Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
30-4-75
ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (17)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
- Qua vùng xôi đậu khám bệnh
- Phước Long Bà Rá
- Ấp Thượng Bunard
- Chỉnh trang lại Bệnh Viện
- Ấp Sông Bé
- Ra Tòa Làm Chứng
- 30 Tháng Tư Năm 1975
- Trại tù đầu tiên
- Trại Tù Xuân Lộc
 
 
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
TRẠI TÙ SUỐI MÁU

Từ trại tù Xuân Lộc, Cộng Sản tách rời nhóm sĩ quan cấp tá gồm có: Bác sĩ Lê Thanh Vĩnh, Bác sĩ Nguyễn Minh Huy và tôi ra khỏi nhóm sĩ quan cấp uý để đưa về trại tù binh Suối Máu.

Trại tù với cái tên có vẻ rùng rợn này được kể lại là do trận đánh ác liệt xảy ra năm 1968: Nguyên trước đây tại xã Tam Hiệp, tỉnh Biên Hoà có một trại giam kiên cố được thiết lập để giam giữ tù binh VC.  Tết Mậu Thân 1968, VC phát động chiến dịch tổng khởi nghĩa, tổng công kích, một mặt len lỏi xâm nhập từ nhiều phía vô quấy phá thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn, một mặt đưa cả một trung đoàn thiện chiến về đây với ý định cướp trại giam này để mừng lễ khai quân.

Lúc đó Thuỷ quân lục chiến VNCH đóng ở Sóng Thần được lệnh cấp tốc lên giải vây.  Đơn vị dũng mãnh này đã dùng trực thăng vận nhảy xuống sau lưng địch, giàn binh đánh bọc hậu.  Những trận chiến ác liệt xảy ra liên tiếp ngày đêm.  Cuối cùng, bị lâm vào thế gọng kềm, với nhiều thiệt hại; không chống cự nỗi, binh đoàn Cộng Sản tìm đường rút lui, nhưng bị đánh tan tành, máu nhuộm đỏ cả những ngọn suối trong vùng .  Từ đó, dân chúng địa phương mới đặt cho vùng này cái tên là Suối Máu …

Trại tù Suối Máu nằm trên một ngọn đồi chiến lược, được tổ chức canh phòng nghiêm nhặt, có trên mười lớp kẽm gai bao bọc, có mìn chôn dưới đất, có những vọng gác cao kiểm soát và có những khẩu Trung liên Tiệp Khắc lúc nào cũng nhắm vào bên trong.  Đường ra ngoằn ngoèo.  Trước cổng, có tấm bảng vàng sơn chữ đỏ to tướng: Không có gì quí hơn Độc Lập Tự Do.  Nhưng khi đã vào bên trong rồi, nhìn ra chỉ thấy sau lưng tấm bảng, một màu đen rùng rợn như bộ mặt giả dối của CS, phô trương cái bên ngoài ra vẽ dân chủ, nhưng thực chất bên trong là những đàn áp gian manh, độc ác.

Trại chia thành nhiều khu gọi là “K”.  Chúng tôi thuộc K3 giam toàn sĩ quan cấp Thiếu tá thuộc đủ thành phần Hải-Lục-Không quân của Quân lực VNCH.  Điểm đặc biệt của K3 là mức độ của Y sĩ: K3 có 1. 100 sĩ quan với 28 bác sĩ.  Tính trung bình, một bác sĩ chăm sóc cho 46 người.  Có lẽ chỉ có K3 của trại tù Suối Máu mới có được tỷ lệ Bác sĩ/Bệnh nhân cao như vậy.  Có thể tỷ lệ này cao hơn tất cả tỷ lệ của các nước tân tiến nhất trên thế giới! nhưng coi vậy mà không phải vậy, đây là trại tù nên bác sĩ hay bệnh nhân đều đau như nhau, cái đau không thuốc nào chữa hết, kể cả thời gian.

Toàn thể tù nhân đều nằm dưới đất.  Mỗi người có được một diện tích nhỏ, vừa đủ lót một tấm chiếu khổ 25 trên 50cm.

Lán tôi-không tên- nằm ở đầu bìa gần hàng rào kẽm gai, gần vọng gác, gần giếng nước và gần nhà bếp.  Nằm dưới đất khít bên nhau, sáng thức dậy sớm, anh Vĩnh và tôi ra sân đi bách bộ vài vòng cho giản gân cốt, tập thở, tập hít đất rồi mới trở vô tháo mùng, cuốn chiếu …Chuẩn bị cho một ngày “lao động vinh quang

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng mở “ Phòng khám bệnh chui ” để lo cho anh em khi trái gió trở trời, phòng khám là chui dưới mái tôn cũ có nhiều lỗ lủng, một khoảnh đất nhỏ vừa đủ cho ba người ngồi chồm hổm-một bệnh nhân và hai bác sĩ.  Công việc làm ăn xem ra cũng “khấm khá”, dĩ nhiên là miễn phí phần thăm khám . Do thời tiết thay đổi, nóng lạnh bất thường.  Nên mỗi ngày thân chủ cũng khá đông, ngồi dưới đất, ngoài đường đi, dọc theo vách lán; người đi khám bệnh được yêu cầu cầm sẵn trên tay một cây bút chì và một mẫu giấy nhỏ.  Một người tình nguyện ngồi nhìn ra cổng chính, trông chừng lính gác để kịp thời báo động giải tán.  Phòng mạch không có để bảng hiệu hay giờ giấc làm việc, bác sĩ có bằng cấp thiệt, không cần quảng cáo, nhưng không chắc là hôm nào bị cán bộ trại phát hiện ra, phạt cấm hành nghề thì có nước treo bằng luôn…

