nói tiếng Banar, về Pleiku Cheoreo nói tiếng Jarai, tới Ban Mê Thuột nói tiếng Rhade, còn ở Phước long Bà rá này thì lại nói tiếng Stiêng.  Thời gian theo đơn vị đóng ở Kon Tum, tôi học chút ít tiếng Banar, nhưng kể từ ngày ra khỏi vùng vì khác bộ lạc nên Banar không sử dụng được nữa, lâu ngày rồi cũng quên, tôi chỉ còn “ngôn ngữ quốc tế” là ra dấu bằng tay…

Tôi bước theo bà lên hai bậc thang bằng gỗ, căn nhà tối om phải dùng đèn bấm mới thấy một bé trai khoảng 7-8 tuổi ốm trơ xương đang nằm co ro, da mặt nhăn nhúm như con khỉ, hai mắt trõm lơ.  Tôi khám thấy nhịp tim nhanh, hơi thở yếu, sờ dưới rún thấy một khối u tròn hơi cứng bằng nắm tay di động.  Có lẽ nào sạn trong bọng đái lại to như vậy, tôi phân vân vì ngôn ngữ bất đồng, không thể hỏi kỷ về bệnh lý, chỉ thấy tình trạng suy nhược của em cần phải được chăm sóc đặc biệt, nên sẳn có máy truyền tin, tôi gọi xe chở em về bệnh viện gấp để chuyền nước biển.  Trong khi chờ đợi xe đến, tôi để y tá lại theo dõi chuyển viện cho em, phần tôi lội bộ về trước vì có việc khẩn cấp ở nhà thương. 

Trên đường về ngang bờ suối thấy người đàn ông Stiêng đang lội bắt cá, anh nắm được đầu con cá nhỏ quẹt sơ qua tấm khố trước bụng rồi bỏ vô miệng nhai sống ngon lành, tôi tò mò hỏi sao không rửa sạch và nướng chín rồi hãy ăn? Anh cười lấp bấp câu tiếng Việt “con cá còn ở sạch hơn tui, nó tắm suốt cả ngày dưới nước, còn tôi thì một ngày chỉ tắm có một lần” Đúng là thói quen ăn uống còn hoang sơ man rợ của đồng bào Thượng mà mình khó bắt họ thay đổi được, dù họ sống chung đụng với người Kinh một thời gian dài nhưng thấy không ảnh hưởng gì.

Gần đó có một nhóm Công binh Hoa kỳ đang nghiên cứu đặt ống dẫn nước từ dưới thác lên trên ấp cho dân, tôi mừng khi gặp lại ông Đại úy trưởng đoàn, chính ông này đã có vài lần đến bệnh viện chơi và dạy tôi cách đánh “cờ tây”, ván đầu tôi thua, nhưng ván sau tôi thắng, ông có vẽ ngạc nhiên khi thấy tôi “lãnh hội” nhanh, đi cờ như người thành thạo lâu năm, ông đâu biết rằng tôi cũng thuộc hạng “cái bang cờ tướng” quen chơi cờ Tàu với những thế biến hoá tân kỳ cần phải vận dụng nhiều suy nghĩ, rắc rối hơn Cờ Tây.  Thế rồi ông tặng tôi luôn bộ cờ và hẹn ngày tái ngộ.  Bửa nay tái ngộ ông thì cả hai chúng tôi đều lu bu công chuyện, chỉ kịp chào nhau vài câu rồi đường ai nấy đi. .

Chiều hôm đó tôi mổ cho em bé và trong sự ngạc nhiên của mọi người, một hòn sạn trắng ngà nham nhám to bằng quả trứng gà được lấy ra từ bọng đái của em. . Tôi đặt ống thông tiểu, tiếp tục chuyền nước biển pha trụ sinh và cho em uống sữa. . trông em có vẻ tươi tỉnh hơn đôi chút.
Các cô điều dưỡng rất thương em, gọi em là bé “Bù Nho”, chăm sóc tận tình và may cả quần áo mới cho em nữa.  Có được sức đề kháng tốt, được nuôi dưỡng đúng cách, vết mổ mau lành nên chẳng bao lâu em đi đứng được bình thường, gương mặt đầy đặn hồng hào, nụ cười hồn nhiên . Buổi trưa tôi lấy kéo cắt tóc cho em, bị các cô chê cắt xấu, tôi chống chế “sọc dưa sọc rằn gì cũng không sao, miễn đầu tóc cao ráo sạch sẽ là em đẹp trai rồi”. Bé Bù Nho được xuất viện sau đó không lâu, em đi lại tung tăng như con sóc nhỏ trong rừng khiến mọi người đều vui khi thấy em bình phục.

