Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
30-4-75
ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (14)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
- Qua vùng xôi đậu khám bệnh
- Phước Long Bà Rá
- Ấp Thượng Bunard
- Chỉnh trang lại Bệnh Viện
- Ấp Sông Bé

- Ra Tòa Làm Chứng
 
 
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
30 THÁNG TƯ NĂM 1975 NGÀY DÀI NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI Y SĨ CỦA TÔI
TTTTYKGĐ BỊ CỘNG SẢN CHIẾM VÀ ĐỔI TÊN

Hôm nay là ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đang ở trong Trung Tâm Thực tập Y Khoa Gia Định - Bệnh viện Nguyễn Văn Học.  Mấy ngày nay bốn phòng mổ lớn của Trung tâm đã hoạt động tối đa, liên tục, vượt quá mức bình thường, nhờ có sự tăng cường đắc lực của toán chuyên viên không biên giới Pháp của Bác sĩ Bernard Kouchner.  Ngoài ra còn có Bác sĩ Thiếu tướng Mazaud bên Grall sang nhận bớt thường dân bị thương đem về bệnh viện của ông để điều trị.  Về đêm đèn trong các phòng mổ sáng trưng.

Tôi cũng phải thức khuya để thay phiên làm việc với các bạn đồng nghiệp.  Vừa giải phẫu xong một trường hợp bệnh nặng ở phổi, do mảnh pháo kích, tôi định về nhà nghỉ ngơi - nhà tôi nằm trong khuôn viên Bệnh viện Nguyễn Văn Học.  Có nhiều tiếng động bất thường ngoài cổng nhà thương làm tôi chú ý.  Đứng từ ngoài hành lang nhà tôi nhìn xuống góc đường Chi Lăng - Nơ Trang Long.  Đèn đường nơi đây chớp xanh, đỏ liên tục.  Không thấy lính gác đường.  Luật lệ giao thông không còn được tôn trọng, xe cộ mạnh ai nấy chạy loạn, tiếng còi xe inh ỏi; người đi xe đạp thì phóng thật nhanh, khách bộ hành thì không nhìn trước nhìn sau, băng ngang đường hối hả.  Họ vừa đi vừa chạy:

Cộng Sản đã về tới cầu Tân Cảng ngoài xa lộ!”.

Đoàn xe thiết giáp Cộng Sản trên phi trường TSN cũng đang trên đường đi xuống.  Một cảnh tượng thật hổn loạn chưa từng thấy!

Nhiều chiếc xe cyclo máy chở đầy bao gạo mới nguyên, chạy lên chạy xuống, chui vô trong các ngõ ngách hẻm Hàng Keo.  Một thanh niên ngồi trên một chiếc xe cyclo, mình trần mang súng tiểu liên cười đùa giỡn cợt, lâu lâu cao hứng giơ súng lên trời ria một loạt đạn.  Trên một xe cyclo khác, một đồng bọn phụ họa bắn lên trời những phát đạn súng trường chát chúa … Kho gạo của tỉnh Gia Định đã bị gian manh phá cửa: Dân chúng tràn vô khiêng gạo ra.  Trên đường Nơ Trang Long, một chiếc xe nhà binh GMC 8 bánh mất bình tỉnh, lạc tay lái, đâm vô phòng cấp cứu của Bệnh viện, trong khi Y tá và Sinh viên đang chăm sóc bệnh nhân.  Cũng may không có ai bị thương.  Ngoài phố dường như có điều gì xáo trộn.  Nghe nhiều tiếng súng nổ, dân chúng đi đường vội trốn vô nhà thương, tìm bất cứ chỗ nào kín đáo, dưới hầm dưới hố để trú ẩn.