Bác sĩ chánh chỉ có cái áo 4 túi cố hữu may bằng bao cát lượm ngoài bờ rừng, không có áo choàng trắng bên ngoài, bác sĩ phụ còn theo “mốt mới” mặc quần đùi rách và ở trần! Phòng khám bệnh không có đồ nghề cần thiết: không có ống nghe, không có ống thủy đo nhiệt độ, không có đèn bấm, không có kim chích, không có thuốc uống hay thuốc chích v. v… Gặp bệnh nhân than nóng sốt và ho thì bác sĩ lấy tay rờ trán, phân biệt tiếng ho, kêu bệnh nhân hả miệng, xây mặt ra đường, lấy ánh sáng mặt trời để xem cuốn họng, kê lỗ tai áp sát sau lưng bệnh nhân, nghe hơi thở, chẩn đoán bệnh phổi-ho gà suyển hay sưng phổi.  Định bệnh xong, bác sĩ ghi toa trên mẫu giấy của bệnh nhân và bệnh nhân ra ngoài trao đổi thuốc lẫn nhau … Phòng khám bệnh không có thuốc để cấp.

Một hôm có một bệnh nhân: Thiếu tá Nguyễn Quang Truyền, đơn vị Pháo binh đang bửa củi gần nhà bếp.  Bỗng nhiên anh thấy xây xẩm mặt mày, lảo đảo, búa sút khỏi tay.  Tuy nhiên, thân mình ngã xuống chưa chạm đất thì anh đã được 4 người bạn đứng gần đỡ anh, khiêng vô nằm trong lán tôi.  Khi tỉnh dậy, mở mắt ra, thấy chung quanh mình có đến 9 bác sĩ, anh nở một nụ cười hảnh diện:

“Tôi thấy thật mãn nguyện.  Chưa chắc đã có một vị Tổng thống nào trên thế giới này khi đau yếu lại có liền ngay được nhiều bác sĩ chăm sóc như tôi bây giờ”. Bình thường anh vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, yêu đời.  Chỉ vì vào đây, thiếu ăn và làm việc lao lực, anh mới bị như vậy thôi.  Ở trại Suối Máu này, vấn đề dinh dưỡng còn kém hơn các nơi khác nhiều.  Mỗi bửa ăn, chỉ được hai chén cơm lưng với mắm ruốc mốc, phần buổi sáng thì ăn hết, còn buổi chiều ăn phân nửa, còn lại để dành phòng hờ cho sáng hôm sau dùng lót dạ để đi làm công tác nặng.

Muốn có thức ăn tươi thì canh chừng mấy con vật xấu số như tắc kè, thằn lằn, rắn mối, rắn lục, chim non…con nào đã lở “nhào vô” trại rồi là khó lòng mà thoát ra được.  Lúc đầu còn bẩy được những con chuột to bằng bắp tay, nhưng từ từ chỉ còn bắt được những con chuột nhỏ bằng cườm tay hay những con chuột lắt thôi …
Lán tôi nằm gần lò bếp nên thỉnh thoảng chứng kiến những cảnh thật lạ mắt đến tức cười: Có một anh Thiếu tá (nguyên là đầu bếp chánh của Cựu Phó Tổng Thống Trần Văn Hương) bẩy được một con chuột . 

Anh bỏ nó vô trong lon Guigoz đem xuống bếp làm món “đút lò”.  Sau lưng anh, có một nhóm sĩ quan đếm trên 30 người nối đuôi nhau đi theo coi như một cuộc diễn binh.  Người nào cũng mặc quần đùi, ở trần hoặc áo cánh, mặt mày khôi ngô sáng sủa, có người qua cặp kính cận trông như một nhà thông thái.  Những người đi theo cũng biết con vật đút lò nhỏ quá, không có chút hy vọng gì “sơ múi”, nhưng đứng dưới gió, ngửi được chút mùi thịt nướng cũng đỡ ghiền! Đôi khi Bác sĩ cũng được thân chủ “kiến” cho một cái đùi chuột nhỏ hơn ngón tay út để có chút thịt thà bồi dưỡng.

Có một hôm, anh bạn kỹ sư Hàng Không trong lán, tối nằm ngủ say mê, sáng dậy thấy dưới lưng mình có một con chuột chết co quắp.  Anh nửa mừng nửa lo: “Bất chiến tự nhiên thành”.  Mình không làm bẩy mà tự nhiên được chuột.  Nhưng tại sao chuột lại chết? Đó là điều anh thắc mắc.  Chuột có bị bịnh dịch gì không? Thấy anh lo quá, một anh bạn đề nghị “Hãy đem giảo nghiệm là biết ngay”.  Tôi mừng được anh em giao phó cho “trọng trách”.  Tôi liền xách “Bửu đao Đồ Long” của tôi lâu ngày không đụng tới nay có dịp tái xuất giang hồ.  Mổ chuột để học lại cơ thể cũng hay! Con dao nhỏ lấy trên cánh một chiếc máy bay rớt ngoài bờ rừng Trảng Lớn vẫn bén và không rỉ sét.

