Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
dys
ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (20)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
- Qua vùng xôi đậu khám bệnh
- Phước Long Bà Rá
- Ấp Thượng Bunard
- Chỉnh trang lại Bệnh Viện
- Ấp Sông Bé
- Ra Tòa Làm Chứng
- 30 Tháng Tư Năm 1975
- Trại tù đầu tiên
- Trại Tù Xuân Lộc
- Trại Tù Suối Máu
- Trại Tù Sóng Thần
- Một lời cám ơn đáng quý
 
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2015
BUỔI HỘI THẢO Y KHOA CUỐI CÙNG
TẠI HỘI TRƯỜNG BỆNH VIỆN NHÂN DÂN

Anh em trong nhóm dự định vượt biển đã có gặp nhau đôi lần, nhưng vẫn còn hoang mang vì chưa thấy hình dáng chiếc tàu mình sẽ giao phó sinh mạng ra sao. Phần tôi, chỉ biết đây là chiếc tàu bằng gỗ, chuyên chở hàng hóa trên đường Rạch Giá - Phú Quốc, đã bị chìm ngoài cửa biển, gần Hòn Tre. Người chủ tàu gốc Trung hoa tên Lý Đông, mướn người trục lên và cho tu bổ lại.

Có lần ông lên Sài Gòn thăm tôi. Cùng đi với ông còn có một Thiếu úy Hải quân trẻ tuổi, mang theo trong người một bản đồ vượt biển do ông vẽ bằng tay. Bản đồ bèo nhèo, khuôn khổ chỉ bằng một bàn cờ tướng nhỏ, vuông vức, với một đường mực đậm, kẻ từ bãi đáp Tác Ráng ra khơi 270 độ.  Đến hải phận Quốc tế lại đổi hướng về Mã Lai. Ông Lý Đông có hỏi tôi ý kiến về cuộc hành trình này…

Từ Long Xuyên lên, ông có gặp bác sĩ Mã Xái và được bác sĩ Mã Xái giới thiệu về tôi, cho biết tôi có hai bằng Cận Dương và Viễn Dương Thuyền Trưởng, và trước khi về trường Y Khoa, tôi cũng đã có một thời gian kinh nghiệm làm Sĩ Quan Hàng Hải để mưu sinh. Thảo luận với hai ông, tôi cho biết trước đây, mỗi lần chuẩn bị để cho tàu ra khơi, là phải xem xét lại cẩn thận tình trạng của tàu, từ thân tàu, nước sơn, trọng tải, từ cơ khí, dụng cụ hải hành, v. v… Tuy nhiên, bây giờ âm thầm vượt biển, không có đủ phương tiện để đo lường sức gió, đo lường sức nước. Chỉ dùng phương pháp hải hành ước lượng (Navigation par l’estime) để đi. Như vậy, tối thiểu, cần có một la bàn nhỏ để định hướng, tránh cho tàu không bị trôi dạt quá xa ra khỏi lộ trình là tạm được, ban đêm trời tốt thì nhìn thêm sao để định hướng. Kế hoạch tính toán cố gắng không để sai sót để chuyến đi an toàn.

Gần đến ngày vượt biển, thì lại có một buổi Hội thảo Y Khoa quan trọng dự định tổ chức ngay tại bệnh viện Nhân Dân, nơi tôi đang làm chủ nhiệm Khoa Ngoại. Trong tư thế này, tôi cảm thấy lúng túng.Tôi không thể đứng bên lề cuộc Hội thảo chuyên đề Giải phẫu mà không bị để ý nghi ngờ. Tôi phải nghĩ đến việc đóng góp một vài đề tài liên quan đến Giải phẫu để thuyết trình. Và đợi đến ngày Hội thảo, tôi sẽ đến sớm, xin trình bày phần nói chuyện của tôi, sau đó tính chuyện chuồn êm.

Giữ đúng kế hoạch, tôi vẫn cần mẫn, tập trung làm việc như thường lệ. Sáng lên khoa Nội hội chẩn, lựa bệnh để mổ, xuống khoa Ngoại xem hồ sơ bệnh nhân các trại, xong trở về phòng mổ, cùng anh Tỵ ( Điều dưỡng trưởng phòng mổ kiêm Trưởng ban Gây mê) để sắp xếp chương trình giải phẫu cho tuần sau, bao gồm việc mổ Kinh động mạch (Patent Ductus Arterriosus) cho thân nhân một bạn đồng nghiệp cùng khóa. Trường hợp này tôi đã dự trù giải quyết trong tuần trước, nhưng người bệnh muốn lựa chọn ngày lành tháng tốt trong lịch Tam Tông Miếu, nên xin hoãn lại.

