Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
Đây là trại binh cũ của Sư Đoàn 18, có một thời đã được một vị tướng trẻ chỉ huy, tướng Lê Minh Đảo. Sư Đoàn 18 dũng mãnh này đã oanh liệt cầm chân 4 Sư Đoàn thiện chiến Bắc Việt bằng những quả bom CBU 55B, một loại bom hút áp lực đặc biệt, làm mất hết dưỡng khí trong phạm vi một cây số đường kính.
Trại gồm có những dãy nhà trệt lợp tôn. Vách ngăn cũng bằng tôn. Tới nơi, cũng như ở Trảng Lớn, chúng tôi bị chia thành tổ, đi lao động, làm sạch cỏ tranh mọc đầy từ ngoài sân vô tới trong nhà, đào nước giếng sâu gần cổng trước, và cất nhà vệ sinh ở phía sau, thật xa, giáp ranh với một lô đất khác còn bỏ trống.
Tôi được chia cho một chỗ nằm, diện tích bằng một tấm chiếu, trong một góc nhà, cạnh cửa sổ sút mất bản lề, trên nền đất, có lót ván mỏng. Trên đầu giường có một cái hang cạn, bên trong có một con cóc nhỏ bằng nửa nắm tay, lưng màu xám, mắt lộ, với cái bụng trăng trắng, căng phồng.
Cùng chuyển về trại này có anh Bác sĩ Lê Thanh Vĩnh. Anh ở tổ khác, nằm sát bên kia tấm vách. Có chuyện gì, anh em thường tâm sự với nhau qua kẽ hở của tấm tôn rách. Còn anh Nguyễn Minh Huy thì ở một trại khác, ven bờ rừng. Nghe nói một hôm có cán bộ cao cấp đi xe Jeep đến thăm trại anh. Người ta cho biết đó là người thân của anh đang giữ một chức vụ quan trọng trong chánh quyền CS. Anh được mời ra gặp nhưng khi giáp mặt, anh đã lạnh lùng: “Tôi không biết ông là ai!”
Hai chiến tuyến khác nhau. Hai lập trường lý tưởng khác nhau. Anh thẳng thắn từ chối sự dung hòa hời hợt này, thái độ anh hành xử thật khẳng khái, không vì quyền lợi riêng tư mà chịu nhục luồn cúi để được yên thân mình, làm mất mặt một sĩ quan QLVNCH. Có rất nhiều gia đình trong Nam đã phải gặp cảnh huống tương tự giữa cha con, anh em ruột thịt. Sau cuộc chiến triền miên hơn 30 năm, đã gây nên biết bao thảm cảnh tương tàn trong xã hội, gia đình thân tộc bị đổ vỡ chia lìa, khiến cho nồi da xáo thịt - cốt nhục rẽ chia, chỉ có máu người Việt mình đổ xuống cho những điều phi nghĩa.
Lâu lâu anh em chúng tôi gặp nhau khi được dẫn đi tắm suối ngoài rừng xa. Trời nắng chang chang. Mấy ngàn tù nhân thay phiên lặn hụp, hả hê như đàn trâu trong vũng nước nhỏ đục ngầu.
Một hôm nằm nghe con cóc trên đầu giường nghiến răng. Tôi vui miệng nói
“Anh em nào muốn tắm mưa thì chuẩn bị mau lên”
Nghe tôi nói, anh Vĩnh, mặc quần đùi, ở trần xách thùng đạn đại liên 50, đi tới đi lui, chờ đợi. Bên ngoài bầu trời đang nắng gắt trong xanh không chút gió, bỗng trở nên vần vũ. Kế tiếp là một trận mưa dông xối xả. Cơn mưa vùng nhiệt đới, đến thật nhanh nhưng rồi cũng chấm dứt thật nhanh. Chỉ có anh Vĩnh đứng sẵn dưới mái hiên nên vừa được tắm thoải mái, vừa hứng được một thùng đầy nước để dành. Anh em trong tổ cứ tưởng tôi là “nhà tiên tri”. Nhưng để bảo vệ người bạn nhỏ “Cậu ông trời”, tôi đâu dám tiết lộ bí mật, chỉ sợ có anh nào cao hứng bắt nó đi xơi tái thì thật là tội nghiệp!.
