Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

Gió Mùa ñông B¡c (19)
trannguonphieu2
Những đoản văn của BS Trần Nguơn Phiêu đã đăng trên Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y:

1- Quân Y Hải Quân
2- Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười
3- Lê Quang Vinh: loạn tướng hay anh hùng
4- Những nhân chứng cuối cùng

Bản tin về:
Lễ Vinh Danh BS Trần Nguơn Phiêu


Gió Mùa Đông Bắc:
-Lời Nói Đầu - Chương 1
-Chương 2 - Tuổi Thơ
-Chương 3 - Thời Trung Học
-Chương 4 - Một thời sôi động trước Nam Bộ Kháng Chiến
-Chương 5 - Phong Trào Thanh Niên
-Chương 6 - Về quê Cao Lãnh - Trở lại Sài Gòn trước cơn khói lửa
-Chương 7 - Cách Mạng Mùa Thu
-Chương 8 - Những Ngày Đầu Nam Bộ Khánh Chiến
-Chương 9 - Lần Đầu Chạm Địch
-Chương 10 - Những Ngày Tản Cư
-Chương 11 - Hồi Cư về Sài Gòn (1)
-Chương 11 - Hồi Cư về Sài Gòn (2)
-Chương 12 - Gặp lại Nàng Thơ
-Chương 13 - Vướng Vòng Lao Lý
-Chương 14 - Rèn cán, Chỉnh quân
-Chương 15 - Những Ngày Xa Xứ
-Chương 16 - Gặp lại Duy Thảo
-Chương 17 - Miền Nam nước Pháp
-Chương 18 - Những Ngày ở Socoa
TrÀn NguÖn Phiêu
 
Chương 19

Nàng Thơ trên đất Pháp

Cuối hè, Triệu được thơ Lý cho biết đã hoàn tất xong hồ sơ du học sang Pháp. Lý đã học xong phần tú tài ở trường Trí Dũng và có chứng chỉ tương đương với tú tài của Pháp. Lý đã thường gởi những đôi vớ Lý đan tặng Triệu trong những ngày ra nghỉ ở Vũng Tàu. Những hình Lý gởi sang nay thấy không còn để tóc uốn như trước. Tóc cắt ngắn gọn như thời còn đi học ở Petrus Ký. Ðược hỏi sao Lý lại cắt tóc ngắn trở lại, trong thơ sau Lý viết:

            “Vắng chàng điểm phấn tô hồng cho ai?”

để nói lên nỗi lòng.
          
Ðọc thơ Lý mà lòng Triệu thấy se thắt lại. Những ý tưởng đắn đo trái ngược trong tâm tư nay đã trỗi dậy trở lại. Lý và Triệu đã bắt đầu biết nhau từ ngày cùng đóng vở kịch không lời “Thi sĩ và Nàng Thơ”. Cùng học chung một trường, ngày ngày trông thấy nhau nên tình yêu đã len lén đến lúc nào không biết. Chuyện hằng ngày đón nhìn Lý dắt xe đạp đi vào sân trường mỗi sáng đã lại được các bạn học trêu đùa nên thật sự đã thành một thông lệ. Trong thời gian dài trường phải đóng cửa vì thời cuộc, lớp đặc biệt của Lý sau cùng cũng đã phải dẹp bỏ. Lý đã tiếp tục học ở các trường trung học Hoa kiều. Lần đầu đi vào Chợ Lớn và tìm được Lý ở Nghĩa An Học Hiệu, Triệu đã biết Lý cũng trông đợi Triệu đến tìm. Những năm Lý theo học ở các trường Nghĩa An và Trí Dũng là những năm Lý và Triệu có bao nhiêu kỷ niệm thân thương.

