Tìm Kiếm Bài Đã Đăng
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
MỘT LỜI CÁM ƠN ĐÁNG QUÝ
Người Cán bộ của MTGP nhấn mạnh đến chữ “Chết” để cho tôi thấy rõ thân phận của tôi lúc bấy giờ. Hoàn cảnh thật nguy hiểm cho tôi!
Có lần tôi đi công tác với chị Bác sĩ Vũ thị Thoa - Trưởng khoa Nhi trong một ngôi làng hẻo lánh ở Củ Chi. Tôi cũng có dịp đi ra biên giới Tây Ninh giữa một đêm trăng rằm, gặp Bác sĩ Trần Thu Bảo, tôi đã cho đề tài Osteoblastoma of the rib để làm luận án Tiến sĩ Y Khoa. Luận án được GS Thái Minh Bạch giúp bảo trợ vào giờ phút chót vài ngày trước khi miền Nam sụp đổ. Đêm đó nghe nhiều tiếng súng lớn nhỏ nổ rền. Có đụng độ giữa Khmer đỏ bên Miên tấn công vào trại “Thụt Tạt” (một trại tù VC chuyên giam giữ lính Bắc Việt “Sinh Bắc nhưng không muốn tử Nam”, nên trên đường Trường Sơn kham khổ, nhiều anh thanh niên đã giác ngộ tìm cách đi thụt lui. Đến khi thấy không còn ai chú ý nữa, liền đánh bài “Tạt Ngang”, vô rừng đào tẩu). Đụng trận bị thương, những người lính này đã tình cờ chạy đến chỗ chúng tôi làm việc để xin được giúp đỡ chăm sóc. Trong đoàn công tác, có Bác sĩ La Văn Lân, một cán bộ trung kiên, trên đầu giường lúc nào cũng có quyển kinh Karl Marx.
Một hôm đi công tác miệt Củ Chi-Hố Bò thăm một bệnh viện của Pháp xây cất trong một đồn điền cao su, tôi gặp một đồng nghiệp trẻ tên Bích. BS Bích muốn được về Sài Gòn một thời gian để nghỉ ngơi. Nhân bệnh viện có phòng mổ nhưng không có chuyên viên gây mê, tôi đề nghị với Bác sĩ Kiên, Trưởng đoàn, cho BS Bích về Bệnh viện Nhân Dân để tôi huấn luyện về gây mê trong ba tháng. Thời gian quá ngắn, chỉ tạm đủ cho anh làm quen với sinh hoạt của phòng mổ thôi. Nhưng Bác sĩ Bích nuôi chí hướng lớn, muốn học hỏi đến nơi đến chốn, nên đã đi thăm Đức Thánh Trần và tìm đường đưa cả gia đình vượt biển sau đó ít lâu.
(Sang Hoa Kỳ năm 1980, tình cờ chúng tôi gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Bác sĩ Bích đã toại nguyện, hiện đang hành nghề trở lại tại Houston, Texas).
Trong thời gian tôi làm Tổng Quản Đốc, chức vụ ngang hàng với Thứ trưởng, bạn bè người quen đến thăm, ra vô nườm nượp. Đến khi đổi đời, lâm nạn, sa cơ thất thế, nhà tôi vắng như Chùa Bà Đanh. Ngày đêm thấy tôi bị công an rình rập, theo dõi, nên sợ liên lụy, mọi người không còn dám liên lạc với tôi như trước nữa. Tôi nghĩ đó cũng là chuyện thường tình, nên thông cảm, không hề than trách.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh khó khăn, ông Trời đã ban cho tôi một người bạn bằng tuổi người anh thứ tư của tôi. Lúc đầu chỉ quen sơ, nhưng về sau, đã trở thành một người bạn chí thân, đồng cam cộng khổ, chia sẻ mọi gian nan với tôi suốt những năm tháng sau này.