Tôi cũng tìm cách trang trải nợ nần, những gì tôi còn thiếu của bệnh viện, của nhân viên. Nhà thương trước đây thấy tôi không có phương tiện di chuyển nên tự ý cho tôi mượn hai trăm đồng (200) để mua xe đạp, đồng thời cấp cho tôi một giấy giới thiệu để các tiệm bán xe ngoài phố dành mọi dễ dàng cho tôi. Còn trong giấy mượn tiền viết tay, anh bạn Bác sĩ Ngô Tôn Liên, giỏi Hán văn, đã khéo dùng danh từ và cách hành văn thế nào mà trong suốt trang giấy nợ mượn tiền, không có chữ nào là nợ!  Anh lại còn cao hứng ký tên anh luôn dưới đơn mượn tiền:

Để đó, “moa làm tất cả cho toa”.  Bây giờ toa ở trong thế họ đang cần đến, nên rất có giá, toa đừng bận tâm lo gì về chuyện nợ nần nữa”.

Anh chưa biết ý định ra đi của tôi. Chỉ tới giờ phút chót, tôi mới tâm sự với anh. Tôi có ý định giới thiệu ông chủ tàu cho anh, nhưng anh không đi được vì lý do gia đình đông con, chuyện đi lại không có gì là chắc chắn. Anh Liên là bạn thân cùng lớp. Chúng tôi từng có thời gian đi học chung tại Tổng Y Viện Letterman Hoa Kỳ. Không muốn để anh bị liên lụy, tôi đã nhờ người quen bán dùm chiếc xe đạp còn mới nguyên, lấy lại đủ số tiền, nhờ anh Tỵ kín đáo trả lại cho Ban Hành chánh và xin lại giấy nợ có chữ ký của bác sĩ Liên.

Tôi cũng không quên thanh toán tiền xăng nhân viên đã mua dùm cho tôi để trả lại cho nhà thương.  Số xăng 20 lít này nhà thương đã cho gia đình tôi mượn trong dịp làm tang lễ cho Ba tôi, khi tôi còn trong trại tù Xuân Lộc. Từ ngày đi tù về, tôi đã dành dụm trả được 15 lít. Ông Chính ủy Ba Thiên của nhà thương xuống phòng mổ gặp tôi: “Anh đã trả bao nhiêu đó cũng đủ rồi, thôi coi như huề”.  Ông còn căn dặn nhân viên thủ kho ngưng nhận xăng của tôi trả. Nhưng tôi đã cám ơn ông, chỉ muốn trả cho dứt. Và lần này, đích thân tôi mang xuống phòng tiếp liệu giao tận tay cho anh thủ kho đồng thời xin một biên nhận đã trả đủ số xăng cho nhà thương.

Mọi việc làm, tôi cố giữ kín đáo. Tuy nhiên đã không qua mắt được cô D, một nhân viên gây mê trong phòng mổ. Cô rất lanh trí. Thấy hành động của tôi có vẻ bất thường, nên để ý:

Bộ Bác sĩ định bỏ đi hả?”.

Tôi phải nói trớ là vừa mới được lãnh lương nên nghĩ đến việc trả những món nợ nhỏ từ từ, chứ còn lòng tốt của nhân viên, đượm nét thâm ân, đã giúp đỡ tôi mọi thứ từ ngày tôi đi học tập cải tạo về, từ củ khoai lang, từ miếng bánh mì thịt nguội, đến ly nước mía lạnh …, những sự giúp đỡ tâm tình ấy, trong cơn hoạn nạn, thì làm sao tôi trả cho hết được!

Suốt ngày cặm cụi làm việc trong phòng mổ số 5 được trang bị riêng để mổ tim theo chương trình của GS Carpentier (Pháp) đã được dự tính trước đây, có máy tim phổi nhân tạo, còn đang bỏ trống, tôi nhờ anh Tỵ phụ tôi sưu tầm những trường hợp có thể đưa ra trình bày để học hỏi.  Không ngờ anh Tỵ quá nhiệt thành:

Tưởng gì khó chứ tìm một vài đề tài để thuyết trình thì quá dễ dàng. Kể từ ngày đi học tập cải tạo về tới nay, ông Thầy có mổ thêm nhiều trường hợp hay và lạ lắm”