Trong trại có lúc đói, thấy con gì cựa quậy, nhắm ăn được là không tha. Có một anh Dược sĩ đã khám phá ra chân lý sau khi nếm được hương vị của một loài ốc anh bắt được ngoài vườn:
“Bây giờ tôi mới biết tại sao ông bà ta khuyên đừng bao giờ ăn ốc ma! Rủi ăn trúng nó là mình mẩy nổi phong đơn sần sùi, cả châu thân ngứa ngáy suốt ngày, không chịu nổi”.
Thế là cả trại đồn rần lên, vì đây là kinh nghiệm bản thân, là lời nói vàng ngọc của một Dược sĩ có uy tín. Tin hay không là tùy nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên kể từ đó, có thấy ốc ma bò trước mặt, anh nào cũng làm ngơ, né tránh. (Ốc ma là một loại ốc giống như ốc hương nhưng không có mài, thường thấy đeo bám trên thân cây, ăn phá cây cối trong vườn; nếu bỏ chút muối vào miệng nó thì thịt nó sôi lên và tan ra nước). Có đói thì ráng chịu, chứ không anh nào dám đem thân mình ra làm vật thí nghiệm nữa! Có lần trại được ăn cá biển lớn xương. Không biết cá loại gì. Thịt cá thì ăn hết mà đến xương cá còn lại cũng không chừa. Có anh xin giữ lại để đập nát ra, trộn với muối để dành ăn, thay mắm ruốc khi cần.
Khi đi tù, tôi có đem theo một con dao nhỏ dấu trong bao gối dồn đầy cao su non mềm mại cắt ra từng miếng nhỏ. Có thể nhờ chất cao su non làm di động con dao khi bị lục xét, người cán bộ có nắn bóp cái gối nhưng không nhận ra vật lạ bên trong. Nhờ vậy mà tôi có cái dao để xài khi cần thiết. Trời Xuân Lộc buổi sáng sương mù dày đặc. Tôi dậy thật sớm, lận con dao nhỏ trong lưng, mon men ra phía sau vườn, gần nhà vệ sinh. Bên kia hàng rào kẽm gai, có một cây chuối sứ thấp, trổ được một quày sai trái. Ban ngày nhận ra rất rõ. Nhưng trời hừng đông sương mờ, phải khó nhọc mới trèo qua được hàng rào kẽm gai, cắt hai trái chuối còn xanh.
Giờ đó anh em còn say ngủ. Tôi trở về lán, lặng lẽ đặt nhẹ hai trái chuối dưới chân một anh bạn tù đang trong tình trạng suy dinh dưỡng. Thức dậy, thấy chuối, mừng quá, không cần biết từ đâu đến, anh chỉ lấy vạt áo trước lau sơ rồi đút trái chuối còn sống vô miệng, cắn nhai ngấu nghiến, ngon lành. Không ngờ, cùng trong đêm có người đã lén chun vô đất trồng mì của cán bộ, đào trộm mất mấy củ khoai. Sáng hôm đó, cán bộ cho tập họp hết trại viên ra ngoài sân, rồi bước vô phòng, lục soát từng chỗ nằm. Không tìm được tang vật, tên cán bộ có vẻ bực tức, lên án bâng quơ: “Ăn cắp mì là một tội giết người”. Chúng tôi hú hồn được thoát nạn “giết người”, chờ đợi một thời gian lắng dịu, và để ý thấy chất tươi có vẻ thích hợp cho anh bạn tù còn đang thèm thuồng, hai tuần lễ sau tôi mới dám mạo hiểm sáng sớm, mò đi hái cho anh thêm hai trái chuối sống nữa. Rồi chấm dứt luôn, dầu sao bị tội ăn cắp cũng khổ sở lắm, tánh tôi ít dám gan lì, nhưng cực chẳng đã..
