Tìm Kiếm Bài Đã Đăng

 
BS Nguyễn Duy Cung 2014

BS Nguyễn Duy Cung 2014

ñ©i Y Sï Trong Cu¶c Chi‰n TÜÖng Tàn (30)
 
NguyÍn Duy Cung
- Lời Tựa
- Đường Ra Đơn Vị
- Mặt trận đầu tiên
- Bác sĩ vườn khám trưng binh Thượng
- Hành Quân Trong Rừng Sâu
- Tổng Y Viện Duy Tân
- Đòn Bánh Tét Ngày Xuân
- Qua vùng xôi đậu khám bệnh
- Phước Long Bà Rá
- Ấp Thượng Bunard
- Chỉnh trang lại Bệnh Viện
- Ấp Sông Bé
- Ra Tòa Làm Chứng
- 30 Tháng Tư Năm 1975
- Trại tù đầu tiên
- Trại Tù Xuân Lộc
- Trại Tù Suối Máu
- Trại Tù Sóng Thần
- Một lời cám ơn đáng quý
- Buổi hội thảo cuối cùng
- Nghiên cứu thời tiết gió mùa
- Hải tặc VịnhThái Lan và trên Biển Đông
- Đến đảo tị nạn
- Trường trại tỵ nạn Pulau Bidong
- Tình trạng rác
- Bidong
-Từ Bidong đến Bataan

-Trở về nghề cũ
 
 
Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
© 2018
Trước khi chấm dứt thiên Hồi ký này tôi muốn có một đôi lời tri ân:

Lúc còn nhỏ, tôi ham chơi hơn ham học, suốt ngày chạy rong trên những cánh đồng ruộng lúa mênh mông, theo những đứa trẻ chăn trâu, mồi chim, bắt cá lia thia, đá gà, bắt dế, giăng câu, v. v… Lớn lên tôi chỉ có một mớ kiến thức khiêm nhường về đồng áng, nhưng may mắn thay, được mẹ và người chị lớn thứ ba hết lòng giúp đỡ dìu dắt cho tôi tiếp tục học hành; tôi thi đậu vô trường trung học Pétrus Ký, học xong ban tú tài Pháp phần I tại trường tư thục Lê văn Hai-Huỳnh thị ngà, ban tú tài Pháp phần II tại trường trung học Chasseloup Laubat, tốt nghiệp trường Hàng hải Việt Nam với hai bằng Sĩ quan Viễn Dương và Cận Dương thuyền trưởng, tốt nghiệp trường Y Khoa Đại học Sài Gòn với bằng Bác sĩ Y Khoa.  Luận án Tiến sĩ được Hội đồng Giám khảo Y Khoa chấm tối ưu hạng và được đề nghị một Giải thưởng luận án.

Cuộc đời của tôi đã đi qua những đoạn đường chông gai thời chinh chiến tàn khốc, đôi khi quá kinh hoàng trong bom rơi đạn nổ mịt mù, hay những lúc khiếp sợ hãi hùng trên biển cả cuồng phong bão tố, nhiều lúc tưởng chừng như không thể nào thoát được lưới tử thần, nếu không có bàn tay mầu nhiệm của Thượng Đế đã cứu vớt tôi.  Tôi có người Mẹ thân yêu đã mất cách đây trên 50 năm, lúc tôi còn trẻ.  Tuy nhiên tôi có linh cảm như mẹ tôi lúc nào cũng ở bên cạnh để che chở bảo vệ tôi và giúp cho tôi tránh khỏi những tình huống vô cùng khó khăn đen tối.

Quyển Hồi ký này tôi viết và để lại cho gia đình bé nhỏ của tôi, cho người vợ hiền tuy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều nhưng thật đảm đang, gan dạ, một lòng chung thủy đã không bỏ tôi trong cơn hoạn nạn, thời buổi khó khăn khi tôi còn trong các trại tù tập trung Cộng Sản.  Ở nhà, vợ tôi đã thay thế tôi chăm sóc chu đáo cho cha tôi trong cơn đau tim trầm trọng, biết thu xếp việc gia đình vất vả trăm chiều, tìm kiếm tổ chức vượt biển và lo cho tôi sớm rời khỏi chốn lao tù, đưa cả gia đình xuống miền Tây Rạch Giá để dùng tàu rời khỏi VN.  Sang Hoa Kỳ, vợ tôi biết an phận chấp nhận những thiếu thốn về vật chất riêng tư cho mình, đi làm lụng cực nhọc để lo cho tôi có đầy đủ phương tiện trong việc học hành trở lại và chăm sóc chu đáo các con, các cháu.  Tôi tự thấy mình may mắn khi có một gia đình êm ấm, là điểm tựa vững vàng đã giúp tôi không gục ngã mỗi khi đau buồn thất vọng...

Tôi cũng không quên những người thân yêu đã cùng tôi chia xẻ mọi đắng cay ngọt bùi trong cuộc đời dâu bể, những người bạn thân tình gần xa đã nhiệt thành giúp tôi trong suốt năm tháng bắt đầu trên quê hương mới với nhiều khó khăn bỡ ngỡ. .

Tôi tri ân tất cả những người bạn trong giới Y khoa-đồng nghiệp, sinh viên, điều dưỡng, nhân viên điều hành các cấp-đã tình nguyện ở lại trong nhà thương Nguyễn văn Học vào giờ chót để giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ của một bác sĩ Tổng Quản Đốc kiêm nhiệm Trưởng khu Giải phẫu có trách nhiệm điều khiển một nhà thương rộng lớn trong lúc lâm nguy.  Nhờ vậy đã cứu được hàng trăm thường dân bị thương nặng do pháo kích của Cộng sản.