ẤP THƯỢNG SƠN GIANG

Ấp Sơn Giang nằm về hướng Nam của tỉnh Phước Long gần núi Bà Rá trên đường ra quận Phước Bình, vì sát trục lộ chính nên trên đường đi công tác tôi thường hay ghé qua thăm hỏi đồng bào Thượng cũng như tìm hiểu thêm về nếp sống của sắc tộc Stiêng.  Một hôm trên đường đi làm, nghe tin ấp bị pháo kích, tôi vội quay đầu xe chạy thẳng vào làng xem tình hình ra sao, vừa đến nơi thấy đám đông bu quanh dãy nhà tranh, một bé trai người Thượng độ 9-10 tuổi đang nằm oằn oại dưới đất, mình trần bê bết máu, em bị mảnh đạn 81ly xẹt trúng ngang cổ họng, bọt máu tươi sùi ra, em vẫn còn tỉnh táo kêu la nhưng tiếng khào khào không ra lời, tôi vội khám nhanh thấy trong người em không có vết thương nào khác ngoài tiếng kêu lụp bụp dưới đáy phổi, do vết thương khí quản làm máu ứ trong đường hô hấp.

Tôi đã từng có kinh nghiệm trong cách điều trị vết thương khí quản khi còn làm nội trú trong nhà thương Chợ Rẫy và lúc tu nghiệp gây mê hồi sức tại Hoa kỳ. . Phòng mổ hiện đại nào cũng có một gói dụng cụ cấp cứu sẵn sàng để xử dụng gồm một con dao mỗ, một ống tròn đặc biệt hơi cong bằng kim loại để thông khí quản, hai cây kềm nhỏ với bông băng, kim may và kéo cắt chỉ.  Nhưng ở đây thì thiếu thốn đủ thứ. . trong cái khó nó ló cái khôn, tôi chợt nghĩ đến ống nylon chuyền nước biển lúc nào cũng có mang theo sẵn, liền cắt một đoạn nhỏ dài độ gang tay rửa sạch, tôi đút một đầu được cắt xéo xuống cuống phổi, dùng miệng hút mạnh chất đàm và máu còn ứ đọng bên trong cho không khí trong phổi thông được ra ngoài.  Không còn nghe tiếng thở khò khè nữa, bệnh nhân bắt đầu thấy dễ chịu nằm im, tôi chỉ dẫn cho em thở bình thường và ho mạnh.  Sau khi dùng dây giữ chặt ống nylon vào cổ, anh y tá phụ lau sạch các vết máu dính trên người em, lấy tấm mền đắp lại và chở em về bệnh viện tiếp tục theo dõi điều trị, mặc dù tôi vẫn tin tưởng ở sức đề kháng cao của người dân sống nơi miền sơn cước hoang dã, khi đứa trẻ lọt lòng người mẹ đã tự tay dùng lá bén cắt nhau cho con và bồng nó xuống suối tắm rửa mặc cho thời tiết có khắc nghiệt thế nào.  Có lẽ chính nhờ vậy mà cơ thể đứa nhỏ luôn tự thích ứng với môi trường chung quanh.  Chỉ sau một thời gian ngắn, ống thông khí quản được rút ra, em tự thở một mình và hơi thở trở lại bình thường, vết thương ngoài da cũng mau lành đầy đặn.