Rồi anh soạn ra một số hồ sơ cho tôi chọn lựa, bao gồm: một viên đạn đại liên phòng không trúng ngực một bà cụ 78 tuổi, làm lủng phổi trái, và nằm đè lên tim gây tức ngực và khó thở (H1); bao từ nằm trong xoang phổi phải (H2); biến chứng viêm phổi do ký sinh trùng amib tạo áp xe trong gan (H3); bướu dị dạng (teratoma) trong trung thất nằm sát vách tim của một cô giáo trẻ tuổi ở Vĩnh Long (H4); bướu dị dạng trong phổi trái của anh thanh niên Lê văn Bé (H5); bướu dị dạng trong xoang bụng (H6); phổi biệt trí nội thùy (Sequestration pulmonaire) mổ cách đây không lâu cho một ký giả trẻ, và thêm nữa là một đề tài hiếm có trong Y học mà tôi đã trình bày trong trường Y khoa (H7) trước đây, đó là kỹ thuật cắt bỏ phân thùy phổi số 4 bên phải cho một thanh niên con cán bộ đã lấy súng của bố tự bắn vào ngực để tự tử vì không xin được tiền đi chơi. 

Ngoài ra, có hai trường hợp mổ Kinh động mạch “Patent Ductus Arteriosus” cho hai em học sinh người Việt và người Hoa, kết quả đều tốt; trường hợp lủng thực quản do hóc xương mèo, xương vịt (H8) (vì ăn vội vã, sợ lối xóm nhìn thấy báo cáo cho An ninh biết nhà mình . . giàu!). Thêm vào đó, còn có nhiều cuộc giải phẫu trước đây với đoàn giải phẫu tim của GS Warenham thuộc trường Đại học Loma Linda Hoa Kỳ (H9).

Anh còn hào hứng nói thêm:

“Tất cả tài liệu tôi còn lưu giữ kỹ trong phòng mổ, gồm có hồ sơ, phim chụp phổi, hình chụp các bướu dị dạng sau khi mổ, các xét nghiệm y khoa, v. v… Có đề tài tôi cũng thích thú vì lạ mắt, chưa thấy lần nào, nên xem tới xem lui hoài đâm ra nhập tâm, gần như thuộc lòng. Vì vậy bất cứ lúc nào ông Thầy cần tôi sẽ lấy ra ngay, đầy đủ”.

Tôi cám ơn anh Tỵ rất nhiều.  Anh đã đắc lực giúp tôi giải quyết nhanh chóng những vấn đề cấp bách.

Anh Tỵ là một Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê, tốt nghiệp Gây mê Hồi sức trường Đại học Y dược Hà Nội 1953-54, có trình độ văn hoá Brevet 1er cycle, Diplome, thích nói tiếng Pháp, ngâm thơ Lamartine, Victor Hugo, Alfred de Vigny, Alfred de Musset… Anh có đức tính rất tốt, hay giúp đỡ bạn bè. Anh còn giỏi trong chuyên môn Gây mê, có tinh thần hiếu học và cầu tiến. Trước đây khi chế độ VNCH còn tồn tại tôi có nghĩ đến trường hợp anh như một Medecin Indochinois, để đưa anh ra ngoại quốc học thêm về Gây mê Hồi sức, hoặc một ngành nào anh thích, ngõ hầu anh có cơ hội thăng tiến. Anh là một tài năng, rất xứng đáng được nâng đỡ nhưng trong hoàn cảnh nước mất nhà tan như thế này thì đành chịu. Anh không còn cơ hội để phát huy nghề nghiệp được nữa.

Soạn được đề tài thuyết trình vừa ý, tôi cảm thấy yên tâm.

Nhân dịp tài liệu đầy đủ, tôi cũng muốn lưu lại cho nhà thương một ít kỷ niệm về những công trình giải phẫu đã được thực hiện mấy năm nay, nên đã phối hợp với Bác sĩ Ngô Tôn Liên, Bác sĩ Đặng Thị Mai Liễu và vài nhân viên Y tá như anh Huỳnh Văn Tỵ, cô Trương Thị Thiệt, cô Trần Thị Ngọc Hương, cô Trần Thị Thiện, làm việc gấp rút trong một thời gian ngắn, và hoàn thành được 5 tập hình ảnh về Giải phẫu lồng ngực và Tim mạch tại Bệnh viện Nhân Dân (tức là TTTTYKGĐ-BV Nguyễn văn Học cũ): Ba tập lưu giữ tại thư viện của Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định, một tập để tặng GS Tôn Thất Tùng, một tập tôi giữ.

Ông Bác sĩ Trần Cửu Kiến Giám đốc nhà thương hỏi sao tôi không viết đầy đủ chi tiết từng bài.  Câu hỏi rất đúng trên phương diện Khoa học, như một số bài khảo cứu về y khoa trước đây tôi có cho đăng trong tập san Y Học. Lúc đầu tôi cũng có ý định làm như vậy. Nhưng nghĩ việc trình bày đầy đủ các tài liệu Y khoa đòi hỏi nhiều ngày giờ, cần phải tham khảo, nghiên cứu sách vở thêm.

Với hoàn cảnh hiện tại của tôi bây giờ có khác, không biết chừng nào tôi bị đưa ra miền Bắc như tôi đã có nhận được lệnh chuẩn bị sẵn sàng, lành, dữ chưa biết ra sao, nên trong tình thế gấp rút, bất khả lường, với mục đích để kéo dài thời gian, tôi chỉ có dụng ý cho thấy tôi như “con bò còn sữa”, nên chỉ viết khái quát, trình bày sự việc một cách tổng hợp mà không phân tích tỉ mỉ, đi sâu vào chi tiết. Có mấy lần, ông Bác sĩ K, lựa đề tài và yêu cầu tôi đến nơi này, nơi nọ để thuyết trình.  Tôi chỉ hỏi ông cho biết thời gian nói chuyện của tôi là bao lâu: từ một tiếng đến ba tiếng. Rồi đem theo vài tấm phim lớn, tôi trình bày đề tài đúng theo thời gian qui định, dành vài phút để trả lời những câu hỏi. Xong chấm dứt, cám ơn cử tọa và “hẹn ngày tái ngộ” (?) với một đề tài khác.

Trở lại chuyện chuẩn bị cho ngày họp cuối cùng này, tôi cũng hơi bối rối nên tôi mới tờ mờ sáng là tôi đã lên Hội trường sớm với ý định xin trình bày trước đề tài y khoa của tôi rồi chuồn êm. Không ngờ Bác sĩ Trần Cửu Kiến Giám đốc nhà thương lại đề nghị tôi làm Chủ tọa cuộc Hội thảo. Thế là tôi ở trong thế bị kẹt. Ngồi trên bàn chủ tọa, liếc xuống cuối phòng họp thấy hai anh GS Thái Minh Bạch và BS Dương Hồng Mô nhìn tôi có vẻ buồn, lo ngại cho cuộc tổ chức vượt biển bất thành.

Phần tôi, bị chi phối bởi vấn đề vượt biển và không có chuẩn bị trước cho cuộc Hội thảo Y khoa quan trọng, có nhiều phái đoàn Y khoa các nơi khác về đây tham dự, nên lúc đầu, tôi cảm thấy ngại ngùng, không yên. Tuy nhiên bị đặt vào tư thế cần phải phấn đấu với mọi khó khăn trong danh dự, tôi tập trung hết tư tưởng để điều khiển phiên họp, giới thiệu thuyết trình viên, đúc kết bài nói chuyện của tác giả, đưa ra nhận định, góp ý, trả lời những thắc mắc.

Có đoàn bác sĩ CS của viện 108 (TYV Cộng hòa cũ) đến tham dự. Đoàn không có thuyết trình viên, nhưng có nhiều người nêu ra những câu hỏi hóc búa về Giải phẫu và Gây mê Hồi sức. 

Tôi đã trả lời thông suốt và thỏa đáng về phần giải phẫu, nhất là Giải phẫu về Lồng ngực, Tim mạch. Riêng những câu hỏi khó khăn về Gây mê hồi sức của một nữ cán bộ CS chuyên ngành trong nhà thương Chợ Rẫy nêu ra, thì đã có anh bác sĩ Ngô Tôn Liên, lịch thiệp, nhẹ nhàng tiếp đón. Sau khi trả lời, anh nhìn tôi mỉm cười, tỏ vẻ đắc ý. Anh Liên có kiến thức sâu rộng, vững chắc trong lãnh vực này. Trước kia anh đã từng học thêm khóa đặc biệt Gây mê Hồi sức tại TYV Letterman nổi tiếng của Quân Lực Hoa Kỳ đồn trú tại 6th Prewsideo San Francisco California vào năm 1962 và đã có một thời làm Trưởng khoa Gây mê Hồi sức tại TYV Cộng hòa, một trung tâm có khả năng chữa trị cho trên 3.000 thương bệnh binh toàn quốc.

Chương trình cuộc Hội thảo chuyên đề được kết thúc bằng phần nói chuyện của bác sĩ Nguyễn Anh Tài. Tốt nghiệp tại Pháp, về VN hành nghề Giải phẫu lâu năm trong phòng mổ Bệnh viện Chợ Rẫy chung với Bác sĩ Phan văn Đệ. Bác sĩ Tài nói thao thao bất tuyệt về đề tài “Chữa bệnh suyển bằng cách cắt bỏ tuyến Carotid bodies (Glomera Carotica), hai khối tế bào nhỏ màu nâu đỏ, hình trái xoan [2,5-4) ly x [5-7) ly (Gray’s anatomy page 971) nằm ở giữa hoặc gần cháng hai của động mạch cổ “mà anh đã để tâm nghiên cứu trong nhiều năm qua”.

Bác sĩ Tài đã trên 60 nhưng vẫn còn tráng kiện, phong độ, làm việc suốt ngày trong phòng mổ không biết mệt. Trước khi mổ, một mình Bác sĩ, hai tay đỡ người bệnh đặt lên bàn mổ. Xong cuộc giải phẫu, một mình ông cẩn thận hai tay khiêng người bệnh xuống giường và nhẹ nhàng đẩy về phòng hồi sức. Bác sĩ Nguyễn Anh Tài, chưởng môn Hàn Bái Đường, với đức tính khiêm tốn, chỉ muốn đồng viện gọi Bác sĩ bằng anh, chứ không gọi bằng Thầy. Cao hứng anh còn ngâm nga những câu hò miền Nam:

Ò e! ai kéo đờn cò (= bị bệnh suyển)

Và nhắn nhủ đồng bào bị bệnh suyển vùng Rạch Giá-U Minh hãy mau lên SG tìm anh để được chữa trị cho dứt bệnh. Anh còn muốn nói nhiều hơn nữa… Anh làm tôi bối rối! Tôi cảm thấy mất bình tĩnh, hồi hộp, tim đập nhanh như kẻ trộm bất chợt bị chủ nhà bắt gặp... Có tật giật mình, đúng là tôi giật mình thiệt vì bờ biển Rạch Giá là nơi chúng tôi đã chọn lựa để làm nơi xuất phát vượt biển! Vô tình hay cố ý đây? Trong bụng tôi đánh lô tô. Đã vậy ông Dược sĩ Nguyễn Duy Cương, CS, Đại diện sở Y tế thành phố HCM, trong bài diễn văn bế mạc buổi Hội thảo lại kêu gọi những ai có ý định vượt biển hãy hồi tâm suy nghĩ lại! Ông gián tiếp cho biết giới bác sĩ y khoa đang bị theo dõi chặt chẽ.

Buổi họp rồi cũng kết thúc. Thật là hú vía. Chúng tôi vội vã chuồn nhanh kẻo trể.
BUỔI GÁC ĐƯỜNG PHỐ CUỐI CÙNG

Tối nay buổi gác đường phố cũng xảy ra như thường lệ, với cảnh trí chung quanh quen thuộc.  Khoảng đường Duy Tân vắng vẻ, đèn đường lờ mờ. Chỉ có ngọn đèn góc Phan Thanh Giản là tương đối sáng hơn. Tôi nhớ vào năm 1951 khi còn ở góc đường Mayer-Paul Blanchy cùng chị tôi trông nom cây xăng cho Bà Dì, sáng sớm nào tôi cũng đến ngồi dưới cột đèn này để học ôn bài thi tú tài phần 1 Pháp. Tôi thích chỗ này vì tương đối yên tịnh hơn ở trên đường Paul Blanchy lúc nào xe cũng có vẻ tấp nập, ồn ào. Đối diện bên kia đường là nhà của Bác sĩ Nguyễn Khắc Minh, GS về Gây mê nằm trong cư xá Đại học. 

Chúng tôi thân nhau từ ngày còn làm việc chung tại nhà thương Bình Dân. Dường như nhà bỏ trống cả tuần nay, không thấy ai ra vào. Chỉ thấy áo quần phơi bay phất phơ trên dây kẽm bên hông nhà. Xa xa là nhà của Bác sĩ Phó Bá Đa, nguyên Trưởng khoa Ngoại TTTTYKGĐ khi tôi làm Tổng Quản Đốc Trung Tâm. Anh Phó Bá Đa là một Bác sĩ giải phẫu giỏi tốt nghiệp ở Hoa Kỳ về. Chúng tôi thường mổ chung với nhau những trường hợp Ung thư thực quản. Nhà anh ở cùng phía với nhà tôi. Trên một chút về bên phải là trường Đại học Luật khoa.

Đường Duy Tân được sinh viên một thời ca tụng là con đường thơ mộng với hai hàng cây cao tỏa bóng mát. Tôi thường lên xuống khoảng đường này để xem đấu quần vợt trong Câu lạc bộ hay mua nước dừa tươi ở tháp con Rùa cho hai đứa con tôi.

Đêm nay những con chó lớn nhỏ quen thuộc vẫn chạy túa ra giữa lộ đùa giỡn, và tôi ngồi dưới cột đèn như vị chủ soái ban thưởng quân chương bằng những chiếc bánh lạt, vừa đếm mặt đủ từng con. Chúng thích thú chạy lẩn quẩn bên cạnh tôi, liếm tay liếm chân ra vẽ thân thiết.

Tôi hồi hộp chờ đợi, vì anh bác sĩ Thái Minh Bạch có hẹn đón tôi giờ này để chúng tôi cùng đi xuống “bãi đáp”, khởi đầu chuyến vượt biển. Nếu anh không đến được thì sao? Tôi nóng ruột lo lắng. 

Tối hôm qua, khi lái xe Honda đưa anh Nguyễn Quang Hoàng thợ máy đến liên lạc với LS Trương Thu ở đường Tự Đức, một thành viên trong nhóm vượt biển, chúng tôi bị công an rượt, suýt bị bắt. 

Trong nhà thương mỗi lần có một bác sĩ vắng mặt lâu ngày, là cán bộ họp nhân viên lại, đổ lỗi cho Đế quốc đã “lấy mất đi chất xám của ta”.  Biết đất nước cần chất xám để kiến thiết xứ sở, nhưng lại không biết giữ gìn, để mất đi rồi hối tiếc!

Tôi đang ngó mong thì thấy có một người đàn ông dáng cao dong dỏng đẩy một chiếc xe Honda hư máy từ hướng Hiền Vương đến, và ngừng lại dưới cột đèn bên kia đường. 

Người đàn ông lui cui tháo “bugi” xe ra chậm rải lau chùi cẩn thận đôi ba lần, gắn vô trở lại rồi đạp máy, nhưng xe vẫn không nổ, nên tiếp tục đẩy đi. Chuông nhà thờ Đức Bà vừa đổ. Đã hết phiên trực gác. Tôi ký tên vội vào sổ trực, trở về nhà trong hẻm gần đó, từ giã gia đình, uống một ly sữa đậu nành nóng vợ tôi vừa pha cho tôi, mặc thêm bên ngoài một chiếc áo lạnh mỏng, hôn nhẹ lên trán hai đứa con Huân, Uyên còn đang say ngủ, ôm hôn vợ tôi xong trở lộn ra đường, chầm chậm bước theo người đẩy xe một khoảng cách, và để ý thấy một tên công an đang đi trên lề phía sau lưng, chừng mươi thước…

Chiếc xe đã được đẩy qua bên kia đường Phan Thanh Giản, ngừng lại trước Dưỡng đường của Bác sĩ Nguyễn Duy Tài. Người đàn ông ngồi sẵn trên yên xe, đạp nhẹ lên bàn đạp. Lần này máy xe nổ to. Cùng lúc đèn đường từ xanh chuyển sang đỏ. Ánh đèn đường phản chiếu trên vũng nước đọng đêm khuya thành những vệt sáng màu mè linh động ngoằn ngoèo. Có một đoàn xe chạy đến. Đợi một chiếc xe nhỏ vừa qua, tôi phóng nhanh ngang đường, nhảy lên ngồi gọn sau xe, ôm chặt anh Bạch, xe vọt nhanh, bỏ lại tên Công an còn đứng bên kia đường nhìn theo, bở ngở… vì đã để vuột mất tôi.

Tòa “Bạch-Cung” đã bay khỏi bệnh viện Nhân dân và còn sắp sửa bay xa hơn nữa, như ý nghĩa hóm hỉnh của ông bác sĩ thủ trưởng Lê Văn Tốt trong một buổi sáng giao ban ngày nào trước đó.  Thấy chúng tôi thường hay mổ chung với nhau, ông đã lấy tên Bác sĩ Bạch và tên tôi Bác sĩ Cung ghép lại với nhau để ví với tòa Bạch-Cung bên Hoa Thạnh Đốn, Hoa Kỳ!.
GIAN NAN

Từ Chợ Lớn xuống miền Tây, nhờ đi xe hơi do ban tổ chức mướn có số ẩn tế để dễ tránh các cơ quan An ninh, anh Bạch và tôi an toàn qua được những trạm kiểm soát dọc đường, trong khi gia đình tôi và những người khác phải đi xe đò chật vật, bị chận xét lung tung, đồ đạc trong giỏ bị trút hết ra ngoài . Đèn bấm Công an rọi khắp nơi, chúng gằn giọng đến ớn lạnh:

“Mấy người này mặt mày sáng sủa, chân cẳng trắng nỏn, không có đóng phèn. Như vậy không phải là dân quê, biết lội bùn vớt bèo làm ruộng, mà là dân trên thành phố về đây vượt biển phải không?

Xe đưa chúng tôi chạy theo một lộ trình khác, từ Cần Thơ-Thốt Nốt, về ngã Long Xuyên đến Rạch Giá. Có một lần, khi qua kênh 3 Cái Sắn, máy xe bị trục trặc. Ông tài xế kinh nghiệm xách bình xăng dự trữ đặt lên trên mui, ràng chặc lại, rồi dùng một ống nylon nhỏ và dài, câu xăng trong bình thẳng xuống bộ phận hòa khí “Carburator” giúp cho xe máy nổ trở lại. Nhưng xe chạy rất chậm. Lết thêm được một quảng đường ngắn nữa, đến trước một quán ăn bình dân, mái tranh, vách lá, xe ngừng lại. Vô quán nghỉ ngơi, vừa nhìn xem phong cảnh đồng lúa mênh mông, gió mát, vừa nghe nhạc tiền chiến theo điệu Rumba melodie, tôi cao hứng rung đùi chân nhịp nhịp… Bỗng có hai người khách bận quân phục bước vô. Anh Bạch vội lấy chân khều tôi, ra dấu… May quá, không có biến cố nào xảy ra.

Đến Rạch Giá được một ngày. Chúng tôi đang ẩn trốn trên một nóc ngôi nhà lầu 5 tầng, gần một bồn chứa nước mưa, thì có tin Công an phong tỏa thành phố vây bắt những người vượt biển, đặc biệt là hai thành phần Bác sĩ và Sĩ quan cấp tá. Chúng tôi được lệnh phân tán mỏng.

Đợi trời tối, Cô Tư Anh một thành viên trong ban tổ chức cho tôi cải trang thành thợ máy rồi đưa tôi đi trốn. Không ngờ chiếc xe lôi chở chúng tôi bị cơ quan B2 Công an theo dõi. Vừa qua khỏi một cây cầu nhỏ gần chợ, anh đạp xe lôi bỗng nhiên ngừng lại tấp vô một xạp bán thuốc lá bên lề. Bên kia đường có một người đàn ông đứng nhìn qua. Dường như được một ám hiệu gì, người đàn ông vội băng nhanh ngang đường, leo lên xe ngồi trên tấm ván lót đối diện chúng tôi, bên hông trái, dưới lớp áo chemise trắng, có ló ra một vật gì đen đen. Cô Tư Anh tinh ý, liếc nhìn tôi ra dấu, nhưng cô vẫn bình thản nói tiếp chuyện làm ăn, mùa màng, mưa nắng làm như không chú ý. .

Xe chạy một đỗi. Đến nơi vắng vẻ, trong ánh sáng lờ mờ, bên phải có một dãy nhà lá ọp ẹp, nằm bên trong hàng rào cây thưa xiêu vẹo. Cô bỗng khều nhẹ chân tôi, rồi nhanh như cắt, nhảy ra khỏi xe về bên trái. Tôi liền bắt chước nhảy ra khỏi xe về bên phải. Chân vừa chạm đất, cô đã xoay người, chạy nhanh xuống lề đường, vừa nắm tay tôi kéo đi, vừa chun qua lớp hàng rào nghiêng ngã, chúng tôi chạy nhanh, len lỏi giữa những căn nhà ọp ẹp, ra tận khu đất trống gần sông, có một hàng ghe, tàu đang đậu dọc theo bờ. Dường như đã nằm lòng địa thế của vùng này, cô Tư dẫn tôi xuống một chiếc tàu gỗ đậu gần đầu trên. Đây là lần đầu tiên tôi giáp mặt chiếc KG 0783, chiếc tàu tôi hằng mơ tưởng trong đầu từ nhiều tháng nay, chiếc tàu sẽ đưa tôi rời khỏi Việt Nam.

Độ nửa giờ sau có một toán lính vũ trang đến lục soát, bắt đầu từ những chiếc tàu đậu phía dưới.  Khám được nửa chừng, chúng bỏ đi. Tưởng vậy là xong. Không dè đến nửa khuya, chúng trở lui, xuống thẳng tàu tôi đang ẩn trốn. Một tên công an rọi đèn bấm vô mặt tôi và xem xét giấy tờ. Tôi chỉ có giấy tờ giả người gốc Hoa, đang mặc cái áo nhà binh màu xanh lá cây cũ mèm, rách nát, dính đầy dầu mỡ. Họ ra lệnh cho tất cả mọi người dưới tàu phải lên bót trình diện. Cô Tư khéo léo thuyết phục họ tôi là thợ máy chánh có nhiệm vụ trông chừng chiếc tàu của gia đình cô, và tôi đang sửa chữa lại máy tàu đêm nay cho kịp ngày mai chạy giao hàng sớm. Nếu trễ nãi trong công việc làm ăn, gia đình cô sẽ bị nhiều thiệt hại. Nên cô xin cho tôi được miễn trình diện đêm nay. Cô sẽ thay mặt tôi cầm giấy tờ lên bót. Đồng thời cho họ địa chỉ gia đình cô; nhờ vậy mà tôi thoát. Ngồi lại một mình cho đến gần sáng thì có người thân tín khác trong ban tổ chức đến đưa tôi xuống Tác Ráng, một vùng quê hẻo lánh gần cửa biển, cho tôi trốn trong một ngôi chùa nhỏ thuộc Thánh thất Cao Đài.

Nằm dưới đất, bên cạnh tôi là một em bé gái độ 4, 5 tuổi đang lên cơn sốt cao, khó thở, trong lúc bà mẹ lo lắng không biết tìm đâu ra bác sĩ để chữa bệnh cho nó. Hai mẹ con từ Sài Gòn xuống đây đợi tàu vượt biên mà con lại đau... Tôi ưu tư, phân vân. Tôi vừa may mắn thoát khỏi bị bắt trong thành phố. Bây giờ ra đến đây mà danh tánh, nghề nghiệp bị tiết lộ thì thiệt là một điều bất hạnh cho tôi. Đã có trường hợp một đồng nghiệp vì ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ cho một sản phụ lâm bồn trên con tàu sắp rời bến mà bị Công an phát giác và bị bắt giữ lại.

Một hoàn cảnh thật trắc trở, éo le đặt tôi trong tình trạng khó xử. Em bé đang bị sốt cao mà không có thuốc chữa kịp, sẽ có thể bị lên kinh giật vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của em giữa nơi thôn dã đồng quê này. Còn tìm cách cứu chữa cho em thì tôi có thể gặp phải những điều không may xảy đến cho mình.

Trong giờ phút căng thẳng nghiêm trọng, cần có một quyết định dứt khoát nhanh chóng. Lý trí và tình cảm trong người tôi tranh nhau giằng co mãnh liệt. Sau cùng Tình thương và Trách nhiệm của người thầy thuốc bắt tôi phải lo tìm cách cứu nguy cho em bé. Mọi chuyện may rủi phó mặc cho Trời!

Đã quyết định như vậy, tôi giải thích tình trạng nguy kịch của em bé cho bà mẹ, tôi sẽ tìm cách cứu em. Tên tuổi đã đổi khác, tôi chỉ yêu cầu bà đừng hỏi tôi là ai. Xong tôi rời khỏi nơi trú ẩn. Rất may mắn, tôi tìm được một bịch nước biển từ một đồng nghiệp thân đem theo phòng bị cho gia đình.  Anh Bác sĩ Lê Thanh Vĩnh còn cho thêm một ống thuốc trụ sinh và thuốc hạ nhiệt để tôi đem về chữa bệnh cho em bé.

Trời vừa sáng, mạch máu của em bé quá nhỏ, tội vội chuyền nước biển vào mỏ ác cho em. Hành động của tôi, đã vô tình để lộ nghề nghiệp của mình trước bao nhiêu cặp mắt quan sát của những người lạ mặt chung quanh. Giữ bình tĩnh, tôi tiếp tục công việc, xong nhờ bà mẹ tiếp tay trông chừng người bệnh, tôi tìm cách lẫn trốn ra khu vườn rậm rạp, dọc theo những gốc dừa, những đường mương, cây cối um tùm chằng chịt sau chùa.

Loading