Tôi liền làm phúc trình miệng cho Hội đồng lán: “Chuột chết trong tình trạng suy kiệt trầm trọng” thêm chút phụ đề Việt ngữ: Chết vì tai nạn rủi ro nghề nghiệp!!! Có lẽ vì đói quá nên đương sự liều lĩnh, trong đêm tăm tối, thay vì kiếm chỗ nằm ngủ cho yên thân, lại quờ quạng đi tìm lon Guigoz cơm nguội.  Không may lại chui dưới lưng anh kỹ sư to con nên thình lình bị anh trở thế nằm đè lên làm cho nghẹt thở! Ngoài ra sức khoẻ tổng quát của chuột còn tốt, chuột không bị bệnh dịch hạch, nên chủ nhân có thể làm món gì ăn cũng được.

Trong K3 có đủ thành phần giảng huấn, chuyên môn dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Tàu phổ thông, tiếng Tàu Quảng Đông.  Có kỹ sư, Chuyên viên Điện tử, Chuyên gia tốt nghiệp trường Cao Đẳng Phú Thọ, chuyên gở mái tôn làm kéo rất bén dùng để hớt tóc, làm lược chải đầu có khắc chữ để tặng vợ, tặng người yêu, làm thùng xách nước không cần hàn nhưng không rỉ nước, làm gà men đựng cơm, làm lon giữ than hồng suốt đêm vẫn đỏ….

Có những quân nhân biệt kích, thám báo chuyên nghiệp xem thường những hàng rào kẽm gai và mìn bẩy.  “Bọn này muốn ra khỏi trại lúc nào cũng được, chỉ không biết rồi sẽ đi đâu thôi? Căn cứ Phục Quốc thì không biết chỗ nào chính xác?”. 

Trong K3, cũng có Ban Thông tin “tuyệt đối bí mật”.  Chiều chiều có người phổ biến tin tức đài VOA-BBC xuống tận lán.  Tin tức thời sự nghe có vẻ thật nhưng không biết xuất xứ từ đâu.  Có tin Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã bị xoá sổ, bị giải thể ?!

Chúng tôi suy ngẫm, bàn tán nhưng không lấy gì làm ngạc nhiên, mà cho đó chỉ là hậu quả tất yếu của một ván cờ tàn, từ lâu MTGPMN chỉ là “một con chốt”, không hơn không kém.  MTGPMN thì tự mình không thấy điều này: Năm 1968 nhân dịp Tết Mậu Thân, Bắc Việt đã lùa MTGPMN cho vào các thành phố lớn, đương đầu với những lực lượng hùng hậu của VNCH, khiến cho đạo quân chủ yếu của MTGPMN bị tiêu hao gần như trọn vẹn.  Đến năm 1975 lại một lần nữa B. V.  cho MTGPMN đi đầu để dọn đường cho đạo quân Cộng Sản miền Bắc trên đường chiếm trọn lãnh thổ miền Nam VN.  “Đem chốt qua sông cố tình để thí”, Cộng Sản miền Bắc chỉ mong cho MTGPMN bị hoàn toàn tiêu diệt, nhưng không dè Quân đội Quốc gia ngưng chiến đấu, MTGPMN mới còn sống sót.  Nay cuộc chiến đã tàn, để MTGPMN tồn tại làm chi cho thêm vướng mắt, chẳng khác nào như nuôi ong tay áo, có ngày mang họa vào thân.  Đương nhiên Cộng Sản BV phải tìm cách dứt điểm.  “Được chim bẻ ná, được cá quên nôm!” Đó cũng là bản chất lọc lừa xảo trá gian manh của CS xưa nay.

Đã từng sống chung với Cộng Sản bao nhiêu năm trời, MTGPMN mặc dầu “nắng mưa đã trải, lầm than đã từng”, nhưng vẫn còn ngây thơ, khờ dại, đặt niềm tin vào cái chủ nghĩa mơ hồ bịp bợm của CS, không phân biệt được trắng đen, người xấu kẻ tốt nên đã để cho CS đánh lừa quá dễ dàng, và cuối cùng bị khống chế, tiêu diệt một cách đau thương trong bàn tay kẻ đã từng gọi là “đồng chí”.

Khí thiêng Sông núi vẫn còn, Hào kiệt trong và ngoài nước vẫn còn, trong khi chủ nghĩa Mác Lenin lỗi thời đang trên đường phá sản.