Nhằm lễ Trung thu, cơ quan MACV cho nhân viên nhà thương được tháp tùng theo máy bay về Sài gòn buổi sáng để mua sắm quà cho các em nhỏ trong bệnh viện.  Đúng lúc trăng lên, cô Điều dưỡng trưởng trở về mang theo hai bọc to tướng đầy quần áo và đồ chơi trẻ em. .  Các con của bệnh nhân và nhân viên văn phòng nối đuôi nhau ngoài sân để nhảy múa, được các cô gọi vô thay ngay những bộ đồ mới sặc sỡ, mỗi em còn được phát lồng đèn, cái trống con cầm tay lắc qua lắc lại và quà bánh, trông mặt đứa nào cũng hớn hở thích thú, trong tiếng cười hồn nhiên rộn rã của đêm Trung thu, tôi nghĩ các em có một kỹ niệm vui để nhớ về những ngày thơ ấu trên vùng đất đầy bom đạn này. 


DU HỌC NHẬT BẢN VỀ GIẢI PHẪU LỒNG NGỰC

Vào tháng 11 năm 1969, tôi được học bổng Colombo về Giải phẩu lồng ngực tổ chức tại Nhật Bản, do Hội đồng Y khoa Bộ Y tế xét thấy tôi có đủ điều kiện trên năm năm kinh nghiệm về giải phẫu tổng quát, có bằng Gây mê hồi sức tại Hoa kỳ cũng như làm việc liên tục tại khu ngoại Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẳng.

Xuống phi trường quốc tế Haneda, tôi được đưa về hội quán Tokyo để ở tạm 3 ngày trước khi đáp chuyến xe lửa tốc hành từ nhà ga Ikubokoru đến Kyosi Machi cách Tokyo 60 cây số về hướng Nam.  Đây là một quận nhỏ nhưng có một Trung tâm Giải phẫu lồng ngực Kekken nổi tiếng lâu đời nhất Phù tang, chuyên môn đào tạo bác sĩ chuyên ngành này cho toàn nước Nhật cũng như các nước khác. 

Ngoài ra còn có một bệnh viện khác tên Tokyo National Chest Hopital cũng ở trong thành phố này.  Tôi được thường trú trong bệnh viện có bảng tên dài ngoằng bằng tiếng Nhật khó nhớ nổi “ Kekka ku kenku Jo Kekka ku Yo bokai”, chung quanh trồng toàn hoa anh đào, từ phòng mổ về nhà trọ tập thể chỉ mất độ 7 phút đi bộ dọc theo hàng rào bên trong bệnh viện, thấp thoáng xen lẫn giữa các lối đi là những bụi cây hồng dòn với tàn lá xum xuê trái to trĩu cành.  Gặp lúc mùa Xuân, khắp nơi trong nhà thương từ cổng vào đến các trại bệnh, những cánh hoa đào màu hồng nhạt nở rộ từng chùm thật đẹp, hương thơm dịu dàng thoang thoảng.  Đứng trên lầu nhìn cảnh vật chung quanh thấy được phần nào cái ngăn nắp sạch sẽ của thành phố nhỏ, nhà cửa thấp nhưng kiến trúc gọn gàng, người dân Nhật rất vui vẻ hiếu khách và tự hào về đất nước của họ.

Chương trình học dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ Shiozawa một giáo sư lão thành và 2 cộng sự viên trẻ tuổi là BS Anno, BS Arai.  Khóa sinh gồm 5 người trong vùng Đông nam Á gồm Đàiloan, Namdương, Phi luật tân, Tháilan và Việt Nam.  Mỗi ngày từ 8g sáng đến 5g chiều, khóa sinh tập trung nghiên cứu cơ thể học trên hình phổi được ướp formol, nhìn những động mạch- tỉnh mạch- phế quản chằng chịt nhau như những nhánh cây mùa đông, giáo sư nhấn mạnh đến trường hợp cấu tạo bất thường của những động mạch phổi, nếu không am tường cấu tạo của phổi thì chỉ sơ ý một chút trong khi giải phẫu sẽ phạm phải một lỗi rất nặng, là thay vì chỉ cắt một thùy phổi hay một phần thùy phổi bị hư lại phải cắt bỏ nguyên cả lá phổi của bệnh nhân. 