Thổ sản của vùng Long Khánh, ngoài chuối ra còn có bí đao. Một hôm mỗi tổ 30 người được phát cho một trái bí đao to tướng, với một lon sữa đặc gần 400gr. Mọi người đồng ý gọt trái bí ra từng miếng bằng ngón chân cái, bỏ vô nồi nấu cho nhừ xong trút nguyên hộp sữa đặc vô, quậy cho nhuyễn, chia nhau từng chén nhỏ đồng đều, anh em đau yếu được chia thêm phần phụ trội, phải nói thật lòng trong suốt mấy tháng trời thiếu thốn, ăn được chút chè bí đao nấu kiểu tự chế này thấy ngon vô cùng.
Nằm khít bên tôi có anh Thu, một Đại úy Hải quân trẻ, tháo vát, khéo tay và tốt bụng. Một mình anh đã dùng dao nhà bếp cắt vỏ xe cũ làm những đôi dép râu khéo léo cho anh em trong trại. Anh cũng tìm cho tôi được hai khúc gỗ nhỏ và giúp tôi đẽo gọt thành đôi guốc xinh xinh cho con gái tôi vừa lên ba tuổi.
Theo định kỳ, tới phiên tôi được cắt cử theo toán đi khuân vác gạo. Sức khỏe không còn nhiều nhưng có thể vác trên vai bao gạo 50 kí lô đi xa 10 thước (Nhớ lại thời trai tráng mới lập gia đình, tôi ẵm vợ tôi chạy dễ dàng lên mấy chục nấc tam cấp trên đồi, thăm viếng mộ Nguyễn Hữu Hào gần thác Cam Ly Đà Lạt, nghĩ mà tội nghiệp cho nàng lấy chồng thời chinh chiến xa nhà hoài, bây giờ “hòa bình” rồi mà tôi vẫn còn biền biệt trong cảnh tù tội, không biết ngày về …)
Chiếc xe bít bùng chở chúng tôi chạy ra khỏi châu thành, tẽ vô trong vườn cao su và ngừng lại gần một nhà kho còn đóng cửa. Đã có nhóm người ngồi túc trực sẵn bên ngoài. Tôi cùng vài anh em tù tìm chỗ mát dưới bóng xe chờ đợi, thì thấy đàng xa một em bé trai mang trên vai một thùng kem từ từ đi tới. Lâu ngày, được ra ngoài, thấy cái gì cũng thèm, ngặt nỗi trong túi không có một đồng xu. Tôi buồn ý làm lơ ngó chỗ khác, ai dè em bé đến gần sát bên vừa vặn nắp thùng kem ra, vừa nói nhỏ:
“Mấy bà ngồi đàng kia nói biết các ông ở trong trại cải tạo nên biểu cháu cứ mang kem đến. Các ông cứ ăn tự nhiên, đừng lo. Hết bao nhiêu tiền, các bà sẽ trả. ”
Cả nhóm hơi bất ngờ nhưng không ai từ chối tấm lòng của bà con ở gần đó. Thật là cảm động.! Tới giờ phút cùng đường này, mới thấy dân chúng vẫn còn thương mến chúng tôi, trái với những lời nói xuyên tạc, cố ý dằn mặt của cán bộ quản giáo Cộng sản khi lên lớp:
“Các anh có nợ máu với Nhân dân. Hãy coi chừng. Dân chúng lúc nào cũng oán hận các anh”.
Có hôm tôi bị đau cấp tính các khớp xương chân, không đi đứng được. Tôi xin từ chức tổ trưởng, định lên nằm trên bệnh xá. Tình cờ thấy một bệnh nhân thuộc lán kế bên được một người bạn cõng chạy về. Biết được ý định của tôi, anh khuyên tôi: “Nếu có bệnh, anh nên ở nhà nhờ bạn bè săn sóc, cạo gió, đấm bóp, chớ đừng có lên bệnh xá uổng công, trên đó không có bác sĩ đâu, và cũng không có thuốc men gì đáng kể, nhất là đừng bao giờ để cho ai chích thuốc gì cho anh, có khi còn thêm nguy hiểm”.