Tôi đi tù về trong hoàn cảnh bệnh hoạn và suy dinh dưỡng trầm trọng. Anh Hoàng văn Lộc là người bạn đã không ngại bị liên luỵ, nguy hiểm, đến thăm tôi và cách đôi ngày lại lái xe gắn máy, chở tôi ra các tiệm ăn lớn trong Sài Gòn-Chợ Lớn cho tôi bồi dưỡng … Nhờ vậy mà sức khỏe tôi được hồi phục nhanh chóng. Anh Hoàng Văn Lộc là một chuyên gia sưu tầm cổ vật, được thọ giáo và hợp tác sưu tầm với ông Vương Hồng Sển.
Nghề chơi nào cũng lắm công phu, nhất là chơi Đồ Cổ. Đó là cả một nghệ thuật thanh tao, đòi hỏi một sự hiểu biết căn bản vững chắc trong nghệ thuật, và có nhiều công phu nghiên cứu, chịu khó lặn lội, tìm kiếm, … Phải có đam mê mới chơi cổ vật. Anh đã được thân phụ truyền dạy từ Huế đô, nơi chôn nhau cắt rún của anh. Gần anh, tôi mới biết được cách thưởng ngoạn thú chơi cổ vật. Sau khi tra cứu cốt lõi, biết được chất liệu, họa vẽ và sắc màu, từ đó nhìn ngắm nước men bên ngoài, mới có thể phân biệt, thẩm định được một cái chén xưa, một cái bình cổ là thật hay giả, thuộc triều đại nào, đời Thanh, Minh, Đường, Tống, v. v… Đồ vật cổ xưa đã là quí, nhưng món đồ xưa mà có điểm thêm một chút khuyết tật thiên nhiên thì lại càng quí hơn, độc nhất vô nhị, cho biểu tượng “nhất kỳ nhì cổ”.
Một hôm BS Trần Cửu Kiến, Giám đốc nhà thương đứng xem tôi giải phẫu lồng ngực. Thấy tôi chăm chú tách những động mạch trong phổi, ông cấp cho tôi một giấy giới thiệu mua kính “gọng ngoại”. Người chủ tiệm kính trên đường Duy Tân ban đầu tưởng lầm tôi là một nhân vật Cách mạng quan trọng mới được quyền mua kính loại này. Đến khi biết tôi chỉ là “Ngụy đi tù về”, ông vừa mỉm cười vừa nói như trách móc: “Đến giờ phút này mà Bác sĩ cũng còn chưa sáng mắt ra sao?”.
Tôi đâu dám thố lộ cho ông là tôi đang thật sự cần một loại kính thật tốt, không phải để tiếp tục tra cứu sách vở Y Khoa, mà là để nhìn rõ tên những hòn đảo nhỏ hoang vu và những dòng chữ li ti trên hải đồ biển cả.
Từ ngày đi tù về, thấy chế độ CS không thích hợp, tôi đã quyết tâm tạm thời “xếp bút nghiên thuần túy khoa bảng” để học ôn lại thiên văn, nghĩ cách vượt biên đưa vợ con ra khỏi nước.
Mặc dù còn đang bị bệnh, tôi vẫn cố gắng luyện tập thể dục, giữ gìn cho cơ thể được cường tráng. Sáng sớm tôi ra sân Tao Đàn gặp vị võ sư người Trung Hoa, bạn của chú tôi. Ông chỉ tôi cách luyện tập các khớp xương cho cứng cát và những kỹ thuật Mai Hoa Quyền.
Từ ngày đi tù về, có lúc tôi nằm dưỡng bệnh trên khu Nội thương. Tôi thấy tội nghiệp bà Sáu già, người miền Nam làm việc lâu năm dưới nhà bếp. Không dám lên trại bệnh thăm tôi, nhưng ngày nào bà cũng dành cho tôi một phần cơm tươm tất, đặc biệt. Tôi sớt bớt, chỉ dùng một ít, còn lại để cho người y công trực hôm đó mang về cho con cái trong nhà.
