Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
30-4-75
ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (15)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
- Qua vùng xôi đậu khám bệnh
- Phước Long Bà Rá
- Ấp Thượng Bunard
- Chỉnh trang lại Bệnh Viện
- Ấp Sông Bé
- Ra Tòa Làm Chứng
- 30 Tháng Tư Năm 1975
 
 
 
 
TRẠI TÙ ĐẦU TIÊN-TRẠI TRẢNG LỚN LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG!

Các sĩ quan VNCH sau ngày 30 tháng tư năm 1975, sẽ không bao giờ quên được những bài học phỉnh gạt bịp bợm của Cộng Sản trong việc dùng những danh từ hoa mỹ “Đi học tập cải tạo” để thay thế chữ “đi tù”.

Giữa đêm khuya, một đoàn xe nhà binh của Trung Quốc và Liên Xô chạy vô đậu hàng dài trong khuôn viên trường Chu Văn An - Chợ Lớn, nơi tập trung các sĩ quan cấp úy, phần đông là giới chức.  Chỉ có 5 người trong TTTTYKGĐ trình diện trễ là cấp Thiếu tá.  Nhiều anh em còn đang nằm suy tư, chưa ngủ, thì có lệnh cán bộ, mọi người phải ra sân tập họp, mang theo tất cả hành trang.

Tại nơi trình diện, tôi gặp lại một vị giáo sư trung học mà tôi đã cắt đi một phần ba lá phổi phải vì ung thư cách đây một tháng.  Ông được xuất viện nhưng còn trong thời gian dưỡng bệnh, nghỉ ngơi, không thể nào đi học tập, chịu đựng gian khổ.  Tôi can thiệp, giải thích cho cán bộ về tình trạng sức khỏe của ông.  Nhưng khi thấy hình lá phổi phải giãn nở ra đầy đủ sau cuộc giải phẫu, choán chỗ phần phổi bị cắt bỏ (thông thường sau những cuộc giải phẫu cắt bỏ thùy phổi trên bên phải và chăm sóc hậu phẫu đúng cách, thì kết quả mỹ mãn là như vậy), tên cán bộ không biết, tuyên bố bệnh của ông giáo sư đã lành hẳn (!) và bắt ông tiếp tục mang ba lô đi học tập, lao động nặng trong các trại tù cho đến khi sức khỏe ông kiệt quệ.

Một năm sau, khi được tạm hoãn học tập, tôi về ngang hẻm nhà ông ở xóm nhà thờ Ba Chuông, nhìn qua cửa sổ thấy hình ông đã để trên bàn thờ, tôi chỉ biết cúi đầu phân ưu cùng tang quyến và lặng lẽ bước đi.

Đối với người Cộng Sản vô thần, chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa ngoại lai Mac Lenin, lý trí, tư tưởng của họ đã bị lệch lạc.  Đối với họ, lẽ phải không còn được tôn trọng, không còn có giá trị nữa, nhất là đối với những người thua trận.  Việc chữa trị cho bệnh nhân đau nặng, hay đã mất đi khả năng lao động, hoặc người khuyết tật cần sự giúp đở. . đối với họ là vô nghĩa, họ không quan tâm đến mạng sống của đồng bào, huống
chi với “ngụy quân- ngụy quyền”họ càng phân biệt đối xử hơn nữa, họ coi kẻ bại trận như một kẻ thù thì chuyện chết sống, nhân nghĩa, đạo lý không còn đáng để nói tới nữa…

Tuần tự, từng toán sĩ quan thuộc chế độ cũ trình diện, bị dẫn ra xe, leo lên ngồi dồn tối đa.  Sau cùng, hai người lính vũ trang AK47 leo lên đứng hai bên góc phía sau xe.  Tấm bạt được phủ kín xuống.  Đoàn xe bắt đầu khởi hành, chạy ngoằn ngoèo trong thành phố một thời gian trước khi ra ngoại ô.  Ban đầu xe còn chạy chậm sau tăng dần tốc độ, tiếng máy nổ đều đều.  Trong xe bít bùng, người ngồi chật như cá mòi hộp, sát nhau hai bên băng xe, và ở băng giữa, ngồi trên những bao vật dụng, những bao quân trang cá nhân.  Chỉ có hai anh lính gác cầm súng là vẫn giữ thế đứng ở hai bên góc cuối xe.