Trên bệnh xá chỉ có những chai giống như chai xá xị, chứa đựng một chất thuốc màu tim tím, nâu nâu; miệng chai được bịt lại bằng hai lớp nylon mỏng trắng. Gã y tá trưởng của bệnh xá thường tự hào về cách giữ gìn vệ sinh thuốc của anh ta, không biết học ở trường nào. Với một lớp nylon thì vi trùng còn chui qua được, nhưng với hai lớp nylon, thì bảo đảm, tuyệt đối an toàn, vi trùng có tài cách mấy cũng không thể nào chui qua nổi. Anh ta còn lập luận một cách khờ khạo, ấu trĩ: “Thằng Mỹ lên được cung trăng. Ta đánh thắng thằng Mỹ, thì con vi trùng đối với ta đâu có nghĩa lý gì!?”.
Tên y tá ngây ngô, chỉ nhắm mắt nghe theo những lời tuyên truyền lếu láo của cấp lãnh đạo mà không hiểu rằng “Nhìn dưới kính hiển vi, hình dạng con vi trùng có thể trông đẹp đẽ, dễ yêu (!), nhưng khi xâm nhập vào cơ thể con người, thì sức tàn phá của nó có nhiều khi kinh hồn, không lường trước được!”.
Mái nhà lợp tôn thấp lè tè, người thì đông, chỗ nằm lại chen chúc, giữa trưa hè nắng cháy, thật là ngột ngạt. Tội nghiệp cho các anh bị nhốt trong thùng sắt Con-nex đặt giữa trời, bên trong nóng như lò nướng bánh mì, khiến da ai cũng sạm đen hốc hác. Có vài bạn hỏi tôi “Chừng nào được tắm mưa?”. Tôi bí quá làm thinh bởi vì con cóc, người bạn nhỏ của tôi vẫn nằm im lìm trong hang, không hả miệng!
Nếu quả thật tôi là nhà tiên tri như mọi người tưởng thì tôi đã biết khi nào mọi người sẽ rời khỏi chốn lao tù khốn khổ này rồi. Nhưng tiếc thay tôi chỉ là tôi nên không mang được niềm hy vọng nào cho anh em, chỉ có điều ước đơn giản bây giờ là mong một cơn mưa rớt xuống trại tù này cho chúng tôi đỡ khổ vì nắng nóng.
Một hôm có xe nhà thương vô trại. Chiếc xe do anh tài xế cũ của tôi tên Châu lái. Trên xe có ông bác sĩ Giám đốc mới tên Lê văn Tốt, tự Hai Tốt. Ban trật tự kêu tôi thu dọn hành trang làm anh em trong trại tưởng tôi được thả về. Có anh viết vội địa chỉ nhà ở Sài Gòn nhét vô áo bao cát bốn túi tôi may để mặc bên trong khi đi lao động … Trong suốt cuộc hành trình dài, tôi ngồi một mình phía băng sau nhưng không ai nói với tôi một lời nào. Cho đến khi về tới nhà tôi mới biết tin Ba tôi vừa qua đời. Tôi được cho về làm lễ mai táng Ba tôi - sau khi gia đình tôi được người quen chỉ dẫn đã chạy đủ tiền để lo lót, nghe đâu số tiền cũng không nhỏ.