Ngoài ra chúng tôi cũng được phụ các bác sĩ thực hiện những cuộc giải phẫu trên thực tế hay phẫu nghiệm tử thi ở một khu vực riêng biệt. . Phòng ở tập thể của chúng tôi có sẳn một nồi cơm điện, nên buổi sáng chúng tôi tự nấu ăn với thịt gà hấp, nhiều hôm đi ngang bờ tường có cây hồng, tôi hái vài trái về ăn tráng miệng vừa xem đô vật trên TV.  Pro wrestling là một môn thể thao mà qua Nhật tôi mới biết.  Thấy cầu thủ to con vật nhau rầm rầm trên đài, tôi tưởng thật xem say mê cho đến một hôm BS Shiozawa đi ngang cười và nói

coi chừng chúng đánh cuội đó”.

Theo chương trình học chúng tôi qua các nhà thương gần đó để xem các bác sĩ làm việc, tìm hiểu kinh nghiệm.  Chúng tôi cũng lên Women College Hospital trên Tokyo xem BS Hakakibara biểu diễn mổ tim, ông còn là họa sĩ vẽ tranh sơn dầu khá độc đáo với đề tài là cây rừng, tre trúc.  Ông thích thú cho chúng tôi xem một tấm hình ông đang giải phẫu trong phòng mổ bị mưa dột, người phụ tá cầm dù che mưa cho ông.  Ngoài ra ông còn xử dụng phương pháp lấy màng dầy Fascialata ở đùi chế biến thành van tim và một bác sĩ khác chuyên môn giải phẩu cắt thùy phổi bị lao bằng hai chiếc đũa đặc biệt do ông tự chế ra.

Những dịp lên Tokyo tôi hay ghé vô các tiệm ăn ở Shibuya Ginza, người Nhật rất thực tế nên cách bày trí của họ trong tiệm cũng dễ dàng cho người ta chọn lựa.  Thức ăn mẫu họ để trong tủ kiếng với giá cả rõ ràng, nên không cần biết tiếng Nhật, thích món nào chỉ vào món đó mua vừa với túi tiền.  Đặc biệt là món thịt bò Kobe được quảng cáo là rất mềm rất ngon nhưng quá đắc so với sinh viên như tôi nên chỉ nhìn qua cho đỡ ghiền, giống như trong truyện Sans Familla của Văn hào Pháp Hector Mallot kể về một đứa nhỏ nhà nghèo đi ngang tiệm bán bánh mì ngừng lại lâu để ngửi mùi thơm của bánh mới ra lò.  Dễ chọn nhất là mì Oudong bán bên lề đường, một món ăn bình dân của Nhật giống như mì xe đẩy gõ cắc cụp ban đêm bên nhà, vừa ngon mà lại rẽ.

Có lần gặp dịp hội chợ Quốc tế Osaka mở ra, tôi liền đến thăm gian hàng Việt nam có trưng bày hình ảnh cố đô Huế do nhà sưu tầm đồ cổ Hoàng văn Lộc trình bày rất công phu, hình ảnh trung thực nhưng được thu nhỏ lại với cung điện bên trong thành Nội, cửa Ngọ môn bằng ngà voi cắt ráp tinh xảo, có nón lá bài thơ của những cô nữ sinh Huế với tóc thề ngang vai đứng trên cầu Trường tiền.  Đi xa mới thấy thắm cái tình quê hương khi chen vai với các quốc gia khác trong khu hội chợ, Việt Nam mình thật rạng rỡ đáng tự hào.

Tôi lên xem một tòa tháp cao của những hiệp sĩ Samurai xa xưa và hai cái lu chứa đựng vật dụng của thế kỷ 20, sau khi hội chợ bế mạc thì các lu này sẽ được chôn dưới đất để các thế hệ người Nhật sau một thời gian 500 năm hay 5000 năm biết được những gì mà ông bà họ đã làm được trên đất nước Phù tang này.  Tôi cũng rảo quanh các gian hàng của Hoa kỳ, ngắm những viên đá quý lấy từ cung trăng về, kiến trúc của hai cường quốc rõ ràng khác nhau.  Gian hàng của Hoa kỳ có xu hướng xây cất thấp sát đất, trái ngược với kiến trúc cao vòi vọi của Liên sô.  Tôi cũng được dịp thưởng thức các món ăn đặc trưng của các xứ trên thế giới tập trung trong hội chợ lần này.