Không khí thật ngột ngạt, khó chịu.  Bỗng xe bị sụp lỗ, dằn mạnh.  Một anh cựu quân nhân có vẻ thông thạo lại nói: “Sắp sụp lỗ nữa”.  Quả nhiên đúng như lời anh, xe lại sụp lỗ khiến vài anh bạn tù mất thăng bằng, lắc lư, chúi nhủi. 

Tôi đã đi hành quân nhiều lần trên đoạn đường này”,

anh nói tiếp

  “Chắc chúng chở mình ra biên giới. ”

Một hồi sau khá lâu, một anh khác lại lên tiếng ngờ vực, có vẻ bi quan “Dường như chúng lạc đường! Chẳng lẽ chúng định chở mình qua Campuchia, dẫn vô một cánh rừng xanh hoang vắng nào đó để thủ tiêu?”

Mọi người im lặng trong hoang mang lo lắng…

Đoàn xe ngừng lại.  hai người tài xế và anh trưởng đoàn bàn bạc với nhau điều gì phía trước.  Xe được quay đầu lại, chạy theo một hướng khác.  Gần sáng mới tới một nơi đồng trống.  Hai anh lính mở dây cột tấm bạt phía sau cuốn lên, nhảy xuống tháo chốt và hạ tấm bửng sắt .  Anh em tù nhân như được sổ lồng, dìu nhau nhảy xuống.  Có anh mặt mũi bơ phờ, uể oải, đi nhanh qua bên kia lề đường “ xả nước”, xong trở lại sắp hàng leo lên xe theo lệnh của toán trưởng.  Chúng tôi lại tiếp tục ra đi trong mịt mù…không ai biết được số phận ngày mai của mình ra sao.

Cuối cùng thì cũng tới nơi, có anh nhận ra đây là sân bay Trảng Lớn.  Căn trại dành giam tù binh VNCH gồm có những dãy nhà trệt lợp tôn.  Vách cũng bằng tôn sút đinh, nhiều tấm vẫn còn treo lơ lửng.  Nền nhà tráng xi măng, nước còn đọng vũng sau những trận mưa to.

Nhóm Sĩ quan được chia thành nhiều tổ, lo việc nhổ cỏ, làm sạch sẽ doanh trại đã bị bỏ phế lâu ngày.  Một số nữ quân nhân vừa được chở về đây và cho ở riêng trong dãy nhà cách biệt gần đó.

Sau những bữa ăn khai vị hợp khẩu, có tánh cách “nhử mồi” do nhà hàng tàu trong Chợ Lớn mang đến cho các sĩ quan trình diện trong trường Chu Văn An, bây giờ mới thật sự là những bữa ăn chính thức do đầu bếp của Cộng Sản đưa ra: những chén cơm gạo mọt đầy cát bụi, sạn đá, lấy từ những hầm chôn lâu ngày gần chân núi.  Không ăn được thì đổ thêm nước nấu thành cháo lỏng, ăn với muối và mắm ruốc xào. 
             
“Có ngậm đắng nuốt cay thì chuyện đã rồi!”

Cuộc sống tù tội bây giờ mới thật sự bắt đầu, như cá đã nằm trên thớt, tánh mạng chúng tôi đã hoàn toàn nằm trong tay của họ thì cần gì phải giấu diếm.  Một hôm có một cán bộ cấp tá đến thăm trại và hỏi han:

Các anh nghĩ bao giờ sẽ được tha về?”.

Sau khi nghe trả lời “10 ngày, một tháng”, theo thông cáo của Ủy ban Quân quản, tên cán bộ cười khẩy:

Sao các anh ngây thơ thế! Khi người ta nói một ngày là mình phải nghĩ đến một năm, biết chưa?”

Cả nhóm chúng tôi ngẩn ngơ thất vọng, có người tưởng mình nghe lầm.  Không lẽ mình bị ở tù lâu như thế?