Ở trong tù thì bị gò bó sau những lớp kẽm gai dày đặc. Về nhà trong Trung tâm thì thấy khó chịu vì đêm nào cũng có những bóng đen lảng vãng chung quanh, rình rập. Bất cứ hành động, lời nói gì của tôi đều có người theo dõi. Thật là dễ sợ! Tôi không dám ở lại lâu trong phòng bệnh, sau giờ làm việc để chăm sóc, hỏi han bệnh nhân. Tôi không dám tự nhiên vô bệnh viện thăm bệnh nhân nặng ngoài giờ làm việc như tôi đã từng làm trước đây. Bất cứ việc làm gì của tôi, dù lớn dù nhỏ, tôi cũng phải để ý đề phòng.
Biết mình bị kiểm soát chặt chẽ như một “người tù giam lỏng”, muốn được hai chữ bình an, lắm lúc phải biết làm ngơ, bịt mắt, bịt tai, bịt mồm, bịt miệng và phải nằm lòng chữ “nhẫn”, bất tri bất giác!
Dù vậy tôi cũng không xao lãng việc tìm đường ra đi, nhưng phải hết sức kín đáo. Chiều tan sở về nhà, đóng khóa cửa lại, cẩn thận vòng thêm một dây xích sắt, tôi yên tâm trùm mềm, nghe tin tức đài ngoại quốc VOA-BBC. Ban đêm trèo lên nóc nhà phía sau có sân hiên nhỏ, học ôn lại thiên văn, xác định vị trí của các sao Nam Tào, Bắc Đẩu (*), nghiên cứu các vùng biển từ Nam Hải đến vịnh Thái Lan bằng cách ráp nối những bản đồ được cắt ra ngụy trang làm giấy bao sách vở, trong khi vợ tôi tham gia ban tổ chức tìm tàu.
(* Bắc Đẩu hay Đại Hùng tinh là tòa sao có 7 ngôi ở hướng Bắc, vị trí cho thuyền đi bể ban đêm)
CẠM BẪY
Để gài tôi vào những thế kẹt bất lợi trong cuộc sống ở đây, và cũng là cách dò xét hành động tư tưởng của tôi trong thời gian mới ở tù về, cán bộ công an trong nhà thương đã làm giấy tờ giả, dùng tiêu đề cũ của bệnh viện, đặt nội dung ngụy tạo rồi ghép chữ ký thật của tôi đã dùng trước đây, có ý gài cho tôi một cái tội. Cũng may tôi đã đổi chữ ký sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
VC còn tổ chức đưa những bệnh nhân cũ của tôi đã mổ trước đây đến gặp tôi để tìm cách đưa tôi vào cạm bẩy, bằng những câu chuyện hấp dẫn có tính cách chánh trị hoang đường, bằng những đề nghị giúp đỡ tiền bạc của kháng chiến trong mật khu, có chứng minh thư đóng dấu KBC cũ của QLVNCH, chủ trương giúp đỡ thành phần quốc gia ưu tú vừa đi tù về, đang sống trong hoàn cảnh chật vật, khó khăn, bằng những tổ chức vượt biển kín đáo, an toàn đưa người ra ngoại quốc. Có người còn mời riêng tôi ra một phòng trà ở trên đường Hai Bà Trưng, kín đáo trao cho tôi một xấp tiền lớn, dày cộm, mới toanh, rủ rê vượt biển.
Nhờ được cảnh báo trước nên mọi âm mưu của VC gài để bắt tội, tôi đều tránh được . Thật tình tôi cũng không hiểu sao họ lại có nhiều trò ma mãnh để đưa tôi vào bẫy nhằm mục đích gì trong khi hoàn cảnh tôi là con cá nằm trên thớt?