Triệu đã được cơ hội thân cận gần gũi Duy Thảo từ thời nhỏ bé đến lúc trưởng thành. Từ cảm mến đi đến tình yêu chỉ là một bước ngắn nhưng tình yêu giữa hai đứa vẫn có một trở ngại trong tâm tư vì cả hai thuộc họ hàng thân thích. Những hoạt động bí mật chung trong thời kháng chiến, những lo âu cho nhau khi bị mật thám Pháp ruồng bắt đã khiến tình yêu cả hai càng thêm khăng khít. Khi Duy Thảo được may mắn đi du học, Triệu thật vô cùng hụt hẫng. Cả một khung trời như sụp xuống. Triệu làm gì có cơ hội để cùng Duy Thảo ra ngoại quốc tiếp tục học? Trong những ngày tâm tư chới với đó, Lý như đã biết tình cảnh Triệu nên đã đến với Triệu với bao nhiêu ân cần, giúp Triệu lấy lại được thăng bằng trong trí não. Triệu cũng tự nhủ lòng: biết đâu đó là một việc lòng Trời xui khiến để giúp Triệu thoát cái vòng lẩn quẩn từ lâu về tình yêu giữa hai người cùng họ hàng?

Triệu đã đáp ứng tình yêu của Lý và cả hai thật sự đã có những ngày nhiều kỷ niệm khó quên. Có những lúc chỉ cùng đạp xe lên xuống suốt đường Hồng Bàng để có dịp chuyện trò nhưng đó quả là những giờ phút tuyệt vời thư giãn. Có những hôm gặp những ngày Lý phải tham dự các buổi tranh tài giữa các trường về bóng rổ, Triệu đã hào hứng ngồi suốt buổi xem Lý vẫy vùng tả xông hữu đột trên sân.

Nhưng rồi cơ hội bất ngờ ngàn năm một thuở đã giúp Triệu có cơ may xuất ngoại du học. Những ngày có dịp sống lại bên Duy Thảo đã cho Triệu hưởng được một tình yêu trọn vẹn, không lo ngại những gò bó như lúc còn bên nhà. Cuộc đời giữa Duy Thảo và Triệu từ nay đã vượt đến giai đoạn thật sự gắn bó.

Tin Lý sẽ qua Pháp, đến Toulouse ở với người chị, cùng chung thành phố với Duy Thảo đã làm Triệu vô cùng bối rối, lo nghĩ không biết phải nói gì với Lý khi gặp lại. Lễ Giáng Sinh năm đó, Triệu được mời dùng cơm trong một tiệc nhỏ, có hai chị em Lý đến tham dự. Triệu đã đến nhà của Lý. Chị của Lý đã tế nhị xin đi trước để Lý và Triệu có dịp gặp gỡ riêng tư. Có lẽ trong thời gian mấy tháng sống ở Pháp, Lý đã nghe việc Duy Thảo và Triệu gặp gỡ nhau ở Pháp nên vừa gặp Triệu, Lý đã lên tiếng trước: “Lý đã được biết Lý là người đến sau, vậy xin anh đừng đến gặp Lý nữa. Trong tuần qua Lý đã đem các thơ của anh ra đốt. Chị của Lý đã chứng kiến việc này”. Triệu thật sự sững sờ khi nghe Lý thốt ra câu nói mà có lẽ Lý đã chuẩn bị trước. Triệu không biết nói gì hơn là ôm Lý vào lòng mà không dám thêm một lời nào. Ðó là lần cuối cùng Triệu và Lý ôm nhau khăng khít nhưng không nói được một câu gì với nhau.

Sau bữa ăn, trưa hôm đó, không biết vì vô tình hay cố ý, Lý đã cùng một anh bạn trai thân mật tham dự trò đố chữ ngang-tréo (mots croisés). Mặc dầu Triệu cố gắng gợi những chuyện xa gần để Lý có dịp góp ý nhưng Lý đã tảng lờ. Suốt buổi hôm đó, Triệu đã không có dịp nói thêm một lời với Lý.

Lý ghi tên học Dược ở Ðại học Toulouse. Hằng ngày Lý đi thực tập ở một dược phòng ngoài phố. Triệu một vài lần đã đứng dưới đường, chờ nhìn thấy Lý ngồi trên xe điện thường ngày đi đến dược phòng nhưng không biết vì cố ý hay không, chưa có lúc nào Lý nhìn xuống đường để nhìn ra Triệu.