Không lẽ mình ở trong này đến những mười năm? “Nhất nhật tại tù -Thiên thu tại ngoại”, bây giờ nghe câu này mới thấy thấm, tự dưng ai cũng rợn người …

Đa số sĩ quan miền Nam chưa hình dung được cảnh “hoà bình “ của năm 1945 tại miền Bắc XHCN đã thê lương như thế nào, sự đấu tố trả thù giai cấp ghê sợ như thế nào, chưa đọc chuyện bên Tàu thời Mao Trạch Đông đã có những sĩ quan Quốc Dân Đảng bị Cộng quân giam giữ đến trên 30 năm sau vẫn chưa được thả về! Họ không biết Cộng Sản Hà-nội là anh em đồng chí với Cộng Sản Trung Quốc, nên mọi chánh sách đều rập khuôn thâm độc như nhau, đó là những thủ đoạn gian manh xảo quyệt tàn ác khi hành xử với những kẻ thù. 

Vào mùa thu năm 1949, Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch thua trận rút về Hải đảo Đài Loan, thì chánh quyền Mao Trạch Đông tuyên bố không còn hận thù, không còn thù nghịch đối với cán bộ, công chức của chế độ cũ nữa.  Nhưng đó chỉ là danh từ hào phóng cao thượng, những
lời hứa tốt đẹp hoa mỹ để tô điểm những bài diễn văn của lãnh tụ mới lên ngôi.  Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả nước Tàu rơi vào vòng kiểm soát hải hùng.  Những người của chế độ cũ bị đem ra xử bắn, hoặc bị cầm tù, hay đưa đi an trí tại các trại học tập cải tạo, tại các “lao kay”, không còn liên lạc được với gia đình.  Có những người tù bị đem nhốt trong những trại lao động khổ sai, cách nhà trên 3. 000 cây số xa xôi hẻo lánh, nơi biên ải rừng rú sống kham khổ ngoài trời giá lạnh, phá rừng, xẻ núi, khai sông .  Không chịu đựng nỗi cảnh đày đọa khắc nghiệt vì thiếu ăn bệnh tật, họ mòn mỏi kiệt lực và chết đi.  Mãi cho đến mười mấy năm sau, gia đình mới biết được tin thì đã quá muộn màng, thân xác chồng con không biết vùi dập ở nơi nào để mà lập mã mồ khói nhang thăm viếng.

Cả nước Trung hoa đã sống trong một thời đại khủng khiếp như vậy, run rẩy như những con chim yếu đuối không thể tự vệ.  Ngày đêm đều chìm trong cảnh tối tăm, sợ hải.  Người dân tránh ra đường, không dám tiếp xúc cùng ai, sống chui rúc khổ sở như bầy gà con trước loài chồn cáo.

Có những người sĩ quan VNCH đi học tập chưa tin sự thật chán chường này, chiều đến còn úp tai xuống mặt đường nóng hổi, để nghe tiếng động cơ từ xa dội lại và ngây thơ tin tưởng: “ Chắc xe sắp đến đón mình về!”.
Rồi ngày qua ngày.  Sáng dậy tập họp, hát nghêu ngao “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, (mà có anh lại lén cải biên thành “như có chó Hồ trong nhà thương Chợ quán” - một nhà thương chữa bệnh tâm thần), rồi ra sân lao động cuốc miệt mài, đây là vùng đất khô cằn đầy sỏi đá, anh em dầu sao cũng còn mới trong thời gian đầu cải tạo, nên sức lực cũng còn ráng gồng gánh cho nhau được, lên luống trồng rau muống, phân người được ủ để làm “phân xanh “ vun gốc cho rau, múc nước giếng pha với nước tiểu tích trử trong đêm để tưới.  Oái ăm thay cỏ
thì lên xanh tốt mà rau mới mọc lưa thưa đã héo hon vàng úa.  Chúng tôi lại nhắc chuyện Trạng Quỳnh chơi khăm Vua, ông lấy phân của ông đem bón cho cây cải, thấy tươi tốt đem vào dâng vua ăn cho bỏ ghét. . Còn bây giờ thì tới phiên VC chơi khăm, bắt chúng tôi tự cầu (lấy phân )và tự cung ( trồng ăn)

Trại giam chúng tôi L9T5 nằm sát bờ rừng.  Có những lô cốt xây bằng bao đựng cát và chung quanh là hàng rào dây kẽm gai chi chít.  Đêm đầu ngồi dưới hầm ngập nước, nghe rắn lục hút gió, người nào cũng rút chân.  Nhưng từ từ, con thú gì đã lọt vô trong trại rồi là khó lòng mà thoát ra được, nhứt là những con chuột, những con chim cánh còn non bay ngang cũng bị đuổi bắt, thằn lằn rắn mối thì khỏi nói . .  nướng lên cũng thơm lừng. .