Về nhà thương làm việc, trong thời gian còn “tự nguyện, thử thách, không lương”, nhờ được sự giúp đỡ của nhân viên phòng mổ, mỗi sáng đi làm tiếp tế cho tôi, mỗi người một chút, vài củ khoai luộc, một miếng bánh mì thịt nguội, hay ly nước mía. . để tôi có đủ sức đứng mổ suốt ngày, trên một chân như Flamengo bên Phi Châu (chân phải tôi còn yếu do vấn đề suy dinh dưỡng trong các trại tù cải tạo, phải gác lên trên cái ghế tròn, kê phía sau). Một nhân viên phòng mổ còn vui miệng nói đùa: “Truyện kiếm hiệp Kim Dung còn thiếu sót. Không có tả cảnh đứng tấn nào giống như của bác sĩ ngày hôm nay!”.
Chiều hết giờ làm việc trong phòng mổ, tôi trở thành bệnh nhân trên khu Nội thương và Vật lý trị liệu của nguyên GS Trần Lữ Y đã ra đi (vì chứng cao huyết áp và đau nhức chân).
Thời gian này đã có nhiều người bỏ nước ra đi. Có gia đình bệnh nhân cho tôi một căn phố lầu ở gần chợ Bà Chiểu. Đồ đạc, bàn ghế còn nguyên trong bao nhựa. Tôi cám ơn nhưng không dám nhận. Căn nhà hai tầng đồ sộ quá.
Anh chị Bác sĩ Trương Minh Ký cũng có nhã ý cho tôi một căn nhà trệt, rộng rãi có nhiều đất trống, có vườn cây ăn trái của anh chị ở ngã năm phía trên nhà thương. Tôi cũng cám ơn từ chối.
Cuối cùng nhờ một anh bạn thân giới thiệu, chỉ dùm một căn nhà vừa phải, trong hẻm Duy Tân, Quận Ba, nơi tôi đã ở trước kia khi còn nhỏ, gần đường Hiền Vương (tức đường Mayer cũ). Dọn được ra khỏi nhà thương tôi rất mừng. Nhưng về đây mới thấy đúng là “rừng nào cọp nấy”. Sáng sớm vừa mở cửa ra là đã có an ninh phường chực sẳn, gờm gờm đi thẳng từ trước ra sau nhà bếp, quan sát kỹ lưỡng mọi ngõ ngách.
Ban đêm tôi lại bị cắt cử “công tác dân phòng” xách gậy và dây lạt ra ngồi dưới cột đèn, canh gác đường phố và khu vực từ khuya đến sáng. Biết mình bị kiểm soát chặt chẽ như một thứ “tù giam lỏng”. Muốn được hai chữ bình an, lắm lúc phải biết làm ngơ, bịt mắt, bịt tai, bịt miệng và phải thuộc nằm lòng chữ “Nhẫn”. Đợi chuông nhà thờ Đức Bà đổ, ký tên vào sổ trực gác, trở về nhà chuẩn bị ăn sáng, xong men theo hẻm Trần Tấn Phát, ra góc đường Phan Thanh Giản-Hai Bà Trưng, đón xe lam đi vô nhà thương làm việc đến chiều.
Nghĩ thật khôi hài. Tôi đi tù cải tạo về, còn trong thời kỳ bệnh hoạn, yếu kém về thể lực; nếu có kẻ gian manh thật sự, chúng có thể dùng dây để trói tôi dễ dàng hơn là tôi trói chúng!
Đêm khuya đường vắng, chó trong xóm thích chun ra đường tụ tập, đùa giỡn, sau một thời gian ngắn, tôi làm quen được chúng. Không biết tên từng con, nhưng tôi biết rõ chúng thuộc loại nào, nhà cửa ở đâu, dọc hai bên phố. Tôi vui có chúng làm bạn, trong lúc gác đường. Đem theo ít bánh, tôi phát cho chúng ăn. Đêm nào điểm danh thấy vắng mặt một “anh”, là tôi nghĩ chắc anh chàng bị phạt xiềng đầu trong một góc nhà đâu đó, không được đi chơi. Tôi lại để dành phần bánh cho anh vào dịp khác. Ngẫm nghĩ thấy chơi với chó lại dễ chịu hơn chơi với người, nó không hù dọa, gầm gừ xoi mói mình như mấy tên “cách mạng” ở đây.