Tại nhà giữ xe của Bệnh viện, trên đường Chi Lăng có một nhóm người lạ mặt nổ súng bắn bể ổ khóa cổng nhà thương, xông vào bên trong Trung tâm, cướp xe đạp, xe gắn máy phóng nhanh.  Xe nào tốt mà có khóa thì chúng khiêng lên vai chạy.  Nghe tiếng la hét của bà Y công X, phụ trách nhà giữ xe, tôi chạy đến can thiệp thì có một tên cầm súng chận tôi lại; bà Y công thì không nao núng, vẫn nhanh nhẹn rượt theo bọn cướp giành giựt lại xe, vừa la mắng, chửi bới um sùm …( Sau 32 năm trên xứ Mỹ, tôi có dịp gặp lại một cựu sinh viên Nội trú khoa của Trung tâm, anh Phan Thế Mỹ, nay đã là bác sĩ sắp về hưu, tóc bạc hai màu: “Em cũng bị mất chiếc xe đạp vào buổi sáng hôm ấy, chỉ còn giữ được một phần ổ khóa hàng rào nhà thương đã bị cướp bắn bể để làm kỷ niệm” …Anh cười buồn. )

Trên phi trườngTSN, trong căn cứ Davis nơi đồn trú của phái đoàn Cộng sản, theo hiệp định Ba Lê, Bắc Việt đã cố tình cầm chân những nhà ngoại giao của VNCH trong đêm.  Sáng hôm sau, lại đưa thêm cho sứ giả Lý Quí Chung của Tướng Dương văn Minh, điều kiện đòi giải tán toàn thể Cảnh sát, Công an, giải tán cả chính phủ VNCH do Quân đội cầm quyền. Bắc Việt bấy giờ thừa thắng xông lên, đã nuốt trọn lời hứa trước kia, không còn đặt vấn đề điều đình, thương thuyết nữa, mà chỉ muốn có tất cả, muốn dùng vũ lực để chiếm lấy Sài Gòn.  Cộng Sản đã huy động 16 sư đoàn quân tinh nhuệ với chiến xa T54 của Liên Xô, súng phòng không S57, hỏa tiển, trọng pháo 122 ly, 130 ly trong khi lực lượng phòng thủ VNCH chỉ vỏn vẹn có 60. 000 binh sĩ, không còn quân trừ bị, số thương binh thì đang nằm la liệt trong sân bệnh viện…Vũ khí đạn dược, máy bay, tàu chiến, binh chủng bạn, đồng minh yểm trợ. . Tất cả đâu hết rồi?! Còn cảnh nào đau đớn hơn đây!

Đại sứ Pháp, Jean Marie Merillon không muốn thấy Sài Gòn trong cảnh Dante Inferno, mà muốn hành xử như nhà ngoại giao Thụy Điển Raoul Nortling trước kia đã thuyết phục được các tướng lãnh Đức Quốc xã chống lại lệnh của lãnh tụ Hitler, muốn cho san bằng thành phố Paris trước khi giải phóng.  Nhưng tiếc thay ông chỉ là khách trong căn nhà hổn loạn này.  Ông không thể giúp được gì cho miền Nam đang thất thủ.

Đồng hồ treo trên tường phòng mổ số 4 cuối cùng cũng chỉ đúng 9 giờ sáng.  Bỗng nhiên nghe đài phát thanh Quốc gia vang lên, yêu cầu đồng bào giữ máy để nghe thông điệp quan trọng của Tướng Dương văn Minh, vừa nhậm chức Tổng thống chưa đầy 48 tiếng đồng hồ.  Mọi người trong phòng mổ ngừng hoạt động, lẳng lặng chờ nghe, trong lòng âu lo hồi hộp … Đúng 10 giờ 20 phút, thì rõ ràng tiếng nói của tân Tổng Thống Dương văn Minh:

Tôi tin tưởng mãnh liệt vào sự Hòa giải giữa người Việt với nhau. .  Để tránh đổ máu không cần thiết, tôi yêu cầu binh sĩ VNCH hãy chấm dứt hận thù.  Hãy bình tỉnh ở nguyên vị trí của mình.  Đừng nổ súng để bảo toàn sanh mạng của đồng bào.  Tôi cũng kêu gọi anh em binh sĩ của Chính quyền Cách mạng Lâm thời đừng nổ súng.  Chúng tôi đang ở đây chờ quí vị đại diện để bàn giao việc trao quyền lãnh đạo cho Chính phủ Dân sự và Quân đội mà không gây ra một cuộc tắm máu vô nghĩa cho dân chúng”.

Thông điệp vừa chấm dứt, đã có vài nữ nhân viên trong phòng mổ òa khóc

Thế là hết! Ông Dương văn Minh đã đầu hàng Cộng Sản”.

Riêng tôi cảm thấy trong cuống họng mình như có một vật gì đang chận nghẹt làm tôi khó thở.  Tôi cố giữ bình tỉnh để không bật thành tiếng khóc.