Lâu nay, kể từ ngày bị bắt vào lúc nửa đêm, bỏ lên xe nhà binh bít bùng chở đến các trại học tập cải tạo (các trại tù), các Sĩ Quan VNCH sau đó, thường bị chuyển từ trại này sang trại khác một cách bất ngờ. tên trại mới và chỗ ở mới cũng đổi khác. Đường lối làm việc của VC lúc nào cũng bí mật, nên gia đình không hề biết được người thân mình đang ở nơi nào và cuộc sống ra sao? Thỉnh thoảng còn có những tin đồn thất thiệt, không biết xuất xứ từ đâu và cũng không biết với dụng ý gì, khiến cho người nghe hoang mang, lo lắng. Cũng vì tình trạng này mà cả gia đình tôi lo âu khi nghe tin tôi đã chết trong trại học tập. Và có thể cũng vì đó mà Ba tôi lớn tuổi, còn có một mình tôi là con trai nên ông đâm ra buồn phiền, dễ bị xúc động rồi lên cơn đau tim thình lình mà mất. Thật là một điều đau đớn nát lòng trong hoàn cảnh này. Tôi thẫn thờ đến độ không còn nước mắt mà khóc thương người cha yêu kính. Ba tôi mất đi chắc cũng không thể thanh thản được vì nỗi tiếc thương con cháu đang chịu cảnh khổ hờn vong quốc.
Anh Dược sĩ Nguyễn An Cư ở chung trại nhưng được tha về trước (vì có anh em với CS) nghe tin cũng đến thăm và khuyên tôi nên viết thơ gởi Thành ủy để xin cứu xét gia cảnh đặng được khoan hồng cho miễn học tập. Nhưng tôi đã từ chối, vì nghĩ với tư cách một bác sĩ giải phẫu, từ ngày ra trường Y Khoa tới giờ, trên 15 năm, chỉ có giúp đỡ người bị thương, giúp đỡ bệnh nhân, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp trong xã hội, thì tôi không có tội tình gì mà phải đi xin xỏ ơn huệ của ai, tôi đi tù vì CS muốn như vậy. Hà cớ gì phải xin khoan hồng?!. Nghĩa tử nghĩa tận nên gia đình tôi phải bấm bụng mà đút lót chạy chọt để tôi về chịu tang cha, chứ đâu phải khơi khơi mà thả tôi về vì lòng tốt của CS.
Trong trại tù, cán bộ Cộng sản đã buộc tội các bác sĩ giải phẫu bằng những luận điệu kỳ quặc, chướng tai:
“Trong mấy ngàn tù binh bị giam ở đây, anh là người mang tội lớn nhất đối với Nhân dân. Tội thứ nhất: Trước đây, những người lính Quốc gia bị Cách mạng bắn gần chết, tại sao anh không để cho chết luôn. Được cứu sống, những người lính này căm thù đánh phá Cách mạng mạnh hơn. Tội thứ hai: Lính Cách mạng bị thương nặng, anh bỏ bê không chịu mổ để cứu chữa (ngụy biện!). Tội thứ ba: Còn lính Cách mạng bị thương nặng mà anh ráng mổ để cứu sống thì tội anh nặng gấp ngàn lần. Vì được cứu sống người lính Cách mạng mang ơn anh. Họ sẽ cho biết vị trí đóng quân của Sư đoàn, Trung đoàn Cách mạng v. v… Theo đó, anh cho máy bay B52, pháo binh oanh tạc nát cả vùng, làm chết cả ngàn người. Tội thứ tư: Trong miền Nam, không có gia đình nào không có dính dấp với Quân đội. Biết có anh ở hậu phương hết lòng chăm sóc chu đáo cho thân nhân đêm hôm đau yếu, người lính Quốc gia ngoài tiền tuyến an lòng ở lại ngoài mặt trận để chiến đấu chống Cách mạng. Nói tóm lại, tội của các anh bác sĩ giải phẫu cao như núi: “Có lấy hết trúc của Trường Sơn làm bút và lấy hết nước của bể Đông làm mực, cũng không bao giờ kể hết tội của các anh!”.