Riêng trong giới bác sĩ, tôi muốn đặc biệt nhắc đến Bác sĩ Nguyễn Anh Tài, đã đưa được hết cả gia đình anh lên máy bay rồi, mà còn nghĩ đến những thường dân, những đứa trẻ bị thương nặng còn nằm ngoài sân bệnh viện nên đã leo xuống máy bay, lội bộ trở về nhà thương làm việc cho tới hơi thở cuối cùng của đời anh.  Anh qua đời tại Trung tâm thực tập Y Khoa Gia Định-Bệnh viện Nguyễn văn Học.  Giáo sư Thái Minh Bạch đã được một đồng nghiệp cũ, Đại tá Quân y Pháp Trequet từ Paris bay sang để giúp đưa anh ra khỏi vùng lửa đàn SàiGòn.  Một chiếc máy bay của Quân lực Hoa Kỳ đã đậu sẵn trên phi trường Tân Sơn Nhất chờ anh, nhưng vì nghĩ đến những con bệnh anh vừa giải phẫu sẽ không có người chăm sóc vì các bác sĩ phụ tá của anh đã di tản khỏi thành phố, nên anh đã từ chối không đi, và đã ở lại làm việc tại bệnh viện Nguyễn văn Học.

Bác sĩ Lê Thanh Vĩnh, một người bạn thân cùng lớp với tôi.  Anh có một người em ruột làm chỉ huy trưởng một chiến hạm VN.  Tàu đã đậu sẵn dưới bến Bạch Đằng, chỉ còn chờ anh xuống là nhổ neo đi, nhưng trước hoàn cảnh những người bị thương nặng, vì tinh thần trách nhiệm, vì lòng nhân đạo và vì nghĩa bạn bè, anh đã ở lại.  Anh đã để mất cơ hội học hành rất quí vì lúc bấy giờ chỉ có anh là bác sĩ có bằng ngoại quốc ECFMG
Khi bị bắt, ở chung trong tù tập trung, nằm gần nhau dưới đất, gặp phải mùa mưa dông gió chướng, thấy tôi bệnh hoạn, tối nào anh cũng giăng mùng dùm tôi, sáng sớm xuống bếp xin cho tôi một lon Guigoz nước nóng và xin nước vo gạo còn chất sinh tố B1 đem lọc lại và ép thành những muổng ăn canh hấp chín cho tôi.

Tôi tri ân Bác sĩ Bernard Kouchner, Chủ tịch Hội Bác sĩ Giải phẫu không biên giới Pháp và toàn thể bác sĩ và chuyên viên giải phẫu của ông, đã kịp thời vô nhà thương Nguyễn văn Học vào giờ chót, để giúp đỡ trên 550 thường dân bị thương nặng do pháo kích của Cộng Sản, phần lớn là đàn bà và trẻ em, cũng như Bác sĩ Thiếu tướng Mazaud, Giám đốc nhà thương Grall đã qua nhà thương Nguyễn văn Học nhận bớt thường dân bị thương đem về nhà thương ông để điều trị.  Bác sĩ Kouchner sau đó cũng đã đưa con tàu lle de Lumière đi khắp biển Đông để cứu vớt thuyền nhân tỵ nạn Cộng Sản và ngừng lại một thời gian khá lâu gần đảo Bidong để chữa bệnh cho dân trên đảo, và giúp cho dân phương tiện xây cất một nhà thương 60 giường.

Gia đình tôi vượt biển đến được đảo tỵ nạn P.  Bidong tháng 5 năm 1979, sau đó được sang Hoa Kỳ sớm vào tháng 5 năm 1980, cũng nhờ có sự bảo trợ của hai em tôi Phạm Minh Hoàng và Nguyễn thị Phát.  Anh xin hết lòng tri ân hai em vì sự hy sinh của hai em cho gia đình anh.  Anh không bao giờ quên được hình ảnh em Hoàng đi làm việc vất vả đêm hôm ngoài trời sương lạnh của tiểu bang Arkansas với chiếc áo treillis cũ màu xanh rách gần nát hết sau lưng và cuốn sách Y Khoa The Merck Manual hai em đã dành dụm mua cho anh học, lúc anh còn ở trong làng van Buren.  Giờ đây sách đã phai màu, bìa đã sút, bên trong trang nào cũng còn đầy dẫy dấu mực anh gạch xanh gạch đỏ để học.  mặc dầu anh đã trở về được nghề cũ, nhưng anh vẫn rất quý nó, giữ nó làm sách gối đầu giường cho đến nay, và để nhớ đến hai em.  Lúc nào anh cũng nhớ đến và thương các cháu Thanh-Thảo-Tùng-Dũng, “Lakers fan”.

Anh cám ơn em Chín Leontine Nguyễn thị Tuyên Châu, lúc nào cũng lo lắng cho anh trong cơn bệnh hoạn.  Em là đứa em nhỏ nhất trong gia đình mà Ba khi còn sanh tiền lúc nào cũng thương đến nhiều và nhắc nhở.  Anh cầu chúc cho gia đình của em, cho gia đình của Renée con gái em luôn luôn nhiều hạnh phúc.