Mới đây chỉ có hơn một ngày- vừa nhậm chức Tổng thống lúc sáu giờ chiều ngày 28 tháng 4 - ông đã kêu gọi Quân nhân các cấp hãy can đảm giữ vững vị trí của mình, và dốc toàn lực chiến đấu cho tới giờ phút cuối cùng, để giữ gìn mảnh đất thân yêu còn lại! Thế mà bây giờ, ông lại là người bỏ súng trước tiên, đầu hàng quân địch vô điều kiện, chờ đợi kẻ thù đến để bàn giao quyền hành … Cổng dinh Độc Lập bị xe tăng T54 của Liên Xô ủi sập và cờ của Mặt trận Giải phóng đã ngạo nghễ bay cao trên bao lơn.

Trong lòng tôi một niềm đau đớn dâng lên.  Tôi nghẹn ngào tự hỏi:

Không biết số phận đất nước sẽ ra sao trong những ngày tháng tới?”.

Tôi đang cố gắng giữ bình tỉnh để cùng nhân viên tiếp tục hoàn thành cuộc giải phẫu, thì bỗng nhiên anh Y tá trưởng phòng mổ Huỳnh văn Tỵ đứng đối diện tôi, nói nhỏ “Bác sĩ nhìn ra ngoài xem”.  Tôi quay lại thì thấy hai người đàn ông vũ trang, ăn vận thường phục đang bước vô phòng mổ.  Tôi nhờ anh Tỵ ra chận lại và lịch sự yêu cầu họ đứng ngoài hành lang và đợi tôi xong công việc.  Phòng mổ đang sạch.  Không nên đem vi trùng ngoài đường vô làm nhiễm vết thương bệnh nhân.  Người lạ có súng đưa mắt nhìn láo liêng chung quanh, xong trở ra đứng bên ngoài trong dáng điệu hùng hổ đề phòng, kiểm soát.  Vừa mổ xong, quần áo còn dính đầy máu, tôi ra đi giữa hai hàng quân du kích trang bị lựu đạn, AK47, B40, B41 từ cuối phòng mổ số 4 ngang qua ba phòng mổ khác số 3, số 2, số 1.  Các phòng mổ trên vẫn còn bận rộn, với toán giải phẫu của BS Nguyễn Anh Tài - BS Đặng thị Mai Liễu, toán giải phẫu của các BS không biên giới Bernard Kouchner, toán giải phẫu của BS Lê Thanh Vĩnh và Sinh viên Nội trú Đổ Trọng Thoả, riêng BS Thiếu tướng Mazaud thì đã rời nhà thương trở về BV Grall …
Ra khỏi phòng mổ, họ đưa tôi về phòng Tổng Quản Đốc.  Thấy lá cờ lớn màu vàng ba sọc đỏ còn dựng trong góc phòng trước bàn làm việc của tôi, một tên cán bộ tỏ vẻ khó chịu ra mặt:

“Đến giờ phút này mà anh còn giữ lá cờ ở đây sao?

Vừa nói anh ta vừa bước tới rút lá cờ cuốn lại ném vô góc nhà.  Kế tiếp tôi bị kè súng P38 sau lưng, dẫn lên lầu.  Trước sự ngạc nhiên của tôi, Hội trường rộng lớn, có nhiều bậc tam cấp, với những dãy bàn dài, bình thường chứa được trên 400 sinh viên, giờ đây đã đầy người.  Nhân viên bệnh viện đang ngồi sát nhau, im lặng.  Đối diện họ là một bục gỗ cao, phía sau vách có tấm bảng màu xanh lá cây dài để thuyết trình, dạy học.  Một tên du kích đứng gần đó, trao micro cho tôi.

Nhìn thoáng qua, thấy nét mặt mọi người tỏ vẻ lo âu sợ sệt, nhất là những nữ nhân viên đã trốn chạy Cộng sản, từ Bắc di cư vào Nam năm 54, sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước.  Tôi đã phát biểu dưới sự quan sát của những người Cộng Sản vũ trang đứng sau lưng tôi và ở cửa ra vào. 

“Đối với nhân viên có mặt ngày hôm nay ở trong hội trường, trước đây, nghe tin Cộng sản sắp chiếm Sài Gòn, đã tìm cách bỏ nước ra đi.  Nhưng trước hơn 550 thường dân bị thương do pháo kích, đa số là phụ nữ và trẻ em, tôi đã yêu cầu họ vì lòng nhân đạo, ở lại để giúp tôi săn sóc người bệnh.  Tôi có hứa với họ là một khi Cộng Sản vô tới đây, tôi xin một mình hoàn toàn lãnh trách nhiệm.  Hôm nay đứng trước mặt nhân viên, tôi long trọng lập lại lời hứa này.  Nếu quý vị xem những người còn lại là có tội, thì tôi xin một mình nhận lãnh bất cứ hình phạt nào.  Nếu cần đem một người nào ra xử bắn thì tôi xin đại diện để nhận lãnh hình phạt đó”.

Không thấy người nào trong nhóm Du kích trả lời.  Chị Bác sĩ trưởng toán QY của Trung đoàn E Đất Thép cho nhân viên giải tán (sang Mỹ đầu năm 2000, tôi gặp lại bà Phan Thị Lựu, cư ngụ tại quận Cam, người Bắc 54, cựu Y tá trưởng khu Tai mũi họng của GS Trương Minh Ký hiện sống bên Pháp - có mặt trong buổi họp này.  Bà đã đến thăm tôi, và nhắc lại kỷ niệm ngày hôm đó.  Bà đã viết cho tôi một bức thơ dài thật cảm động, mô tả lại giờ phút nghiêm trọng trong Hội trường.  Mọi người đã xúc động khi nghe tôi phát biểu một mình nhận lãnh tội thay thế cho họ).

SỰ TRANH CHẤP QUYỀN LỰC CỦA CỘNG SẢN VÀ BỆNH VIỆN NGUYỄN VĂN HỌC BỊ ĐỔI TÊN

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau thông điệp đầu hàng của tướng Dương văn Minh, Trung đoàn E Đất Thép của MTGPMN ở Củ Chi, trang bị theo lối Du kích, có một bộ phận Y tế do một nữ Bác sĩ trẻ cầm đầu gồm khoảng mười người đến chiếm TTTTYKGĐ-BV NVH và đổi tên thành Bệnh viện Nhân Dân.

Tôi đã cho lấy một căn phòng rộng rải trên lầu 2 sát bên thư viện cho họ.  Trong ngày đó, các bệnh viện trong Đô Thành được sắp xếp lại thành năm hạng, tuỳ theo mức độ lương hướng của bệnh nhân.

Hạng nhất là Bệnh viện Thống Nhất (tức Vì Dân cũ) dành cho cán bộ cao cấp có số lương từ 105 đồng trở lên, Bệnh viện hạng chót là bệnh viện Nhân Dân (tức là TTTTYKGĐ/BV Nguyễn Văn Học!) dành cho cán bộ có số lương thấp nhất từ 60 đồng trở xuống.  Các bệnh viện ở giữa gồm có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đồn Đất tức Bệnh viện Grall, Bệnh viện Bình Dân.

Qua ngày sau, có một toán Bắc Việt ba người đến Bệnh viện với đồng phục màu xanh lá cây, dép râu, mũ tay bèo.  Tưởng cũng là đồng chí với nhau, tôi sắp xếp cho họ một phòng nhỏ ở trong một góc nhà gần đó.  Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là không thấy họ nói chuyện thân mật với nhau.  Mỗi nhóm lại muốn chiếm giữ riêng cho mình một trại bệnh.

Cho đến một buổi sáng, toán của MTGPMN (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) xếp hàng một, như trong một cuộc hành quân, trang bị lựu đạn, AK47, B40, B41, cùng đi với toán Bắc Việt lục soát khắp cả nhà thương, bắt đầu từ tầng lầu cao nhất, xong trở xuống văn phòng Tổng Quản Đốc, ngồi hai bên bàn họp, đâu mặt với nhau, nét mặt trông đằng đằng, không thuận thảo.  Họ kêu tôi ngồi ghế giữa đầu bàn.  Với nét mặt trang nghiêm, toán MTGPMN ngồi bên trái mở lời trước:

Bên kia có ăn cắp gì của nhà thương không?”. 

Và ngược lại toán Bắc Việt cũng hỏi tôi một câu tương tự.  Không khí trong phòng họp căng thẳng gay go.  Cuối cùng ông Tham mưu trưởng Trung đoàn E Đất Thép Củ Chi ra lịnh cho toán Bắc Việt phải làm việc dưới quyền của Trung đoàn.  Toán Bắc Việt có vẻ yếu thế nên ngồi im, không phản ứng.  Buổi họp xong, hai bên cùng ký tên vô biên bản, xong đưa cho tôi ký khán.

Đêm đó 12 giờ khuya, toán Bắc Việt rút êm khỏi nhà thương, không biết đi đâu.  Về kể chuyện lại cho Ba tôi nghe, Ba tôi cười nói:

“Ba đã làm Hành Chánh trên 25 năm.  Chưa bao giờ Ba thấy kẻ thua trận mà lại ký giấy khán cho kẻ thắng trận”!.

Cuối cùng là toán Tập kết của Bác sĩ Lê văn Tốt ngoài Bắc về.  Toán này hành động như kẻ cả, mặc nhiên chiếm cứ chỗ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và ra lệnh cho toán của MTGPMN ra phía sau, ở trong căn phòng chật hẹp gần nhà bếp. 

Một hôm Bác sĩ La văn Lân tự Tư Lân của nhóm Tập kết ra phía sau.  Vừa đút đầu nhìn vô trong căn phòng của toán MTGPMN thì bị hai người cận vệ lực lưỡng của MTGPMN đứng bên ngoài đẩy anh vô luôn bên trong và kéo ngang cửa sắt.

Anh bị trói ké lại và bỏ lên xe Jeep chở ra bót Hàng xanh gần đó, với lý do “Có một tên lạ mặt xâm nhập vào cơ quan quân sự bất hợp pháp!” Nhìn thấy hai bên đối xử như trâu trắng trâu đen gầm ghè đe dọa khiến tôi ngạc nhiên tự hỏi giữa họ đã từng quen biết nhau, hay chí ít cũng đứng chung một chiến tuyến, chớ có ai đâu xa lạ mà lại cư xử với nhau tệ bạc như vậy! Phải chăng đã có chuyện gì trục trặc, bất hòa dữ dội giữa ba lực lượng : Bắc Việt, Tập Kết và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam? Có lẽ đã đến lúc “gà nhà bôi mặt đá nhau” quyết hơn thua để giành lấy quyền lực thống trị mãnh đất miền Nam béo bở này?! Than ôi, thêm một kiểu loạn sứ quân trên quê hương tội nghiệp của tôi!

Buổi trưa hôm đó ban lãnh đạo Cộng sản muốn tôi cùng đi với họ để tìm những cán binh của Trung đoàn E Đất Thép bị thương trên miệt Gò Vấp.  Tôi lái xe nhà thương đưa Bác sĩ Nguyễn thị Hiền đi, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.  Qua khỏi cổng xe lửa, gần tới Cục Quân Y, thì nghe một tiếng nổ lớn bên trong khoảng đất trống có rào dây kẽm gai đối diện Trung tâm tiếp huyết.  Nghe có tiếng người rên siết.  Như một phản ứng tự nhiên tôi ngưng xe, định nhảy xuống chạy đến tiếp cứu thì chị bác sĩ Hiền nắm tay tôi giữ lại.  Người bị thương được đưa ra ngoài đường và đặt lên xe cứu thương do tôi lái.  Một thương binh CS khác được khiêng lên xe chạy sau tôi có một sinh viên nội trú trông chừng.  Thuộc đường, tôi chạy thẳng vô TYV Cộng Hòa gần đó. 

Cổng chánh của nhà thương mở to nhưng trống vắng, không có lính canh gác như thường lệ trước kia.  Không gặp ai là người quen cũ, tôi lái xe đến khu Ngoại thương, người thương binh được khiêng xuống đất trước phòng mổ còn đóng cửa. 

Nhân dịp này tôi đi nhanh ra phía sau trại bệnh để xem có ai quen không, (tôi vốn quen thuộc nơi này vì đã từng về đây làm việc ba lần - trước và sau khi đi du học Hoa Kỳ và trước khi đi thành lập QYV Đoàn Mạnh Hoạch ở Phan Thiết.  )Trong trại còn vài thương binh nặng không tự mình đi đứng được vẫn còn nằm trên giường co ro bất động không người chăm sóc, giúp đở…đứng nhìn xa xa tôi không biết họ còn sống hay đã chết, mặc dù có lệnh của Chính quyền Cộng sản buộc thương binh phải tự động xuất viện.  Đa số đã lết ra đường nhờ những xe xích lô đạp chở đi nơi khác.  Trong tình huynh đệ chi binh hiếm thấy, một số lớn phu xe thuộc thành phần cựu quân nhân giải ngũ, đã thông cảm hoàn cảnh, tận tình giúp đỡ, đưa họ, hoặc đến nhà người thân trong thành phố, hoặc ra bến xe đò lục tỉnh về nguyên quán mà không tính tiền. 

Hoàn cảnh thương binh của QLVNCH vào giờ cuối cùng thật thảm thương! Là một cựu sĩ quan Quân y, đã từng lặn lội theo các tiểu đoàn tác chiến thuộc Trung đoàn 40/SĐ 22BB, hành quân trong rừng sâu biên giới, trước làn tên mũi đạn của quân thù để chăm sóc thương binh trên vùng biên cương Dakto - Tân Cảnh - Dakrotah, bây giờ đứng trước những người cùng chiến tuyến đang lâm nạn, là kẻ thua trận, tôi cảm thấy não lòng, chỉ biết im lặng đứng nhìn trong tủi hận, nhục nhã, chứ không làm được gì để giúp đỡ họ, khi chính tôi cũng bị CS kè kè sau lưng … Đau đớn thay trong hoàn cảnh tang thương của đất nước hôm nay.  Tôi uất nghẹn đến rơi nước mắt khi nhìn đồng đội mình lê lết thân tàn rời khỏi bệnh viện trong lúc vết thương còn ứa máu…. Rồi đây số phận của họ sẽ ra sao?!

Chiều tối, phòng mổ thiếu hụt nước biển và thuốc men như thuốc chống kích xúc, trụ sinh v. v… Tôi đề nghị với cán bộ Cộng sản cho xe vô Căn cứ 70 kho Y Dược trung ương trong Chợ Lớn để lãnh thuốc.  Tài xế trực trong nhà thương không biết chỗ.  Tôi cũng không nhớ rõ địa chỉ, nhưng biết hướng đi vì trước kia, đã có mấy lần đến đấy để tham dự vài buổi họp với ông Tổng trưởng Y tế với tư cách là Tổng Quản Đốc TTTTYKGĐ.  Toán Y tế của VC cử một nhân viên vũ trang theo tôi để canh chừng.

Đường phố vắng tanh.  Tôi lái xe cứu thương Land Rover chạy theo đường Chi Lăng, ngang cổng Bộ Tổng tham mưu, thấy hai chiến xa T54 của CS còn đang ngụt cháy.  Có thể nơi đây đã xảy ra một cuộc chạm trán dữ dội giữa Quân lực phòng thủ VNCH và Quân đội chính quy CS trên đường di chuyển từ phi trường TSN về Gia Định.  Còn những con đường khác quanh lăng Cha Cả về đêm hoàn toàn yên tịnh.  Đến cổng kho Y Dược, tôi gặp ngay Dược sĩ Giám đốc Dương Quang Nhan.  Tôi trình bày tình trạng khó khăn của phòng mổ nhà thương … Dược sĩ niềm nở, hướng dẫn xe chạy thẳng vô nhà kho, soạn đầy đủ dụng cụ và thuốc men cần thiết.  Sau khi kiểm nhận, tôi ký tên vào sổ sách của kho DS .  Hai người chia tay mà tôi có cảm tưởng như không bao giờ gặp lại nhau nữa…Tình thế đã như thế này, đâu ai biết được ngày mai mình ra sao? Có lẽ tôi là người cuối cùng đến nhận thuốc tại kho Y dược trung ương này giữa đêm khuya, khi cuộc chiến vừa chấm dứt.  (sau này khi qua Mỹ, tôi hân hạnh gặp lại DS Nhan trong một buổi tiệc tại nhà hàng Paracels của nhóm thân hữu hải quân tại quận Cam, trên đường Brookhurst, thành phố Westminster, Fountain valley.  DS xác nhận tôi là người đến nhận Quân dược cuối cùng của VNCH!).

Trở về nhà thương thì đã gần một giờ sáng.  Bên ngoài màn sương mờ đục.  Saigon bây giờ đã đổi chủ.  Không còn nghe tiếng bom ầm ĩ, không có những tiếng đại bác từ xa vọng lại.  Nhưng chính sự yên lặng đó mới đáng sợ, bóng tối của một thế lực đầy rẩy sự đe dọa đang bao trùm cả thành phố, không khí u ám như bãi tha ma trên tất cả những con đường, trong ánh đèn đêm thỉnh thoảng vài bóng người lầm lũi đi, dáng vẽ lấm lét sợ hãi, những con chuột cống cũng thập thò quanh mấy căn nhà đổ nát…

Trong khi nhân viên trực ra xe lấy thuốc, tôi đi một vòng bệnh viện, đến phòng mổ nhìn qua cửa kính xem các hoạt động bên trong.  Các bác sĩ và nhân viên vẫn hăng say làm việc.  Tôi dừng lại tại phòng Hồi sức phụ giúp cô Điều dưỡng vừa nhận bệnh bên phòng mổ chuyển sang, trao đổi ý kiến chuyên môn cùng vài đồng nghiệp, xong tôi chậm rải đi theo hành lang nhà thương trở về nhà, định nghỉ ngơi vài phút sau một ngày căng thẳng, tâm hồn, thể xác mệt mỏi, rã rời, tuyệt vọng.  Nhưng chưa kịp ngã lưng xuống giường thì lại có điện thoại khẩn cấp của văn phòng Hành chính, yêu cầu tôi trở ra tiền sảnh của nhà thương.

Vừa đến nơi đã thấy ông Tham mưu trưởng của Trung đoàn E Đất Thép đứng sẵn với khẩu súng ngắn chỉ huy treo lòng thòng bên hông.  Vừa thấy tôi ông đã hất hàm hỏi ngay, vừa lấy tay chỉ lên tầng nhà cao nhất của nhà thương:

“Đến giờ phút này mà anh còn chứa chấp, che giấu những tên lính Nhảy Dù trên trần nhà thương?”

Và không đợi tôi trả lời, ông ra lệnh cho tôi phải leo lên kêu họ xuống.  Ông quản lý Châu của nhà thương rành địa thế, dẫn chúng tôi đến chân một cầu thang bằng sắt cao dính liền vô vách tường.  Mượn cây đèn bấm dài, tôi leo lên trước.  Đến trần nhà thương, tôi rọi khắp nơi, không thấy có một bóng người nào.  Ông Tham mưu trưởng Cộng sản, với bản chất đa nghi, đích thân rọi đi rọi lại nhiều lần trước khi leo xuống.  Sau đó ông ta bỏ đi, không nói câu nào. 

Thật tình trước đây vài ngày, có hai tiểu đoàn Nhảy Dù đã vào nhà thương, đào hầm cá nhân, thiết lập những công sự phòng thủ, ngay cả trên lầu 3.  Họ quyết định tử thủ.  Đến khi nghe thông điệp của tướng Dương văn Minh, họ mới chịu vứt bỏ toàn bộ súng ống đạn dược, lấy áo choàng xanh của phòng sản khoa, phòng mổ bận vô để rời nhà thương.  Họ nghĩ rằng mình thua không phải là vì Quân sự, mà vì Chánh trị, do sự thoả hiệp của các lãnh đạo cao cấp chỉ huy hai bên. 

Nếu tiếp tục chiến đấu thì chỉ gây thiệt hại cho thường dân vô tội mà thôi.  Trong toán Quân y của tiểu đoàn Dù có bác sĩ Nghĩa mang cấp bậc Đại úy.  Anh đã tình nguyện thức suốt đêm làm việc trong phòng mổ của Trung tâm thực tập Y Khoa Gia Định (Bệnh viện Nguyễn Văn Học), để phụ giúp săn sóc thường dân bị thương.  Trước khi từ giã nhà thương, anh được hai người bạn thân nội trú Phan Thế Mỹ và Nguyễn thị Quỳnh Mai chia xẻ một gói mì khô và một ly sữa nóng.  Trong những ngày u ám này, các anh chị Nội trú có mấy thùng mì và sữa do đồng bào ngoài chợ mang vô tiếp tế để chia nhau cầm cự trong khi làm việc chăm sóc bệnh nhân.


 
Loading