Câu kết luận đầy văn vẻ hợm hĩnh của gã cán bộ chính trị khiến tôi bật cười, nhưng ráng làm ngơ cho yên chuyện. Sau khi chuyện gia đình tạm yên, xe nhà thương lại đưa tôi trở lên trại tù. Lần này có kinh nghiệm của sự thiếu thốn khó khăn nên tôi đem theo nhiều thuốc để giúp đỡ anh em bệnh hoạn. Thuốc đựng trong túi vải tôi may lúc ở trại tù Trảng Lớn bằng bạt xe nhà binh nhét dưới đáy. Khi vô trại gặp cán bộ xét, tôi dè dặt lấy quần áo cũ bên trên ra trước. Đến khi thấy cái quần bằng bao bố xanh đã bạc màu, rách nát tôi dùng để đi lao động, có lẽ ngượng ngùng vì có sự chứng kiến của anh tài xế dân sự, cán bộ ngưng lại, không xét tiếp. Nhờ vậy mà các loại thuốc tốt nằm dưới đáy bao còn nguyên không bị thu giữ.
Trong trại có anh lực sĩ “Kiến Càng” to con. Tưởng mình vẫn còn phong độ, sung sức, ngon lành như ngày nào lên biểu diễn trên đài truyền hình Sài Gòn. Mỗi sáng anh đều ra sân tập tạ nặng, dùng một khúc cây tròn, dài một thước hai đầu gắn hai vỏ đạn 105 ly còn sót lại ngoài sân. Anh say mê tập tành, nắn nót các bắp thịt nổi lên trên bụng, trên cánh tay, mà quên mất rằng giá trị năng lượng của thức ăn hằng ngày cho tù nhân tính dưới 1000 calories, chỉ đủ cho anh đi đứng, cử động nhẹ nhàng mà thôi, chứ không cho anh phí sức trong những công tác, lao động nặng nề. Đang đứng tập tạ nặng bên kia đường, đột nhiên anh ngã xuống, thân hình to lớn mềm như con bún. Anh được anh em xúm lại khiêng bỏ qua nằm trên mặt ván cho tôi khám bệnh. Anh vẫn tỉnh táo. Có điều không phản ứng được như bình thường, nói năng hơi líu lưỡi. Anh em lăn đẩy thế nào thì anh nằm nguyên như thế nấy, không tự mình xoay trở được. Tôi cho anh uống một viên thuốc bổ liên hợp B1. Nằm nghỉ ngơi một chập, anh trở lại bình thường, tim mạch đều đặn, hơi thở nhẹ nhàng, ngồi dậy một mình tuy đi đứng còn chậm chạp, nhưng anh không biết rằng anh vừa vượt qua một cơn sốc nhẹ, may mà không ảnh hưởng đến tánh mạng.
Chuyển trại từ Trảng Lớn qua Xuân Lộc, tôi hân hạnh được quen biết Đại úy Nguyễn Thanh Thu, Điêu khắc gia VN, tác giả nổi tiếng với bức tượng “Thương Tiếc” trên Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Anh ở khác tổ tôi. Tình cờ biết nhau khi đi lao động, anh thường đến lán tôi chơi vào những buổi trưa hè oi ả. Chúng tôi ngồi dưới bóng mát, phác họa những cảnh vật chung quanh, rình vẽ những con chuột chui trong đống rác. Anh Nguyễn Thanh Thu nguyên là Giáo sư Hội họa và Điêu khắc của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, nằm ngay góc đường Chi Lăng và Nơ Trang Long, ngang nhà thương Nguyễn văn Học. Anh Nguyễn Thanh Thu có kiến thức rộng trong lãnh vực này, anh đã từng đại diện giới Hội Họa và Điêu khắc VN để ra ngoại quốc biểu diễn về kỹ thuật Hội họa…
Chúng tôi thích thú đàm đạo trao đổi những hiểu biết về màu sắc, nghệ thuật của hội họa, bất cứ khi nào có cơ hội gặp nhau là chúng tôi say sưa với đề tài này. Đang chứng kiến cảnh anh em đào giếng sau trại, chúng tôi liền nghĩ đến kỹ thuật của những nhà tiền sử đã dùng để điêu khắc trên vách đá, dưới ánh lửa chập chờn, trong hang động tối tăm Altamika đào thấy ở miền Bắc Tây Ban Nha. Chúng tôi cũng nhắc đến những công trình điêu khắc của người Ai Cập trong các huyệt mộ xa xưa.