Tôi không quên được người chị thứ Năm của tôi, Nguyễn thị Khiêm còn ở lại bên nhà.  Một người chị đã hy sinh phần lớn cuộc đời của mình để chăm sóc cho Ba tôi khi đau yếu, một người chị bị nhiều thiệt thòi nhất trong gia đình, nhưng lúc nào cũng âm thầm chịu đựng, ở lại quê hương đến hơi thở cuối cùng.

Tôi tri ân quý vị Giáo sư Giải phẫu của trường Loma Linda: Giáo sư E.  Wareham, Giáo sư Jacobson, chuyên khoa Giải phẫu lồng ngực và hơn hết Gáo sư Bruce Branson, chủ nhiệm khoa Giải phẫu của trung tâm Loma Linda đã cho tôi cơ hội hiếm hoi đặc biệt, được học trở lại ngành Giải phẫu tại Trung tâm Loma Linda mà không đòi hỏi tôi văn bằng căn bản ECFMG, bắt buộc phải có dành cho bác sĩ ngoại quốc trước khi muốn học lại Y khoa trên đất Hoa Kỳ.  Ông đã cho lại tôi đúng 4 năm mà tôi đã mất khi quyết định ở lại không di tản để rồi bị bắt đi các trại tù tập trung Cộng Sản.
Tôi cũng xin tri ân những người bạn đã hết lòng giúp đỡ tôi bước đầu nơi xứ lạ quê người về cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ được thương mến vì tánh tình hòa nhã, khiêm tốn, đã hết lòng trợ giúp tất cả bạn bè trong cơn hoạn nạn.  Anh được đồng nghiệp Y khoa VN trên đất Hoa Kỳ quý trọng như một Mạnh thường quân.

Ngoài ra tôi còn có một người bạn lúc nào cũng âm thầm nhưng nhiệt tình giúp đỡ tôi, anh Ngô Thanh Tùng.  Tôi quen biết anh Tùng trước đây trên miền Cao nguyên Pleiku-Kon Tum mưa dầm gió lạnh.  Về sau anh Tùng là Tổng thơ ký Quốc Hội Lập Hiến Đệ nhị Cộng Hòa, động viên với tôi năm 1966-1967.  Cử nhân Luật tại Sài Gòn, tốt nghiệp Master về Hành Chánh Công Quyền tại Hoa Kỳ, anh đã giúp đỡ tôi nhiều trên phương diện Anh văn khi tôi mới sang Mỹ làm bác sĩ thường trú Ngoại khoa tại nhà thương Loma Linda.  Anh đã dịch dùm tôi bài thuyết trình dài 51 trang giấy đánh máy từ tiếng Việt sang tiếng Anh.  GS Bruce Branson chủ tọa buổi họp đã khen tôi sau ba giờ tôi trình bày, được cử tọa đứng dậy vổ tay tán thưởng: “Thật là xúc tích.  Không dư một chữ, không thiếu một chữ”.

Tôi xin chân thành cám ơn anh Nguyễn văn Sâm (đồng viện của tôi trong thời Quốc Hội Lập Hiến 1966) và chị Ngọc Ánh đã đóng góp cho cuốn sách; và anh chị Trần Bá Phẫm người bạn thân cận tới lui giúp tôi khi đau ốm khó khăn. .

Tôi nghĩ danh sách những bậc ân nhân của tôi còn dài không thể kể hết tên ra đây được.  Tôi xin hết lòng cảm tạ và tri ân quý bạn, quý vị, mong bỏ qua những thiếu sót quên trước quên sau của tuổi tác đã già.             

PHỤ LỤC

CHỊ TÔI

Chị Ba tôi, người phụ nữ mang đậm bản chất Nam Bộ, tháo vát, đảm đang mọi việc trong nhà.
Bao nhiêu năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in cái đêm Cộng Sản về gần tới cầu Ông Vẽ quê tôi, dân cả xóm nhốn nháo chạy giặc giữa hôm khuya, chị tôi quýnh quáng ôm tôi bỏ xuống xuồng, tháo dây bơi một mạch theo dòng nước lớn vô tuốt trong đồng ruộng sâu trốn giặc.  Lúc tình hình lắng dịu lâu lắm, chị nhắm nhía chắc chắn hai ba lần mới chịu chèo ra khỏi chỗ trốn.  Tuổi thơ hồn nhiên tôi không coi đó là chiến tranh, là chết chóc kinh khiếp, chỉ lạ lùng khi thấy nét đăm chiêu trên gương mặt Má tôi trong mỗi lần biến động, bà thở dài lặng thinh ngó mong ra trước nhà, buồn rầu nhìn bầy con nheo nhóc trong khi chị tôi cúi xuống xoa cái đầu khét nắng, nhìn đôi chưn đóng phèn do lội ruộng suốt ngày của tôi như dỗ dành.  Năm đó tôi mới lên 7 tuổi thiệt vô tư.

Giặc giả liên miên làm dân làng tứ tán, Má tôi dẫn bầy con về tá túc ở làng Bà Sáu, gần Sông Cái, Tiền Giang, chị tôi chịu khó giả gạo đêm, đợi hừng sáng bơi xuồng chở ra chợ Cái Thia bán, cuộc sống gia đình nhờ đó cũng đắp đổi qua ngày.  Vào những đêm trăng sáng, tôi cũng tập tành giả gạo nhịp hai với chị tôi, nhưng đầu chày quá nặng, thân hình ốm yếu của tôi không gượng được, chúi nhủi làm gạo văng tung tóe trên tấm đệm, chị tôi không rầy em, chỉ cười hiền… Thấy mình vô tích sự, nhiều lần tôi bỏ chày, nằm lăn ra sân đếm sao trời rồi ngủ quên hồi nào trong sương khuya lạnh.  Thương em, chị tôi tới bồng vô buồng, tôi mơ màng ấm áp trong vòng tay âu yếm của chị. 