Làm nhiệm vụ canh gác đường phố, tôi cũng không bỏ cơ hội nhìn trời, ngắm sao, ôn lại thiên văn, Nam Tào, Bắc Đẩu để phòng sử dụng, nếu sau này có cơ hội vượt biển bằng tàu …
Dù có yêu nước, dù có thương đồng bào, nhưng sống trong một xã hội Cộng Sản hẹp hòi, dựa trên hận thù và đố kỵ, tôi không thể làm được điều gì có ý nghĩa chân chính trong lãnh vực chuyên môn Y khoa để phục vụ cho bệnh nhân nữa.
Nhớ những lời nói ân nghĩa của anh cán bộ MTGPMN, phân tích lợi hại mà tôi đã cẩn thận tránh được nhiều cạm bẩy do CS giăng ra cho đến chiều tối ngày 14 tháng 5- 1979 tôi đặt chân xuống được chiếc tàu vượt biên KG0783 ở Rạch Giá-Kiên Giang cùng với gia đình để rời khỏi Việt Nam
VƯỢT BIỂN
Trong lịch sử thế giới, chưa bao giờ có chuyện người dân trong một nước ồ ạt ra khơi bằng những thuyền chài mỏng manh, ghe tàu nhỏ chỉ quen chạy trên sông rạch lại dám ra biển lớn rời bỏ quê cha đất tổ, rời bỏ đất nước thân yêu, liều chết trên đại dương mênh mông, để vượt thoát chế độ gông cùm Cộng Sản, mong tìm được một chút tự do ở những miền đất xa xôi vô định.
Người dân miền Nam Việt Nam, sống hơn 30 năm triền miên trong khói lửa chiến tranh nhưng vẫn tha thiết yêu mến quê hương, tổ quốc. Mãi đến khi Cộng Sản miền Bắc xâm chiếm miền Nam, và sử dụng chính sách trả thù, tù đày, tịch thu tài sản, hà khắc vô nhân, khiến cho lòng người miền Nam căm hờn, uất ức, lúc đó họ mới đành phải rời bỏ đất nước ra đi, vì họ đã bị đưa vào đường cùng, mạt lộ …
Đi được hay không, dường như mọi người đều có những mẫu chuyện riêng tư, trong bối cảnh nước mất nhà tan, để kể cho nhau nghe. Riêng tôi, cảnh trốn chạy Cộng Sản cũng có nhiều điều đáng nhớ. Tôi muốn ghi lại sự thật về hoàn cảnh đưa đến sự trốn chạy Cộng Sản này của tôi, gọi là thêm một chút tài liệu để suy ngẫm.
Vào cuối năm 1974, đại diện cho Bộ Y Tế VNCH tham dự Đại hội Y tế Quốc tế tại thủ đô Nairobi-Kenya, một đồng nghiệp Phi Châu có đưa cho tôi xem một tấm hình chụp một đoàn xe cơ giới hạng nặng trên dãy Trường Sơn, kèm theo lời giải thích:
“Đây là một đoàn xe thiết giáp Bắc Việt đang đóng dọc theo biên giới miền Nam Việt Nam. Bắc Việt đang tập trung toàn lực để tấn công miền Nam với sự yểm trợ tối đa của Liên Xô và Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ đang tìm cách tháo lui khỏi Đông Dương ….
Chắc anh cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho đất nước của anh trong hoàn cảnh đen tối này. Vậy tôi xin anh hãy rời bỏ vị trí hiện tại để ra đi càng sớm càng tốt. Chúng tôi đang có nhu cầu, cần những bác sĩ giải phẫu giỏi, chuyên khoa về lồng ngực. Chúng tôi sẽ trả lương hậu cho anh và bảo trợ cho gia đình anh được sống bình yên. ”
Tôi đã cám ơn tấm thạnh tình và từ chối lời đề nghị ưu ái của vị đồng nghiệp vì tôi không tin tưởng vào sự thua trận dễ dàng của miền Nam. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng mình đi nước ngoài học hỏi, thu thập điều hay lẽ phải để về phục vụ cho quê hương cho đồng bào ruột thịt của mình, tại sao phải bỏ chạy? Tại sao phải ích kỷ vì quyền lợi của mình mà bỏ mặc đất nước lúc binh biến đau thương?