Đang nói chuyện về những kiệt tác Hamlet, Romeo & Juliet của Đại văn hào lỗi lạc William Shakespeare, vào đầu thế kỷ thứ 16 bên Anh Quốc, chúng tôi liền nghĩ đến Leonard da Vinci vào thời kỳ Phục Hưng bên Ý Đại Lợi. Cũng giống như Shakespeare xuất thân từ một hoàn cảnh xã hội bình thường, Leonard da Vinci vươn lên để trở thành một thiên tài Hội họa được toàn thế giới biết đến qua bức tranh tuyệt tác “nàng Mona Lisa” với nụ cười bí ẩn đã tạo cho người xem một ấn tượng khó quên. Cùng thời với Leonard da Vinci, còn có Michelangelo Buonarroti.
Nói đến Michelangelo là nói đến trần nhà vòm cung của nhà nguyện Sistine bên trong tòa thánh La Mã Vatican. Michelangelo đã dành một thời gian dài 4 năm liên tục để thực hiện trên 300 bức họa rút ra từ Kinh Thánh. Đây là một công trình hoàn mỹ với các tác phẩm nổi danh, Michelangelo được thế giới tôn vinh như một thiên tài tột đỉnh về hội hoạ trong thời đại của ông.
Anh Nguyễn Thanh Thu tỏ vẻ ngưỡng mộ Michelangelo. Điều này cũng dễ hiểu vì anh cũng chung trong ngành Hội Họa - Điêu khắc, hiểu được cái đẹp và cái khó của nghề nghiệp. Anh hỏi tôi có biết tư thế khó khăn của Michelangelo khi làm ra tác phẩm vĩ đại này không? Lúc nào ông ta cũng đứng thẳng người để vẽ, mặt ngửa nhìn vòm cung trần nhà nguyện Sistine, óc ngả theo đầu ra phía sau. Vì vậy nên Michelangelo mặc dầu còn trẻ, mới 33 tuổi nhưng xương sống trở thành có tật và đôi mắt mờ đi vì màu sơn sáng chói trên trần nhà nguyện.
Vì quá say mê nghệ thuật, người nghệ sĩ thường quên chăm sóc đến bản thân, lại phải chịu đựng nhiều khó khăn thiếu thốn về vật chất để hoàn thành cho được tác phẩm yêu thích như Vincent Van Gogh …Quả là những thiên tài đáng được thế giới khâm phục ngưỡng mộ.
Chúng tôi cũng bàn luận đến Hội Họa vào đầu thế kỷ thứ 20 với Matisse được tôn vinh như một bậc sư, điêu luyện trong nghệ thuật dùng màu sắc, để diễn đạt tình cảm của mình, và Pablo Picasso với trường phái Lập Thể, theo đó các sự vật được thực hiện bằng các hình học, đã đưa Hội Họa vào một ngã rẽ mới của nghệ thuật.
Chúng tôi lại trở về trường phái Ấn Tượng (Impressionism) của Claude Monet, Degas, Gauguin, một trường phái chú trọng tạo ra một ấn tượng chung về một đối tượng và sử dụng tác động của màu sắc và ánh sáng mà không đi vào những sự việc cụ thể, những chi tiết hiện thực.
Đến giai đoạn Hội Họa thuần tuý Trừu Tượng xảy ra bên Sô Viết, các đề tài không còn hoàn toàn dựa trên lý trí, mà chỉ dựa vào những cảm giác mơ hồ. Vào những năm 1940-50, với sự hình thành của trường phái biểu hiện Trừu Tượng (Abstract Expressionism) chỉ diễn đạt cảm xúc chứ không trình bày vật chất một cách hiện thực nữa. Có những bức tranh nhìn vào chỉ thấy hai màu đen-xám: màu nước biển thật đậm, hoặc một màu đen tuyền (màu đen nguyên thủy). Không còn biết tác giả muốn diễn đạt điều gì? … (như hoàn cảnh chúng tôi trong lao tù hiện tại!!!).