Có tên lính canh ban đêm bỏ vọng gác của mình mò vô khều chân tù nhân, mời mua dùm đậu phọng, đường tán. Cuộc mua bán sòng phẳng.  Thấy có lợi, nên anh ta rất thích “cải thiện” kiểu này, thêm vào đó thỉnh thoảng anh ta còn được một tù nhân cho rít một hơi thuốc lào, anh cảm thấy sung sướng, ngâm nga “Hút thuốc nào lâng cao sĩ riện, thơm mồm bổ phổi diệt trùng nao!” Và quen đường, cứ mỗi lần tới phiên trực của anh ta, là anh sẵn sàng bỏ vọng gác để mon men đi tìm dọc tẩu thuốc “nào”.  Trong lòng chúng tôi ít nhiều cũng nhen nhóm tia hy vọng sẽ có ngày trở về nên không ai nghĩ đến cảnh trốn trại, mà đi đâu bây giờ khi tay không một tấc sắt, không một đồng xu ?! Sức khỏe thì suy kiệt dần theo thời gian lao động.  Miền Nam bây giờ là của CS, chạy đâu cho thoát bọn chúng đây? chưa kể bị bắt lại đánh đập dã man cho đến chết.

Cán bộ trong trại hầu hết là CS Bắc Việt, mỗi lần lên hội trường để học chính trị thì nghe bọn chúng khoác lác không nín cười được . 

“ Trong miền Nam đường sá chật hẹp, nên xe tăng, thiết giáp ta phải chạy dưới lòng sông Mekong từ Hà Nội đến Sài Gòn mới nổi lên tấn công, khiến địch trở tay không kịp.  Ngoài Bắc, máy bay ta tắt máy, núp sẵn trên mây, chờ phi cơ địch B52 đến thả bom là ta nhào ra bắn hạ.  Ở Đà Nẵng, ta dùng lưới quăng lên trời chụp máy bay địch cho rớt xuống.  Còn tàu chiến của Ngụy, chỉ toàn là những chiếc tàu bằng giấy thôi, không có gì đáng lo sợ! …”

Vào Nam, các anh bộ đội thường thích đi dạo phố, tìm đồng hồ “cửa sổ có người lái”, mà họ cho là tốt hơn đồng hồ của Liên Xô, và thích ngồi la cà trên hè phố, uống cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, nói chuyện khoe khoang theo đúng đường lối đã được đảng chỉ dạy.  “Ngoài Bắc cái gì cũng có và có nhiều hơn trong Nam”. Được người qua đường hỏi, thì có nhiều anh đã nhanh nhẩu trả lời: Ô! “Ngoài Bắc thì cà phê, cà pháo ê hề, còn “cà chớn” thì vô số kể”.  “Công viên nào cũng có đầy máy lạnh!”.  “Cà rem thì phơi đầy đường”.
Trẻ con còn không tin được những lời lẽ ngu ngốc đó huồng hồ chúng tôi, nên mỗi khi nghe như vậy chúng tôi nháy nhau vỗ tay ào ào để cười ngạo sự ngu dốt của tụi CS.  Đứng trên hội trường chúng càng hào hứng huyên thuyên khoác lác hơn nữa.

Hởi ơi vận nước đã đến hồi tan nát bởi những tên đần độn như vậy cai trị.  Thương quá Mẹ Việt Nam ơi!
Trại cắt cử người đi khiêng những tấm vĩ sắt nặng lót ngoài sân bay, những khúc gỗ to tướng về để làm Hội trường chứa được trên ngàn người.  Tôi được đưa đi xa, làm mộc, đóng chuồng heo cho một trại gia binh cán bộ.  Đốn cây, cưa tre, chẻ lạt.  Chuồng heo được cất gie ra ngoài đường mương.  Đang cất được nửa chừng, thì có một chiếc xe máy dầu
kiểu Đức Quốc Xã, có thùng kéo bên hông chạy đến chở đầy ắp thực phẩm: thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, trái cây tươi, rau cải xanh … làm tôi nhớ đến lời nói không thành thật của một tên cán bộ trại hôm nào khi thấy chúng tôi ăn cơm với muối và mắm ruốc:

Các anh ăn uống như thế nào thì chúng tôi cũng ăn uống như thế nấy!”.

Thiệt là xạo hết sức! Tên bộ đội trút vội mớ thực phẩm lên sàn tre đang làm dang dở gần đó rồi quay xe chạy đi.  Ngồi nghỉ trưa trong lùm chuối ngó ra, tôi thấy một trái cà chua nhỏ đỏ tươi, lọt qua khe hở của sàn tre, rớt xuống mương.  Có lẽ đàn heo, đàn gà chực hờ cũng thấy như tôi, nên đợi người vừa ra lấy hết thực phẩm trên sàn đem vô nhà là chúng nhào tới.  Tôi cũng nhào theo, và trong thế của kẻ mạnh, vừa lấy tay xua đuổi, vừa chui xuống mương giành với đám gia súc lượm trái cà chua.  Cất kỹ trong túi áo bao cát tôi may để mặc đi lao động, chiều hôm đó tôi đem về lán cho một anh bịnh nhân không quen biết, đang nằm trong một tổ gần đó.  Trái cà chua không chắc đã giúp được gì cho bịnh tình của anh trong lúc này, nhưng ít ra anh cũng có được một chút chất tươi dinh dưỡng với tấm lòng chân tình của những người bạn tù cùng cảnh ngộ.  Có vài người cũng dấu đem về được cho anh một ít đọt mía non mót ngoài ruộng, mấy củ khoai lang đèo…Nếu xui xẻo gặp cán bộ phát hiện thì bị kỷ luật vì phạm tội “ăn cắp của công”.  Nghĩ thật chua xót trong cảnh tù tội này

Mới vô trại chưa được hai tuần mà đã có vài người bị bệnh nặng ngặt nghèo, phải khiêng lên cáng bỏ nằm chèo queo chờ chết trên cái phòng riêng được gọi là bệnh xá nhưng không có bác sĩ, không có thuốc men và bệnh nhân cũng không được chuyển tiếp đi nhà thương bên ngoài để điều trị.  Người chết được bạn bè thân trong trại làm lễ vĩnh biệt, một nghi
thức cầu nguyện âm thầm theo tôn giáo để rồi sau đó đưa đi chôn cất sơ sài ngoài bìa rừng, anh em có người cẩn thận làm dấu trên mô đất để có dịp báo với thân nhân kẻ xấu số biết mà hốt cốt sau này.  Nhưng mà chắc gì mình còn sống để trở về báo tin. ? Mỗi lần có người ngã xuống là trong lòng ai cũng đau đớn, hoang mang. . Thân phận kẻ lưu đày biết bao giờ mới tháo củi sổ lồng đây! Hay là phải bỏ mạng nơi chốn rừng thiêng nước độc này.

Ngoài tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, trại còn gặp tai nạn khủng khiếp do nổ hầm thuốc súng còn sót lại của đơn vị pháo binh VNCH ngay chỗ làm nhà bếp . .  hơi nóng của lửa củi làm phát nổ hầm khiến nồi đại táo bằng gang văng lên cao, gây thương tích nặng cho một số bạn tù ngồi chung quanh và làm thiệt mạng một Dược sĩ trẻ mới ra trường, đúng là oan khiên.

Ngày nào không lao động thì mọi người phải tập trung lên Hội trường để học tập, mang theo chiếc ghế đẩu thấp tự mình đóng lấy.  Mặc cho cán bộ huênh hoang trên khán đài cao, anh em trại viên có người ngồi lơ đãng, nhìn trời nhìn đất, nhìn nhau: “Bịa ít ít thôi cha nội” khi nghe cán bộ quản giáo kể chuyện thấy những con bướm to bằng con người ở trong những cánh rừng già ngoài Bắc.  Anh em tự kháo nhau: “VC là thằng bốc phét, nghề của họ nói láo quen miệng rồi, tưởng ai cũng ngu như họ”

Tôi còn nhớ, một hôm cán bộ chiếu cho trại viên xem một phim thần thoại của nước Cộng Sản Đông Âu tựa đề: “Trẻ mãi không già”.  Lâu lâu giữa rừng hoang vắng, xem được một phim màu thấy cũng vui vui.  Thỉnh thoảng cũng có vài bộ phim VN theo lối tuyên truyền XHCN chống Mỹ cứu nước. . Nói chung là chán phèo nhưng anh em cũng nhờ vậy mới có dịp ban đêm được ra ngoài hít thở khí trời thong thả đôi chút. 

Túi thuốc cá nhân tôi mang theo để phòng thân đã đem ra giúp hết cho các bạn trong trại tù.  Đến phiên tôi phát bệnh đau nhức chân thì không còn viên nào cho mình.  Đành phải uống thuốc “Khắc Phục”. Có đau thì cắn răng chịu đựng.  Một anh bạn tù đi lao động đã chặt được cho tôi nhánh ổi khô ngoài rừng để làm nạng chống đi mỗi lần di chuyển xa.  Nhánh ổi này đã giúp tôi lê bước gần như suốt thời gian trong các trại tù cho đến khi tôi được tạm hoãn cải tạo để trở về nhà thương làm việc lại.

Một hôm đi lao động tôi tìm được một miếng sắt mỏng bề ngang bằng ngón tay cái, dài độ 8 phân, còn dính trên cánh một chiếc máy bay nhỏ nằm ngoài bìa rừng. .  Gở ra đem về nhờ anh Đại úy Thu (Hải quân) và anh Nguyễn Chánh Giáo mài dũa thành một lưỡi dao mổ rất bén.  Hai anh cũng làm cho tôi một cây kim dài, có dùi lỗ, chế biến từ một cái móc thép lấy trong mặt nạ của lính cứu hoả còn bỏ lại sau hè nhà.

Có bình thuốc tê Xylocaine 2% đem theo, với kim nhỏ số 25 thường dùng trong phòng mổ, và ống chích 5 phân khối, tôi rút thuốc tê để chích và dùng lưỡi dao này nấu thiệt sạch, thoa cồn, để mổ lấy những mãnh đạn còn nằm dưới da của các bạn trong tù bị thương trước đây ngoài mặt trận.  Còn với cây kim dài rất nhọn và chắc, tôi dùng để may áo bốn túi mặc đi lao động - vải và chỉ lấy từ bao cát ngoài hàng rào phòng thủ - và hai túi xách bằng tấm bạt xe cũ, có nút khoá cũng lấy từ tấm mui xe.  Túi nhỏ có thể đựng một quyển sách khuôn khổ bằng ba cuốn tập học trò đóng lại, và túi lớn có khả năng chứa được một trái bí đao to hay một con vịt, có để lỗ ra ngoài góc an toàn (tôi vừa may túi, vừa tưởng tượng khi trở về nhà cùng vợ xách giỏ đi chợ! Ôi giấc mơ ngày được trở về với gia đình sao mà vời vợi ).  Tôi giữ những kỷ vật này - áo bao cát, túi xách và kim, dao - đến khi vượt biển sang được Hoa Kỳ.  Tại tiểu bang California, những vật này được GS Lê văn Khoa trình bày tại trường Đại
học Fullerton một tuần lễ.  Ngày khai trương, khách đi xem có người chú ý đến con dao mổ.  Được hỏi, tôi có nhận xét: Các lưỡi dao mới toanh, thường ngày thấy trong phòng mổ, chỉ dùng qua một lần rồi vứt bỏ, còn con dao của tôi không biết làm bằng kim loại gì đặc biệt mà cho đến nay sau 30 năm, con dao vẫn còn sáng trưng, không bị rỉ sét, không cần mài lại mà vẫn bén, dầu sao nó cũng là kỹ vật của một thời tù đày gian nan trong gông cùm CS.

Vô trại chúng tôi nằm gần nhau, trong một góc.  Anh bác sĩ Bùi Nghĩa Bỉnh đam mê với nốt nhạc.  Anh Bác sĩ Lê Thanh Vĩnh nằm kế bên tôi.  Anh Bác sĩ Nguyễn Minh Huy nằm gần anh DS Nguyễn An Cư.  Anh DS Cư lúc nào cũng có vẻ trầm ngâm, ít nói.  Có một lần bàn luận về tình trạng nhà thương sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.  VC đã lấy mía chế tạo thuốc mê, gây phản ứng nguy hại đến bệnh nhân khi giải phẫu, và lấy nước dừa tươi thay dung dịch.  Có một ông bác sĩ VC, có hình đăng trên tờ báo Giải phóng.  Ông này xuất thân từ thành phần thoát ly gia đình, chăn trâu khi còn trẻ, lớn lên nhờ công lao ngoài chiến trường giết được mấy trăm tên lính Mỹ Ngụy, nên được đề bạt lên làm “Y tá rồi Y sĩ!”, chức vụ cuối cùng là Bác sĩ trưởng một phân đội Giải phẫu Quân y, tối đi học bổ túc văn hoá lớp 5 lớp 7.  Ngoài những thành tích giết được nhiều người nêu trên, không thấy đề cập gì đến vấn đề nghiên cứu Y-Khoa. 

Tôi nhớ lại khi còn làm việc trên Cao nguyên Kon Tum-Dakto, tôi có nghe nói một cán bộ Y sĩ VC đã mổ banh bàn tay của một thương binh để tìm mảnh đạn nhỏ, mà không dùng đến Quang tuyến X.  Kết quả là hư cả bàn tay của bệnh nhân, mà không được việc gì.  Nếu đúng như những điều nghe nói thì nền Khoa học kỹ thuật trong những nhà thương do Cộng sản điều khiển đang trên đà đi xuống, có thể phải mất một thời gian dài 20-30 năm nữa mới khá trở lại được, thì thấy sắc mặt anh DS Cư thay
đổi.  Anh Cư xẳng giọng, thốt ra một tràng tiếng Pháp “Không nên phân tách bóng tối làm gì!”.  Lúc đó thật tình tôi không hiểu anh muốn nói gì, nhưng để giữ hoà khí giữa anh em, tôi im lặng tránh bàn luận về chánh trị với anh nữa. 

Cho đến một ngày kia, trong giờ học tập trên hội trường, có một chiếc xe nhà sơn màu trắng chạy vô trại đón anh về thì mới biết anh là em vợ của ông trùm Công an Cao Đăng Chiếm, người đã ký giấy cho Sĩ quan VNCH đi học tập cải tạo.  Trong thân tộc có người nắm quyền thế cao như vậy thì anh đâu cần phải đi học tập, nhưng có lẽ đường lối của Cộng sản mị dân, muốn chứng tỏ chính sách mình cũng công bằng, không thiên vị, nên ra chỉ thị bắt buộc tất cả Sĩ quan VNCH không phân biệt và Công chức cao cấp Ngụy quyền đều phải đi học tập, sau đó thì chọn lọc lại để phe ta được trở về an toàn, tiếptục công tác “nằm vùng” trong vai trò mới.  Đây cũng là một chánh sách lừa bịp mọi người, họ gọi chúng tôi là ngụy quân ngụy quyền, còn họ gian manh xảo trá thì gọi là cái gì cho xứng đây?

Chỗ chúng tôi bị giam trước kia là căn cứ của một đơn vị Pháo binh VNCH, nên dưới mặt đất còn rải rác những trái đạn đại bác 105, 150 ly còn nguyên vẹn.  Một hôm anh bác sĩ Nguyễn Minh Huy lao động ngoài trời nắng chang chang, đã cuốc trúng những trái đạn chưa nổ.  Anh dùng xẻng moi đạn lên, chất để trên một thùng cây, hai bên có chỗ móc dây nylon bản lớn rồi tròng qua cổ kéo đi nơi khác cho an toàn.  Anh Minh Huy còn có tên Minh Trí là một bạn lâu đời của tôi từ hồi còn học chung năm thứ nhất trong trường Trung học Pétrus Ký vào năm 1946-47.  Bình thường tánh tình anh ít nói, khi nói thì nhỏ nhẹ. 

Nhưng từ ngày vô Trảng lớn, tôi thấy thái độ anh thay đổi, nói năng cứng rắn, bất chấp hoàn cảnh
mình là tù cải tạo.  Để trả lời những câu hỏi trong bài học tập dành cho “Ngụy quân, Ngụy quyền”, có đoạn “anh nghĩ gì về sự có mặt của Đế Quốc Mỹ ở miền Nam?”, thì anh trả lời ngay không do dự: “Nhờ có Đế Quốc Mỹ, mà miền Nam có Tự do và nhờ có Đế Quốc Mỹ mà miền Nam có Tiến bộ”. Anh liền bị hai cán bộ võ trang súng AK47 sau lưng dẫn lên văn phòng Bộ chỉ huy.  Chúng tôi lo ngại cho anh.  Nhưng rồi anh cũng được thả trả về lán, sau khi bị tra vấn.  Là bạn quen thân khá lâu, nhưng không bao giờ tôi dám tò mò hỏi về gia đình anh.  Anh cũng không bao giờ thổ lộ về thân thế của anh cho bạn bè biết. 

Khi anh lập gia đình, với tư cách Tổng Quản Đốc Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định, tôi đã dành một căn phòng rộng rải trên lầu phía sau nhà thương cho anh chị, xem anh chị như bác sĩ thường trú vì cả hai anh chị đều là bác sĩ chuyên môn Sản phụ khoa của Trung tâm.  Tôi có dịp gặp mẹ anh, bà lúc nào cũng tỏ vẽ thương và lo lắng cho anh.  Biết là biết vậy thôi nhưng mãi đến nay tôi mới biết trong thân tộc anh có người “làm lớn bên Cộng sản” nên chẳng ai đụng đến anh được.  Nhưng cũng vì chuyện dám ôm đạn nặng 105-150 ly chất lên xe cây rồi tròng dây vô cổ kéo xe đi, mà sau này khi được trở về nhà thương sớm, làm việc trở lại, anh đã đụng chạm mạnh, tỏ vẻ coi thường cán bộ điều hành.  Một hôm Dược sĩ Tâm thuộc ban lãnh đạo hỏi anh về chuyện đi học tập, trong bệnh viện giữa đông đảo bệnh nhân, anh đã cười khẩy

“Tôi đã đi học mất hết 7-8 năm trời, ra trường làm Bác sĩ Y Khoa rồi mà còn đi học cái gì nữa, có chăng là cách mạng muốn trả thù trí thức nên đem nhốt vô trại tù để hành hạ, trong khi bệnh viện thì thiếu bác sĩ để chăm sóc cho bệnh nhân.  Vô đó không có việc gì làm thì buổi trưa, ra sân cuốc đất sét, chất đạn nặng lên xe cây rồi tròng dây vô cổ kéo đi chơi ngoài trời nắng chang changCái chết mà không sợ thì bây giờ còn ngán cái gì nữa” .

Lối ăn nói bạt mạng bất chấp như vậy mà anh bị họ ghét và tìm cách trục xuất ra khỏi nhà thương, đi lao động cực khổ dưới miệt U Minh, phá rừng, đào kênh, sình lầy nước đọng ngập ngang lưng, đỉa trâu đeo cùng mình, sau đó còn bị đi “nghỉ mát” thêm một thời gian khá lâu trong khám lớn Chí Hòa.  Khi tôi xuống Rạch Giá tìm đường vượt biển vào tháng tư năm 1979, nghe tin anh vẫn còn ở trong tù.  Sức chịu đựng của con người có giới hạn, nếu bị dồn vô bước đường cùng thì phản ứng càng mãnh liệt hơn nữa. 

Cầu xin Ơn Trên cho anh còn sức bền bỉ để chiến đấu với cái ác cái bất công trong xã hội CS mà con người chí khí như anh không bao giờ chịu khuất phục.


Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Loading