Không dè có ra ngoài mới thấy rõ được tình hình trong nước. Tôi trở về Sài Gòn vài ngày trước 6 tây tháng Giêng năm 1975 để đón nhận một cách đau lòng Phước Long thất thủ.
Tỉnh Phước Long còn có tên Sông Bé, Bà Rá, là một vùng đất ở cuối dãy Trường Sơn, nằm sát biên giới Campuchia, một nơi rừng thiêng nước độc, trước kia đã từng được thực dân Pháp dùng để lưu đày những nhà ái quốc Việt Nam. Tôi đã hai lần tình nguyện lên đây phục vụ, sau Tết Mậu Thân 1968, và sau khi đi học Giải phẫu Lồng ngực tại Nhật Bản về vào cuối 1970 cho đến mùa Thu năm 1971. Phước Long được xem như là cửa ngỏ dễ dàng cho sự xâm nhập của Cộng Sản từ dãy Trường Sơn xuống chiến khu D và về miền châu thổ sông Cửu Long.
Vào những ngày cuối tháng tư năm 1975, khi thành trì cuối cùng Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh, do Sư Đoàn 18 của tướng Lê Minh Đảo trấn giữ, bị tràn ngập, các phái đoàn Y tế ngoại quốc trong Trung tâm thực tập Y Khoa Gia Định-Bệnh viện Nguyễn Văn Học nhận thấy tình thế bất an nên đến từ giã tôi để về nước. Họ đã cho tôi biết “Bánh xe lịch sử đang chuyển”, và khuyên tôi cũng nên tạm rời khỏi Việt Nam, nếu không muốn bị nghiền nát!
Và anh Bác sĩ Bạch Đình Minh, một người đàn anh đáng kính cũng đã hết lòng khuyên tôi phải ra đi trước khi Cộng Sản tràn vào. Phải thú thật là tôi cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất nếu SG thất thủ…
Phái đoàn Y tế ngoại quốc hứa giúp phương tiện cho tôi nếu cần. Bác sĩ Huỳnh Văn Huờn, nguyên Tổng trưởng Y tế cũng ngõ ý muốn giúp gia đình tôi cùng xuất ngoại, sau khi chúng tôi đến thăm phòng mạch bác sĩ Trần Lữ Y trên Dakao, thấy cửa chính đã đóng kín, tấm bảng ghi giờ làm việc kéo lệch ngang cửa sổ, Sài gòn những ngày đầu tháng 4 đã có nhiều nhân vật máu mặt rục rịch di tản. Họ đã nghe hơi gió của sự thất bại, họ có nhiều kinh nghiệm xương máu của đợt di dân 1954.
-Thà chết chớ không thể sống chung với Cộng Sản!
Gia đình tôi lúc ấy cũng chuẩn bị để ra đi, nhưng vào giờ phút chót, phi trường Tân Sơn Nhứt và vùng phụ cận tỉnh Gia Định bị pháo kích nặng nề. Trên 550 thường dân, phần lớn đàn bà và trẻ em bị trúng đạn pháo kích, được đưa về cùng một lúc, và nằm la liệt ngoài sân bệnh viện dọc theo hành lang xuống đến nhà xác. Số người bị thương quá đông chưa từng thấy.
Trong tư thế Tổng Quản Đốc Trung tâm Thực tập Y Khoa Gia Định- Bệnh viện Nguyễn Văn Học, kiêm nhiệm Trưởng khu Giải phẫu (Bác sĩ Trưởng khoa đã ra đi), tôi giống như một thuyền trưởng trên con tàu đang gặp nạn ngoài biển khơi, đầy bão tố. (hình)
Với tinh thần trách nhiệm, nhất định tôi phải ở lại với con tàu cho tới giờ phút cuối cùng, cho dù bất cứ chuyện gì có thể xảy ra. Tôi khuyên các em tôi đi trước, cũng như giúp đỡ phương tiện cho nhân viên, đồng nghiệp nào muốn ra đi bằng máy bay hay tàu thủy. Còn tôi vẫn tiếp tục ở lại phòng mổ, cặm cụi làm việc cho đến 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi buông súng đầu hàng.
Mấy ngày sau đó, cùng chung số phận với những đồng nghiệp khác, tôi bị bắt đi học tập chính trị bên trại Phan Đăng Lưu rồi đi tù cải tạo, bị chuyển một cách bí mật kín đáo từ trại này sang trại khác: Trảng Lớn, Xuân Lộc, Suối Máu, Sóng Thần.
Cuộc đời đã thay đổi hoàn toàn, Miền Nam sau ngày giải phóng “thay da đổi thịt” theo đúng nghĩa huênh hoang của CS là trí thức xuống vỉa hè vá xe đạp, chạy Honda ôm, vợ con ngụy quân ngụy quyền thì đứng đường bán từng cái áo, cái quạt máy, tivi. Nhà nhà ăn cơm độn khoai, gạo mua theo tiêu chuẩn, thịt cá có chế độ cấp phát định kỳ, còn thuốc men là hàng cao cấp quí hiếm.
Sĩ quan QLVNCH trước đây là thành phần ưu tú của đất nước, nay bị đòn thù của CS trở thành tù nhân trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc, bị đày đọa nhục hình, đói kém suy kiệt cho đến chết với tội danh có “nợ máu với nhân dân”. Luật pháp nằm trong tay kẻ thống trị, nên có những bản án tử hình được tuyên trước khi đem tội nhân ra xét xử. Một thứ luật của bạo quyền chỉ có trong thời Trung cổ, vậy mà bây giờ lại xuất hiện ở đất nước tôi. Than ôi thời mạt vận, kẻ dốt nát lên cầm quyền thì quốc gia suy vong là điều không tránh khỏi!
Ngay trong lãnh vực Y tế, tôi đã chứng kiến những thực tế khó tin nhưng có thật. Sinh viên Y Khoa không còn được huấn luyện thuần túy theo trình độ hiểu biết chuyên môn nữa mà phải dựa theo thứ tự ưu tiên “Hồng trước rồi mới Chuyên sau”. Có những vị “bác sĩ chuyên tu” có tuổi đảng cao, nhưng trình độ văn hóa kém, lớp 5 lớp 7, chỉ hiểu được cơ thể học của phổi một cách thật đơn giản: Phổi bên phải có ba lá, và phổi bên trái chỉ có hai lá mà thôi.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Kính chuyên môn dạy Cơ thể học nhiều năm trong trường Đại học Y khoa Sài Gòn đã than phiền: Tôi đã dọn bài học kỹ lưỡng. Nhưng khi tôi ví lá phổi khô sau khi ngâm formol, như cánh cây mùa đông với những nhánh phổi nhỏ, những động mạch, tĩnh mạch … nằm chằng chịt lên nhau, thì nhìn xuống lớp thấy khóa sinh ngồi ngáp, có người còn ngủ gục. Họ phê bình, chê tôi dạy dở! GS Kính chưa biết trình độ văn hóa của họ còn quá thấp!
Tôi đã chứng kiến những cuộc hội chẩn Y Khoa mà quyết định cuối cùng phải dựa vào ý kiến của người có tuổi đảng cao nhất trong buổi hội, chứ không dựa vào ý kiến của những người có nhiều hiểu biết chuyên khoa, uyên bác, liên quan đến vấn đề. Đó là một điều ngu xuẩn nhất trong chế độ dốt nát này.