Ước mong toàn thể đồng bào- giới trẻ VN, Quân và Dân - ở trong hay ngoài nước ý thức được tình thế cấp bách nguy ngập hiện nay mà chuẩn bị tinh thần, cố gắng chờ đợi thời cơ thuận tiện, để tập hợp, vùng lên tiêu diệt chế độ Cộng Sản đang thống trị đất nước bằng những chánh sách mỵ dân, độc tài áp bức, làm tan nát, băng hoại xã hội, ngõ hầu đem lại Tự Do, No ấm, Công bằng thật sự cho toàn thể đồng bào cả hai miền Nam Bắc.  Chế độ Cộng Sản phải sụp đổ, không sớm thì muộn! Đó là lời tuyên cáo của mọi người yêu nước Việt Nam .

Từ khi có đài phát thanh để nghe ngóng tin tức bên ngoài, anh em cũng cảnh giác bảo vệ “bí mật quốc gia” để không lọt vào tai cán bộ VC, vậy mà lâu lâu lại thấy có người đứng sát hàng rào lúc tờ mờ sáng để nghe ngóng theo dõi.  Có thể là ăng ten? Nhiều lần cán bộ cũng thình lình đột nhập vô trại để lục xét, tìm kiếm đài bí mật nhưng không thấy.

Nhóm Y Khoa cũng tổ chức học tập, dưới dạng chơi cờ tướng.  bàn cờ giấy được trải ra dưới đất.  “Cao thủ” xuất chiêu - vô pháo đầu, lên ngựa, ra xe - rồi nhập đề, nói chuyện về phần chuyên môn soạn sẵn của mình.  Đối thủ ngồi đối diện, chống sĩ, lên tượng … sẽ là thuyết trình viên trong tuần tới.  Thính giả ngồi hai bên im lặng lắng tai nghe, không bình luận.  Có gì thắc mắc, muốn tranh luận hẹn nhau đến gặp riêng tác giả ở lán khi trời tối!.
Những ngày trọng đại của tín đồ Thiên chúa giáo, Linh mục cũng kín đáo làm lễ ngoài trời ban đêm, cạnh chuồng heo bỏ trống phía sau trại, gần giếng nước.  Trời khuya gió lạnh, tín đồ vẫn nghiêm chỉnh im lặng đứng nghe.  Trong lán tôi có một vị Thượng tọa nằm trong góc nhà, lúc nào cũng giữ mình trầm tỉnh.  Thượng tọa nhờ tôi vẽ dùm bức họa Đức Phật Bồ Tát, ông giữ kỹ để trên đầu giường, suốt ngày lâm râm tụng niệm.

Tôi thích Hội họa.  Có dịp là tôi tìm chỗ ngồi tập vẽ chân dung.  Tôi vẽ anh Vĩnh mình trần, ngồi trên bụt gỗ chấn ngang cửa ra vô lán.  Không biết anh có còn giữ để lưu niệm không? Hôm anh được quà thăm nuôi, có một trái chanh nhỏ trong đống đồ tiếp tế.  Đợi trời tối anh ngồi dậy, cắt trái chanh ra từng miếng nhỏ để nhâm nhi. 

Không dè mùi thơm của trái chanh thật bén nhạy, hương chanh bay tỏa khắp lán khiến anh em cũng thức dậy tung mùng hít hơi tìm kiếm.  Đêm đó có anh nằm mơ thấy mình được trở về nhà, trăng sáng vằng vặc và ngoài vườn nghe ngát mùi hương bưởi hương chanh thật thú vị bình yên. . 

Ôi! giấc mơ như an ủi cảnh tù đày.
Bửa khác tôi ra phía sau K3 ngồi trong một góc nhà tìm hình để vẽ thì thấy dáng một người vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh, một tay ôm bụng dưới, gương mặt nhăn nhó ra vẽ đau đớn lắm, nét phác thảo chưa xong thì tối lại, có người nhờ tôi đi khám cho một người bạn tù thuộc một lán ở gần giếng nước, phía sau trại.  Đến nơi thấy bệnh nhân, tôi mới nhận ra chính là người tôi đã phác họa ban sáng; khám bệnh thấy anh bị viêm ruột thừa cấp tính phải nhờ người đưa anh lên ngay trạm xá.  Tôi lại để ý thấy trước dây nịt bụng của tên cán bộ khiêng võng, có vài ống nylon nhỏ bằng ngón tay út, chứa đựng một chất nước trong trong.  Hỏi thăm thì được anh cán bộ cho biết đó là “Thần dược của Quân đội ta!”.  Đến nơi hắn cột căng hai tay, hai chân của bệnh nhân ra, cho “đọc kinh Các Bác” rồi bỏ mùng xuống, chích thuốc tê, mổ lấy ruột thừa. 