Một hôm Bác sĩ Shiozawa đưa tôi đi chuyến xe lửa tốc hành về miền Đông Bắc nước Nhật để trình bày một đề tài Y học (Osteoblastoma of the rib) trong Đại hội giải phẫu lồng ngực tổ chức tại một trường Đại học ở đây. Sau đó ông dẫn tôi ra ngắm biển Thái Bình Dương và tặng tôi một cái trứng đặc biệt để nghiêng chiều nào cũng đứng thẳng dậy được, giống như tinh thần quật cường của người Nhật sau hai trái bom nguyên tử ném xuống Hirozima và Nagasaki năm 1945, nước Nhật tang thương cả về vật chất lẫn tinh thần, lắm lúc học trò Nhật không có được một tờ giấy trắng nguyên vẹn để viết, tôi biết trong phòng mổ cũ kỹ ở bệnh viện Kekken họ rất tiết kiệm khi xử dụng bông gạc, sau khi dùng xong cô y tá đã giặt sạch các miếng băng và bỏ vô lò hấp khử trùng để xài lại, trong khi đó những thùng giấy đầy ắp bông gạc được sản xuất từ Nhật lại được xuất cảng sang giúp các nước Đông nam Á, dụng cụ phòng mổ từ máy thuốc mê chế tạo tại Đức vẫn còn giữ để xử dụng mặc dù nước Nhật là nơi chế tạo ra các hàng điện tử nổi tiếng có chất lượng tốt. 

Các bác sĩ Nhật vẫn viết phúc trình giải phẫu bằng tiếng Đức giống như bên nhà bác sĩ Việt còn dùng tiếng Pháp trong những văn bản Y khoa.  Có một bác sĩ thuộc đội thần phong cuối cùng sau khi Nhật thua trận đã từ bỏ một địa vị quan trọng để về làm việc trong nhà thương này, đêm nào ông cũng mày mò nghiên cứu tới khuya, xong đạp xe cọc cạch về nhà mang theo những củ khoai lang ông trồng trong khoảng đất trống sau bệnh viện.  Để canh tân xứ sở, người Nhật chú trọng nâng cao nền kinh tế trong tinh thần làm việc tập thể, làm việc cho Quốc gia, cho sự phát triển của Đất nước Nhật, người công nhân ít khi tự ý rời bỏ cơ sở làm việc của mình dù cho đồng lương có thấp hơn nơi khác. 

GẶP LẠI THẦY CŨ

Gần cuối khoá học tại Nhật, có một phái đoàn chánh phủ Việt Nam sang viếng Tokyo, trong số quan chức cao cấp này có ông Thẩm phán Lê văn Thu, tổng trưởng Bộ Tư pháp, trước đây ông là giáo sư Pháp văn chuyên luyện thi Tú tài I tại trường tư thục Huỳnh thị Ngà, Tân Định, rất được học trò kính trọng gọi bằng Thầy Đẩu.

Lúc bấy giờ tôi đang học năm thứ hai trường Petrus Ký, nhưng vì xảy ra vụ Trần văn Ơn bị bắn chết trong trường nên đa số học sinh không dám đi học ở đó, tôi phải ra tư thục Lê văn Hai học, giáo sư Hai là một Thạc Sĩ văn chương Pháp ở Paris về mở trường dạy học theo phương pháp mới Montessori với sự hợp tác của chú tôi (Thu Giang Nguyễn Duy Cần, giáo sư Triết trường Đại học Văn Khoa Sàigòn) nhà văn Triều Sơn dạy Việt văn, giáo sư Phạm Xuân Thái dạy Anh Văn (ông là tác giả dịch quyển Chinh phụ Ngâm của Đặng Trần Côn ra tiếng Anh). 

Nhưng sau đó tôi đổi sang lớp tối Huỳnh thị Ngà để ôn thi các môn chánh yếu như Pháp văn, toán, Lý Hóa. 