Lễ Phục Sinh năm ấy Triệu cùng các bạn tham dự một trại họp mặt ở miền núi tuyết Agudes. Trong niên học, lễ Phục Sinh cũng gần các kỳ thi cuối năm nên trại được tổ chức để các sinh viên có dịp cùng sống chung, có phương tiện giải trí nhưng cũng có những giờ yên tĩnh để ôn lại các bài học, chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm. Trong tuần, ngày thứ Năm dành cho các cuộc leo núi du ngoạn. Nơi trại tổ chức là một nhà trú ngụ gọi là refuge. Ở miền núi xa, chánh phủ thường cho xây các loại refuge này để khi có tuyết phủ quá nhiều, đường sá bị nghẽn, những người bị kẹt đường có thể vào các refuge trú ngụ. Nơi đây có sẵn củi, lửa, thức ăn khô để nấu ăn qua bữa. Sau thời gian trú ngụ ở trại, Triệu và các bạn có bổn phận phải mua sắm phẩm vật, than củi để trả lại nơi trú ẩn các tiện nghi cho những người đến sau khi cần. Những người sống ở miền núi xa xôi cũng như các người từng sống trên biển cả đã từng có nhiều kinh nghiệm nên luôn luôn cảnh giác với những biến chuyển bất ngờ của thiên nhiên. Triệu và các bạn khi đi dạo núi, vẫn được cư dân ân cần dặn dò phải luôn luôn đem theo áo ấm mặc dầu lúc ra đi thấy trời đang nắng tốt. Mỗi người đều phải trang bị còi thổi để có thể tìm nhau vì có thể bị lạc khi sương mù bất ngờ phủ xuống mờ mịt.

Vì là nơi núi cao, lạnh nên nông dân ở đây cất nhà trên các chuồng nuôi bò, ngựa để người và vật cùng được sưởi ấm. Cảnh giống như nông dân miền nam Việt Nam, để trâu bò cùng sống chung trong những chiếc mùng lớn nhằm tránh muỗi mòng. Khi nói đến cách ăn của người Pháp thiên hạ đều quan niệm họ thuộc dân tộc có tiếng biết thưởng thức các món ăn ngon. Trong buổi ăn thường phải có liên tiếp các món súp, món khai vị, các món ăn chánh, xong đến trái cây, phó mát, bánh tráng miệng. Ðó là chưa kể đến rượu uống tuỳ theo món ăn. Nhưng ở vùng núi này quanh năm suốt tháng, Triệu có dịp nhận thấy trên bàn ăn nông dân chỉ có một món độc nhất mỗi ngày là một dĩa súp đặc, nấu với đậu và vài lát thịt. Sau khi xong dĩa súp, những người còn thấy đói có thể ăn thêm bánh mì trét thêm bơ do mỗi nhà tự sản xuất lấy.

Tối thứ Bảy và Chủ Nhật mỗi tuần, trại có sinh hoạt văn nghệ để trại viên có được thời gian thư giãn. Các buổi vui chơi ca hát “cây nhà lá vườn” này rất được trại viên ưa thích. Nhiều tài năng đã được phát hiện từ những buổi văn nghệ này. T. người bạn mới của Lý đã cùng tham dự trại này nhưng chỉ ở đây độ mười ngày đã biến mất. Triệu nhớ rõ việc này vì đêm thứ Bảy ấy, anh T. đã cùng hòa tấu vĩ cầm với anh Long, một tay đàn vĩ cầm có tiếng. Cả hai đã trình diễn xuất sắc bản Bolero của Ravel. Triệu định sẽ gặp T. để khen anh về buổi kéo vĩ cầm nhưng T. đã rời trại sau đêm ấy.

Lễ Giáng sinh năm sau, Triệu nhân dịp trở qua Toulouse nên có dịp đến thăm Lý. Lúc ấy Lý vừa sanh xong một gái và đang chung sống với T. Nghe đồn là Lý sanh rất khó, phải qua một cuộc giải phẫu. Bác sĩ Champagnac là người đỡ đẻ đã khuyên Lý nên ráng tránh sanh lần thứ hai.

Lý vui vẻ cho Triệu xem ảnh của cháu bé từ lúc sanh cho đến lúc Triệu đến thăm. Cháu bé nhìn rất giống cha nhưng có một vẻ mặt đăm chiêu và rất buồn, không giống như gương mặt thông thường của các em bé khác.

Lúc ấy hình như Lý đã đổi từ Dược qua Y để cùng chung học với T. ở đại học. Sau đó hơn một năm, Triệu cũng có được cơ hội đến thăm Lý và cháu bé. Việc làm Triệu chú ý là cháu tên U. vẫn có một gương mặt lúc nào cũng phảng phất một vẻ buồn lạ lùng. Vào lúc ấy Triệu chợt thấy Lý cũng đang mang thai. Vì nhớ đến lời Bác sĩ Champagnac đã dặn Lý, nên vô tình Triệu đã hỏi: “Lý lại có thai nữa sao?” Lý đã nói với Triệu: “Có chồng thì phải có con chớ sao?” Triệu đã buồn rầu xin Lý thứ lỗi vì đã vô tình thốt lên một câu nói vô duyên với Lý.

Ðó là lần cuối cùng Triệu gặp được Lý ở Toulouse. Vợ chồng Lý sau đó dời về Poitiers để tiếp tục học. Hai vợ chồng đều tốt nghiệp Y khoa và chọn một nơi hành nghề ở N.

Phải đến hơn hai mươi năm sau Triệu mới có được dịp trở qua Pháp và đã đến N. tìm thăm Lý. Lý đã lái xe đón Triệu ở ga xe lửa. T. có lẽ tế nhị đã viện cớ bận theo dõi một ván banh tennis quan trọng đang chiếu trên truyền hình nên để một mình Lý đi đón Triệu. Lý bấy giờ trông già giặn hơn nhưng nét mặt vẫn như cũ với hai má lúm đồng tiền duyên dáng.

Hai con của Lý, một gái một trai nay đã sắp bước vào cấp đại học. Con gái lớn của Lý gương mặt trông rất dịu hiền nhưng nhìn kỹ vẫn thấy phảng phất có cái vẻ buồn mà Triệu đã để ý khi cháu còn bé. Chiều hôm đó, T. và Lý đã đưa Triệu và gia đình đến một quán ăn vốn nổi tiếng vì món cá nướng. Vùng Charentes Maritimes vốn là nơi có nhiều ao hồ sản xuất nhiều loại cá tươi danh tiếng.

Triệu vốn có được cái diễm phúc trời cho là khi nào ngả đầu xuống gối là giấc ngủ đến ngay. Chuyện mất ngủ mà nhiều người thường bị, chưa bao giờ xảy đến với Triệu. Thế mà tối hôm đó, cảm biết Lý đang ở với chồng bên buồng khít vách, Triệu thấy đau khổ suốt đêm, không tài nào nhắm mắt. Ðó là lần Triệu đã phải lăn lộn suốt đêm, không tìm được giấc ngủ.

Sáng tin sương, Triệu xuống phòng ăn tìm nước nóng ngồi uống một mình. Lý tình cờ cũng xuống bếp để chuẩn bị buổi ăn sáng. Ðó là lần cuối cùng Triệu gặp Lý và có cơ hội cùng nhau nói chuyện thân mật.

Sau ngày lịch sử 30 tháng Tư đen năm 1975, Triệu may mắn thoát ra được ngoại quốc nhưng đã chọn đất Mỹ làm đất dung thân thay vì trở lại Pháp là nơi mà Triệu có thể làm lại cuộc đời tương đối dễ dàng hơn ở Mỹ vì đã tốt nghiệp ở Ðại học Pháp. Ðã có cơ hội sống trước kia ở ngoại quốc, Triệu thấy nước Pháp tuy là nơi có văn hóa cao nhưng là một nước đất chật, người đông. So sánh với tiểu bang Texas ở Mỹ chẳng hạn, diện tích đất đai Pháp nhỏ hơn Texas. Trong khi dân chúng nước Pháp có hơn 70 triệu thì Texas chỉ có số dân độ 20 triệu. Triệu đã chọn Texas để gầy lại sự nghiệp vì lý do muốn chọn nơi đất rộng người thưa.

Năm 1998, Triệu có dịp qua Pháp, trở về trường Quân Y Hải Quân Bordeaux tham dự lễ đặt tên cho khóa đàn em. Ðây là một thông lệ hằng năm của các quân trường lớn. Lễ thường được tổ chức vào đầu mùa xuân. Triệu đã liên lạc được với Lý và có ý định gặp lại Lý sau khi dự lễ. Triệu biết được tin nay vợ chồng Lý đã ly dị. T. chồng cũ của Lý nay lập gia đình với một phụ nữ Pháp.

Trong lúc ở Bordeaux, Triệu đã hai lần gọi điện thoại cho Lý nhưng cả hai lần đã không được ai trả lời. Triệu tự nghĩ có lẽ Lý thấy không tiện trả lời để khỏi tiếp Triệu vì nay Lý chỉ ở một mình ở N. Sau khi tòa xử việc ly dị, Lý được chiếm ngự căn nhà cũ. Triệu cũng đã có nhiều đắn đo, thấy rằng nếu Lý suy tính như vậy quả là một ý định đúng.

Sáng hôm ngày trở lại Paris, lúc đến ga Poitiers, Triệu vẫn còn suy tính nên xuống ga để lấy chuyến đến N. thăm Lý hay không?. Cuối cùng Triệu đã thấy nên đồng ý với Lý, nếu quả thật Lý đã có ý cố tránh gặp lại Triệu: cả hai đã có thời thương yêu nhau, có những giây phút thân mật nhưng tình yêu thật sự trong trắng. Một tình yêu tốt đẹp như thế nên cố giữ trọn vẹn cho đến phút chót, mặc dầu “thi sĩ” Triệu đã có lần làm thơ gởi đến “nàng thơ” Lý:

             Yêu em nửa vòng thế kỷ
             Xa em cách trở đại dương,
             Ðêm nằm vẫn thấy vấn vương,
             Nhớ người em nhỏ tóc thề ngang vai.

            Sân ga Poitiers có trồng đào giữa các đường xe. Mùa xuân năm đó hoa đào ở ga nở rất đẹp. Khi xe từ từ rời ga, Triệu đã cảm hứng nghĩ:

            Qua ga Poitiers nhân mùa hoa đào

                        Mỗi độ hoa đào nở,
                        Lòng rộn rịp nhớ em
                        Ðôi ta sanh cùng mùa (1)
                        Nhưng tình yêu lại lỡ.

                        Ước gì trong viễn kiếp
                        Sẽ còn gặp lại em
                        Nối lại vòng ái ân
                        Trong mùa xuân bất diệt.

Trở về Mỹ, một hôm Triệu nhận được thơ Lý. Lý trách Triệu đã không ghé N. Tưởng rằng Triệu sẽ đến thăm, Lý đã mua sẵn thức ăn chờ Triệu! Lý than trong thơ: không biết đến bao giờ mới tiêu thụ hết các thứ đã sắm!

Lý và Triệu đã có cái lệ gởi thơ thăm nhau vào lễ Giáng sinh và vào ngày sinh nhật. Khi biết Triệu đã về hưu sau hơn bảy mươi tuổi và đã mang bịnh suy thận từ hơn hai mươi năm, Lý thường lo lắng hỏi thăm tình trạng sức khỏe, các kết quả thử nghiệm y khoa. Lý cũng đã về hưu nhưng vẫn còn đi đó đây nhiều nơi để làm trọng tài môn bóng bàn ở Pháp vì Lý có biệt tài về môn thể thao này.

Nhưng rồi bỗng nhiên suốt hơn một năm, Triệu không được một thiệp thăm hỏi nào của Lý. Triệu nghĩ có lẽ Triệu đã vô tình viết một câu gì trong các thơ trước, làm Lý không vừa lòng nên Lý không thích trao đổi thơ từ như trước nữa.

Một hôm do tình cờ trong một câu chuyện về bạn bè bên Pháp, Triệu sửng sốt biết được tin: Lý đã vĩnh viễn ra đi vì một bịnh nan y!

(1) Lý và Triệu đều sanh vào cuối tháng Ba, đầu mùa xuân.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
HẾT
Loading