Sau này về nhà thương tôi có dịp mổ lại một vài trường hợp ruột bị phình dưới da vì lý do không có thuốc giãn cơ “Anectine” để dùng khi may các lớp cơ của thành bụng, khiến cho thành bụng bị hở …

Còn về chuyện thuốc “Thần dược của Quân đội ta”, thì khi trở về làm việc lại trong bệnh viện, tôi có được bác sĩ Nguyễn văn Sáng một bác sĩ trong Nam ra Bắc học trước 54, sau ở lại trong bưng với CS giải thích sự việc này:
“Trong thời kỳ kháng chiến, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cựu Tổng Trưởng Y Tế Việt Cộng có đi theo một toán lính về một làng quê hẻo lánh.  Chẳng may toán lính ngã ra ngất xỉu.  Họ được một “bà mẹ chiến sĩ” cho uống một thứ thuốc gì cứu sống lại.  Bác sĩ Thạch năn nỉ hỏi thì bà cho biết đó chỉ là “cứt trâu - cứt bò” bà phơi khô ngoài sân.  Vì binh sĩ quá tin tưởng, thấy thuốc công hiệu, nên Quân đội CS trên phương diện tâm lý, mới chế ra những bọc nylon nhỏ chứa chất nước lấy tên NT9 (Ngọc Thạch Liên khu 9).  Thuốc được binh sĩ gọi là Thần dược và lúc nào cũng quí trọng, luôn mang bên mình khi ra trận.

Thật tức cười khi có người tin câu chuyện phản khoa học này, CS hay ở chỗ là khiến người ta tin vào những điều dối trá một cách ngu muội, nói riết rồi cứ tưởng như thiệt, lâu ngày chày tháng câu chuyện biến thành giáo điều để người ta u mê tin tưởng như thần thánh. 

Ngày Xuân trong K3, không có pháo đốt đón Giao Thừa, nhưng cũng có tổ chức Múa Lân, chơi cờ tướng ngoài trời.  Còn hai chục đồng tiền cũ, tôi đổi lấy quyển sách chơi cờ thế, cờ tàn của một anh bạn trong lán 16. 

Quyển sách nhỏ có tên Vạn kỳ thế chiến của tác giả Lý Anh Mậu và Đoàn Bá Kỳ có nhiều nước cờ kỳ bí thật hay, độc đáo.  Nó trở thành quyển sách gối đầu giường của tôi trong tù.  Khi rảnh rỗi, tôi thích lấy ra suy gẫm, nghiên cứu một mình.

Trong K3 đã có vài Sĩ quan vì suy dinh dưỡng và mất tinh thần, nên đã gục ngã.  Giới Y khoa cũng có nhiều anh nghĩ đến gia đình, nhớ vợ thương con, bắt đầu cảm thấy bi quan và chán nản buồn bực. . Thấy vậy tôi mời các anh đó tối qua lán tôi chơi để cùng nhau đàm luận:

Các anh đã sẵn sàng chưa để chúng ta đi về”.

Có anh hăm hở hỏi:

“Về, nhưng bằng cách nào?”.

Thì chúng ta biểu thẳng tên lính V. C đang thủ cây trung liên “mở cửa chính cho chúng ta đi ra”.

Đâu được, chúng ta đang là tù binh mà!

“Hay là chúng ta độn thổ, cắt kẽm gai, đào hầm?”.  Các anh biệt kích, thám báo, lực lượng đặc biệt cho biết rất dễ dàng.

Không được, chỗ nào cũng có chôn mìn, và bên ngoài còn có nhiều lớp kẽm gai với lính vũ trang canh phòng nghiêm minh, chặc chẽ.

Đi cửa chính không được.  Đào hầm cũng không xong.  Vậy chỉ còn một cách “Đằng vân giá vũ”.  Có anh nào có cánh không
?

Nói cà rởn một hồi mà không thấy ai trả lời.  Tôi mới đưa ra ý kiến phân tích vấn đề “Đối với Cộng Sản giá trị của Trí thức được coi không bằng cục phân.  Mình chỉ là cái gai trước mắt họ thôi.  Mục đích của C. S là tìm đủ mọi cách để hành hạ tinh thần và thể xác chúng ta, để chúng ta không chịu nổi mà tự huỷ diệt lấy.  Chúng ta có chết đi, chúng không tốn một viên đạn mà đối với Thế giới bên ngoài, chúng cũng không bị mang tiếng giết người như Pol Pot bên Campuchia. 

Nếu không thể lùa hết chúng ta vô lò hơi ngạt cùng một lúc như bên Đức Quốc xã (thật ra vì chúng chưa có đủ trình độ để chế ra phòng hơi ngạt) thì tới một ngày nào đó dưới áp lực của Thế Giới Tự Do, chúng bắt buộc phải thả ta ra.  Xuống tới tận cùng rồi tất phải trồi lên.  Nhưng nếu chúng ta về nhà với thân tàn ma dại, chẳng những không giúp ích gì được cho gia đình mà ngược lại còn làm khổ thêm cho vợ, cho con, thì điều này có nên hay không? Cần phải suy nghĩ thêm.  Chi bằng chịu khó nhẫn nhục thêm một thời gian.  Giữ vững tinh thần.  Giữ vững niềm tin.  Tạm quên hết những nỗi lo buồn, cố gắng giữ gìn sức khoẻ.  Sáng sớm ra sân tập thể dục, tập thở không khí trong lành.  Trong cái khổ nào cũng có chút niềm vui.  Và ở cuối con đường hầm dài âm u, thế nào cũng có một chút ánh sáng. ”

Mọi người ngồi im, theo đuổi những suy nghĩ riêng tư.