Tản cư lên Sài Gòn, chị tôi lập gia đình nhưng lúc nào cũng nghĩ và lo lắng cho các em, nhất là khi Má tôi qua đời vào cuối năm 1951.  Tôi học trễ vì chiến tranh nên phải làm sao để bù lại, tôi quyết định học nhảy 3 lớp liền.  Đậu Tú Tài 1, tôi xin vô học Math. Elem trường Chasseloup Laubat, nhưng vô trễ thư viện trường hết sách, tôi phải đổi qua học lớp Sciences Ex.  Năm sau tôi đậu Tú Tài 2 Pháp đồng thời đậu luôn hai bằng Cận dương và Viễn dương Thuyền trưởng của trường Việt Nam Hàng hải.  Đươc hãng Chargeurs Réunis mướn đi hai chuyến từ Sàigòn qua Hongkong và từ Saigòn lên Pnompenh với tư cách sĩ quan Hàng hải, tuổi trẻ vốn yêu thích cuộc sống tự do rày đây mai đó, nên tôi định theo luôn nghề lênh đênh trên biển cả sông nước, nhưng Ba tôi lại muốn tôi theo đuổi một nghề theo ông là chắc chắn hơn, nên tự ông ghi danh cho tôi vào trường Đại học Khoa học.  Sau khi đi chuyến tàu chót ra Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả để đón đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, theo Hiệp định Genève chia đôi đất nước vào tháng 8 năm 1954.  Tôi bỏ nghề hàng hải, lên bờ theo đuổi chuyện học luôn từ đó. 

Sau khi đậu bằng Lý Hóa Sinh (PCB) của trường Đại học Khoa học, tôi vào trường Y Khoa .  Đây cũng là ước nguyện của Má tôi lúc sanh thời, khi tôi còn nhỏ, cả nhà còn sống thanh bình trong vùng quê Đồng Tháp, đêm tối trời tôi hay chạy bắt những con đom đóm bỏ vô cái chai để xem chơi, thấy vậy Má cười xoa đầu tôi “Con có biết ngày xưa bên Tàu có người học trò tên Xạ Dân rất chuyên cần học tập, nhưng vì nhà nghèo quá không có tiền mua dầu thắp đèn đọc sách ban đêm nên nghĩ ra cách mỗi tối bắt thật nhiều đom đóm bỏ vô trong một túi vải thưa, soi vào sách mà đọc. .  Về sau ông trở thành một học giả đại tài.  Nhà mình cũng nghèo, Má mong sao con cố gắng học để trở thành người thầy thuốc tốt, giúp đỡ cho đời. ”

Câu chuyện Má kể coi đơn giản vậy mà ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời tôi.  Lúc nhỏ mình cũng chưa biết giúp đỡ cho đời là làm cái gì cao siêu phi thường, nhưng khi lớn lên lúc vào Trung học năm 1951, Má tôi đau nặng vì biến chứng cao huyết áp, mê man lúc nửa đêm.  Bất chấp giờ giới nghiêm nguy hiểm, đêm khuya mưa gió, tôi đã chạy qua ba cái xác người vừa bị bắn ngã gục trước cổng nhà thờ Tân Định để đi tìm Thầy tìm thuốc, nhưng hoài công vì gia đình vừa chạy giặc dưới quê lên, gia cảnh khó khăn thiếu thốn, không có tiền trả thù lao cho bác sĩ thì ai đâu làm công việc khám bịnh miễn phí lúc giữa khuya ! Kinh nghiệm nầy làm tôi thắm thía cho tình đời và đau xót cho thân phận nghèo của mình.  Má tôi là một người đàn bà thiệt thà chơn chất, và có tấm lòng độ lượng với người chung quanh, tuy không biết nhiều chữ nghĩa nhưng mỗi khi ra chợ bán buôn, Má nhín chút tiền mua các loại thuốc thông thường như đau bụng, nhức đầu tiêu chảy. .  chứa trong mấy hủ bằng thủy tinh, dán nhãn sắp dài trên bàn đặt trước hàng ba, nhà ở giữa đồng, nhưng tối không bao giờ đóng cửa, những người dân trong xóm đêm hôm đau ốm có cần thuốc men chi cứ ghé ngang lấy đem về xài.  Chị em tôi học được từ cách sống đó của Má nên ai cũng rộng lòng như Má, cố gắng giúp đỡ người khác khi họ cần đến bàn tay của mình.

***
Khi tôi đậu vào ngành Y mới được một năm, anh Lê Thanh Vĩnh và tôi cao hứng muốn học thi “Ngoại trú, Nội trú bịnh viện”.  Đây là một tước vị mà sinh viên bác sĩ y khoa nào cũng thầm ao ước, nhưng cũng phải học “trầy vi tróc vảy” mới đạt được. 