Và tôi học Pháp văn với Thầy Thu ở đây, Thầy gần như thuộc nằm lòng quyển sách văn chương Pháp Brunswick dầy cộm, nên đêm khuya thanh vắng trên tầng lầu cao của trường, tiếng ông giảng bài vang lên sang sảng, học sinh say mê im lặng ngồi nghe.  Môn Toán Lý Hoá thì tôi học với thầy Thanh, ông dạy giỏi nổi tiếng nên mới khai trường là học sinh ghi tên đầy lớp, đến trể không có chỗ ngồi phải chịu khó đứng nghe, Thầy dạy chậm rải cẩn thận, bài học nào cũng dài 7-8 trang Thầy đọc thao thao cho học trò chép, đứng trước bảng thầy viết hết phương trình này sang phương trình khác, giải đáp những bài toán khó một cách dễ dàng mạch lạc, vì học nhảy lớp nên tôi không dám để mất một bài nào. 

Có hôm thấy tôi vắng mặt, thầy nhắn tôi vô nhà Thầy ở xóm Hàng Keo Gia Định và khuyến khích tôi

“ Thầy biết gia đình Cung đang gặp khó khăn, tuy nhiên Cung không nên nghỉ học, thầy nhận thấy Cung có khả năng, chăm học mà ngày thi cũng gần kề Cung nên cố gắng, mặc dù dạy tư nhưng Thầy sẽ không nhận thù lao về phần Cung. ”

Lời khuyên cùng tấm lòng ưu ái của Thầy khiến tôi cảm kích và nhớ hoài trong lòng, cuối năm đi thi lớp chỉ còn 9 học sinh, tất cả đều đậu trong đó có tôi.  Ơn thầy tôi ghi nhận và tâm niệm sau này nếu có cơ hội sẽ thực hiện nghĩa cử giống như thầy.  Đậu Tú Tài rồi đậu ngành Hàng Hải, rồi vào trường Y… Bao nhiêu miệt mài đó có lẽ do thấm lời khuyên của Thầy nên cố gắng với hy vọng tiến thân, nhưng chiến tranh bùng nổ khiến tuổi trẻ ra trường lại lao vào công việc ngoài chiến trận mãi miết. . Những ông Thầy cũ tôi vẫn chưa có dịp nào ghé thăm.

Bây giờ ở xứ người được gặp lại thầy Đẫu, tôi đến chào ông tuy ông không nhận ra học trò năm xưa nhưng ông biết tên tôi và chuyển lời của dân chúng Phước Long gởi thỉnh nguyện thư cho Chánh phủ, yêu cầu tôi trở về công tác ở Phước Long để giúp đồng bào chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.  Tôi mừng vì được dân thương nhưng lo vì đất nước mình nghèo do chinh chiến triền miên, Phước Long là một tỉnh nhỏ nhưng hứng chịu nhiều tai ương nhất khiến đồng bào càng kiệt quệ trong khó khăn bệnh tật.

DU HỌC NHẬT BẢN TRỞ VỀ NƯỚC

Sau thời gian đi tu nghiệp Nhật Bản về, tôi được bổ nhậm làm trong khu Ngoại khoa của Trung tâm thực tập Gia định, dưới sự điều hành của bác sĩ Phó Bá Đa tốt nghiệp giải phẫu bên Hoa kỳ.

Ngày đầu tiên ông Tổng Quản Đốc Bác sĩ Nguyễn Hữu Vị bên trung tâm cho mời tôi lên văn phòng và thân mật nói:

“Anh về đây, tôi thấy anh em trong đơn vị này quý mến anh, vậy anh nên thay thế tôi trong chức vụ này đi. ”

Ông nguyên là Y sĩ Trung tá, chỉ huy trưởng Tổng Y Viện Cộng Hòa, chuyên môn về khoa tim mạch, đã từng chữa bệnh tim cho ba tôi, nhưng không hiểu sao lại có ý định xin từ chức Tổng quản đốc ở đây.  Đây là chức vụ quan trọng. 

Trong miền Nam tất cả Giám Đốc Bệnh viện đều do Tổng Trưởng Y Tế bổ nhậm chỉ trừ chức Tổng Quản Đốc TTTTYKGD được coi như Thứ trưởng thì Tổng Trưởng Y tế chỉ đề nghị và chính Thủ Tướng mới là người bổ nhiệm .  Tôi bộc bạch là mình chỉ xin làm việc trong khoa Ngoại, phù hợp với khả năng chuyên môn của tôi hơn. 