Tôi khuyên các bạn tôi như vậy, nhưng phần tôi, trên thực tế vì tình trạng suy dinh dưỡng, thêm buồn chuyện tang chế trong gia đình cha tôi vừa qua đời, sức khoẻ tôi càng ngày càng xuống thấp, bệnh kiết lỵ hành hạ tôi thêm đuối sức!.  Ban đêm, gặp cơn dông bão, nước mưa tràn qua những lỗ tôn mục rơi xuống đất đọng vũng ướt cả chỗ nằm, anh em co cụm lại với nhau loi ngoi .  Thấy cảnh tù thiệt là thê thảm.

Có tên cán bộ vô trại hỏi tôi thấy thế nào về ăn uống, về đời sống trong K3? Tôi trả lời qua loa cho yên chuyện
“Tốt.  Ăn có thiếu một chút nhưng bao tử đỡ mệt.  Ở nhà, ban đêm có 2, 3 cú điện thoại gọi từ phòng mổ, từ phòng nhân viên, không ngủ được.  Trong này tôi ngủ một giấc từ đầu hôm đến sáng và vì ngủ nằm sát mặt đất, nên tôi “không sợ té” từ trên giường xuống đất như ở nhà. ”

Thấy câu trả lời tỉnh queo của tôi, tên cán bộ có vẽ tin cậy nên bỏ đi.

Tôi xin được một cây ớt chỉ thiên của anh bạn đem về trồng bên ngoài lán, ngay chỗ tôi nằm.  Mỗi ngày chăm sóc, xách nước tưới cây và đi vòng vòng đánh cờ tướng bên lán Bác sĩ Trai.  Không có rượu đào, không có hồng cúc thì ngồi ngắm ớt đỏ giải khuây! Ông chú tôi trước đây, coi tử vi cho tôi và thường nói: “Số con có tả phù hữu bật”.  Tôi nghe mà không tin, bây giờ ngồi ngẫm nghĩ thấy cũng đúng.  Trong bạn bè thân tình có anh Vĩnh là một người bạn lúc nào cũng rất tốt đối với tôi, dù hoàn cảnh khó khăn, ngoài đời cũng như trong tù, không lúc nào anh bỏ tôi.  Anh cùng một tuổi với tôi và cùng học chung một lớp trong trường Đại học Y Khoa .  Vào giờ phút chót, chúng tôi cùng làm việc trong phòng mổ của Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định.

Anh đã có thể ra đi một cách dễ dàng, bình an vì có người em ruột đang làm hạm trưởng Hải quân trong Quân lực VNCH, tàu đậu sẵn dưới bến Bạch Đằng, chỉ còn chờ đợi anh xuống là nhổ neo đi.  Nhưng vì tình thương đối với bệnh nhân còn nằm la liệt ngoài sân bệnh viện và vì không nỡ bỏ bạn lãnh gánh nặng một mình trong hoàn cảnh vô cùng khốn khổ đen tối của đất nước, anh đã nhất định ở lại mổ cho những người thường dân bị thương để rồi cũng bị Cộng Sản bắt như tôi, cũng bị đi tù chung với tôi, chuyển từ trại này sang trại khác … Trong trại tù, thấy tôi đau yếu, tối nào anh cũng tự động giăng mùng, tấn góc dùm tôi, sáng sớm xách lon Guigoz xuống bếp để xin nước sôi cho tôi, lấy nước vo gạo lọc lại còn ít cám để làm thuốc bổ cho tôi …Nếu nói như chú tôi thì anh chính là quới nhơn phù hộ, luôn bên cạnh giúp đở tôi khi cần thiết.

Một hôm, cán bộ vô K3, cần ba người ra ngoài làm thợ mộc.  Nghĩ mình trước kia làm việc trong phòng mổ cũng có cầm cưa, cầm búa, cầm đục, tôi liền tình nguyện, nhờ anh Vĩnh đỡ tôi đứng dậy chống nạng cùng đi với hai anh cựu Thiếu tá Nguyễn văn Bé và cựu Thiếu tá Nam.  Theo cán bộ qua những con đường quanh co, trong hàng rào kẽm gai chằng chịt, chúng tôi đến một tàn cây điệp, dưới gốc có chiếc xe Jeep cũ nằm trơ ra đó, mui nắp đều bị tháo gỡ đi mất.  tại đây chúng tôi gặp một anh cựu Trung tá ở bên K2 cũng vừa đến.  Anh này trước kia chuyên nghề mộc nên được đề nghị làm Trưởng toán.  Cán bộ tiếp tục dẫn chúng tôi đến nhà thờ và chùa trong trại đã được gở nóc.  Những cây đòn dông, rui mè trên trần nhà cũng đã được tháo xuống, chung với những tấm vách ván chất đầy dưới đất.  Cán bộ muốn đóng bàn làm việc và ghế tràng kỷ.  Anh trưởng toán lựa gỗ.  Chúng tôi khiêng về chỗ làm việc dưới tàn cây.