Đêm Giáng Sinh năm đó tôi nhận được quà từ tay “ông già Noel” của chị, bộ sách mới toanh mua từ Pháp còn thơm mùi mực, gồm nhiều tập mỏng mà mỗi tập là một đề tài bịnh lý khác nhau, chất cao gần 2 gang tay.  Vấn đề là làm sao “nuốt” cho kịp vì ngày thi đã gần kề.  Từ Noel tới Tết Nguyên Đán chỉ còn non 3 tháng.  Đây là cuộc so tài gay go, dành cho thí sinh từ năm thứ 2 đến năm thứ 6, hơn thua tính từng điểm.  Nhập cuộc ngang xương thiệt là “Thục đạo nan”, khi tôi vừa lật sách ra đọc cho hiểu nửa bài đầu thì một anh bạn cùng lớp đã nhắm mắt đọc thuộc lòng tiếp phần còn lại, còn thêm thắt những chi tiết không có trong sách đó… Té ra anh nầy đã chuẩn bị cho cuộc thi hơn cả năm nay, anh “gạo” ro ro hết pho sách dầy đó và đã ôn đi ôn lại trên chục lần nên cuốn sách của anh nhừ nát, đổi màu, nếu so với bộ giáo khoa mới cắt chỉ của tôi thì thật là bứt phá quá xa điểm đứng của tôi.  Cũng may là nhờ sự kiện đó tôi thấy rõ mình là một thí sinh không có nhiều hứa hẹn trong chiến thắng vì thiếu chuẩn bị.

Ban đầu, thấy ớn quá, tôi muốn bỏ cuộc như vài bạn khác, nhưng nghĩ tới công lao khó nhọc của chị tôi đã dành dụm tiền bạc mua sách, nên tôi quyết tâm luyện ngày luyện đêm.  Không còn thời giờ để tra cứu sách vở khác, tôi chỉ chọn lựa những điểm chánh yếu trong bộ sách đó mà học.  Bình tỉnh tôi vượt qua kỳ thi viết và vấn đáp.  May mắn ơn Trời, tôi vừa đủ điểm đậu hạng chót trong số 29 thí sinh trúng tuyển.  Hôm xem kết quả, tôi muốn rụng tim vì lo lắng.

Khi vào quân đội, tôi bình thản nhận sự vụ lịnh về vùng đèo heo hút gió Kon Tum.  Trai thời loạn đi đâu cũng được mà, chỉ cần một túi vải quần áo cá nhân là lên đường.  Hôm đó chị lái xe chở tôi và cả nhà đến ga xe lửa Sàigòn, Ba tôi đứng yên trầm ngâm, ánh mắt ông ưu tư lo ngại cho thằng con trong thời chinh chiến, mấy chị em tôi chia tay bịn rịn, mắt ai cũng đỏ hoe sắp khóc khiến tôi cũng nao lòng.  Chợt tôi nhìn thấy cửa nhà ga đã đóng, bên trong tiếng còi tàu khởi hành giật liên hồi, toa trước bắt đầu lăn bánh, tiếng rít kèn kẹt trên đường sắt.  Thấy trễ, tôi ôm hôn mọi người từ giả rồi phóng người leo qua cổng, chị tôi vói lấy bọc quần áo liệng vô theo, tôi cúi lượm và cắm đầu chạy như bay về phía toa xe cuối cùng, nắm được thanh sắt đu tòn teng, quay lại vẫy tay chào những người thân yêu còn đứng bịn rịn trông theo.  Chị tôi chùi nước mắt khi vẫy tay lại, ai cũng thở phào khi thấy tôi lên toa kịp và bật cười nghe Ba tôi nói “Cái thằng bé Sáu đã là bác sĩ rồi mà vẫn như con khỉ, chút xíu nữa là trễ xe rồi. ” Cuộc tiễn đưa đang buồn bổng trở nên vui đối với mọi người.  Sau nầy nghe kể lại câu nói của Ba, tôi vẫn còn bật cười.

Trong khi tiền tuyến đang sôi động, tin chiến sự dồn dập những trận đánh lửa đạn mịt mù thì có một điện tín vắn tắt từ Sư Đoàn nơi tôi đóng quân gởi về nhà tôi, nội dung như một hung tin sấm sét “Bác sĩ Nguyễn Duy Cung vì công vụ bỏ thi. ” Cả nhà hiểu chữ thithây nên ai cũng tưởng tôi đã bỏ mạng sa trường, hết sức đau buồn than khóc.  Tại trường Y Khoa, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh trong buổi lễ khai giảng năm học đã yêu cầu sinh viên dành một phút mặc niệm cho tôi.  Mọi chuyện tưởng chừng tuyệt vọng, nhưng với chị Ba tôi linh tính như có điều gì đó không ổn trong tin nầy, chị chạy vô nhà xác Tổng Y Viện Cộng Hòa tìm kiếm khắp nơi cũng không thấy tử thi đâu.  Sau mới biết là có sự hiểu lầm.  Nguyên nhân là Trường Y có gọi tôi về để thi bịnh lý sản khoa, trong khi tôi đang bận rộn ngoài mặt trận nên Sư Đoàn mới gởi công điện “chết người” kia để trả lời là tôi không thể về được.  Bức điện tín quá vắn tắt đã gây ra ngộ nhận cho mọi người.  Thiệt là hết biết! Khám phá ra sự thật, người vui nhiều nhất là Chị tôi.  Thương em, chị không bao giờ chấp nhận rằng em trai của chị vắn số nên đã quyết tìm cho ra sự thật!

Tôi chỉ ngồi lặng thinh không cải lại tiếng nào.  Tánh tôi xưa nay không thích nhờ vã, càng không thích dựa chổ quen biết để trốn tránh trách nhiệm, nghề nghiệp của mình, nên lần nào gia đình bàn đến chuyện nầy tôi đều tìm cách từ chối.

Từ ngày miền Nam tan tác, chị em chúng tôi xa cách mỗi người mỗi ngã, trong khi tôi đi tù thì chị đã sang Pháp.  Đến bốn năm sau tôi mới thoát được đến Mỹ.  Mỗi khi có dịp đi dự hội nghị ở Paris hay gần đó tôi đều ghé thăm chị.  Thỉnh thoảng chị cũng sang Mỹ thăm gia đình tôi, hai chị em bây giờ tóc đều bạc trắng, nắm tay nhau nói cười nhắc chuyện ngày xưa, thân thiết thương mến như hồi còn trẻ.

CẢM NH
ẬN CỦA BẠN BÈ

Mai Thanh Truyết

Tôi nhận được bản thảo của quyển sách “ Đời Y sĩ trong cuộc chiến ” của tác giả Nguyễn Duy Cung từ hơn tháng nay.  Qua nhiều bận bịu với công cuộc tranh đấu cho Việt Nam trong những ngày sắp tới, nhưng hôm qua, nhân một ngày “nghĩ dưỡng sức”, tôi đọc “một lèo” bản thảo cuốn sách tôi đã in ra qua email của một người bạn từ thời tiểu học Trương Minh Ký, bạn Nguyễn Văn Sâm của tôi.
Tôi đọc và tiếp tục đọc.

Buông tập giấy ra, tôi hình dung được Bác sĩ Nguyễn Duy Cung, người tôi nghe tên nhưng chưa bao giờ được gặp.  Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là một sự bất ngờ lý thú, bất ngờ vì thấy cuộc đời của tác giả dù đã trải qua nhiều giai đoạn nghiệt ngã của Đất Nước và của chính bản thân mà vẫn giữ được tấm lòng trung hậu với tha nhân.  Đó là một đức tính hiếm có của con người.

Xin trích đoạn “Cuộc đời của tôi đã đi qua những đoạn đường chông gai thời chinh chiến tàn khốc, đôi khi quá kinh hoàng trrong bơm rơi đạn nổ, nhiều lúc tưởng chùng như không thể nào thoát được lưới tử thần, nếu không có bàn tay mầu nhiệm đã cứu vớt tôi.  Tôi có người Mẹ thân yêu đã mất cách đây trên 50 năm, lúc tôi còn trẻ.  Tuy nhiên, tôi có linh cảm như Mẹ tôi lúc nào cũng ở bên cạnh để che chở cho tôi và giúp tôi tránh khỏi những tình huống vô cùng khó khăn đen tối”.  Lời văn tuy mộc mạc nhưng nói lên được cái tâm lành của tác giả, cung cách duy tâm dễ thương của những người con Việt không Cộng sản luôn nghĩ đến và nuôi dưỡng một niềm tin mãnh liệt là có Đấng thiêng liêng che chở mình qua hình ảnh và tình thương của người Mẹ.

Tôi cảm phục và đồng cảm với Bác sĩ Cung, trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến, trong lúc các đồng nghiệp khác và cộng sự viên đều bỏ đi tìm đường di tản, anh Cung vẫn can đảm tiếp tục mổ xẻ, băng bó các vết thương của người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa.  Xin nói, đây quả là một việc làm hiếm hoi của một người bác sĩ “thời hiện tại”, mà ở xã hội CS đầy ác nhân này, chúng ta hiếm thấy được tinh thần phục vụ đích thực của một người lương y!

Tôi không nghĩ quyết định trên của anh Cung (xin được gọi anh bằng anh ) thuần túy là do lương tâm của một người y sĩ, mà còn là một níu kéo thiêng liêng nào đó, cầm giữ anh ở lại.  Tôi muốn nói đó là Hồn nước.  Hồn nước đã giữ chân anh, cũng như bao nhiêu người con Việt khác dù biết rất rõ người Cộng sản Bắc Việt và con đường xã hội chủ nghĩa của họ khắc nghiệt như thế nào rồi.

Chính vì sự đồng cảm đó với anh, nên tôi quyết định viết một vài suy nghĩ về cuốn sách Con Đường Ta Đi của anh.

Mặc dù hiện tại anh đang sống trong những giây phút xế chiều của cuộc đời, anh đang chịu nhiều đau thương của thân xác do cơn bịnh ngặt nghèo gây ra, nhưng anh vẫn viết lại được cuộc đời của anh trong một trạng thái hết sức bình an.  Anh vẫn lạc quan và cám ơn cuộc đời đã ban cho anh nhiều ưu đãi.  Trong những giai đoạn khốn khó nhứt, anh vẫn nghĩ đó là những thử thách để cho anh cố gắng vượt qua. 

Tôi không thấy anh thể hiện trong lời văn sự buồn phiền hay giận hờn suốt cả cuốn sách.  Nếu có chỉ là một thoáng qua vì cảm xúc, nhưng ngay sau đó anh nghĩ lại và tự khuyên mình quên đi để tha thứ…

Có lẽ vì chính cái Tâm lành đó làm anh vượt qua cơn đau hiện tại để có tầm nhìn tích cực và nhân bản trong cuộc sống nầy.

Anh cám ơn tất cả, cám ơn bạn bè, và đặc biệt anh không tiếc lời cám ơn người vợ luôn bên cạnh anh và chia sẻ với anh trong mọi tình huống.  Bây giờ, trong những giây phút cuối của cuộc đời, anh nói: “tôi may mắn gặp được một người vợ hiền tuy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều nhưng thật “đảm đang” gan dạ, đã không “bỏ” tôi trong thời buổi khó khăn khi tôi còn trong các trại tù tập trung cộng sản”.  Hoặc: “Sang Hoa Kỳ, vợ tôi biết chấp nhận thiếu thốn về vật chất riêng tư cho mình, đi làm lụng cực nhọc để cho tôi có đầy đủ phương tiện học học hành…”

Anh Cung, từ một bác sĩ giải phẫu gan dạ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, gặp nhiều biến cố gian nan suốt một thời gian dài, nhờ lòng quyết tâm để vươn lên không đầu hàng nghịch cảnh, anh đã thành một người bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ khéo tay tại Hoa Kỳ.

Xin được khâm phục anh.  Anh đã vượt qua bao nhiêu thử thách nhưng tâm anh vẫn bình an, vẫn an nhiên tự tại.  Trong anh, tôi nghĩ, anh không có tư tưởng chiếm đoạt, một suy nghĩ của đa số đàn ông, trong anh không có cái “của tôi”…do đó, tôi nhìn thấy được niềm an lạc trong anh.  Ngay cả đối với vợ, anh nói là “được gặp” chứ anh không nói là “vợ của tôi”.  Anh đã thoát ra ngoài cái thường tình! Chính vì vậy anh mới đứng dậy được với nỗi đau thể xác và những suy sụp tinh thần.  Ở tuổi như anh, như tôi, mọi sự đều trở nên vô thường phải không anh?

Thưa anh Cung,

Anh không là một nhà văn.  Anh viết một mạch Hồi ký về cuộc đời như anh đang nói chuyện.  Anh viết để cho con cháu, bạn bè biết về cuộc đời của anh, bình dị và thản nhiên.

Tôi cũng như anh, không là một nhà văn, chỉ “nghĩ gì nói nấy người ơi” rất Nam kỳ.  Nhưng tôi viết trong sự chân thật, tôi đáp lại tấm chân tình của anh đối với tha nhân và người thân.  Tôi viết các suy nghĩ trên trong ngày 14 tháng 7.  Ngày nầy, cách đây 223 năm, người dân Pháp đã biết đứng lên tháo bỏ gông xiềng phong kiến và khơi mào cho tư tưởng tự do ngày nay.  Bao giờ người con Việt làm như người Pháp năm xưa để mang lại niềm an lạc cho dân tộc, hở anh Cung?

Viết lên những dòng chữ nầy tôi hy vọng được làm bạn với anh và mong sẽ có dịp gặp anh để trò chuyện trong một tương lai rất gần.

Mai Thanh Truyết

Ngô Thanh Tùng

Năm 1964, lúc tôi phục vụ ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, Pleiku, tôi chỉ nghe danh anh Nguyễn duy Cung, là BS Quân y rất tận tụy ở Sư Đoàn 22, đã được thăng cấp Đại Úy ngoài mặt trận v. v.  nhưng chưa hề gặp mặt anh .

Mãi đến năm 1967 khi tôi đắc cử Dân biểu Quốc Hội Lập Hiến cùng với một số Dân biểu gốc BS quân đội như các anh: Ngô Văn Nhâm, Vũ Ban, Phạm Kế Toại, Nguyễn Duy Cung v. v.  Và tôi có cơ hội quen biết anh Cung trong thời gian này.  Một người trầm tỉnh, hiền lành, dễ mến.  Anh là dân biểu đơn vị Phan Thiết, tuy không lên diễn đàn xông xáo như các anh em khác, nhưng lúc nào Anh cũng đi họp rất nghiêm túc. 

QHLH được bầu lên với nhiệm vụ soạn thảo bản Hiến Pháp cho Nền Đệ Nhị Cộng Hòa ViệtNam.  Muốn hoàn thành nhiệm vụ này,các vị DB phải đi họp đầy đủ, để Quốc Hội có đủ túc số khi biểu quyết Hiến Pháp. 

Trong thời gian soạn thảo HP 1967, và viết các bộ Luật thi hành HP, tôi cũng được hân hạnh quen biết những DB thuộc thành phần đối lập với chánh phủ quân nhân của Ông Nguyễn Cao Kỳ thời đó như Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, Kỹ sư Nguyễn Hữu Chung...

Một kỹ niệm đặc biệt với anh Cung là nhân dịp QLVNCH chiến thắng lấy lại Tỉnh Quảng Trị sau thời gian ngắn bị CS chiếm đóng.  Trong QHLH cử một phái đoàn DB đi ủy lạo Nhân dân trongTỉnh, Cụ Phan Khắc Sửu, Chủ Tịch QHLH kêu gọi những DB tình nguyện đi công tác này, trong số đó có DB Đại tá Đàm Văn Quý, Thiếu tá BS Nguyễn Duy Cung, và Đại Úy Quân Pháp Ngô Thanh Tùng, DB Trần Điền (sau bị VC thãm sát trong đợt Tết Mậu Thân tại Huế) và DB Nguyễn Văn Thông.... Trong giai đoạn chiến trường còn sôi động, con đường từ Huế ra Quảng Trị rất nguy hiểm, mất an ninh,VC thường xuyên chận xe đò để bắt các quân nhân, công chức, và hành quyết nạn nhân tại chổ.  Nên vấn đề tình nguyện đi Quảng Trị là một rủi ro.  Nhưng lần đó phải nói là chúng tôi may mắn trở về an toàn và được báo chí Sàigòn hết lời khen ngợi là "có tinh thần".

Sau khi mãn nhiệm QHLH, anh Cung trở lại Quân đội, tôi cũng giải ngũ đi du hoc, sau đó trở về làm giáo sư Viện Đại Học An Giang, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau trong thời gian anh Cung làm Giám đốc Bệnh Viện Nguyễn Văn Học, Gia Định.  Sau 1975, qua Mỹ, tôi gặp lại anh Cung, lúc anh được thực tập để hành nghề BS giải phẫu và chuyên khoa Mổ Lồng Ngực tại Loma Linda.  Chúng tôi cùng ở miền Nam Cali, anh Cung mở phòng mạch Plastic Surgery ở Brookhurst, rất đông thân chủ, tôi làm giáo chức cho Garden Grove.  Anh em gặp nhau mỗi tuần vài ba lần ăn uống, đàn hát... Anh Cung mê đàn Guitar, ham đọc sách và thích vẽ, trong nhà anh treo rất nhiều tranh sơn dầu do anh ký họa.  Tôi thì biết chút ít Giutar nên hay hòa nhạc với anh.  Chị Anna, vợ anh Cung là một Pianist tuyệt kỷ.

Khi anh Cung viết cuốn Hồi ký này, tôi là người sửa chánh tả và giúp ý kiến, nhưng vẫn thấy chưa hoàn chỉnh .  Sau đó, tôi khuyên anh nên tìm một nhà văn chuyên nghiệp để "hiệu đính" thì tác phẩm mới đủ tiêu chuẩn xuất bản.
Ở Mỹ có danh từ "Ghost Writer".  Anh Cung cần một nhà văn "ẩn danh" làm việc này...thì cơ may đã đến.  Chúng tôi gặp lại GS Nguyễn Văn Sâm, bạn đồng viện DB-QHLH trước kia và hiện nay cũng là cây bút cứng cỏi trong văn đàn hải ngoại, Anh nhiệt tình nhận lời đề nghị của chúng tôi để giúp anh Cung hoàn thành cuốn hồi ký này.

Anh Cung đã dành trọn cuộc đời làm một lương y tận tụy, cống hiến cho xã hội biết bao thành quả tốt đẹp của Y đức, trên bước đường anh đi luôn để lại danh thơm tiếng tốt trong nghề nghiệp của mình, anh là người đứng đầu sóng ngọn gió để hoàn thành trách nhiệm được giao bằng lương tâm đạo đức chân chính.

Bạn bè đều nhắc tên anh với lòng ngưỡng mộ quý mến

Nay cuối đời, anh chỉ mong để lại chút ít kinh nghiệm bản thân cho những thế hệ đi sau.  Mong rằng hoài bảo nhỏ nhoi này của anh Cung sẽ được viên mãn.

Ngô Thanh Tùng, Cựu DB-TTK QHLH / VNCH

Nguyễn Công Luận

Tôi là Nguyễn Công Luận, bạn lâu đời của anh Nguyễn Duy Cung.  Tôi quen anh Cung từ năm 1960 khi phục vụ tại Bộ Tham Mưu Sư Đoàn 22BB ở Kon Tum.  Anh Cung là y sĩ điều trị của Đại Đội 22 QuânY.  Anh Cung là một nhân vật rất đặc biệt, có cuộc sống năng động và chan hòa tình cảm cùng mọi người, được anh em sĩ quan, binh sĩ trong Sư đoàn quý mến.  Anh trông nom sức khoẻ cho binh sĩ và nhất là bệnh binh, thương binh với thái độ tận tụy, ân cần. 

Tôi cùng đi công tác với anh Cung nhiều lần, có những lần đi trận, anh Cung không ngại nguy hiểm, nửa đêm luồn rừng đến một đại đội tác chiến đang ở dưới áp lực của địch với một tiểu đội bảo vệ để mổ cấp cứu cho các binh sĩ.  Nơi nào có bệnh nhân kể cả thường dân cần anh, anh cũng hăng hái đến tận nơi.  Ngày giỗ thân mẫu anh, anh làm mâm cúng bà cụ và mấy người bạn anh cùng hưởng món cúng.  Tôi vẫn giữ liên lạc với anh những năm sau đó, khi anh ứng cử vào Quốc Hội, tôi cùng mấy người bạn nỗ lực vận động ủng hộ anh.  Tôi thường ghé bệnh viện Nguyễn Văn Học thăm anh.  Tôi ở trong tù VC khi anh vượt biên sang Mỹ.

Năm 1990 tôi  sang Mỹ định cư và thỉnh thoàng ghé thăm anh, hoặc gửi thư  hay điện thoại.  Tôi  than  phục anh Cung, coi  anh  Cung  như  một lương  y có  lương  tâm  chức  nghĩệp cao nhất, một  y sư đáng kính nhất, một con người có tấm lòng với tha  nhân sáng chói nhất trong số những người tôi quen biết.

Xin đóng góp mấy lời chân thành trong thâm tâm và nhiệt huyết để cầu chúc những gì tốt đẹp nhất cho Bác Sĩ Nguyễn Duy Cung.

Nguyễn Công Luận (Lữ Tuấn)