Tóm lại tôi và anh Thu rất tâm đầu ý hợp trong việc bàn luận Màu Sắc, Hội Họa. Nhưng gặp cảnh lao động bận rộn, thiếu dinh dưỡng, gia đình tang tóc, tình trạng sức khoẻ tôi trở nên suy kém tàn tệ. Tôi không còn nhiều cơ hội để nghe anh nói về Hội họa, cũng như trao đổi những hiểu biết về nghệ thuật Hội họa với anh.
Sau này đi tù về, anh Nguyễn Thanh Thu vượt đường rừng qua Campuchia tới Thái Lan, còn tôi vượt đường biển từ Rạch Giá qua đảo Bidong, Mã Lai … Sau 15 năm trời xa cách, vào cuối năm 1989, gặp lại nhau tại quận Cam California, Hoa Kỳ, chúng tôi rất vui mừng vì có dịp nối tiếp câu chuyện Hội Họa còn dang dở trong tù, và nhờ có đủ phương tiện, bút cọ, khung ảnh, sơn dầu, anh Thu đã tận tình chỉ dẫn tôi thêm về kỹ thuật Hội họa vẽ tranh sơn dầu. Anh còn vẽ dùm tôi những bức tranh màu cỡ nhỏ để tôi cùng với phái đoàn Giải phẫu Thẩm mỹ Quốc tế đi thuyết trình về Giải phẫu thẩm mỹ sửa mắt một mí thành hai mí cho người Á Đông (đây là môn sở trường của tôi tại Âu Châu: Ý Đại Lợi (Rome), Tây Ban Nha (Barcelona), tại Nam Mỹ (Peru) …)
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi cầm cọ vẽ tranh khi tôi đi du học Gây mê Hồi sức bên Hoa Kỳ về, làm việc ở TYV Duy Tân vào năm 1962. Trong số thương bệnh binh tôi chăm sóc có một quân nhân cấp bậc Trung sĩ, tôi mổ vì chứng bệnh Sưng ruột dư cấp tính. Anh thuộc binh chủng tâm lý chiến, cũng tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Trong thời gian dưỡng bệnh, anh đã chí tình chỉ tôi cách vẽ tĩnh vật bằng sơn dầu và những buổi chiều tà, anh cùng tôi xách giá vẽ ra bờ sông Hàn ghi lại cảnh thuyền về trên bến vắng … Thật là thi vị …
Theo sự nhận xét của tôi, anh Nguyễn Thanh Thu là một nhà Điêu khắc VN nổi tiếng, có tầm vóc Quốc tế. Chỉ tiếc anh không gặp thời và vận may để thi thố tài năng xuất chúng của anh, để lại những tuyệt tác mà anh hằng ấp ủ như Được mùa, Vượt Biển, v. v…
Ở lại Xuân Lộc một thời gian ngắn nữa tôi bị biên chế vì thuộc thành phần Sĩ quan VNCH cấp Thiếu tá. Nếu tôi đi đến một trại khác mà bị xét gắt gao thì thuốc men sẽ mất hết. Chi bằng chỉ giữ cho mình vài viên thuốc cần thiết. Còn bao nhiêu để lại hết trong tổ cho anh em.
Một buổi sáng sớm, chiếc xe nhà binh Trung Quốc bít bùng có hai người lính gác gương mặt lạnh căm, cầm súng AK47 ngồi hai bên phía sau chở chúng tôi chuyển đến một trại mới, ở tù riết rồi quen nên chuyển đi đâu chúng tôi cũng bớt lo lắng như lúc đầu, kiếp lưu đày thì chỗ nào cũng là địa ngục trần gian thôi, chỉ buồn là gánh nặng cho người thân khi lặn lội những nơi hiểm trở heo hút để thăm nuôi chồng mà có khi không được gặp mặt, chưa kể gặp phải những rủi ro đau lòng khác mà anh em sau này biết được đành phải nghiến răng căm hận!