Vài ngày sau, Bác sĩ Trần Minh Tùng, Tổng trưởng Y tế cho gọi tôi lên văn phòng, chỉ vào sơ đồ tổ chức của Bộ Y Tế để trên bàn làm việc của ông, cho tôi tự chọn một nhiệm vụ nào thích hợp rồi ở lại đây làm việc.  Tôi lại viện dẫn lý do chuyên môn về giải phẫu nên xin từ chối công việc chỉ thuần về hành chánh này.  Ông cân nhắc một lúc rồi mới đem chuyện dân chúng Phước Long muốn tôi trở về đó công tác. 

Đối với tôi đi đâu cũng được, tôi không muốn lựa chọn sự thanh nhàn ở các cấp cao nhất tại thành phố, mặc dù đó là nơi may mắn dành cho bất kỳ ai được ở đây.  Nên khi nghe chuyện trở về Bà Rá là tôi xin được cấp sự vụ lệnh ngay.  Hiểu được hoàn cảnh sinh sống khó khăn của đồng bào chốn rừng thiêng nước độc, có thể một vùng nào đó đang gặp phải Dịch bệnh đang cần một bác sĩ như tôi, tôi nhờ Bộ Y tế xin dùm phương tiện hàng không để đi ngay. 

Dân chúng Phước Long niềm nở ra đón tôi tại sân bay, nhân viên cũ trong bệnh viện vẫn dành cho tôi những cảm tình nồng hậu như ngày nào khiến tôi vô cùng cảm động.

Tỉnh lỵ vẫn không có gì thay đổi, đời sống đồng bào vẫn lầm than cơ cực, thức ăn nhà thầu dành cho bệnh nhân vẫn như trước, tô canh mít nổi lều bều tép mở và mấy con cá khô bằng ngón tay út.  Giao thông đường bộ càng khó khăn hơn, Quốc lộ 14 từ tỉnh Phước Long xuống Đồng Xoài bị gián đoạn, sáu tháng mới có một lần mở đường cho xe công voa lên tiếp tế thực phẩm. 

Tôi tiếp tục tổ chức Y tế đi thăm các quận, các xã ấp xa xôi và chỉnh trang lại phòng mổ cho chắc chắn hơn, ông già xưa ở quận Đức Phong lần đầu tiên gặp gở đã kéo cặp kiến lão xuống nhìn tôi nghi hoặc lạ lùng hỏi: “Có thiệt cậu là bác sĩ không?.  bây giờ đã tin cậy thân mật hỏi han tôi đủ mọi chuyện về đời sống trong khoảng thời gian tôi rời khỏi nơi đây.  Nhiều lần đi công tác xa, đêm khuya không có phương tiện trực thăng để trở về tỉnh, tôi phải ngũ bờ ngũ bụi, dưới hầm hố cá nhân để nghe tiếng pháo vọng về mà thấp thỏm nhói tim

“không biết có trái đạn nào trúng vô bệnh viện nhỏ nhoi của tôi không?”

Thời gian trên Phước Long tạm yên thì tôi lại có lệnh trở về Trung tâm thực tập Y khoa Gia Định làm trưởng trại C trong khoa Ngoại với bác sĩ Phan Tường Hưng.  Nhà thương Chợ Rẩy còn đang sửa, bác sĩ Nguyễn Anh Tài chưởng môn Hàn Bái Đường cũng về đây làm trưởng trại A, có môn đệ là Bác sĩ Đặng thị Mai Liễu phụ giúp, Trưởng trại D là bác sĩ Lê Dư Khương chuyên khoa xương, tốt nghiệp bên Đức về phụ trách, có phụ tá là bác sĩ Thái thị Diệp.

Về sau vì nhu cầu công vụ, bác sĩ Khương được biệt phái về làm trưởng khoa Ngoại bệnh viện Chợ Quán, bác sĩ Hưng (ngươi em cô cậu của tôi cũng học Giải phẫu Lồng ngực bên Nhật ) được chuyển về bệnh viện Chợ rẫy làm việc với bác sĩ Phan văn Đệ (vài ngày trước khi CS chiếm nhà thương ). ….

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading