Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
RA TÒA LÀM CHỨNG
Tôi rời khỏi cao nguyên Bà Rá được gần 2 năm, kể từ cuối tháng 10 năm 1969 vừa đi du học bên Nhật về thì nghe tin hai nhân viên bệnh viện Phước Long là bà Y công Thiết và cô thơ ký Lệ bị ông quản lý đưa ra toà về tội làm thất thoát 4 ký đèn cầy và 4 ký đinh. Thấy sự việc có gì đó không rõ ràng khuất lấp, mặc dù đã được sự vụ lệnh đổi về SG làm việc tại Trung tâm Y khoa lớn của Bộ Y tế, nhưng nghĩ mình phải tìm hiểu kỹ vấn đề này, vì tôi biết hai nhân viên trên rất tận tâm đàng hoàng trong thời gian làm việc dưới quyền tôi, hỏi ra mới biết trong thời gian tôi đi vắng, ông quản lý mới lên đã lấy quyền của mình cố tình làm hại nhân viên nào không tuân hành những chỉ thị bất hợp pháp của ông để mưu cầu lợi riêng, gán tội cho hai người đó không đúng sự thật. Sau khi tìm hiểu biết rõ mọi việc, tôi thấy cần minh oan cho người vô tội. Nên mới sáng sớm tôi lái xe lên thẳng toà án Bình Dương, đứng ngoài đường chờ đợi khá lâu mới vào được để ghi tên vô cuốn sổ làm nhân chứng,
Tôi đưa tay tuyên thệ và trình bày trước toà rành mạch về 2 vấn đề:
“Trong thời gian tôi điều hành bệnh viện, có một lần đêm hôm nhà thương bị mưa dông lớn, mái tôn tróc nóc, nước đổ trút xuống các phòng bệnh tối tăm, tôi có ra lệnh cho bà Y công Thiết xuất kho lấy mền gối, quần áo mới cho bệnh nhân bận đỡ lạnh, đồng thời lấy đèn cầy thắp sáng các nơi trong đêm mưa gió. Đó là lý do thất thoát đèn cầy vì Bà Y công Thiết tuy lanh lẹ trong công việc nhưng lại dốt chữ nên không biết ghi sổ sách kế toán xuất nhập của kho. Và việc mất mấy ký lô đinh cũng giống như vậy, khi tôi mới đổi về thì nhà thương đang bị pháo kích nghiêm trọng, tôi nghĩ ra việc xây bức tường để an toàn cho bệnh nhân, đồng thời đóng lại hàng rào chung quanh cho khang trang hơn, nên việc xuất đinh cũng nằm trong kế hoạch này trong thời gian sửa sang bệnh viện. Là người đứng đầu cơ quan Y tế ở Phước long trong thời gian đó, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước những thất thoát hay sai sót báo cáo của nhân viên về số đèn cầy và đinh nói trên. ”
Ngoài ra tôi cũng nhận xét về hai nhân viên đang bị hầu toà như sau:
“ Bà Y công Thiết quê mùa không biết chữ nghĩa nhưng bản tánh rất thật thà, có trí nhớ tốt, cần mẫn và không tham lam nên được tín nhiệm trông nom nhà kho, đây là một người nhân viên hoàn toàn trong sạch, tận tâm phục vụ bệnh viện. Còn cô thư ký Lệ tuy còn trẻ nhưng rất cương trực thẳng thắn, biết phân biệt phải trái và mạnh dạn góp ý với cấp trên để tránh những việc làm gây thiệt hại cho bệnh viện, trong vấn đề hành chánh cô luôn học hỏi để trao dồi thêm kinh nghiệm trong công việc của mình, Theo tôi thì đây là một nhân viên gương mẫu đáng khen. ”
Sau khi ngừng lại để nghị án, Toà phán quyết hai nhân viên của tôi vô tội, ai cũng mừng rở khi thấy sự xét xử công bằng, trước lúc phiên tòa họp, ông quản lý không dè tôi có mặt nên đến bên cạnh phân bua với tôi là trong lúc tức giận, ông đã hành xử không đúng khi đưa ra việc này, nhưng chuyện đã lở rồi đợi giải quyết xong, tôi gọi ông ra ngoài phiền trách thái độ hiềm khích nhỏ nhen, nỡ hại nhân viên thuộc cấp của ông, những người làm tốt cho bệnh viện.
Ông chánh án ăn chay trường, đã mời tôi ở lại dùng cơm trưa đạm bạc với ông tại tư gia. Tánh cởi mở thẳng thắn, ông cho biết từ trước đến nay ông chưa hề thấy ai tự ý xin ra tòa để làm chứng minh oan, bênh vực cho nhân viên của mình. Tôi cũng chân tình bộc bạch cùng ông rằng ba tôi trước đây cũng học luật ngoài HàNội, khi tôi đậu tú tài hai năm 1952 tôi dự định học luật đồng thời thi vô ngành Quốc gia hành chánh, nhưng ba tôi khuyên nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định những việc quan trọng trong cuộc đời mình
“ Ba đã từng làm về hành chánh lâu năm nên ba muốn con hiểu điều này, khi con có quyền hành trong tay, nếu con là người tốt lương thiện đạo đức, làm việc đàng hoàng thì với chức vụ càng cao con càng có cơ hội giúp được nhiều người, cứu được dân chúng thoát khỏi sự bất công trong xã hội, ngược lại nếu con có lòng tham lạm quyền ỷ thế thì con sẽ gây nguy hại cho biết bao đồng bào vô tội”.
Nhưng tuổi trẻ ham phiêu lưu đây đó hơn là làm viên chức nhà nước sáng vác ô đi tối vác về, nên tôi chọn học ngành hàng hải để được lênh đênh trên biển cả mênh mông, ai dè Ba tôi lại hướng tôi qua một lối đi khác mà ông tin rằng tôi sẽ thành người hữu dụng trong xã hội, đó là học hành nghiêm chỉnh để ra trường làm bác sĩ giúp đở mọi người. Và tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in lời ông nói khi tiễn tôi ra miền Trung để nhận nhiệm sở đầu tiên trên vùng hỏa tuyến
“Tánh tình con ngay thẳng trong sạch, biết thương người và có tinh thần làm việc tận tụy nên dù đi bất cứ đâu con cũng thành công”
Có lẽ được sự khuyến khích của Ba tôi mà khi làm bất cứ đều gì tôi cũng cố gắng và tự tin vào tấm lòng trong sáng của mình nên tôi mới tới đây để bênh vực người vô tội là vậy. Tôi cũng thẳng thắn khen ông chánh án xét xử phân minh, không để bị can lâm vào cảnh hàm oan uất ức.
Thấy trời đã xế chiều, tôi vội chào ra về, đường tuy không mưa nhưng cảnh rừng núi mau nhá nhem tối, đèn pha không đủ sáng, xe lại không có kèn nên mỗi khi gặp người băng qua đường tôi phải vỗ thùng xe để nhờ con chó Berger chở theo sủa to lên báo hiệu. Thời may có một đoàn quân xa chạy đến đèn rọi sáng trưng, tôi tìm cách chen vô giữa đoàn xe để về thành phố.
PHƯỚC LONG THẤT THỦ
CON CỜ DOMINO ĐẦU TIÊN SỤP ĐỔ
Đối với Cộng Sản, tỉnh Phước Long là một điểm chiến lược quan trọng để đem quân theo ngõ hạ Lào, thành lập chiến khu D để làm bàn đạp thâm nhập xuống vùng đồng bằng sông Cửu long.
Giữa tháng 12 năm 74, biết được tình trạng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi miền Nam VN, Bắc Việt cho tập trung chung quanh tỉnh lỵ Phước long một đội quân hùng hậu tinh nhuệ gồm những đơn vị háo chiến “sanh Bắc tử Nam” tăng cường thêm Sư đoàn 3 và 7 đưa từ căn cứ bên Kampuchia qua. Sau khi triệt hạ các cứ điểm Bù Đốp, bù Đăng, Bunard, Đôn luân và cuối cùng chiếm được sân bay Phước bình
Ngày 22 tháng 12 năm 1974, Cộng quân tiến đánh ngọn núi chiến lược Bà Rá chế ngự cả vùng Sông bé, cho xe thiết giáp tiến vào thành phố theo con đường duy nhất, từ quận Phước bình vô toà tỉnh ngang ngõ nhà thương.
Ngày 4 tháng giêng 1975 liên đoàn 81 Biệt kích nhảy dù đang trấn giữ núi Bà đen Tây ninh được lệnh rút về Suối máu rồi chở bằng trực thăng xuống phía đông chân đồi Bù Nho, từ đó liên đoàn BKND tổ chức đội hình đi ngược quốc lộ 14 qua cầu Daklung vượt triền đồi sau bệnh viện để tiến vào thành phố Phước Long.
Một trận chiến ác liệt xảy ra ngay trước nhà thương và trạm cảnh sát, Bộ binh địch bị đẩy lui nhưng gặp chiến xa T54 có tăng cường cản bọc thép nên hoả tiển M72 của quân ta không còn hữu hiệu như trong trận đánh Bình long trước đó. Số thương binh biệt kích tăng cao, ngoài phòng mổ của bệnh viện Dân y Phước long, Quân y của liên đoàn phải xử dụng thêm hầm trú ẩn kiên cố trong dinh Tỉnh trưởng làm trạm giải phẫu dã chiến.
Thất bại trong trận đầu tấn công, VC co cụm lại chờ viện binh. Đến sáng sớm ngày 6 tháng giêng 1975, sau một đêm liên tục nã hàng ngàn quả đại pháo 122 - 130 ly cày nát các nơi phòng thủ trọng yếu trong tỉnh, VC xua toàn lực 30. 000 bộ binh với 1 tiểu đoàn chiến xa T54 và trung đoàn pháo binh hạng nặng tấn công lần thứ hai.
Không còn được Hoa kỳ yểm trợ và không có điều kiện để tiếp viện thêm binh sĩ, vũ khí và thuốc men, liên đoàn 81 Biệt kích chỉ còn non một tiểu đoàn, nhưng với tinh thần anh dũng bất khuất, anh em vẫn kiên cường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng để mong chiếm lại thành phố. Trên trời chiến đấu cơ F5, bất chấp súng phòng không SA 57 của địch đặt dầy trên chóp núi Bà rá, đã xé không gian nhào lộn trút hàng ngàn tấn bom tiêu diệt đoàn chiến xa và bộ binh địch để yểm trợ cho đoàn quân Biệt kích dù còn lại theo khe thông thủy sau toà tỉnh, băng ngang Sông bé tản mác vô rừng sâu.
Toàn tỉnh Phước long biến thành biển lửa, dưới cơn mưa bom đạn toà hành chánh Tỉnh sụp đổ thành đống gạch vụn, nhà thương nhỏ bé của tôi cách đó một khoảng đường không xa cũng bị san bằng, chỉ còn ngọn núi Bà Rá vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. . Tin chiến sự dồn dập những tan nát đau thương, xác người nằm chết như rơm rạ ngoài đồng khiến tôi thẩn thờ lòng đau như dao cắt, không biết những người đã từng sống và làm việc ở đó, anh em bè bạn đồng nghiệp của tôi ai còn ai mấ?t! Tôi nhớ hai câu thơ được lưu truyền khi Đại tá Lưu Yễm còn làm Tỉnh trưởng Phước long
“ Phước lưu hậu thế thiên niên kỷ
Long ẩn cao sơn vạn đại trường”.
Sự sụp đổ tang thương của Phước long ngày 6 tháng giêng năm 1975 là con cờ Domino quyết định đầu tiên đưa đến sự sụp đổ nhanh chóng và toàn diện của cả miền Nam thân yêu trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 đáng nguyền rủa.
SÀI GÒN-MỘT NGÀY TRƯỚC KHI MIỀN NAM SỤP ĐỔ - NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 1975
Trằn trọc suốt đêm không ngũ được, mới 4 giờ sáng tôi đã thức dậy, mở máy radio nghe tin tức …
Đứng trên nóc nhà thương có tầm nhìn bao quát, tôi thấy nhiều tia chớp lóe rực từng chập trên nền trời còn đầy sương, tiếp theo là những tiếng nổ long trời lỡ đất.
Trên đường Chi Lăng và ngoài phố Bà Chiểu, dân chúng buôn bán ngoại tệ lăng xăng chạy tới chạy lui, nhốn nháo … Giá vàng tăng vọt, năm ngàn đồng VN đổi một đô la Mỹ.
Đài phát thanh của MTGPMN rêu rao sẽ giải tán Chính phủ Dương văn Minh vừa mới được thành lập, để giải phóng trọn vẹn lãnh thổ miền Nam. Trên đài phát thanh Quốc gia thì chỉ nhận được những tin tức chiến sự càng ngày càng thất lợi: 2 Sư đoàn quân chính quy Bắc Việt đã chiếm trọn ngọn núi Bà Đen trên tỉnh Tây Ninh và cô lập Bộ chỉ huy Sư đoàn 25 BB của tướng Lý Tòng Bá tại Củ Chi. Bốn sư đoàn chủ lực của Cộng Sản bị suy yếu vì những quả bom CBU, đã đi bọc Xuân Lộc để kết hợp với 2 sư đoàn từ miền Duyên hải Trung phần kéo về vây hãm thủ đô Sài Gòn. Tại miền Châu thổ sông Cửu Long, 3 sư đoàn khác của VC cũng đã có mặt tại phía Bắc tỉnh Cần Thơ …
Từ phòng mổ trở về nhà nằm trong khuôn viên của bệnh viện, tôi đi dọc theo vách của kho Y dược. Vừa đến trước sân phòng Quang tuyến X, thì nghe nhiều tiếng động cơ vang rền trên đầu. Hàng đoàn trực thăng của Hoa Kỳ theo đội hình bay rợp trời ngang nhà thương về hướng Đông Nam, có lẽ về Đệ thất hạm đội đang đậu ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu …
Cách đây vài ngày, tôi vẫn cho rằng cuộc chiến sẽ còn tiếp tục kéo dài, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy có lẽ đã tới hồi kết thúc nhanh chóng với sự rút lui bất ngờ, vội vã của Đồng minh, theo lời yêu cầu của Tổng thống Dương văn Minh vừa nhận chức chưa đầy một ngày và của Thủ tướng Vũ văn Mẫu:
Ngày 29 tháng 4, vào lúc 7 giờ 30 sáng, Tổng thống Dương văn Minh đã gấp rút chỉ thị cho một phụ tá trẻ Lý Quí Chung (nguyên Dân biểu Quốc hội Lập hiến ) mang một bức thư ông ký tên ngày hôm trước 28 tháng 4 năm 1975 đến trao tận tay Đại sứ Graham Martin, với nội dung:
“Toàn thể Quân nhân Hoa Kỳ thuộc cơ quan DAO phải rời khỏi Saigon trong vòng 24 tiếng đồng hồ”.
Trong khi Thủ tướng chỉ định Vũ văn Mẫu thì lại lên đài phát thanh, công khai đuổi Mỹ, kêu gọi Quân nhân Hoa Kỳ hãy nhanh chóng rút lui. Hai ông Minh và Mẫu không thấy rằng: về mặt Quân sự, Quân đội VNCH đang càng ngày càng suy yếu vì phải chiến đấu lẽ loi, không được tiếp vận trong khi Quân đội Bắc Việt thì ngày càng càng tỏ ra hùng mạnh, hung hãn hơn nhờ sự yểm trợ liên tục, nhiệt thành của khối Liên Xô và Trung Quốc.
Đài BBC, VOA thì vẫn tiếp tục loan tải tin tức về vấn đề di tản. trên sông Saigon, hai chiếc Sà-lan lớn được tàu kéo đi, mỗi chiếc chở hơn chục ngàn người chen chúc từ trung tâm thành phố đến cảng Khánh Hội. Hàng trăm tàu bè lớn nhỏ nối tiếp nhau đổ xô ra biển hướng về Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ đang neo đậu.
Đoàn tàu chiến của Hải quân VNCH gồm 37 chiếc theo đội ngũ, kỷ cương trực chỉ Subic Bay dưới sự lãnh đạo của Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang. Có một chiến hạm rời bến trễ phải kéo cờ trắng để chạy theo nhập đoàn cho kịp.
Phi đoàn phản lực F5 và A37 cũng cất cánh để bay về U Ta Pau hay một căn cứ không quân nào khác trên đất Thái Lan, Phi Luật Tân theo lệnh của Hoa Kỳ.
Xe cộ tư nhân bỏ lại bừa bãi trên đường phố Sàigòn, một người bạn thân trước khi ra đi cũng đem chiếc xe Peugeot 404 mới mua của anh vô nhà thương tặng cho tôi, nhưng tôi đã cám ơn anh và không nhận. Vì trách nhiệm tôi phải ở lại, chứ trong lòng tôi cũng bối rối, lo sợ, đâu còn thiết tha gì đến của cải vật chất. Đêm khuya sương lạnh, đợi lúc tôi mổ xong, bác sĩ Bạch Đình Minh, một đồng nghiệp đàn anh đáng kính đã kéo tôi ra ngoài sân để thân tình tâm sự, Anh khuyên tôi nên tìm cách ra đi trước với bất cứ giá nào, để tránh hậu quả khắc nghiệt có thể xảy ra cho tôi nếu Cộng Sản chiếm được miền Nam.
Anh Minh đã từng sống lâu dưới chế độ Cộng Sản ngoài Bắc, gia đình anh cũng đã từng chịu nhiều đớn đau khổ nhục, nhưng trước một số lớn thường dân bị thương đang nằm rên siết ngoài sân bệnh viện, trong tinh thần trách nhiệm và tấm lòng nhân nghĩa của một bác sĩ, anh vẫn tiếp tục ở lại chăm sóc họ. Cho đến sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi VC đã có mặt trong nhà thương mà anh vẫn chưa hay, còn ở bên ngoài gọi điện thoại vô hỏi thăm tôi và tình hình của bệnh viện.
Phi trường Tân Sơn Nhất vẫn bị pháo kích suốt ngày đêm. Lửa cháy rực trời. Hai căn cứ Long Bình và Biên Hoà cũng trong hoàn cảnh đó. Một kho xăng lớn ở hướng Bắc Saigon bị phát hỏa từ chiều tối hôm qua đến giờ vẫn ngun ngút khói.
Trọng pháo 122 ly của VC vẫn bắn xối xả vào Sài Gòn. Khắp nơi trong thành phố, lợi dụng tình trạng lính gác đường không còn làm việc, an ninh trật tự mất đi, trộm cướp nổi lên giữa ban ngày, ban mặt … Trên đường Hai Bà Trưng, bên hông nhà thương Đồn Đất một nhóm người ngang nhiên khiêng bàn ghế mới, vật dụng văn phòng, máy đánh chữ của một cơ quan ngoại quốc nào đó đã bỏ trống. Trước tòa Đại sứ Hoa Kỳ, nằm trên Đại lộ Thống Nhất, mặt trời gần xế bóng nhưng dân chúng vẫn còn tập trung đông nghẹt, bất chấp lính gác đuổi xô, vẫn tranh nhau trèo qua hàng rào kẻm gai, leo cầu thang để lên cho được nóc bằng, chờ máy bay trực thăng … đã đến giờ thứ 25, không chắc gì còn trở lại!!!
Trên đường đến Bộ Y Tế, tôi đã chứng kiến tận mắt những cảnh xáo trộn này. Phòng ốc trong Bộ Y Tế vắng hoe. Trên lầu hai, đèn đuốc lờ mờ, chỉ còn có Bác sĩ Trương Minh Các, Tổng Giám Đốc Y Tế, điềm đạm, bình tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao, Bác sĩ vẫn còn ngồi một mình chăm chỉ làm việc. Ngoài anh tùy phái đứng trước cửa, tuyệt nhiên không còn thấy một bóng dáng nhân viên hành chánh nào khác chung quanh ông. Thấy tôi, Bác sĩ Tổng Giám Đốc Y Tế niềm nỡ mời ngồi, sau khi nghe tôi trình bày tình trạng thiếu hụt nhân viên trong Trung tâm thực tập Y khoa và đề nghị bổ nhiệm bác sĩ Lê thanh Vĩnh làm Giám đốc trường quang tuyến X trong trung tâm. Ông vui vẻ chấp thuận và giao cho tôi trọn quyền sắp xếp nhân sự theo nhu cầu cần thiết.
Tôi cám ơn và chào từ giả ông ra về. Có lẽ đây là lần gặp cuối cùng giữa chúng tôi.
Trên đường về ngang rạp Đakao, xe cộ đều ngừng lại để nhường đường cho đoàn GMC nối đuôi nhau về hướng Chợ Lớn, thiên hạ bàn tán là xe chở quân tiếp viện về Quân ĐoàN IV của tướng Nguyễn Khoa Nam còn nguyên vẹn ở miền Tây. .
Về đến bệnh viện là đã chập choạng tối, nhân viên mừng rở chạy ra đón:
“Tưởng bác sĩ đã bỏ chúng em rồi”
Cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ rơi tất cả để ra đi.
Chiều hôm qua, thứ ba 28 tháng tư, vào lúc 6 giờ kém năm phút, khi Đại tướng Dương văn Minh lên nhậm chức Tổng thống thứ tư của VNCH thì trời bỗng nổi một cơn mưa dông dữ dội chưa từng thấy, kèm theo sấm sét làm rung chuyển cả một vùng kéo dài trong 20 phút. Ông đã cho dẹp hai lá cờ Quốc gia màu vàng ba sọc đỏ dựng hai bên bục diễn đàn trong hội trường, thay thế bằng một tấm bảng bên trên có năm bông hoa màu xanh trắng vây quanh một hình Bát Quái Âm Dương, tượng trưng cho Hoà Bình và Hoà Giải!
Liền sau buổi lễ, có nhiều tiếng nổ lớn trong dinh Độc Lập. Dinh bị ném bom? Mới đầu, dân chúng tưởng là Tướng Nguyễn cao Kỳ chủ xướng một cuộc đảo chánh. Nhưng sau đó mới biết là một trung úy không quân tạo phản tên Nguyễn thành Trung, đã lái phản lực cơ F5 cướp được tại Phan Rang, thả hai trái bom xuống dinh Độc Lập xong bay thẳng về sào huyệt Phước Long đã được Cộng quân chiếm cứ từ tháng Giêng năm 1975.
Sau khi tràn ngập các trọng điểm của quân lực VNCH tại các tỉnh miền Đông và Đông Bắc, Cộng Sản đã tập trung toàn lực để cô lập Sài Gòn. An ninh trong Đô thành ngày càng giảm sút. Tinh thần dân chúng giao động mạnh. Chính quyền tỏ ra bất lực trong công việc tổ chức lại cơ chế phòng thủ thích ứng với hoàn cảnh. Quân đội không còn đủ khả năng để tự hồi sinh.
Miền Nam nguy ngập. Tình hình cực kỳ nghiêm trọng, đáng lo ngại. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thủ đô có thể biến thành biển máu. Đâu đâu cũng thấy bao trùm một màu tang thương ảm đạm … Từ xưa đến nay, quân đội xâm lược nào cũng đem đến cho kẻ thua trận những điều tủi nhục đau thương : xã hội tan nát, gia đình chia lìa, cảnh đốt phá, cướp bóc, trả thù …Những tệ hại trong loạn lạc không thể nào tránh khỏi.
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015