Tôi được phân công xã đòn dông dài và cưa vách ra từng miếng.  Cây cưa đưa cho tôi làm việc lụt nhầy và mẻ mất một răng.  Nhưng tôi vẫn vui vẻ khởi công “ búng mực tàu lên gỗ”… Tôi trì chí đứng ngoài trời nắng cưa cây từ sáng đến chiều, lúc ngừng tay để ăn cơm, tôi cũng đứng, chỉ sợ ngồi xuống rồi đứng lên một mình không được, tôi không muốn nhờ cậy những người bạn vừa mới làm quen.  Sau khi xã được mấy cây đòn dông, các bạn trong ban mộc khen tôi là “thợ cưa chính xác”.  Nghe cũng vui vui.  Tôi tự nghĩ “mới ra nghề” mà được như vầy cũng là khá lắm rồi, chớ có bao giờ tôi hành nghề “thợ cưa chánh” đâu! Chỉ có lúc đi học trường Lê văn Hai, tôi có xem và phụ một người thợ chuyên môn cưa cây đóng ghế cho trường, chỉ là để ý vậy thôi, chớ thật tình lúc ở nhà có bao giờ tôi rớ tới món nặng ký này đâu.  Tôi cố gắng kềm cây cưa cho chặt và chăm chú từ từ cưa theo đúng đường mực kẻ sẵn.  Anh Thiếu tá Bé còn khôi hài, gở ống nước trong xe tặng tôi để làm ống nghe tim phổi.  Anh Thiếu tá Nam thì thầm lặng hơn.  Dường như hai anh quen thân nhau vì cả hai đều là Sĩ quan An ninh cũ

Anh Trung tá thợ chính thì tôi không quen biết trước nhưng anh rất khéo tay.  Bàn ghế đều được anh đo đạc cẩn thận và chính xác, góc cạnh được anh ráp lại bằng mọng, thay vì dùng đinh để đóng, đúng theo ý muốn của tên cán bộ.  Việc làm công phu nhưng mất nhiều thời giờ.

Sau hơn một tuần lễ, bàn ghế đóng xong.  Tên cán bộ đến xem.  Anh ta gật đầu trầm trồ, ngõ ý rất hài lòng và muốn đặt làm thêm một bộ nữa.  Tôi lại đứng cưa cây xả ván, nhưng bây giờ bắt đầu cảm thấy thấm mệt.  Tôi đề nghị anh Trung tá Trưởng toán mộc nói với cán bộ mua đinh để đóng cho nhanh, nhưng thấy anh có vẻ lưng chừng, tôi đuối quá nên xin nghĩ việc, trở về K3 …

Qua ngày hôm sau, giữa ban trưa, cả trại vụt nghe một tràng đạn tiểu liên nổ vang rồi im bặt.  Anh em trong K3 hồi hộp cứ nghĩ là kháng chiến trong Chiến khu về giải cứu … Nhưng một chập sau thì thấy cửa trại mở toang và từng tốp lính gác với cán bộ vũ trang chạy rần rần vô K3, bắt tất cả anh em nằm rạp xuống đất.  Họ cho biết có những tên tù trốn trại, rồi bắt vài người trong K3 ra ngoài chứng kiến: Anh Thiếu tá Nam bị bắn gảy tay chân còn nằm vắt ngang hàng rào kẽm gai sau nhà vệ sinh.  Còn năm lớp kẽm gai nữa anh mới thoát ra được ngoài đường.  Nửa giờ sau thì một toán khác trong K3 được lệnh gở anh Nam xuống, đặt anh nằm trên tấm tôn rách nát, khiêng bỏ ở góc K3 vòng qua K4.  Máu vẫn rỉ ra từ các vết thương nhưng anh không được săn sóc cấp cứu một chút nào.  Cán bộ tuyệt đối không cho bất cứ người nào được đụng đến anh, mặc dù biết rằng trong K3 có nhiều bác sĩ giải phẫu.  Qua đêm trời lạnh, máu mất nhiều, không có dung dịch để truyền và thuốc men để cầm cự, anh không chịu nỗi, tiếng rên siết lúc đầu còn to sau nhỏ lần rồi tắt hẳn …

Trong lán chỗ anh nằm, còn một tấm đắp của anh bằng vải dù, được cấp phát cho anh khi mới vô K3, anh em dùng để tẩn liệm anh.  Anh được anh em đưa ra chôn cạn ngoài nghĩa trang, theo lệnh của cán bộ, nhưng lại bắt phải đặt anh nằm dưới chân những người bạn tù đã chết trong trại vì bệnh tật!

Được biết trong khi đi làm công tác thợ mộc, hai anh đã cẩn thận dò đường, canh giờ ngũ trưa của cán bộ mới vượt những lớp hàng rào kẽm gai còn lại.  Anh Thiếu tá Bé mặc quần đùi, nên dễ dàng vượt qua được những chướng ngại vật để ra đường lộ.  Vừa đúng lúc có một xe lam thường dân đi buôn chạy đến chở anh chạy trốn luôn.  Còn anh Thiếu tá Nam vì mặc quần nhà binh thùng thình, tay áo lại dài lượm thượm, nên bị vướng kẽm gai không gở kịp.  Thêm một điều rủi cho anh, là có một tên bộ đội bất ngờ thức dậy đi ra nhà vệ sinh, nên phát giác sự việc, xả súng bắn bừa khiến anh tử nạn.

Anh Thiếu tá Bé nguyên phục vụ tại phòng nhì tiểu khu Long An, cũng không gặp may mắn trọn vẹn khi xe chạy ngang vùng đang bị bố ráp vì có một cán bộ vừa bị giết chết đêm qua.  Anh bị bắt đem trở về trại Suối Máu, nhốt trong thùng thép Con nex đặt trước K3.  Chưa đầy ba ngày mà thấy thần sắc anh biến đổi hẳn.  Gương mặt phương phi của anh trở nên hốc hác, xám xì, mất vẻ hồn nhiên trong sáng của ngày nào.  Anh em trong K3 lén mỗi ngày ra tiếp tế cho anh.  Cán bộ cũng thường xuyên đến với mục đích thuyết phục anh làm bản tự kiểm, thành thật khai hết sự thật để được cách mạng khoan hồng tha thứ!.

Thời gian anh Thiếu tá Bé bị giam trong thùng Con nex thép đặt trước K3 thì trong thùng Con nex tương tự trước K2 cũng có anh Thiếu tá Nguyễn văn Thịnh từ Hóc Môn mới được đem về nhốt trong đó.  Anh Thiếu tá Thịnh cũng bị buộc tội tìm cách vượt trại.

Một tòa án Nhân Dân sẽ được thành lập trong trại tù Suối Máu để xử tội hai anh.

Cho đến một buổi chiều, trước ngày tòa án nhóm họp, một vài anh em lực lưỡng trong K3 được đưa ra ngoài nghĩa trang đào hai cái huyệt.  Anh Bé được thông báo nhưng vẫn không tin, trong khi Cán bộ thì càng đến thăm anh thường hơn.  Theo anh Bé thì “tòa án sẽ họp và anh sẽ được tòa độ lượng khoan hồng, hoàn toàn tha thứ cho anh”.

Thế rồi buổi sáng vào đầu tháng tư năm 1976, một tòa án Nhân Dân được dựng lên trong trại tù Suối Máu.  Mỗi K được chọn một số Đại diện lên tham dự phiên tòa.  Trong K3, số tù nhân còn lại tự động tập trung ngoài sân, ngồi dưới cái loa treo trên một thân cây, nghe ngóng.  Giờ phút nặng nề trôi qua.  Trong không gian im lặng, bỗng nghe một tiếng nổ vang chát chúa, kèm theo là hiện tượng thật lạ lùng: Bên ngoài, nắng đang gay gắt, trời nóng như thiêu, bỗng nhiên nổi lên một cơn gió lốc bất thường, lạnh buốt, khiến anh em phải rời bỏ chỗ ngồi ngoài sân để chạy nhanh về lán mình trùm mềm lại, tôi cũng ở trong trường hợp này.  Anh em đi tham dự phiên xử về tường thuật lại:

“Đứng trước bàn chủ tọa, do viên Sĩ quan chỉ huy trưởng của trại Suối Máu ngồi ghế Chánh án, anh Thiếu tá Nguyễn văn Bé đọc bản tự kiểm do anh viết, trong đó anh đã thêm thắt những điều anh không có vi phạm, những điều do chính tên cán bộ quản giáo đã thường xuyên xuống mớm cho anh, để làm cho tội anh càng nặng thêm. ”
Vừa nghe xong bản cáo trạng, viên Chánh án liền đứng dậy đập bàn, tuyên bố tử hình.  Anh Thiếu tá Bé chưa kịp có phản ứng gì thì hai tên Công an lực lưỡng đứng phía sau lưng đã tức khắc bước nhanh lên nhét một trái chanh vô miệng anh đồng thời bịt chặt miệng anh lại, lôi xoẹt anh đi.

Vài phút sau thì nghe tiếng súng nổ …

- Huyệt đã đào sẵn cho anh trước khi tòa xử! Đó là Công lý của Cộng Sản!

Cả trại chìm trong bầu không khí thê lương ảm đạm của tang tóc đau thương.  Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ.  Hôm đó trong K3 nhiều anh em đã bỏ cơm…

Sau đó ba ngày vào một buổi sáng tinh sương, một tên cán bộ vũ trang vào ngay trong lán kêu tên tôi, ra lệnh bảo tôi thu dọn đồ đạc.  Theo con đường cũ ngoằn ngoèo đầy bãi mìn, tôi lần bước đi sau anh ta ra khỏi trại.  Đến dưới tàn cây điệp gần bên chiếc xe Jeep cũ, nơi chúng tôi làm thợ mộc trước đây, anh cán bộ ngừng lại chỉ một dĩa cơm để sẵn dưới đất biểu tôi ăn.  Trời còn mờ sương.  Tôi từ chối.  Nếu đó là một ân huệ cho tôi trước khi đem tôi đi hành quyết vì cùng làm việc chung với nhóm người đã trốn trại, thì tôi cũng không bao giờ chịu nhục ngồi xuống ăn như vậy.  Anh cán bộ tiếp tục dẫn tôi đi thêm một đoạn đường nữa lên văn phòng bộ chỉ huy trại, kêu tôi lên ngồi trên chiếc xe nhà binh molotova của Liên Xô, có một người lính vũ trang Ak47 đứng canh chừng.

Loading